Một cuốn sách đầu tay đáng đọc

Nhà văn Xuân Thiều

Thông thường một cuốn sách đầu ta ít làm bạn đọc để ý. Bởi vì nó là tác phẩm của tác giả mới ra mắt lần đầu, tên tuổi còn lẫn vào đám đông. Tác phẩm chưa được thử thách qua dư luận bạn đọc, qua các nhà phê bình. Có thể nó vô hại, nhưng cũng vô bổ. Đấy là chuyện thông thường.
Nhưng trong thông thường vẫn có cái bất thường. Có thể đó là trường hợp tác phẩm “ Đối mặt”, tập truyện ngắn của Nguyễn Hồng Thái do NXB Công an nhân dân phát hành tháng 2/2000. Nghĩa là in đã lâu lâu mà chưa có mấy người nhắc đến. Đấy là một tác giả đã 43 tuổi, người mà tôi gặp lần đâu ở Trại sáng tác văn học của ngành Công an năm 1993. Hồi ấy anh còn trẻ, công tác tại Bộ Công an, mới viết lần đầu. Anh còn rụt rè kể cho tôi nghe những ý định sáng tác. Tôi khuyến khích anh. Và khi anh nộp truyện “ Người tù của ngày xưa”, thì vị trí của anh đã thay đổi hẳn. Truyện được đọc cho cả Trại sáng tác nghe, ai cũng khen hay. Bây giờ thì Nguyễn Hồng Thái là phóng viên Báo CAND. Làm báo bù đầu, tối mắt, nhưng được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều chuyện, được chứng kiến nhiều cảnh đời, anh lại viết thêm được nhiều truyện. Xong Trại sáng tác, về lại Bộ CA, anh viết thêm một số truyện, trong đó có truyện ngắn “ Đối mặt” được trao giải Nhất giải thưởng Cây bút vàng của Bộ, một truyện được độc giả hoan nghênh.
Thực ra, trước đây tôi chỉ đọc của anh có hai truyện ấy, nhưng nay đọc cả tập, mới thấy hết sức ngạc nhiên. Tập truyện có 14 truyện ngắn, dày 263 trang, nhưng tôi đọc một mạch, càng đọc càng ham. Đọc xong, tôi phải đọc lại lần nữa, bởi truyện của anh có một ma lực hấp dẫn, hấp dẫn kỳ lạ. Tôi bỗng nhớ đến nhà văn quá cố Lê Tri Kỷ, một nhà văn lão thành thuộc ngành Công an, một cây viết truyện ngắn rất hay. Đọc Lê Tri Kỷ tôi luôn có ám ảnh phải đọc lại. Đọc lại mới thấy được cái hay của truyện.
Ngành Công an có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ an ninh, trật tự trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Nhiệm vụ to lớn và nặng nề, nhưng công việc của họ thật phức tạp, cái tốt cái xấu xen kẽ, đan xen vào nhau, cái thiện cái ác có khi dùng chung khuôn mặt, phải có con mắt tinh xảo, đầu óc sáng láng mới phân biệt ra. Đọc “Đối mặt”, tôi cảm giác Nguyễn Hồng Thái già dặn từng trải hơn tuổi đời rất nhiều. Tập sách này chủ yếu anh viết về các chiến sỹ Công an nhân dân với những tâm trạng tinh tế, phức tạp khác nhau, về những phạm nhân ngồi tù hẳn hoi, nhưng tâm hồn lại có những điều đáng kính trọng. Đấy là trường hợp phạm nhân