Ở quê tôi năm nay, một làng ven biển Diễn Châu, nơi có đền thờ An Dương Vương và bài học Mỵ Châu – Trọng Thủy sao mà rét đến thế. Mồng một Tết nằm ở trong chăn mà còn lạnh thấu xương, rét đến mức không còn dám tưởng tượng người nông dân đang làm đồng như thế nào. Chỉ mong mẹ mình đỏ lửa để được xuống bếp sưởi một chút than hồng, để mong ăn một thứ gì nong nóng sau khi đã thờ phụng tổ tiên. Những ai còn mẹ, còn cha, được những giây phút như thế cũng là hạnh phúc lắm thay.
Có một câu chuyện thế này: Trước ngày 30 Tết, mấy bạn học cùng làng tôi rủ nhau đến thăm một bạn gái xưa là hoa hậu của lớp, cũng là hoa hậu của làng Cung chúng tôi. Vào nhà bạn gái thấy ngôi nhà đẹp như một cung điện: Chùm đèn trên trần nhà sáng dòng ấm áp, trên tường treo thấp thoáng các bức tranh của Levitan và bức “Người đàn bà xa lạ”, bộ sập gụ tiếp khách văn, lại thêm bàn ăn bày la liệt thức ăn sang trọng là đồ nguội. Chủ nhà dọn cỗ, rượu Tây bật tanh tách, vui hoan hỉ… Nhưng tiếc thay bà chủ, hoa hậu của lớp tôi, chủ nhân của bếp cung điện này thì đang ở trời Tây.Quá sướng còn gì, hơn chục người lớp tôi cứ xuýt xoa, ai cũng mừng cho bạn gái mình: “Chỉ hoa hậu mới đi được châu Âu, sống sang trọng, một bước xuống xe, hai bước xuống xe…”. Đời như thế ai mà chả mơ… Chúng tôi đều tin như thế, cả làng tôi đều tin như thế!Thế nhưng, phút giao thừa Mậu Tý, tôi nhận được điện thoại của hoa hậu lớp tôi từ nước Nga xa xôi. Bạn gái tôi đã khóc trên điện thoại vì nhớ chồng, nhớ con, nhớ bố mẹ và nhớ cái làng của chúng tôi đang đón Tết sau mùa lũ… Bạn gái của lớp tôi thút thít rằng, bạn không phải ở thủ đô Maxcơva, bạn đang ở vùng Xibêri lạnh giá dưới 0 độ, ở âm 20oC. Bạn đang nằm trong một góc nhà kho cùng với một người con gái làng tôi để giữ kho hàng quần áo Việt chưa xuất sang được bên kia biên giới. Tôi lặng đi.
Thì ra trong lúc lũ chúng tôi đang nằm trong chăn trốn rét đợi giao thừa thì có những người con gái làng tôi không quản “thân gái dặm trường” vượt sang châu Âu lạnh giá để kiếm sống, để mưu cầu hạnh phúc cho chồng con, cho người thân. Họ chỉ được đón giao thừa trong tâm tưởng, trong những giọt nước mắt nóng hổi ngõ hầu sưởi ấm con tim…
Các bạn lớp tôi ơi, giờ thì tôi lại càng hiểu cái cung điện trần gian của bạn gái chúng ta được xây từ giá lạnh, được xây từ hàng vạn cây số, từ đại dương bên kia, từ biên giới nước Nga vĩ đại và xa xôi. Xibêri, một vùng đất lũ trẻ chúng ta được học trong sách giáo khoa địa lý và lịch sử, giờ đây có một công chúa, có nhiều công chúa của làng mình đang ôm nhau đón giao thừa dưới 20oC…
Thì ra, cái giá của hạnh phúc phải chắt chiu từ giá lạnh, nhiều khi phải đổi cả cuộc đời là thế chăng…?
Mẹ tôi, những người mẹ khác của làng tôi nữa đã hàng ngàn năm nay chân lội bùn giá lạnh để nuôi dưỡng bao bếp lửa, để kiếm gạo, dệt vải nuôi chúng tôi khôn lớn, đi xa. Bao bà mẹ vừa rút chân khỏi ruộng là lại hát câu “Gái thương chồng đang đông buổi chợ…”, bao bà mẹ vừa lên bờ ruộng là lại lao vào bếp tay dao, tay thớt… Giờ làng tôi đất chật, người đông, ruộng hẹp, bao người con của làng, trong đó có những cô gái, người mẹ trẻ cầm tấm hộ chiếu vượt đại dương. Họ sang làm ăn ở miền đất lạ trước khi học ngoại ngữ…
Phắt một cái, những cô hàng xén chợ Dàn làng tôi trở thành doanh nhân nói bập bẹ tiếng Nga trên đất khách… Bi hùng thay. Mà cũng cảm phục thay! Đó phải chăng là một thông điệp mới mẻ của làng quê miền Trung…?
Đã từng có những xóm làng quê tôi quây quần ở Thủ đô Hà Nội, ở nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc của nước Việt thân yêu. Vì thế mà hoàn toàn có thể tin, biết đâu mai này ở nước Nga, ở vùng Xibêri, ở Ucraina, ở Phần Lan, Canada hay Anh quốc… sẽ có người làng chúng tôi quần tụ bắt đầu từ “lác đác bên sông chợ mấy nhà…” như câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan…
Nhưng làm sao phải để con cháu làng tôi hiểu được rằng, mọi hơi ấm và hạnh phúc dường như bắt đầu từ giá lạnh. Ví như lúc chúng tôi uống rượu trong “cung điện” của công chúa thì bạn gái mình đang kiếm sống phía trời xa; ví như lúc những công chức chúng tôi đang trốn rét trong nhà mình, trong công sở thì ở nhiệt độ dưới 10oC, những người nông dân đã xuống đồng gieo mạ, người công nhân trùm khăn đạp xe đến công xưởng làm ca. Và dường như đang có nhiều người lại bày tỏ lòng biết ơn những ngày rét đậm đầu năm này. Bởi theo họ, khi trốn rét, người ta sẽ hiểu thêm đức hi sinh của mẹ, sẽ đằm thêm hạnh phúc khi đón một vị khách lặn lội đến thăm ta, của cử chỉ ấm lòng mà ai đó dành cho ta khi gặp mặt…
Và cũng nhờ rét ta mới đủ hình dung để cảm thông những em bé và cô giáo vùng cao đang trèo núi đến trường, mới thương hơn bao người nghèo không đủ chăn ấm ở mọi miền đất nước. Cái rét như một hàn thử biểu của đức hi sinh và lòng tốt vậy. Bởi hạnh phúc chẳng bao giờ là ấm êm…