Cách đây đã 6 năm, tôi được đi cùng với nhà báo Lưu Vinh, Phó Tổng biên tập Báo CAND xin vào Phủ Chủ tịch để được gặp đồng chí Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thực hiện cuộc phỏng vấn cho số báo Tết Quý Mùi. Dù rất bận, nhưng có lẽ vì quý mến tờ báo của Bộ Công an, chiều muộn ấy, bà Phó Chủ tịch nước đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện rất thân tình suốt 2 tiếng đồng hồ…
Đối với Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nhiều người đã từng biết bà chính là nhân vật chị Y trong tác phẩm “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân viết về cuộc đời Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chị Trương Mỹ Hoa hồi ấy hoạt động cách mạng, 19 tuổi bị chính quyền Sài Gòn bắt giam tại khám Chí Hoà (1964), sau bị đày ra Côn Đảo mãi tới ngày 17/3/1975 mới được trả tự do. Tại khám Chí Hoà, có thời gian chị Trương Mỹ Hoa bị biệt giam cùng buồng với chị Phan Thị Quyên, vợ của anh Nguyễn Văn Trỗi. Theo lời chị Quyên kể lại, chị Hoa là người đã dạy chị Quyên hát “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký trong ngục tối của chế độ giam cầm hà khắc Mỹ – Thiệu, giúp chị Quyên hiểu việc làm của chồng mình, nhờ thế mà ngày một vững vàng vượt qua thử thách gian khổ với sự giúp đỡ của những chiến sĩ cách mạng như chị Y… Đó là những sự kiện trong nhiều tư liệu khác về chị Trương Mỹ Hoa mà anh Lưu Vinh dặn tôi phải sưu tầm, chuẩn bị kỹ trước khi tổ chức cuộc phỏng vấn.
Hôm đó, cuộc trò chuyện của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã để lại cho 2 nhà báo chúng tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Bà đã không né tránh bất cứ câu hỏi nào, da diết, khắc khoải về những kỷ niệm, thẳng thắn, điềm tĩnh trước những vấn đề lớn của đất nước.
Trong câu chuyện chiều cuối đông, có lúc giọng của bà thảng thốt khi nhắc về những đồng đội cũ, nhắc về những bà con từng kiên trung nuôi cán bộ như chị, thuỷ chung với cách mạng nhưng hiện vẫn còn sống rất nghèo ở nhiều vùng đất của Tổ quốc.
Cứ mỗi lần nhắc tới Bác Hồ, chị dừng lại hướng về phía Lăng Bác khóc rất lâu, nước mắt chảy tràn. Có lẽ chị không muốn giấu đi cảm xúc ấy trước mắt các nhà báo dẫu biết mình đang ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Chúng tôi cũng ngồi lặng đi trân trọng giây phút thiêng liêng ấy của đồng chí Phó Chủ tịch…
Ba ngày sau, đúng hẹn, tôi mang bản thảo bài viết cuộc trò chuyện để bà Trương Mỹ Hoa xem lại. Anh Lưu Vinh và tôi chắc mẩm bài viết ấy đã cẩn thận lắm, vì vừa bóc băng ghi âm, vừa đối chiếu với sổ tay, hi vọng có thể bà Phó Chủ tịch nước hài lòng mà duyệt ngay vì báo Tết đang chờ lên khuôn. Chúng tôi cũng không ngờ bà đọc nhanh đến thế.
Qua thư ký, bà hẹn chúng tôi vào Phủ Chủ tịch để trao đổi thêm về bài báo. Chúng tôi hiểu vậy là bài báo có điều gì chưa ổn. Khi chúng tôi đến thì bà đã đợi sẵn. Bà ghi vào lề của bản thảo: “Bài báo cảm động, chân thật, thuyết phục tình cảm người đọc (nhất là người trong cuộc). Do vấn đề thật, có tính lịch sử nên tôi đã điều chỉnh một số đoạn cho phù hợp trình tự thời gian. Và dù là người thật, việc thật, nhưng tôi muốn từ ngữ nên vừa phải vì bài viết về tôi, mong các đồng chí thông cảm, hiểu cho”. Bà nói thêm, “Tuy nhiên, có một số đoạn sửa chữa thì phải trực tiếp trao đổi, vì thế mà mời 2 nhà báo cùng vào làm việc”.
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, như vậy là bài viết có thể sử dụng được. Bà bảo 2 chúng tôi ngồi hai bên, bà ngồi ở giữa để cả ba có thể xem rõ được bản thảo. Tôi liếc qua thấy những nét chữ của bà viết bằng bút bi mảnh mai và nắn nót, những đường nét, mũi tên vòng lên vòng xuống chú thích rất rõ ràng.
Sợ chúng tôi không “dịch” được, bà đọc từng đoạn, từng câu; xong dừng lại giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao bà sửa như thế, các nhà báo có ý kiến gì thì cứ nói. Dĩ nhiên, những chỗ bà Phó Chủ tịch sửa giúp cho chúng tôi càng nghe càng thấy quả là một ngòi bút, một “nhà biên tập” bậc thầy!
