Nhớ ơn thầy nghĩa bạn

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi rủ nhau về thăm thầy cô từng ở khu trường Đại học Tổng hợp của mình (nay là Trường Đại học KHXH&NV, Hà Nội). Dường như cứ mỗi lần được về thăm các thầy cô, chúng tôi lại được tiếp nhận thêm một bài học mới về đạo làm thầy, đạo làm trò. Thật may cho lớp học sinh ở tuổi U50 như chúng tôi, năm nay được gặp lại Thầy giáo nhân dân, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm khi thầy bước vào tuổi 82, một trong 4 giáo sử học lừng danh của Việt Nam làm nên “Tứ trụ triều đình” Lâm – Lê – Tấn – Vượng được dân gian truyền tụng cho tới ngày nay. Tóc trắng như cước, nhưng tác phong còn nhanh nhẹn, với giọng nói sang sảng không giấu được xúc động, Giáo sư Đinh Xuân Lâm kể rằng, ông vừa gọi điện kính thăm sức khoẻ thầy giáo của mình là Giáo sư Trần Văn Giàu năm nay đã 96 tuổi. Ông cũng đang bồi hồi nhớ về cái thưở hạnh phúc được làm học trò của các thầy giáo uyên thâm và lừng danh cánh đây gần nửa thế kỉ.

Quê gốc ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, từ một thầy giáo trung học ở tỉnh Thanh, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thầy giáo trẻ Đinh Xuân Lâm được cử ra Hà Nội học trường Đại học Sư phạm Văn khoa. Sau đó, ông cùng các bạn đồng môn Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn được giữ lại trường dưới sự dìu dắt của thầy Giàu. Trong con mắt của Giáo sư Đinh Xuân Lâm lúc ấy, thầy giáo Trần Văn Giàu như một huyền thoại, một nhà chính trị, một nhà triết học và nhà hành động cực kì thông minh, bản lĩnh, đã kiên quyết nghiên cứu lĩnh vực gì thì đi đến tận cùng cho đến thành công mới thôi. Thế nhưng, điều làm cho bao học trò trưởng thành nhanh nhất chính là nhờ phẩm chất vô cùng cao quý của thầy Giàu: Nổi tiếng như vậy, nhưng thầy Giàu rất dân chủ, tôn trọng sinh viên, tôn trọng ý kiến của lớp trẻ. Trong các cuộc họp hay sinh hoạt khoa học, bao giờ ông cũng lắng nghe ý kiến của học trò, sau mới đưa ra những quyết định đúng đắn. Ông nghiêm khắc dìu dắt học trò trên con đường khoa học, nhưng lại bao dung thương trò hết mực trong cuộc sống. Ông sẵn sàng đứng tên xuất bản chung sách với học trò hay viết lời giới thiệu cho sách của họ xuất bản lần đầu nhằm nâng đỡ những bước đi ban đầu, bảo vệ và cảm thông với những sai lầm vấp váp của học trò. Giáo sư Lâm còn nhớ, sau hai năm ra trường giúp việc cho thầy, ông và một thầy giáo trẻ khác đước đứng tên chung với thầy Trần Văn Giàu in cuốn sách đầu tiên “Lịch sử Việt Nam 1987–1914”), tiền tạm ứng của Nxb Xây dựng thầy Giàu đưa hết cho 2 cán bộ trẻ và giục “bồi dưỡng sức khoẻ để có sức làm sách tiếp…”. Thầy tin ở lớp trẻ, nhìn đúng điểm mạnh yếu, mạnh dạn giao việc để lớp trẻ trưởng thành, tất nhiên có kiểm tra uốn nắn. Những giờ giảng đầu tiên, thầy đến dự giờ, cuối buổi có đánh giá rút kinh nghiệm với từng người. Thầy bảo “Tôi để các chú xuống nước để các chú tự bơi, tự cứu mình”. Suốt cuộc đời mình, thầy Giàu vui nhất khi nhìn thấy học trò thành đạt trong tất cả lĩnh vực. Có lần nghe tin học trò Đinh Xuân Lâm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên năm 1982 trước mình, thầy Giàu vui lắm đến chúc mừng lòng sáng, không gợn chút mảy may. Ông gọi các thầy giáo trẻ là “chú”, xưng “mình” một cách gần gũi, thân tình. Tuy chỉ trực tiếp làm việc dưới quyền thầy giáo Trần văn Giàu có 5 năm, nhưng dường như suốt cuộc đời khoa học, GS Đinh Xuân Lâm vẫn thường thỉnh giáo thầy Giàu nhiều vấn đề cần nghiên cứu; tinh thần và đạo làm thầy của thầy giáo Trần Văn Giàu đã theo trò Đinh Xuân Lâm đến tận bây giờ. Ông khẳng định: “Không có Giáo sư Trần Văn Giàu thì không có Giáo sư Đinh Xuân Lâm”. Ông cũng kể rằng, mỗi lần trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh hoặc điện thoại thăm thầy cô, câu đầu tiên mà người Anh hùng lao động Trần Văn Giàu hỏi trò là “cô và các cháu ở ngoài ấy có khoẻ không?”, đạo làm Thầy của thầy Giàu luôn sáng trong như thế. Học trò bao thế hệ đã soi vào tấm gương nhân cách lớn và đạo đức của thầy Trần Văn Giàu để răn mình, học thầy, làm theo thầy để gắn kết, hỗ trợ giúp nhau dựng nghiệp lớn. Có thể nói, GS Trần Văn Giàu là người khai sáng cho bản lĩnh, phương pháp khoa học chẳng riêng cho Khoa Lịch sử (Đơn vị Anh hùng Lao động) mà còn góp tuệ minh giá trị tinh thần cực lớn cho cả ngôi trường Đại học Tổng hợp xưa và Trường Đại học KHXH&NV ngày nay.

