Văn làm báo

Xưa nay, trong cuộc sống hay trong từ điển, người ta đã phân biệt rõ ràng “Văn” và “Báo”. Tất nhiên, cũng chưa thấy ai làm một việc dại dột đem so sánh giữa hai nghề này xem nghề nào vinh quang hơn.

Dường như, đó là sự thận trọng của những người đã gắn mệnh mình vào câu chữ thì phải!

 

Thế nhưng, cũng phải nói thật, có một cách nói đã thành thói quen khiến chúng ta có thể suy ngẫm. Thường thì người ta nói “nhà văn đi làm báo” chứ ít khi nghe nói ngược lại “nhà báo đi làm văn”, dẫu rằng sự giao thoa, xâm lấn giữa hai nghề cao quý này âu cũng là chuyện thường tình. Ai cũng biết, nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954) đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I với hai bộ tiểu thuyết Tắt đèn và Lều chõngnổi tiếng. Dẫu biết Ông còn là một nhà báo tài ba với thiên phóng sự Việc làng hàm chứa sự am hiểu vô cùng sâu sắc xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 khiến nhà văn cùng thời là Kim Lân phải thán phục: “Tôi và anh Nam Cao chẳng qua là những anh tiểu tư sản có sống ít nhiều ở làng quê mà viết về nông thôn, chứ bác Tố là người gắn bó máu thịt với ruộng đất, ao muống, bờ tre… hơn chúng tôi nhiều”; thế nhưng trên hết người ta vẫn coi cụ Ngô Tất Tố gốc gác là một nhà văn. Hình như đối với ông thiên chức của nghề văn đã làm nên một cây bút uyên thâm và lỗi lạc. Còn chuyện ông làm báo có thể là muốn gây một hiệu quả xã hội ngay tức khắc đối với chế độ đương thời.

Ngày nay, trong tốc độ chóng mặt của nhịp sống hiện đại, thường đã là nhà văn, ít ai lại không tham gia viết báo, làm báo. Báo chí vừa là phương tiện để nghề văn kiếm sống, vừa là mảnh đất màu mỡ và thân thiện nuôi dưỡng tài năng của các nhà văn, giúp cho các tác phẩm của họ lưu truyền sang hậu thế. Thật khó tưởng tượng nếu không có báo chí, các nhà văn Việt Nam ta bây giờ sẽ lưu bút và thể hiện mình như thế nào. Những tờ báo in ngày Tết, những trang báo điện tử ngày Xuân, ngày kỷ niệm, văn hoá- lịch sử được in trang trọng những bài thơ, truyện ngắn thật khó bán… là những minh chứng xúc động nhất tình cảm của các nhà báo với “người bạn láng giềng thân thiện” là các nhà văn. Ngay cả một câu nói cao ngạo, trào lộng: “không có thơ của thằng tôi, báo bán cho… ai?!” cũng làm sao giấu được sự ẩm ướt của lời hàm ơn trong đó. Nói dzậy mà không phải dzậy, là như thế chăng?

Ngẫm cho cùng, nhà văn đi viết báo ấy là sự “chẻ văn” mà làm thời sự, là ao ước được tham chiến để tác động trực tiếp đến thực tiễn cuộc sống và mong muốn nhìn thấy hiệu quả xã hội tức thì của văn mình. Nhiều thiên phóng sự giầu chất văn học của những tài năng lớn đã trở nên ngày một lấp lánh qua sàng lọc của thời gian. Tâm hồn, tài năng của nhà văn làm nên sức mạnh của câu chữ, làm mềm trang báo, có thể hội tụ và lan toả một cách lâu bền ý nghĩa nhân văn của một sự kiện báo chí. Sẽ không ai nghi ngờ những tác động âm ỉ, dẫu chậm chạp, nhưng rất sâu rộng ý tưởng của nhà văn tài ba với tư cách là tác giả của tác phẩm báo chí xuất sắc. Văn làm báo vì thế bao thời nay đã góp nên một góc nhìn nhân văn cho báo chí, một góc nhìn thẳm sâu, sức sống lâu bền với thời gian…

Phải chăng điều đó là do tình cảm, sự xúc động của nhà văn làm báo tạo nên hiệu quả xã hội tức thì và rộng lớn cho tác phẩm báo chí của họ. Thế nhưng, như một định mệnh, tâm tính của một nhà văn vốn quen với chiều sâu suy ngẫm, nặng về tình cảm nhiều khi lại làm hại chính họ. Sự “duy tình” dường như thường hay che mất phần lý lẽ. Sự xúc động cả tin dường như nhiều khi che khuất sự phức tạp của cuộc sống đương đại. Thật giả lẫn lộn, nhiều nhà văn đã thất bại khi đánh đu với nghề báo. Thậm chí có nhà văn tài ba đã vướng vào vòng pháp luật. Có thể là do hồn nhiên, do cả tin, có thể còn do mình ngộ nhận về tài năng và uy lực của ngòi bút. Thế nhưng, có hề chi. Thiên chức và sứ mệnh của nghề văn là dâng hiến, là sự dấn thân. Biết đâu, “tai nạn” ấy nhiều khi làm nên cơ hội giàu có của đời sống nhà văn nói chung. Vậy thì ai nỡ buồn đau về sự thua thiệt do cả tin mà mắc phải.

Viết báo đối với nhà văn quả là không khó. Nhưng làm báo đối với nhà văn lại không đơn giản chút nào. Từ viết báo đến làm báo dường như là một sự chuyển đổi về chất từ lao động giản đơn đến công nghệ phức tạp. Từ viết báo đến làm báo phải chăng là đi từ sự “tiện tay”, “làm thêm” tới một nghề hoàn toàn mới mẻ. Trong sự giao thoa hay chuyển đổi nghề không thể dứt mạch ấy, biết bao thác ghềnh, rủi may đeo bám số phận họ. Cũng có người đã thành công. Cũng có người sạt nghiệp. Những lúc ấy xin hãy lắng nghe lời nhà văn, nhà báo uyên thâm Ngô Tất Tố: “Muốn làm giàu thì đừng làm nhà văn. Đã làm nhà văn thì đừng nói chuyện làm giàu”.

Suy rộng ra, văn làm báo là để mong thành đạt, chớ ham giàu. Bởi “chữ giàu đi với chữ… đau một vần” vậy.

Bài viết

Comments are closed.