Trần Bình trong truyện “ Người tù của ngày xưa”. Hắn lãnh án 5 năm tù giam vì phạm tội đá gãy chân phó Chánh án huyện – tên này vì ăn đút lót của tay cán bộ xã, dùng uy quyền xử sai trái, khiến cô vợ liệy sỹ, bạn đồng đội của Bình trong chiến tranh có nguy cơ mất miếng đất ở. Ngôi tù đã được 3 năm, bỗng nhiên Bình gặp Trung tá Kinh, đồng đội đã cùng Bình sống sót sau giải phóng Sài Gòn trên chiếc xe tăng 395, nay mới về làm Giám thị trại cải tạo. Một cuộc gặp gỡ tình cờ và đầy xúc động. Nhưng giữa hai người đã có một khoảng cách. Trước kia hai người là đôi bạn vào sống ra chết có nhau, nay là quan hệ giữa Trưởng trại giam với phạm nhân. Tác giả Nguyễn Hồng Thái đã giải quyết khoảng cách này rất khéo. Họ vẫn là quản giáo và tù nhân, không hề tỏ rõ sự quen biết nhau giữa ba quân thiên hạ. Trung tá Kinh nếu có ân huệ riêng cho Bình cũng kín đáo. Chỉ chú ý chỉ đạo cho Bình cầm đầu một nhóm làm khoán đạt kết quả tốt, được thưởng tiền, và để có cớ mà giảm án cho Bình, thực tình tội của Bình là tôi hấp tấp thiếu khôn ngoan. Giá Bình đánh tay phó Chánh án ở nhà riêng của hắn thì đâu đến nỗi, đằng này lại nổi cơn phẫn nộ tại Toà án thì rõ ràng là đnáh người đang thi hành công vụ rồi. Trung tá Kinh ngoài nhiệm vụ lo chung cho cả trại, còn luôn luôn lo lắng phần tình nghĩa cho Bình. Anh thư từ liên lạc với cựu chiến binh cũ đến thăm gia đình Bình, cho tiền, cho quà, giúp mẹ và vợ con Bình sửa lại nhà ở. Đại đội trưởng xe tăng cũ giờ đây là Tổng giám đốc công ty Nhà nước, hứa sẽ đưa xe đến đón Bình lúc được tha. Thư Đại đội trưởng cũ gửi cho Bình có một câu: “Cậu như viên Pênixilin quá đát, uống vào không gây chết người, nhưng không còn tác dụng nữa. Không thể đem cái tốt đơn sơ thời chiến tranh chống lại cái ác đang quỷ quyệt tinh vi hơn ở thời bình. Cái tốt cần thông minh hơn nữa, Bình ạ!”.
Truyện ngắn “ Đối mặt” lại nói về tên cướp tự xưng là Cung cùng đường. Tên Cung vốn làm bảo vệ cho một lâm trường. Hắn là tay hảo hán nhưng hết sức nghiêm túc. Bon lâm tặc ve vãn mãi, nhưng không một cây gỗ nào lọt khỏi cửa rừng. Chúng quay ra mua hẳn giám đốc. Giám đốc ra lệnh xuất gỗ, tiền vào đâu không ai biết, chỉ biết thằng Cung pjhải mở cổng cho xe ô tô từng đoàn vào ra nhả khói vào mặt hắn. Cay đắng qua, hắn cãi nhau với giám đốc, và chỉ nhận được những câu chửi bới thậm tệ. Đã thế thằng Cung viết đơn kiện. Giám đốc bảo: cho mày nghỉ 3 tháng ăn nguyên lương đi kiện, sau 3 tháng ai thua kiện thì đi khỏi xí nghiệp này. Đã đến bước đường cùng, chẳng mấy chốc trong lâm trường không còn cây gỗ mục nào. Cái