GS, NGND Đinh Xuân Lâm cũng giải thích cho lớp hậu sinh chúng tôi về nguồn gốc việc xếp 4 học trò của thầy Giàu “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” hàm ý coi là “Tứ trụ triều đình” của giới sử học Việt Nam. Theo ông, cả 4 giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đều không rõ ai là tác giả của câu thành ngữ hiện đại trên, có thể là câu nói dân gian do các cựu sinh viên yêu quý thầy, yêu quý Khoa Lịch sử, yêu quý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà “dệt” nên. Trong 4 giáo sư thì Đinh Xuân Lâm là lớn tuổi nhất, Hà Văn Tấn là “em út”, dẫu không hiểu dân gian xếp như vậy theo trật tự nào, nhưng có thể nói các ông đều vinh hạnh cùng được Thầy Giàu dìu dắt, nên tất thảy đều chung chí hướng, trọng tài nhau, học lẫn nhau, tạo mọi điều kiện cho nhau để cùng trưởng thành. Một lần sang Pháp công tác, có một trí thức Việt Kiều đã hỏi Giáo sư Lâm “Trên thế giới này, thường người nổi tiếng hay ganh tị, kìm hãm nhau. Sao 4 ông lại só thể sống thân nhau đến vậy?”, Giáo sư Đinh Xuân Lâm trả lời đại ý: “Có thể chúng tôi chung một người thầy lớn, ngượng mộ người thầy lớn là Giáo sư Trần Văn Giàu nên các trò sống có nghĩa với nhau. Người Việt Nam có câu “Không thầy đố mày làm nên”; cũng lại có câu “Học thày không tày học bạn”. Bạn chúng tôi đều là người tài, khí khái, có cá tính mạnh, chúng tôi thương nhau, trọng nhau, nương nhau để cống hiến cho đất nước…”.

Bây giờ Giáo sư Trần Quốc Vượng đã mất, các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn vẫn thuỷ chung với nhau, thuỷ chung với Thầy giáo Trần Văn Giàu. Đó phải chăng là một giá trị tinh thần lớn, mãi mãi toả sáng đạo làm thầy, đạo làm trò. Đó cũng là hiện thân của tinh thần ơn thầy nghĩa bạn mà Trường Đại học KHXH&NV cần lưu giữ, coi như một tài sản vô giá.

Bài viết

Comments are closed.