Con xin mẹ được một lần nói dối

Mẹ tôi đã 82 tuổi, suốt đời làm ruộng ở Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An, nhưng mẹ luôn là trụ cột kiếm sống nuôi 5 bố con tôi. Dường như bàn chân của mẹ tôi đã bấm qua hều hết những xã, những huyện của các tỉnh Khu 4 cũ, từ miền xuôi đến miền núi để kiếm tiền nuôi chúng tôi.

Thời ấy, mẹ đi mua sừng trâu, dép nhựa hỏng, mẹ mua lông gà, lông vịt để về bán cho mậu dịch ở Cầu Bùng dệt len, dệt áo…Nhiều khi mẹ đi không về kịp tối. Tôi còn nhớ, có năm lụt lội ngút trời, cả tỉnh Nghệ An nước trắng mênh mông, mẹ tôi đi cả tuần không về. Lúc ấy nhà thì hết gạo, mấy bố con bơ vơ, nhúm củi xong chỉ lơ thơ nồi nước cháo, không có điện thoại, không một lời nhắn, tôi ra đồng nhổ cỏ cho lúa, cúi mặt xuống ruộng mà khóc vì cứ ngỡ từ nay mất mẹ… Rồi bỗng mấy ngày sau, mẹ tôi quảy 2 bì ‘xác rắn” đựng lông vịt te tái chạy về nhà, mặt tỉnh như không có chuyện gì xẩy ra. Tôi mừng quá, chạy vào trốn sau chiếc cối xay lấy vạt áo lau nước mắt vì biết mẹ còn sống. Trước đó, có lúc tôi ngồi bên bờ ruộng khóc thầm vì lo nếu mẹ bị chết đuối ở đâu đo thì mấy anh em tôi sẽ thế nào!

Cả cuộc đời tính khí bố mẹ tôi hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu mẹ quảy gánh bôn ba khắp nơi kiếm tiền về mua gạo, thì hình như nửa cuộc đời sau, bố tôi chỉ ở nhà nhúm lửa nấu bếp…Trong khi mẹ tôi nấu ăn vụng về, kiểu người đàn bà điển hình của xứ Nghệ “chặt to kho mặn” thì bố tôi lại nấu ăn rất ngon (sau này khi mẹ ra ở với tôi, vợ tôi hay cự nự với mẹ nhưng mẹ tôi chỉ cười, tôi hiểu mẹ yếm thế, làm sao dám cãi nhau với con dâu, nhất là trong chuyện nấu ăn. Những lúc ấy, tôi mà thương mẹ đến đứt ruột. Cũng may sau này vợ tôi hiểu ra, rất thương mẹ). Trong khi mẹ tôi không biết khâu vá, thì ngược lại bố tôi khâu quần áo cho chúng tôi với những đường chỉ li ti, nhỏ nhặn, nhìn qua cứ tưởng là khâu bằng máy. Trong khi mẹ tôi nấu món cháo lươn không biết bằng cách nào thì bố đã dạy chúng tôi thả trúm bắt lươn đem về lấy ruột cây giang luồn từ miệng con lươn xuống đuôi …để rút hết ruột rồi thả vào nồi cháo. Nồi cháo gần chín, bố tôi vớt thịt lươn ra, băm nhỏ trên thớt rồi tao nhẹ với tỏi, thoang thoảng dậy mùi, bố đem thả vào nồi cháo đun sôi, nhìn thèm rỏ dãi…Chúng tôi ăn vào nhớ suốt một đời người. Hình như Mẹ tôi rất hiểu bố tôi nên ông bà tự nguyện “giao kèo” sẽ phân công lao động như thế thì phải.Vậy mà bố mẹ tôi nuôi 4 người con, rau cháo cầm miệng, đến nay bốn chúng tôi đều trở thành đảng viên đảng Cộng sản. Anh cả tôi chiến đấu ở chiến trường, người phụng dưỡng mẹ tôi vừa mất, Tết Mậu Tí vừa qua tôi trở thành anh lớn nên đã về quê phúng viếng Bố và anh Cả về quê để chăm sóc mẹ già mong mẹ đỡ buồn. Mông 2 Tết tôi đi vội ra trực cơ quân, có 2 cặp vợ chồng bạn vong niên gốc Diễn Châu của tôi, sống ở Hà Nội ra Diễn Hồng chúc Tết mẹ tôi. Đó là cặp vợ là Chu Quang Thiện (quê Diễn Kim)- Bùi Thị Lan Anh và Trần Văn Long (quê Diễn Tháp)- Nguyễn Thanh Bình…Thế rồi Rằm Tháng Giêng tôi gặp Chu Quang Thiện, người bạn hiện là Giảng viên Học viện An ninh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám trong ngày thơ Việt Nam. Thiện bảo “Anh ơi. Anh có người mẹ thật tuyệt vời”. Thiện bảo, không thể ngờ mẹ tôi đã 82 tuổi mà giọng cũn sang sảng, diễn đạt khúc chiết, nhớ chính xác bao chuỵen quê mình, còn biết “đối ngoại” với bè bạn của con lúc con vắng nhà. Mẹ tôi và bố tôi lúc còn sống quý bạn bè của con đến khủng khiếp! Tôi nhớ năm 1976 các bạn gái của tôi là Lưu Thị Nhung (Hiện sống ở TP HCM), Bùi Minh Yến (nay làTiến sĩ Viện ngôn ngữ học), Nguyễn Thị Thu Hương (Hiện là thạc sĩ Học viện Tư pháp) đạp xe từ Phủ Diễn đi qua những vùng lúa đang trổ về thăm nhà tôi bên sông Cồn Lau của Diễn Hồng. Ai ở nông thôn chả biết, khi lúa ngoài đồng đang trổ thì nhà nông đang kỳ giáp hạt, đói meo lòng…Học cấp 3 rồi nhưng tôi nào có biết. Hôm ấy, mẹ tôi đi vòng sau giếng nước trốn bạn để tạt sang láng giềng vay gạo. Mẹ giấu bơ gạo trong vạt áo không còn lành lặn để xuống bếp thổi cơm (Thành ngữ có câu “Cơm chéo áo, gạo chéo khăn” là thế này chăng?). Dặn mâm cơm thơm phức, mẹ nhai trầu nhìn chúng tôi ăn để ai cũng hiểu mẹ đã ăn xong, no lắm rồi. Rồi lúc lũ chúng tôi ăn cơm thì mẹ lại trốn vòng ra sau nhà tạt sang một láng giềng khác vay mấy đồng bạc. Trước mặt các bạn gái trường Năng khiếu Phan Bội Châu, mẹ tôi cười sang sảng đưa cho tôi những đồng tiền lẻ đã cũ như ngầm nói với bạn tôi rằng, ta là người giàu có, các cháu về đây ăn một bữa cơm là vui, đừng nề hà già cả…Giờ có thể bạn gái con lờ mờ nhớ ra đìều ấy, vì thế chăng mà Bùi Minh Yến có lúc đề nghị được trở về làng cũ xưa. Nhưng làng đã di chuyển hơn 30 năm rồi mẹ nhỉ?

Gặp bạn, con lại càng tự hào về mẹ. Thế mà đời con thật lắm lỗi lầm. Và còn bao nhiểu lầm lỗi đang ở phía trước nữa. Con chỉ xin mẹ hãy yên lòng để sống thọ cho con được có chốn quê, được thường trở về quê ngheo ấy. “Con xin mẹ được một lần nói dối. Mẹ đừng biết thêm một lầm lối của đời con”…Đó là câu thơ của con viết cách đây gần 30 năm…mà không dám tặng Mẹ!

Bài viết

Comments are closed.