Tang lễ nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vĩnh biệt một nhà thơ xuất sắc

Ngày 11/12, tang lễ nhà thơ Phạm Tiến Duật được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Với nhà thơ Phạm Tiến Duật, cuộc đời anh như một bài thơ dài, những câu thơ của nhà thơ chiến sĩ từng tiếp lửa, sưởi ấm bao tâm hồn trong chiến tranh cũng như hòa bình, thì nay lúc nhà thơ nằm xuống, những người yêu anh, trong đó có cả những người chỉ yêu thơ mà chưa được gặp đã đến sưởi ấm nhà thơ phút lâm chung này.

Tin nhà thơ Phạm Tiến Duật, “nhà thơ xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại” – nhà thơ Trường Sơn mất ngày 4/12 lan nhanh như một luồng điện gây xúc động đặc biệt cho nhiều người, nhất là những người lính từng qua chiến tranh, những bạn đọc yêu thơ cả nước…

Có cả những vòng hoa chỉ đề dòng chữ: “Những người yêu thơ ở Vietsovpetro”, hay “Trung đội lái xe nữ Trường Sơn”! Có những vòng hoa của những người yêu thơ, người thân ở nước ngoài gửi về, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, những cựu chiến binh, của các cơ quan báo chí, của các văn nghệ sĩ…

Những tấm lòng ấm áp ấy cùng với hơn 200 vòng hoa tiễn hẳn sẽ còn theo anh “sang bên kia cầu. Nơi có những miền quê yên ả” như câu thơ anh viết trong “Lửa đèn“.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn hôm nay đến viếng nhà thơ Phạm Tiến Duật rất sớm và cứ nấn ná ở lại chờ suốt 2 giờ để đưa tiễn nhà thơ.

Những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước ở Trường Sơn, có lẽ khoảng cách giữa người lính Phạm Tiến Duật với một vị Tư lệnh chắc là… xa lắm. Nhưng cứ khỏa lấp dần khoảng cách giữa vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và nhà thơ Phạm Tiến Duật chỉ chuyên đi “nhờ xe”.

Tôi đã nhiều lần gặp bác Đồng Sỹ Nguyên để viết bài, lần nào gặp, ông cũng kể chuyện về anh Duật. Ngay cả hôm nay, trong không khí tang lễ buồn đau này, ông níu áo tôi thủ thỉ: “Bao nhiêu tọa độ của địch, suốt ngày máy bay Mỹ ném bom, chà xát, ai đi qua thì cố đi thật nhanh. Nhưng nhà thơ Phạm Tiến Duật thì ở lại, ở lâu để viết và chiến đấu. Thơ anh lan tỏa rộng và nhanh, động viên sỹ khí của bộ đội nói chung và bộ đội Trường Sơn mãnh liệt hơn. Tôi yêu anh ấy và cũng cảm ơn anh ấy…”.

Không chỉ vị Tư lệnh, hôm nay riêng những cựu bộ đội Trường Sơn, những cựu sinh viên đi lính năm 1972 cũng đến rất đông, sân nhà tang lễ đượm màu áo lính.

Chị Chu Thị Kim Khánh, nguyên đội văn công chiến trường chỉ gặp anh Duật có một lần vào mùa khô 1968, nhưng bài “Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn” cứ theo chị và đồng đội đến suốt cuộc đời, ngày 19/11 bên giường bệnh của nhà thơ, chị và đội đã hát và đọc cho anh Duật nghe bài thơ chị viết trên nền thơ của nhà thơ.

Tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy vòng hoa của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn từ những năm 1968, 1969, nhưng nay quân hàm cao nhất mà các chị đeo đến viếng nhà thơ cũng chỉ là đại úy.

Đại úy Hoàng Thị Thanh, cựu lái xe Trường Sơn sau lúc vào viếng anh Duật, mắt ngấn nước kể lại: “Tôi gặp anh Phạm Tiến Duật nhiều lần ở Khe Vang, Khe Ve nơi có Cổng trời tiếp giáp với đất bạn Campuchia. Tôi vẫn nhớ những câu thơ anh viết tặng chị em chúng tôi: Em là cô bộ đội lái xe. Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy. Cái buồng lái là buồng con gái. Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang…”.

Dường như cuộc đời anh Phạm Tiến Duật là vậy, kiêu hãnh sống, kiêu hãnh sáng tạo và dâng hiến, không nề hà bất cứ điều gì. Vì thế mà đến tiễn đưa anh hôm nay còn có cả Hội thơ một làng quê ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, Hội thơ làng Chùa. Trưởng thôn Lê Xuân Sủng và Trưởng Hội thơ Nguyễn Thế Bùi đã dậy từ 4h sáng đi xe máy hơn 40km ra kịp viếng anh Duật.

Họ còn nhớ năm 1982 nghèo nàn ấy, làng Chùa rất yêu nhà thơ Phạm Tiến Duật nên đã cậy nhờ nhà thơ của làng Nguyễn Quang Thiều mời anh Duật về nói chuyện thơ. Không nề hà, nhà thơ Phạm Tiến Duật nhận lời, rồi theo Nguyễn Quang Thiều xếp hàng gần một ngày mua vé xe ôtô đi qua Bình Đà, qua Vân Đình, đi bộ tiếp 6km nữa về Làng Chùa.

Tối đó, cả làng thắp đèn dầu ra sân đình nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc thơ, nói chuyện thơ. Sân đình im phắc, chỉ có tiếng nhà thơ Trường Sơn da diết vọng lên trên bầu trời lung linh bởi trăm ngọn đèn dầu thắp sáng một làng quê Bắc Bộ.

