Xin lỗi Lê Vinh vì nhắc tới anh lại phải nhắc kèm với bài hát hay của một thuở “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”. Bởi cũng từ lâu lắm rồi, tôi chưa được nghe các ca sĩ tài danh thể hiện ca khúc mới của Lê Vinh; và cả khán giả nữa dường như cũng lâu lắm rồi họ ít có cơ hội được nhìn thấy anh trên truyền hình hay tại các liveshow ca nhạc. Tôi cảm nhận được điều đó ngay khi cầm cái cardvisit mỏng mảnh trên tay chỉ với 2 dòng ghi mộc mạc “Lê Vinh. Hà Nội và Tôi”, không địa chỉ nơi ở, không điện thoại nhà riêng, không chức danh, không cơ quan công tác… Tôi tò mò gọi điện thoại di động cho Lê Vinh, anh trả lời rất hồ hởi: “Tôi không có gì mới để viết nữa. Người ta khai thác hết rồi. Dạo này tôi có kiện cáo gì nữa đâu… Chỉ sợ gặp, làm anh thất vọng”.
Câu trả lời khá trễ nải như một thông điệp ngầm của Lê Vinh càng khiến tôi tò mò. Và tôi đã gặp anh trên quán bia hơi dập dềnh trên Hồ Tây, dập dềnh đến mức có cảm giác chưa uống đã say như người phiêu diêu. Anh chỉ nhà anh nằm ở đâu đó phía Xuân La, Xuân Đỉnh trên đường Lạc Long Quân chạy ven hồ này. Lại là một căn nhà cấp 4 nữa, cũng chật hẹp thôi giống như căn nhà tre lá lơ thơ mà cách đây 15 năm tôi đã nhìn thấy trên dải đất giữa xóm liều Thanh Nhàn. Dạo đó Lê Vinh gầy nhom, đặt mình trên đôi dép nhựa, tay cầm cây đàn guitar chống xuống đất như muốn tựa thân vào. Bây giờ thì Lê Vinh mập mạp hơn một chút, nhưng cái dáng lam lũ vẫn còn vương vất kia trong chiếc khăn quàng cổ, cả cái áo Budong mặc vội và cả trong điệu cười ngất ngưởng sau một câu trào lộng. Cười thì vui rồi, nhưng tôi có cảm nhận, hình như trong sâu thẳm lòng anh đang có điều không yên ả, có điều gì đó đang rạn vỡ, nó không vỡ oà ngay, nó rạn dần, rạn dần rồi chìm lặng vào cái dáng nhiệt thành và tất tả kia… Tôi hỏi Lê Vinh vì sao không làm đơn xin vào Hội nhạc sĩ Hà Nội hay Hội nhạc sĩ Việt Nam, anh trả lời vì cứ lang thang vô định mãi, viết đơn chắc không ai dám xác nhận là công dân của phường mình. Nghĩ thế nên thôi. Có lẽ nên hiểu câu trả lời ấy quá lịch thiệp, có thể là hài hước nữa để thay cho một điều khó nói nào đấy. Thời buổi này, có lẽ chẳng có ai nỡ hẹp hòi vì một con dấu mà không rộng lòng kết nạp vào Hội một chàng trai Hà Nội chính gốc, có gần chục tác phẩm sáng giá, có bài chỉ cần cất lên một câu “ngõ nhỏ phố nhỏ …” là đã khiến người Hà thành, nhất là người xa quê phải dừng lại một giây vì nao nao kỷ niệm ùa về khiến lòng thật khó yên…
Nhắc tới Lê Vinh, nhiều người yêu anh quyết cho rằng, anh là một nhạc sĩ của Hà Nội, chẳng phải vì anh sáng tác nhiều về phố xá sinh ra mình. Và có lẽ cũng chẳng phải anh là người đứng tên và thắng kiện trong vụ đòi bản quyền cho lời bài hát “Hà Nội và tôi” của mình ồn ào trên công luận một thuở (Năm 1997, trong đĩa hát phát hành của Công ty nọ đã ghi nhầm lời của Lê Vinh thành thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và có lẽ cũng chẳng phải anh tự đày đoạ mình sống độc lập và lang thang, chỉ lấy nghề viết nhạc để kiếm sống. Đó chỉ là những lý do bề ngoài giống như cái dáng đượm chất nông dân ngoại thành Hà Nôi của anh. Có lẽ người ta yêu anh bởi chất nhạc khác lạ không giống ai luôn tiềm ẩn, lắng đọng ở góc khuất tâm hồn của một người lang thang giữa quê hương như lời thú nhận của tác giả. Dường như khi nghe bài hát của Lê Vinh, có “một đìều gì đó” dội vào sâu thẳm cõi lòng trạng cảm da diết cô đơn, da diết, nhớ nhung, khắc khoải kỷ niệm buồn, buồn đến ngọt