Trung thực không lụy hoàn cảnh

Hình như có một quy luật tình cảm, đã yêu thường phải có trách nhiệm như phải có trách nhiệm với từng bài báo của mình, từng số báo của tòa soạn, từng những sự kiện dù nhỏ nhất liên quan đến cơ quan, đồng nghiệp của mình. Hễ là người có tâm, người trung thực ở đâu cũng thể hiện phẩm chất tốt và năng lực cao. Họ không bao giờ đổ lỗi hay lụy vào hoàn cảnh.

Là nhà báo, ai cũng ít nhất một vài lần tiếp xúc với người đọc. Bạn đã bao giờ đứng trước những tình huống nhạy cảm hay chưa? Ví như có ai đó chê bai, phê phán gay gắt tờ báo của bạn mà bạn chưa hiểu vì sao lại thế. Hay có người phát hành nào đó đột ngột tăng giá báo để bán cho một bạn đọc kiếm lời. Hay có những cuộc điện thoại, những cuộc gặp gỡ mà người đọc góp ý chân thành và chưa chân thành với tờ báo của bạn. Vậy với vai trò của một “mắt xích” trong một tờ báo, bạn sẽ ứng xử như thế nào? Thường thì thỏa hiệp lúc nào cũng dễ. Nhưng thảo luận, đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bao giờ cũng khó hơn. Câu chuyện tôi kể dưới đây hoàn toàn là sự thật, có thể là một tình huống trong trăm ngàn cảnh ngộ để không chỉ các nhà báo mà có thể là bạn đọc nữa cảm thông hơn với nghề báo, một nghề lao động cực nhọc, đầy nguy hiểm và cám dỗ, nhưng lúc nào cũng phải trung thực, thẳng thắn và không lụy hoàn cảnh; lúc nào cũng phải có trách nhiệm với từng bài báo, với từng số báo của mình…Hôm đó vào khoảng 7h ngày 24/4/2008, chuyến tàu chạy từ Hà Nội xuống Hải Phòng, đang thiu thiu ngủ, bỗng nhà báo Lê T.Đ. choàng tỉnh khi chợt nghe có tiếng người rao mời mua Báo CAND số mới nhất.

Ông nhìn người bán báo mặc trang phục nhà tàu đang đẩy xe báo tới. Một người thanh niên chừng hơn 30 tuổi, cầm tờ Báo CAND Cuối tuần, lật giở từng trang, gật gù, rồi rút ví đưa tiền cho người bán báo. Nhưng rất lạ người bán báo lắc đầu, rồi đẩy xe báo đi, không hiểu lý do vì sao.

Vì đoàn tàu đang chạy ầm ầm như dông bão khiến nhà báo Lê T.Đ. nghe tiếng được, tiếng chăng. Để thẩm định lại cuộc mua bán báo trên, ông cũng hỏi mua tờ CAND Cuối tuần. Đúng số báo 998 mà tối hôm qua, ông được đồng chí Phó Tổng Biên tập giao cho nhiệm vụ đọc biên tập và soát lỗi từ trang đầu đến trang 16, mỗi chuyên mục và những câu chữ đắt giá của các nhà văn, các tác giả, ông đều còn nhớ như in.

Ông đã từng rất tự hào nói với mọi người về nhận xét của một doanh nhân làm tổng phát hành tại TP HCM khen tờ CAND Cuối tuần, tuy mới phát hành hơn 10 số nhưng đã in những dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc các tỉnh phía Nam và cả nước.

– Bao nhiêu tiền một tờ CAND Cuối tuần? – Ông hỏi người bán báo.

– Tờ này hay lắm. 4.000 đồng một tờ cũng không đủ bán cho khách đấy bác ạ, bác mua đi!

Nhà báo Lê T.Đ. chỉ vào giá in ở cuối trang báo, nói:

– Tôi được biết, Toà soạn đã tính giá xuất xưởng một tờ phải thấp hơn 2.400 đồng, để người bán báo đã có tiền công. Vậy anh chỉ có thể bán 2.500 đồng, thậm chí 3.000 đồng một tờ. Anh thấy báo hay, nâng giá 4.000 đồng một tờ là bắt bí khách hàng rồi!

– Thế thì mời bác về Hà Nội mà mua.

– Thì anh cũng cất báo từ ga Hà Nội đấy thôi.

Người bán báo lấy lại tờ báo từ tay ông, rồi đẩy xe báo đi. Ông đến gặp anh bạn thanh niên mua báo bị từ chối. Chuyện trò tâm sự, được biết, anh là Đỗ Văn Hợp, 37 tuổi, ở khu tập thể 655, Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội.

Tiện thể, nhà báo Lê T.Đ. hỏi ý kiến anh về chất lượng tờ CAND Cuối tuần: Anh thích chuyên mục nào? Không thích chuyên mục nào? Vì sao? Cần cải tiến gì về nội dung và hình thức của tờ báo để đáp ứng với nhu cầu bạn đọc ngày càng cao?

Anh Hợp nói:

– Cháu rất thích tờ báo này, vì nó hay, lại hợp với túi tiền của cháu. Nhưng cháu đề nghị các bác tăng cường bài viết có tính chất giải trí, bổ ích. Vì cả tuần chúng cháu lao động vất vả, ngày nghỉ, đọc được những bài báo như thế nó mới thư giãn, hết mệt.

Nhà báo Lê T.Đ. cảm ơn anh Đỗ Văn Hợp rất nhiều và sẽ có cách để anh có được tờ CAND Cuối tuần số 998.

Ông đến gặp Trưởng tàu phản ánh lại tình trạng bán báo tăng giá trên tàu này. Trưởng tàu vui vẻ nhận thiếu sót trên, vì thương anh N. (tên người bán báo) vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, nhà nghèo, nên xin được bán báo dạo trên tàu, nhưng nếu anh N. làm mất uy tín của đoàn tàu, thì sẽ “mời xuống”.

Nhà báo nói với Trưởng tàu rằng, chỉ nên nhắc nhở anh N. tuân thủ đúng những điều quy định của nhà tàu. Vì thêm một người bán báo, là thêm chân rết, thêm cầu nối giữa những người làm báo với quần chúng nhân dân. Thỉnh thoảng gặp khách lạ, họ có nâng giá cao tí chút, chẳng may gặp phải nhà Báo CAND và bạn đọc thủy chung của báo thì nên nhắc nhở. Nếu họ biết lỗi và sửa lỗi thì có thể bỏ tất cho họ.

Không ngờ ít phút sau, người bán báo dạo tên là N. vui vẻ mang tờ CAND Cuối tuần tới đưa cho anh Đỗ Văn Hợp, bán đúng giá, kèm theo lời xin lỗi…

Rất có thể có nhiều nhà báo sẽ bỏ qua những sự kiện như câu chuyện kể trên. Vì bận bịu, vì không để ý, vì không để tâm, hoặc vì coi đó là trách nhiệm của người khác.

Nhưng, hình như có một quy luật tình cảm, đã yêu thường phải có trách nhiệm như phải có trách nhiệm với từng bài báo của mình, từng số báo của tòa soạn, từng những sự kiện dù nhỏ nhất liên quan đến cơ quan, đồng nghiệp của mình. Hễ là người có tâm, người trung thực ở đâu cũng thể hiện phẩm chất tốt và năng lực cao. Họ không bao giờ đổ lỗi hay lụy vào hoàn cảnh. Không để tâm hoặc dễ dàng thỏa hiệp, chưa hẳn đã nhận được sự tôn trọng của người khác, của bạn đọc

Bài viết

Comments are closed.