Nhờ ơn ấy mà Làng Chùa dần hình thành một Hội thơ, năm 2007 làng tổ chức Ngày thơ Việt Nam và rất vui vì được đón nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Hữu Ước cùng gần 200 nhà văn khác về tham dự.

Đó là những kỷ niệm được kể một cách ngắt quãng, nhưng những tấm lòng yêu thương nhà thơ thật lòng, những tiếng khóc thương số phận người thân, những giọt nước mắt tiếc thương thì không thể kể lại.

Trong sổ tang cũng vậy, những dòng lưu bút vĩnh biệt thường không thể hoa mỹ. Có người chép lại một bài thơ của anh Duật, có người đề thơ vĩnh biệt, có người lính chỉ kể kỷ niệm.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng vậy: “Anh Phạm Tiến Duật, tôi tới đây để nhìn anh lần cuối, để tiễn biệt anh về nơi an nghỉ. Anh – nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sống một cuộc đời thật vẻ vang và hạnh phúc..”.

Còn ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, từng là lính Thành cổ Quảng Trị viết: “Vô cùng thương tiếc và kính viếng anh Phạm Tiến Duật, nhà thơ lớn, người bạn đường thân thương của bao thế hệ bộ đội kháng chiến chống Mỹ (trong đó có chúng tôi)…”.

Từng làm những câu thơ thật xúc động vĩnh biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhưng hôm nay Thiếu tướng nhà văn Hữu Ước, TBT Báo CAND, nơi thân thiết mà sinh thời nhà thơ Phạm Tiến Duật thường hay lui tới những lúc buồn vui, cũng chỉ biết nói niềm thương: “Anh Duật ơi, lúc này em không biết nói gì hơn, chỉ biết thương anh và yêu anh… Ở nơi suối vàng, anh phù hộ cho anh em, bạn bè. Anh an nghỉ nghìn thu, mọi người yêu anh, nhớ anh nhiều“…

Lặng lẽ thế, nhưng khi anh Hữu Ước đưa tiễn nhà thơ Phạm Tiến Duật đến nghĩa trang Văn Điển, thấy chị Lê Thị Nhị, cựu TNXP từ tỉnh Hà Tĩnh đứng trước mộ nhà thơ Phạm Tiến Duật khóc nức nở, anh đã không kìm được nước mắt…

Bởi hiếm có một lễ tang nào như thế, một nguyên mẫu của một bài thơ cách đây gần 30 năm đã lặn lội từ quê xa ra đưa tiễn tác giả. Chị Lê Thị Nhị, một thương binh, năm nay đã 62 tuổi, ở một mình tại thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Trước mộ nhà thơ Phạm Tiến Duật, chị khóc nức nở. Hôm qua, vì không có chồng con, chị nhờ người cháu đưa ra Hà Nội ở tại khách sạn chờ hôm nay vĩnh biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Vâng có thể chị là nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em cô Thanh niên xung phong”, cũng có thể là một cựu TNXP nào đó, nhưng tôi nghĩ sự có mặt của chị Lê Thị Nhị phải chăng đã thay mặt cho hàng vạn các cựu TNXP Trường Sơn đến vĩnh biệt nhà thơ thân yêu của mình…

Nhà thơ Phạm Tiến Duật còn có một người bạn tâm giao khác tên là Evans Ham, một người bạn Australia thân với anh Duật trên 20 năm nay. Khi nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật trọng bệnh, Evans Ham liền từ Mỹ bay sang, đến nơi thì không kịp nữa, vậy là ước vọng làm phim về Lửa đèn của ông không thực hiện được.

Nhưng Evans Ham đã ở lại Việt Nam 1 tuần để hôm nay tiễn đưa nhà thơ Phạm Tiến Duật ra tận nghĩa trang Văn Điển. Trước mộ nhà thơ, người bạn nước ngoài xúc động nói: “Phạm Tiến Duật thuộc về những nhà thơ của chiến tranh, viết về chiến tranh từ ngay trong lòng nó. Với ngôn ngữ bậc thầy, ông đã truyền cảm hứng từ trái tim mình đến những người yêu nước, khích lệ họ trong cuộc chiến tranh vì mục đích lớn lao giải phóng dân tộc…“.

Đó thực sự là những đánh giá thật chân thành của một người bạn nước ngoài, cho ta thêm hiểu vì sao nhà thơ Phạm Tiến Duật được nhiều người yêu mến và kính trọng như vậy.

Có thể người khắc bia đá đã vô tình. Trên mộ của nhà thơ Phạm Tiến Duật có đề một dòng chữ: “Cụ ông Phạm Tiến Duật, quê Thanh Ba, Phú Thọ, sinh ngày 24/1/1941, mất ngày 4/12/2007″.

Bên cạnh tôi, nhà thơ Hồng Thanh Quang nói nhỏ với nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Anh Phạm Tiến Duật sẽ không bao giờ là ông, là cụ. Mãi mãi anh là một nhà thơ”.

Quả vậy, vĩnh biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật, chúng tôi rời nghĩa trang Văn Điển còn nghe vọng lại tiếng của nhiều người đưa tang anh hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Vậy là ngoài những vòng hoa, khói hương và nước mắt, vĩnh biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật hôm nay còn có cả tiếng hát. Hát về thơ của anh…

Đó cũng là niềm hạnh phúc, phải không nhà thơ Phạm Tiến Duật?

Bài viết

Comments are closed.