quyết định cho thôi việc của Cung cũng bị giám đốc ném vào mặt hắn kèm theo câu chửi chỉ có vùng đất ấy mới có: “ Cả họ nhà mày ngu”. Máu nóng bốc lên. A ha! nó dám động đến giòng tộc nhà ta à? Hắn nhảy lên. Hai bên đu đẩy, đầu giám đốc toé máu. “ Goi công an mau lên”. Thằng Cung chạy biến. Buổi tối hắn mò vào nhà giám đốc: “Tôi sẽ chơi luật khác, buộc ông phải khuynh gia bại sản”. Hắn trở thành tên cướp Cung cùng đường từ đấy. Hai tháng sau hắn dẫn quân về cuỗm sạch tiền của nhà giám đốc. Tưởng đã trả xong mối thù rồi, nhưng tay thằng Cung đã nhúng chàm, tay kia phải trượt dài vào máu. Với lịch sử như thế, toán cướp của Cung cùng đường phát triển lên tới hàng trăm tên, trở thành thổ phỉ, chỉ cướp của kẻ giàu có bất chính và đám cán bộ đi công tác bằng xe lẻ. Cướp có “phép tắc riêng”, không lèm nhèm, nhưng đã trở thành hiểm hoạ cho một vùng đất phía tây Nghệ An, trở thành sự thách thức với công an tỉnh. Nhiệm vụ của Bộ giao phải bắt sống được thằng Cung, mới có thể bóc dỡ được hết tay chân của nó. Muốn vậy phải tìm được tay giám đốc cũ, nhử thằng Cung đến mà bắt. Nghe nói tay giám đốc mang cả gia đình trốn vào Nam, rồi bỏ vợ con trong đó, ra Hà Nội sốngvới bồ nhí. Sống bất hợp pháp ở Hà Nội thì khó tìm đấy, nhưng khó mấy rồi cũng tìm được. Trước hết là chính thằng Cung bị trúng kế, hắn đã rút chân ra khỏi miền sơn cước. Hắn thề sẽ cắt gân thằng giám đốc. Khát vọng trả thù buộc hắn phải đánh hơi tên giám đốc. Công an Nghệ An cũng đã ra Hà Nội phục sẵn. Trong đám CA Hà Nội có một người tên Đinh, dân Nghệ An. Trong lúc truy lùng , Đinh phát hiện tên Cung cùng đường chính là thằng Nguyễn Văn Bôn, con Giáo học, xóm Dàn, làng Yên, bạn học cùng làng với mình. Khi được tin thằng Cung bị vây đã túm một bé gái chạy ra bãi sông Hồng, Công an kêu gọi hắn đầu hàng nhưng chỉ được trả lời bằng một phát đạn. Đinh đề nghị với chỉ huy cho Đinh ra đối mặt với thằng Bôn. Ai cũng can, nhưng Đinh quyết tâm. Đinh cầm loa gọi đúng tên Nguyễn Văn Bôn, tự xưng tên mình, rồi mới kêu gọi hắn đầu hàng Nhà nước, đừng chết uổng. Trong một khoảng cách đêm tối ngoài bờ sông lầy lội, hai bên đã nhận ra nhau. Và khi Công an hợp vây chỉ túm được đứa trẻ và Đinh ướt sũng, còn thằng Cung thì đã biến, không biết bằng cách nào. Mấy hôm sau, Đinh nhận được thư không dán tem của thằng Bôn: “…Mấy chục năm gặp lại, mày được lắm. Tao tự đến nhà giam vì hiểu lẽ đời có vay có trả. Việc tao tự thú chẳng liên quan gì đến mày, cũng chẳng liên quan tới thằng đếch nào cả. Mày không nên nói với ai về lá thư này. Thôi, vĩnh biệt.”.