Tôi còn nhớ, có một đoạn trong bài, chúng tôi viết rằng: “Ba thì đi tập kết, năm 1957-1958, má chị bị bắt giam do một tên chỉ điểm, do không khai thác được gì, hơn 1 năm, chúng buộc phải thả má chị ra. Để tránh sự kiểm soát của địch, má chị phải đưa chị và chị Hai lên Sài Gòn để tiếp tục hoạt động. Vậy là gia đình chị bị xé làm ba. Ba chị thì đi tập kết, 3 mẹ con lên Sài Gòn, 4 đứa em nhỏ trụ lại ở Gò Công, Mỹ Tho”.
Đọc đến đấy, bà nói với chúng tôi: “Các em dùng từ “trụ lại” với mấy chị em chị thời điểm này là chưa chính xác. Chị xin sửa lại như thế này “còn 4 đứa em gửi cô dì, chú bác mỗi nhà nuôi mỗi đứa”, vì lúc ấy mấy em của chị còn nhỏ chưa thể “trụ” được. Nếu sơ suất in như bản thảo, bà con chị mà đọc được dễ hiểu lầm, biết đâu có người thân lại bảo, “con nhỏ” này “làm lớn” quên công ơn hồi xưa, lại bảo là “trụ”…
Tôi giật mình suýt thốt lên, quả là may quá. Bởi nhiều khi chỉ một chữ dùng sai, có khi làm hỏng cả một việc lớn, có đính chính được thì hậu quả thật khó khắc phục.
Ở một đoạn khác trong bản thảo, chúng tôi đặt câu hỏi: Thưa chị, có lần chị Quyên, vợ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi kể rằng, sau ngày anh Trỗi hy sinh, chị Quyên được đưa ra vùng giải phóng, chị Quyên đã mang tên của chị khai trong tù là Nguyễn Thị Tâm để đặt cho mình, sự thật là như thế nào?
Bà Trương Mỹ Hoa đã dùng bút bi biên tập câu hỏi ấy, viết rõ tên chị Phan Thị Quyên. Bà bảo, phải gọi đầy đủ họ tên như thế là tôn trọng người được nhắc đến. Ngay như trong bản thảo, có đoạn chúng tôi viết rằng: Trong tù, chị Trương Mỹ Hoa đọc nhiều bài thơ của Tố Hữu cho chị Quyên nghe, dạy chị Quyên hát “Bài ca hi vọng”… Bà bảo: “Các em phải ghi rõ “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký để thêm một lần tôn vinh nhạc sĩ. Vì chị nhớ, lúc sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Văn Ký chưa phải là đảng viên…”. Chúng tôi thật thấm thía và lập tức sửa ngay tại chỗ.
Có một chi tiết nữa mà trong bản thảo, chúng tôi thật vô tâm. Khi diễn đạt thời gian bà Trương Mỹ Hoa bị kẻ thù biệt giam ở Côn Đảo, chúng tôi đã viết: “Suốt cả năm không được tắm, tối ngủ cát thổi vào ngàn ngạt, muốn ăn cơm phải gạt lớp cát đi…”, bà đã lấy bút sửa lại “cơm ăn trộn cát” và tâm sự đại ý: “Nếu bạn đọc nào chưa bị đi tù ở Côn Đảo, có thể đọc câu của các em viết “muốn ăn cơm phải gạt lớp cát đi” sẽ không chú ý, có thể bỏ qua. Nhưng nhà chị, cả má chị và 5 chị em đều bị địch bắt giam (tổng cộng đến 48 năm tù), chồng chị cũng bị địch bắt đày ra Côn Đảo, còn bao nhiêu bà con, đồng đội thân thiết nữa, chỉ cần đọc câu các em viết, biết ngay là, hoặc do tác giả không hiểu, hoặc do chị diễn đạt không đúng. Nhiều khi một từ dùng không chính xác như thế, gây phản cảm, làm người đọc giảm sự tin cậy đối với toàn bộ bài báo…
Còn nhiều những đoạn văn, chi tiết trong bản thảo của chúng tôi được bà Phó Chủ tịch nước trực tiếp sửa chữa, biên tập. Đoạn nào cũng chí lý, chí tình, trước bản thảo ấy, tôi trở thành người học trò nhỏ.
Sau đó, bài phỏng vấn đã được in trang trọng trên Báo CAND số Tết Quý Mùi, nhưng bạn đọc sẽ không có cơ hội biết được những nét bút, tình cảm cao đẹp của một nhân cách lớn mà gần 10 năm qua, chúng tôi vẫn lưu giữ những nét bút của bà như một báu vật của nghề báo.
Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi kể lại câu chuyện này để tự răn mình. Thật hạnh phúc nếu trong cuộc đời làm báo gặp được nhiều người thầy như bà. Bởi con chữ sống lâu hơn cuộc đời. Con chữ nào văn hoá ấy, con chữ nào nhân cách ấy…