Ngay từ năm 1946, lúc báo Công an Mới vừa ra mắt, có một điều đặc biệt là trong thời gian 3 tháng chuẩn bị cho ra số đầu tiên, đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, người khai sinh ra tờ báo Công an Mới đã “thắp đuốc” đi mời một số nhà văn, nhà báo có tên tuổi về chuyên viết cho báo Công an Mới. Nào là Phạm Cao Củng, một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám rất quen thuộc của bạn đọc báo Tiểu thuyết thứ bảy, nào là nhà văn Hoàng Công Khanh, nào là các nhà báo từng quen thuộc với độc giả như Tân Lang, Kỳ Phát, Đại Thanh, Lê Chi… Đây quả là một bước đột phá có tính chất “chiêu hiền đãi sĩ” của người đứng đầu Nha Công an Trung ương cũng là người đứng đầu của báo Công an Mới. Ai cũng biết những nhà văn, nhà báo ấy từng sống, từng viết tự do kiếm kế sinh nhai trong chế độ cũ, chẳng rõ tâm tính họ thế nào, nhưng chữ tâm chữ tài và sự hiểu biết trân trọng tài năng, tin cậy ở con người đã khiến các nhà lãnh đạo cao nhất của ngành công an hồi đó tìm đến họ, đón họ về làm việc trong một “gia đình” đầy những chuyện cơ mật của quốc gia. Phải chăng, từ cử chỉ đầu tiên ấy đã phôi thai nên một truyền thống Nhân văn-Tin cậy-Kịp thời mà nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập báo CAND sau này thổi bùng lên thành ngọn đuốc của phương châm nghề báo Công an? Và cũng chính nhà báo Hữu Ước tự nguyện là người tiên phong đốt mê say của con chữ thành một nghệ sĩ thuộc tốp đầu đàn có những đóng góp có tính “mở đường” cho sự hình thành nên một đội ngũ những nhà văn Việt Nam xuất thân từ làng báo công an…
Nhưng theo dòng lịch sử, người được nhắc tới trước tiên trong báo CAND có lẽ là nhà văn Ngôn Vĩnh, chẳng phải vì do anh từng 10 năm giữ chức Tổng Biên tập mà bởi chính anh là người có mặt ở báo CAND cách đây tròn 40 năm (1967) và bền bỉ phấn đấu trở thành nhà văn đầu tiên trưởng thành từ báo CAND. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn, khoác ba lô về nhận công tác tại Báo CAND thời kỳ báo phát hành nội bộ, chàng sinh viên Ngôn Vĩnh may mắn được sự “định hướng” của nhà văn Lê Tri Kỷ và lao vào sáng tác từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Tiểu thuyết “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” (sau đổi tên Bên kia cổng trời), “Rulro”, “Đất Thánh”… là những bộ tiểu thuyết tư liệu hấp dẫn, sáng giá làm nên phẩm chất riêng của nhà văn Ngôn Vĩnh: Lối viết tốc độ, sắc nét đầy góc cạnh trong dựng nhân vật; một cảm hứng trữ tình, đẹp đến mê hồn trong miêu tả phong cảnh vùng cao…. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 hẳn là có sự “phù chủ” của tờ báo CAND gần như anh gắn bó suốt cuộc đời…