Hai truyện ngắn trên đây, một truyện viết về tình cảm đồng đội, cái thì nói về tình nghĩa bạn học. Theo tác giả, đấy là hai thứ tình cảm bền chặt và quý báu khó bề so sánh. Viết về CA, một môi trường có người yêu kẻ ghét, Nguyễn Hồng Thái không bênh vực CA một cách chằm chặp vô lý, mà tỏ ra khách quan. Truyện ngắn “ Một người nước ngoài và ông Trại trưởng” làm tôi kinh ngạc. Tôi đã đến thăm các trại tù nhiều lần, nhưng đọc truyện này tôi quý trọng người cán bộ CA hơn những điều mình đã biết. Người khách nước ngoài trong truyện vốn là lính Mỹ đã từng tham chiến ở miền Nam nước ta, sau về học đại học, đỗ bằng tiến sĩ tâm lý học. Y sang Việt Nam với một phái đoàn từ thiện muốn tìm hiểu vấn đề nhân quyền ở một trại tù. Chỉ cần qua cuộc đối thoại giữa ông Trại trưởng vốn là cán bộ quân đội, ông tiến sỹ này đã hiểu rõ quan điểm nhân quyền của Việt Nam là có lý lẽ đúng đắn và sắc sảo. Người tiến sỹ hỏi, ông Trại trưởng trả lời. Cho đến một lúc, Trại trưởng hỏi ông ta: “ Thưa tiến sỹ. Được biết ông có hai quốc tịch và làm việc cho một tổ chức từ thiện quốc tế, xin được phép hỏi ông là ông phục vụ quyền lợi của dân tộc nào?”. Một câu hỏi thật giản đơn, mà vị tiến sỹ không trả lời được hoặc là khó trả lời chính xác. Câu hỏi ấy ray rứt lòng người tiến sỹ mãi về sau. Tôi có cảm giác ông Trại trưởng này có khả năng làm công tác ngoại giao tuyệt vời, thông minh, chặt chẽ, trung thực, và mang đầy tính cách Việt Nam.
Viết về CA còn có truyện “ Vượt cạn”, truyện “Nén hương viếng muộn”, truyện “Đi qua một người điên” đều đầy tính nhân văn. Hai nhân vật CA là Hoàn và Phong đi vây bắt tên cướp khét tiếng, rình tại nhà nó đúng đêm vợ nó đẻ con đầu lòng. Ngồi mai phục 2 tiếng đồng hồ, lắng nghe từ tiếng vợ nó rên la đau đớn, tiếng bà đỡ chỉ bảo quát nạt, chứng tỏ vợ nó đẻ khó khăn, thai ngược. Đã nhìn thấy tên cướp đưa tay cho vợ nắm, nhưng cả hai chiến sỹ CA không thể manh động mặc dù lúc này là thời cơ bắt nó tốt nhất. Chỉ cần dăm bước chân là sờ gáy tên cướp. Nhưng vẫn phải rán chờ, dù muỗi cắn, sốt ruột, mà sơ suất để sểnh nó thì không biết sẽ có bao nhiêu mạng người thiệt vì nó. Bắt thằng cướp bây giờ thì dễ, nhưng để vợ nó mẹ tròn con vuông đã. Hấp tấp vội vã sẽ có tai ương không lường được. Đợi mãi, đợi mãi cho đến lúc có tiếng thét của người đàn bà và sau đó là tiếng khóc ngặt nghẽo ném vỡ màn đêm báo hiệu một sinh linh mới ra đời. Việc bắt tên cướp nhanh đến nỗi chính hắn cũng không hiểu vì sao hắn đã bị còng. Hoàn bấm đèn pin vào khuôn mặt lỳ lợm của thằng cướp và bảo: “ Bọn tao chờ hai tiếng đồng hồ để vợ mày sinh rồi mới gô mày. Nghe chưa? Cho mày mấy phút vào an ủi cô ấy cho đỡ sợ. Nhanh lên!”.