lịm, buồn đến có thể gọi thành tên! Chỉ riêng nói về 3 tác phẩm “Hà Nội và tôi”, “Hà Nội những vết chân”, “Hà Nội khúc nguyện cầu”, cũng cho ta thấy những chiêm nghiệm có tính “hướng nội” đầy trầm cảm và vấn vương sự xa xót như khói lam chiều mỏng mảnh của nhạc sĩ Lê Vinh. Nào là “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, “những ngày tôi lang thang”, “tuổi thơ đi qua không trở lại”, nào là “Dừng lãng quên, xin đừng lãng quên. Những bàn chân ra đi từ Hà Nội…Những bàn chân ra đi mang theo tuổi thơ. Những bàn chân gửi mẹ ước mơ… Thời gian trôi những vết chân lớp lớp hằn lên đời…”.“ Có còn đó không điều ta tìm giữa phố đông. Có còn đó không bước chân vội vàng chiều Hồ Gươm thuở ấy. Con đương thân quen có đổi thay. Hình bóng người xưa có tan vào sắc mây?… Hoa sữa rơi tả tơi kỷ niệm…”. Hay khi anh viết về mẹ lời buồn đến dịu ngọt “Lời mẹ ngọt ngào sao con quên. Chỉ cảm nhận lúc lang thang cô quạnh…Tiếc nuối tìm về hình bóng mẹ chỉ còn trong giấc mơ…” Lời những bài hát như thế đâu phải chỉ là miêu tả cảnh nhìn thấy, mà cao hơn, là sự trải nghiệm được chưng cất từ bao vui buồn, cô đơn và đau đớn của một kiếp phù du. Có thể nghe một bài hát nào đó về Hà Nội, người ta cảm nhận được cảnh quan phố xá với sự hoành tráng của đoàn quân oai hùng, của một thoáng Hồ Tây, của một bầy sâm cầm, của một làng lúa làng hoa, của mùi hoa sữa, của ngày Hà Nội vắng cơn mưa…Điều đó thật tuyệt vời và đáng nhớ làm sao! Thế nhưng, hình như đối với Lê Vinh, dường như có một Hà Nội khác, vừa rộng lớn vừa bé nhỏ để thương rồi để nhớ. Có một Hà Nội cao rộng để tự hào, nhưng cũng có một Hà Nội nhỏ chật để mà thương nhớ chăng…?
Dường như trước Lê Vinh, nhiều người yêu Hà Nội đã từng quen với cảm hứng những nét nhạc “hướng ngoại” hoành tráng, hào hoa và thanh lịch của một Thủ đô lắng hồn núi sông ngàn năm, nay đang đổi thay, phát triển từng ngày. Nhưng có thể nói không ngoa rằng, bắt đầu từ năm 1994 với ca khúc “Hà Nội và tôi”, Lê Vinh hình như đã đưa đến cho người ta trạng thái cảm xúc mới lạ, không cao xa mà gần gũi, mộc mạc như cuộc sống thường nhật đang diễn ra đâu đây. Lê Vinh viết về cái “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, viết về ngôi nhà ở phố nhỏ mà đêm có thể “lắng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than!”… Có vẻ như Lê Vinh không tham cái to lớn, cái cao cả, thanh lịch, anh chọn một góc cảm thụ tinh tế để hướng nét nhạc của mình lăn vào cái bé mọn thị thành từ đó bật lên cảm xúc buồn man mác, cô đơn thấm sâu vào hồn người. Ngẫm cho cùng, những “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, những điều bé mọn của Hà Nôi thời mở cửa này đang chiếm một phần vô cùng rộng lớn từ đất đai đến dân cư. Lê Vinh chạm vào cái điều nhỏ bé, nhưng thực ra là chạm vào phần rộng lớn nhất của nơi sinh ra mình…
Có thể đây là nét nhạc, là đóng góp của Lê Vinh để trong một cuộc bình chọn, người ta đã xếp “Hà Nội và tôi” thuộc topten những bài hát hay về Hà Nội. Tôi từng nghe nhạc sĩ Hồ Quang Bình đánh giá “Buồn nhưng rất đáng yêu, Hà Nội và tôi của Lê Vinh – bài hát ra đời trong chặng đường đầu sáng tác của anh được ghi nhận bằng sự đón nhận, yêu mến nhiệt tình của đông đảo những người yêu âm nhạc”.
Tôi từng hỏi có phải Lê Vinh chọn nét nhạc ấy hay nét nhạc ấy chọn Lê Vinh mà đến nay anh vẫn sống một mình, một mình với cô đơn và lang thang như là sự vận vào của số phận nghệ sĩ? Hỏi vậy thôi, nhưng tôi khó nhận được câu trả lời rành rẽ từ phía anh!