Tổng Biên tập, nhà văn Hữu Ước so với lớp chúng tôi cũng chỉ hơn độ dăm bảy tuổi, nhưng mỗi lần nghĩ về nhịp sống và sự nhập thế của anh ở cuộc đời với tư cách một nhà văn thì quả là chúng tôi “lè lưỡi”! Từng là lính trinh sát biên phòng, mê nghiệp viết mà viết hàng ngày, gửi đều đặn cho nhiều tờ báo rồi trở thành phóng viên báo CAND từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trẻ tuổi đấy nhưng sao mà Hữu Ước lúc nào cũng chủ động lao vào vùng “tâm bão” để sống một cuộc sống thực với bao “lao tâm khổ tứ”: vinh quang và cay đắng, đau đớn vào ngạo nghễ, cô đơn và đông đúc tình bạn….Vì thế mà chẳng có gì ngạc nhiên khi có một nhà phê bình nói rằng, thật khó tưởng tượng khi những năm gần đây, ánh đèn sân khấu nước nhà vắng bóng những kịch bản giàu hành động, gai góc, nóng hổi tính thời cuộc và giàu triết lý, suy tư…của Hữu Ước! Ba tập kịch bản sân khấu “Khoảnh khắc mong manh” ,“Vòng vây cô đơn”, “Vòng xoáy” của anh liên tiếp đoạt giải thưởng của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; riêng “Vòng xoáy” còn đoạt giải A Giải thưởng văn học 10 năm (1995-2005) của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam. Truyện ngắn của anh từng sớm được giải thưởng của báo Văn nghệ và Tạp chí Tác phẩm mới (1995, 1996); rồi anh làm phim truyện, làm một cách khổ ải thật sự.Và mới đây, Hữu Ước làm thơ, địa hạt mà nhiều lần anh nói vui là mình không thể vươn tới, nhưng nay thì đã xuất bản hẳn một tập tên là “Thơ chơi” với những câu thơ phong cách rất lạ như cứa ra từ da thịt vậy… Hiếm có một nhà văn nào đi nhiều viết khoẻ như Hữu Ước. Anh từng đặt chân tới đất nước Triệu Voi của bạn Lào, Campuchia, Thái Lan, đi sang châu Âu, châu Mỹ, châu Phi,… đến hầu như tất cả vùng đất nghèo nhất của Tổ quốc mình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để trao tận tay những đồng quà tấm bánh của báo CAND, của bạn đọc cho những người dân lam lũ mà thuỷ chung với cách mạng, tiếp xúc và cảm thông với những số phận rủi ro trong cuộc đời nhiều giông bão… Lên Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước vẫn “giữ gốc lính”, “bia cỏ thuốc lào không bỏ được”… Và cứ thế, trang đời đầy ắp trong anh chảy ra trang văn để chưng cất thành tác phẩm. Và chính Hữu Ước là người lẽ ra phải được cấp “bản quyền” trong việc mở đường phong cách viết mới trên tờ An ninh thế giới; Viết hay về các số phận nhân vật bằng chất văn chương đẫm nhân văn. Từ phong cách ấy đã đào tạo, bồi dưỡng nên nhiều nhà văn trẻ cho lực lượng CAND. Hữu Ước cũng chính là một trong ít nhà văn nhen nhóm đội ngũ để sáng lập nên Chi hội nhà văn Công an sau này và luôn là “bà đỡ” cho mọi hoạt động của chi hội, từ chuyện vô cùng tốn kém như mở trại sáng tác về đề tài Vì An ninh Tổ quốc, đến chuyện tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học “thắp đuốc tìm tài năng”, một câu nói khích lệ, nâng niu những người lính tài năng đáng yêu đến những tài trợ để thấp thỏm hi vọng về tinh phẩm ở xa kia… Người viết trong báo CAND thì đã đành, nhưng có lẽ cả nhiều người viết trong chi hội nhà văn Công an nữa rất trân trọng Hữu Ước, gọi anh là “Thủ lĩnh” cũng không có gì là khó hiểu… Hàng ngày những nhà văn, những người lính ở cơ quan vẫn thấy dáng Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước hối hả, đi như lao về phía trước với bộn bề hàng núi công việc trên đôi vai gầy tưởng như chẳng bao giờ mòn mỏi!