Bắt một tên cướp mà những người CA còn lo bảo vệ tính mạng cho vợ con nó vào lúc “ vượt cạn”, điều tưởng là nhỏ nhoi nhưng trong tâm hồn lại rất lớn. Truyện “ Nén hương viếng muộn” là lời sám hối của một anh CA trẻ ở đồn số 5 của thành phố. Khi bắt được tên ăn trộm xe đạp tên là Liêm, nhưng hắn sụp xuống xin tha tội vì đây là trót dại lần đầu, bởi vợ nó ốm nặng quá, cần tiền mua thuốc. Hắn van nài mời anh đến nhà để xem sự thực, nhưng anh CA tỏ ra cứng nhắc, bắt được quả tang, cứ đưa lên quận, họ có người để đi xác minh, mình còn bao việc phải làm. Rồi anh được đi học đại học. Sau 5 năm, nhận quân hàm Đại uý, anh được trở về đồn cũ. Khi về tới chợ Đức An cạnh đồn, có một anh bảo vệ đeo băng đỏ chào hỏi rất vồn vã, bắt tay anh rất chặt, anh không nhớ ai. Mãi sau mới nhận ra đấy là Liêm, tay ăn cắp xe đạp trước kia. Hồi đó ta này bị giữ ở quận 3 hôm để điều tra. Sau khi xác minh, Liêm được tha một ngày thì vợ Liêm nhắm mắt. Giờ đây anh đại uý CA mới thấy ân hận, cảm thấy mình có lỗi trước cái chết của vợ Liêm. Giá như ngày ấy, anh tự đi điều tra thì số phận Liêm có thể đã khác, gia đình Liêm có thể bình yên hơn. Người đại uý đã đến thăm Liêm, thắp hương lên bàn thờ vợ Liêm. Khi rõi vào đôi mắt đang im lặng trên bức ảnh người vợ, có thể biết rằng chị không phải người xấu, cũng như Liêm, trước khi sờ tay vào chiếc xe đạp ở chợ Đức An ngày nào, thì anh đã là người lương thiện. Thấy đại uý CA bần thần trong nỗi ân hận khắc khoải, Liêm nói: “ Chú Hai không có lỗi gì đâu”. Đúng là về trách nhiệm thì không có lỗi, nhưng về lương tâm thì sao lại không có một bài học đích đáng được? Biết ân hận về một nỗi niềm đòi hỏi tính nhân văn cao phải chăng là tác giả đã nâng cao tầm nhìn cho bạn đọc. Đọc mà không phải suy nghĩ, không ray rứt điều gì thì tác phẩm khó có thể gọi là có tư tưởng được. Hầu hết 14 truyện ngắn trong “ Đối mặt” đều không phải đọc cho biết truyện, mà đằng sau cốt truyện là thu lượm điều tác giả cần giải bày, cần nhắc nhở, cần căn dặn. Đấy là tâm huyết của nhà văn.
Ngoài những truyện ngắn viết về chiến sỹ CA, trong “ Đối mặt” còn có 4 truyện viết về những quan hệ xã hội trong đời thường. Đấy là “ Chị ấy bỏ làng đi”, “ Mảnh trăng dễ vỡ”, “ Nơi tình yêu đi qua”, “ Hai người ở núi về”. Những truyện này đều hay, cảm động và khá sâu sắc. Đọc xong không dễ gì bỏ qua. Vì tác phẩm đã khơi dậy một nỗi buồn hơi lạ, nỗi buồn trong nhân tình thế thái, nỗi buồn của quá khứ không phải chỉ tình cảm giữa các nhân vật trong truyện, mà là sự kiện quá khứ, những nét ấu trĩ của thời đã qua. Một nỗi buồn buộc ta phải trả lời chính xác về các nguồn gốc của xã hội, nguồn gốc của tính cách Việt Nam.
Truyện Nguyễn Hồng Thái viết rất có văn, chữ nghĩa chọn lọc, tạo được hình ảnh và cảm xúc.
Tác phẩm đầu tay được như thế là hiếm thấy.
Dĩ nhiên là “ Đối mặt” vẫn còn những thiếu sót, như nhân vật xuất hiện dường như tuỳ hứng, không được chuẩn bị chu đáo từ trước làm người đọc bỗng nhiên ngỡ ngàng một chút. Không sao, nhìn chung “ Đối mặt” là cuốn sách đầu tay rất nên đọc. Những tác giả như Nguyễn Hồng Thái, đơn vị và nhất là Hội Nhà văn nên có kế hoạch bồi dưỡng. Chỉ tiếc là giải thưởng Hội Nhà văn năm 2001 toàn là tiểu thuyết, không có một tập truyện ngắn nào. Theo tôi, tác phẩm “ Đối mặt” rất xứng đáng được nhiều nhà văn tôn vinh.

13/11/2001
Xuân Thiều (tức Tú Hói, nguyên PTBT Tạp chí Văn Nghệ Quân đội)

Ai viết về tôi

Comments are closed.