Phải chăng, từng có một khúc ngoặt trong quãng đời trai trẻ đã chi phối nền nhạc của Lê Vinh. Vì thế đã từ lâu, Lê Vinh buộc chấp nhận sống một mình, một mình cả trong thế độc lập với hội nghề nghiệp, một mình cả trong ngôi nhà nhỏ và theo anh là để “ép mình vào tường, cô đơn tuyệt đối để bật ra sáng tạo”. Nói vậy thôi, chứ người ta ít ai dám tự làm khổ mình, trừ số phận buộc họ phải thế… Dường như Lê Vinh là một người như vậy. Bố mẹ anh từng đặt hi vọng lớn vào đứa con trai út này khi đặt tên anh là Lê Quang Vinh. Cũng có thể vinh quang rồi sẽ đến với chàng sinh viên giàu chất nghệ sĩ này, nếu như anh cứ bình lặng với nghề thầy giáo dạy toán cấp 3 ở Bắc Ninh (anh học Đại học sư phạm Hà Nội 2). Thế nhưng, thầy giáo Vinh đã đi lính nghĩa vụ, cũng phải đào công sự, phải ăn “nước mắm đại dương, bát canh toàn quốc” như bao người lính khác, phải vất vả bầm dập với đời thường. Ra quân, lẽ thường người thầy giáo vừa thoát khỏi sự vất vả ấy sẽ trở về bục giảng, nhưng run rủi thế nào, Vinh lại quay về con phố Yên Thành nhỏ xíu bên đường Cửa Đông, Hà Nội và nói đúng nghĩa là “ăn bám” bố mẹ. Sự lựa chọn ấy ở cuối thập niên 80 của thế kỷ trước quả là sự liều mạng với một chàng trai gần 30 tuổi như Lê Vinh. Bây giờ thì không nên nói là đúng hay sai, nhưng ngay thời ấy, Lê Vinh đã bị trả giá đắt. Khó khăn chất chồng khi bố mẹ anh thua lỗ trong làm ăn, buộc phải bán nhà. Lê Vinh được bố mẹ cho ít tiền rồi lặng lẽ ra khỏi ngôi nhà nằm cuối con phố nhỏ từng gắn bó, từng lưu giữ biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Vậy là Lê Vinh lang thang không phải với tư cách một nghệ sĩ! Bao nhiêu người thân ở Hà Nội cho anh nương nhờ (cả lần anh ở nhờ ngôi nhà xóm liều Thanh Nhàn), bao bạn hữu đưa tay ra cho anh tựa vịn, bao tình thân khuyến khích anh sáng tác… Trong cô đơn, Lê Vinh mới thấm nỗi đau đời và câu hát “Những ngày tôi lang thang tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội. mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi…” được bật lên như một lẽ tự nhiên. Và dường như nét nhạc của tác phẩm đầu tay này đã trở thành nét nhạc chủ đạo trong bước đường sáng tác của anh…
Nhưng cũng đáng ngạc nhiên sự lựa chọn ấy của Lê Vinh dường như không làm giàu thêm được bao nhiêu vốn tài sản âm nhạc đang ít ỏi của anh. Bắt đầu đầu con đường âm nhạc năm 1990, gần 20 năm có lẻ, Lê Vinh mới tổ chức 3 đêm nhạc thời có ca sĩ tài hoa Ngọc Tân, rồi túc tắc làm nhạc cho phim truyền hình, nghe đâu còn nhiều bản nhạc chưa công bố với những ca từ “đọc lên đã muốn khóc”. Nhưng nhìn lại tôi thấy lo cho anh. Một chút năng khiếu, một bài hát đầu tay ghi dấu ấn, một lớp học 3 tháng do nhạc sĩ Hoàng Vân giảng dạy… từng ấy, liệu có đủ cho Lê Vinh đi xa dưới bầu trời âm nhạc? Lê Vinh từng thú nhận với tôi pha chút ngậm ngùi, anh từng phải bán tác phẩm của mình cho người khác đứng tên như người nông dân “bán lúa non” cho địa chủ để sống tằn tiện mà sáng tác. Chuyện đó có thể xẩy ra, nhưng đâu rồi dấu ấn riêng của Lê Vinh trong nét nhạc mà anh đã bán bản quyền? Vậy mà khi tôi buột miệng nói lời “chia sẻ”, Lê Vinh đã nổi giận. Tôi hiểu anh muốn mọi người nhìn thấy một Lê Vinh đang ngạo nghễ, đang chấp nhận tất cả để dốc hết mình cho sáng tạo và đang “vẫn chọn điều đã qua” như lời bài hát anh viết cho 18 tập phim truyền hình “Miền quê thức tỉnh”. Nếu thế, hỡi người nhạc sĩ lang thang, liệu đến bao giờ anh sẽ làm mới được mình, để trên cardvisit không còn ghi một dòng “Lê Vinh. Hà Nội và Tôi”?