Ngôi nhà báo CAND cũng là nơi tôi luyện nên chất văn của các nhà văn gắn bó lâu năm với báo CAND như Nguyễn Như Phong, người nổi tiếng với những phóng sự xã hội như “đánh bả” vào tình yêu bạn đọc; phả hơi thở vào những vần thơ trong trẻo đậm hương vị đồng quê Hải Phòng của nhà thơ Nguyễn Xuân Hải. Như Phong và Xuân Hải đều là những người lính bộ đội, biên phòng viết báo, làm văn rồi gắn bó và gắn bó liên tục với báo CAND từ những năm 1982, 1983. Thì ra là thế, nhiều khi sự nghiệt ngã của môi trường sống lại chắt chiu một điều gì đấy tâm phúc cho nghề văn. Ai bảo vượng khí của một cơ quan, một thế đất không tác động điều gì với văn chương thì hẳn là chưa phải. Ngay những nhà thơ đã thành danh từ một vùng đất khác, từ một cơ quan khác rồi “yêu nhau ta thì về” quần tụ ở ngôi nhà báo CAND- Chuyên đề ANTG như nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phan Quế, Phạm Khải, Như Bình… thì trong sáng tác của các anh, chị dường như mang thêm một hơi thở gấp gáp, nóng hổi trên những vần thơ trang văn. Làm sao có thể chối cãi phong cách thơ của Hồng Thanh Quang, Phan Quế, Phạm Khải… vẻ như có sự bồi đắp phong phú hơn về thi pháp: Hồng Thanh Quang vượt lên sự óng ả duyên dáng của nàng thơ để đến với quyết liệt tận cùng và yêu thương tận cùng. Tôi đồ rằng, nếu ở môi trường nào đấy, Hồng Thanh Quang khó có thể hoá thân để viết nên những câu thơ bầm dập và tài hoa “Bắt tay ngọn dao sắc. Như ngắt một nhành hoa. Em ở gần hay xa. Vẫn nguyên là nỗi khát. Lúc buồn vui lại hát. Những lời không thanh âm”, hoặc như “Ta giữ cho con trai một niềm kiêu hãnh. Đến và đi đều bởi chân thành”… Phan Quế vượt lên sự chân thật để đến với sự lấp lánh của trải nghiệm, ổn định; Phạm Khải cũng thế, dường như bớt đi sự tài hoa riêng rẽ mà trầm ngâm kín nhẽ trong tứ thơ, phải chăng vì thế mà thơ anh gần đây có sự nén chặt để lan toả rộng. Đoạn thơ mà Khải tâm đắc nhất thời làm báo CAND là thế này: “Im lặng là vàng. Người đời đã dặn. Xóa công dã tràng. Biển đền muối mặn”. Ngay nữ nhà văn Như Bình từ Hà Tĩnh về báo CAND có cảm giác văn của chị chải chuốt như thơ, nhưng ẩn chứa trong từng con chữ là những tâm trạng với sự góc cạnh nhiều bề….
Có hai nhà văn của báo CAND vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam mở đầu cho nhiệm kỳ VI của Hội nhà văn Việt Nam: Hà Văn Thể về báo CAND năm 1988, còn Nguyễn Hồng Thái mới về từ năm 1999, thuộc “chiếu dưới” so với các bậc “chưởng lão”. Gần 20 năm nay, Hà Văn Thể bền bỉ làm thơ, “ký quỹ cuộc đời” vào cơ quan, nuôi vợ con một cách khó nhọc trong ngôi nhà nằm chênh vênh trên đê Sông Hồng, vậy mà Hà VănThể vẫn thốt lên như một nghĩa cử với cơ quan mình đang công tác “Ta sống, người ơi ta được sống. Dẫu rủi ro cũng hạnh phúc rồi”. Nguyễn Hồng Thái từng được Báo ANTG trao Giải nhất cuộc thi mang tên Cây bút vàng cho truyện ngắn “Đối mặt” (1998), một năm sau (1999) anh xin về công tác tại báo CAND theo gợi ý chân thành của nhà văn Hữu Ước. Được sống trong không khí của một ngôi nhà văn học, Nguyễn Hồng Thái được khuyến khích, mày mò viết văn như một lẽ tự nhiên thôi thúc vậy…
Nhà văn Đinh Quang Tốn trước khi chuyển về công tác tại Bộ Công an và báo CAND (2006) là tác giả lý luận phê bình xông xáo; nhiều sự kiện văn học, những tác phẩm nổi cộm, gây dư luận đã được anh mổ xẻ, phân tích bằng thái độ trách nhiệm, có chính kiến riêng.
Bây giờ thì ở ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm của báo CAND còn nhiều cây viết nữa như Bình Nguyên Trang và Lưu Vinh làm thơ, Dương Bình Nguyên và Phạm Văn Miên viết truyện ngắn. Sống ở một môi trường chất nhân văn đậm đặc như thế, dường như tâm hồn những người cầm bút báo CAND không thể lặng yên. Chúng ta vừa trân trọng gắn biển tên nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, Tổng Thư ký đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam để nhớ về những năm ông đã sống và sáng tác ở ngôi nhà 66 Thợ Nhuộm này. Một quá khứ vượng khí văn chương. Một hiện tại tràn trề tự do sáng tạo. Một tương lai có thể nhìn thấy trước với những ai trót dính đến nghề văn… “Đất đã hoá tâm hồn” ngay cả những ngày ta đang ở. Đó phải chăng là đúng với ngôi nhà báo CAND?