Có thể nói chưa bao giờ những người làm báo được bạn đọc theo dõi “quản lý” chặt chẽ và thường xuyên như thời phát triển công nghệ thông tin vũ bão hiện nay. Là một người cầm điện thoại “đường dây nóng”, hơn ai hết những người làm báo CAND chúng tôi hiểu rõ điều này. Nếu báo đưa tin đúng, bài hay thì tình hình khá yên ả, có chăng chỉ ít những lời khen, động viên của bạn đọc. Nhưng hôm nào chỉ cần báo đưa tin không chính xác, hay nhầm lẫn về địa danh, chính tả, bức ảnh, những sai sót thường gặp trong nghề báo…, tức thì buổi sáng báo in chưa ráo mực, điện thoại đường dây nóng …đã nóng ran lên bởi dồn dập những cuộc điện thoại của bạn đọc. Lúc ấy một cảm giác buồn trĩu nặng đeo đuổi suốt cả một ngày không thể nào dứt được. Có bạn đọc thì bình tĩnh góp ý lần sau cẩn trọng hơn, có bạn đọc nổi giận lôi đình không cần giữ ý, có người trách cứ, có người “mắng yêu”, có người bảo sẽ báo cáo cấp trên để xem xét thái độ và trách nhiệm. Vv và vv…Trong cuộc sống, dường như tiếp nhận một lời khen, lời động viên thường dễ hơn là đón nhận lời phê bình, góp ý. Những người cầm điện thoại đường dây nóng có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng có thể nói ràng, dẫu “khẩu khí” của bạn độc như thế nào, chúng tôi cũng đều rất lo lắng và xấu hổ khi tiếp nhận lời phê bình của bạn đọc. Xấu hổ vì cả một tập thể từ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo và người trình bày, đọc soát lỗi…dẫu đã cố gắng hết mình, nhưng vẫn còn để sai sót xẩy ra trên mặt báo. Lo lắng vì không hiểu những sai sót ấy có gây ra những hệ luỵ cho nhân vật hay sự kiện báo chí hay không? Hơn ai hết, từ khi chập chững bước vào nghề, những người làm báo luôn hiểu sâu xa lời các cụ ta xưa từng dạy “bút sa gà chết”,“lời nói đọi máu”, “trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”…Sau mỗi con chữ của nhà báo, dù đúng hay sai, chuẩn hay lệch chuẩn, đều có thể gây nên những tác động khôn lường đối với người hoặc vụ việc được đề cập, phản ánh. Nhiều khi chỉ một chi tiết chưa chính xác về một con người cụ thể, kể cả những đối tượng tội phạm, những người vi phạm pháp luật…có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ, của người thân, gia đình, dòng họ, quê hương…Nếu một sai sót, nhầm lẫn liên quân đến con người, những lĩnh vực khá nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, nhiều khi có thể là tác nhân gây nên những đổ vỡ liên hoàn về mặt xã hội. Không ngoa một chút nào khi ai đó đã nói rằng, sau mỗi con chữ của nhà báo là niềm tin, nhưng cũng là tiềm ẩn những nguycơ hậu hoạ nếu thông tin bị sai lệch. Ai làm báo mà chưa thấu hiểu điều đó sẽ khó “tu” luyện thanh danh để thuỷ chung với nghề. Và dường như đang diễn ra một thực tế song hành thời hội nhập hiện nay: Bạn đọc và xã hội tôn vinh nhà báo, nhưng cũng không ít người trong xã hội ta có tâm lý “sợ”nhà báo. Điều đó khiến những người làm báo tử tế, chân chính phải suy nghĩ.
Với đường dây nóng báo CAND, chúng tôi cũng luôn hiểu rằng, khi bạn đọc mua một tờ báo của mình, bạn đọc có quyền được đòi hỏi số báo trên tay mình phải xứng với “đồng tiền bát gạo”, phải đảm bảo được 6 chữ “Nhân văn, Tin cậy, Kịp thời” như phương châm đặt ra của những người làm báo CAND. Những sai sót, nhầm lẫn của chúng tôi chẳng những ảnh hưởng đến nhân vật, đối tượng phản ánh mà còn làm thiệt hại đến quyền lợi của đông đảo bạn đọc khi rút ví ra mua tờ báo của mình. Nhưng khi bạn đọc dùng điện thoại gọi tới đường dây nóng để phản ánh là thêm một lần nữa bạn phải bỏ tiền để mong muốn tờ báo được hoàn thiện. Đó là gì nếu không phải là niềm tin, là tình cảm thân thiện, vô cùng đáng quý của hàng vạn bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc dành cho những người làm báo CAND.
Là một trong những người được Báo giao nhiệm vụ cầm “đường dây nóng”, nghe điện thoại, trao đổi, tâm sự và ghi nhận hàng ngàn ý kiến của bạn đọc gần xa, càng ngày tôi càng hiểu rằng, bạn đọc báo ngày nay không còn là người mua báo, đọc báo. Cao hơn, bạn đọc hôm nay ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn để cùng cùng với các nhà nhà báo làm nên tác phẩm báo chí .Sự tham gia ấy không chỉ là cung cấp thông tin mà còn là tư vấn, là hướng dẫn, thậm chí có bạn đọc không sợ nguy hiểm, đã phối hợp “tác nghiệp” cùng phóng viên như một nhà báo có thẻ trong quá trình điều tra, tìm hiểu sự thật. Và còn một điều cao quý hơn, bạn đọc thời nào cũng vậy, luôn là người truyền lửa, là người tiếp nhiên liệu, là động lực thúc đấy các nhà báo chân chính dấn thân.
Và hôm nay, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xã hội tôn vinh nhà báo.Còn tôi, tôi nghĩ rằng, nhà báo cần tôn vinh bạn đọc. Họ là người bạn lớn luôn đồng hành cùng với chúng ta.