Mùi sắn thơm trên đường Văn Miếu

Đêm rét ngọt những ai đi qua Văn Miếu Quốc Tử Giám bỗng thấy giật mình khi thoang thoảng lẩn khuất đây đây thơm lừng mùi sắn luộc. Dường như mọi người đều cảm thấy ấm ấp, thấy xao xuyến bởi sự thân thuộc hương vị mộc mạc của làng quê, của trung du mà thuở bé thơ ai cũng từng được nếm trải đang lan toả chốn Hà thành. Thế rồi, dẫu là ngày cuối năm tất bật, ai qua đây tự nhiên muốn chậm lại bước chân, muốn giảm một chút tay ga, cả người quan chức kia nữa cũng mở kính xe để được tranh thủ phút hiếm hoi tận hưởng mùi sắn luộc nóng hôi hổi đang dịu dịu lan ra nơi vỉa hè bên tường Văn Miếu cổ kính đầy rêu phong…

 

Dễ có đến hơn 50 chị em phụ nữ đứng bán sắn luộc dọc vỉa hè quanh Quốc Tử Giám. Ai đã xui khiến họ chọn cổng Trường đạị học đầu tiên của Việt Nam, ai đã xui khiến họ chọn nơi tôn vinh các bậc tài danh, học cao biết rộng từng khắc ghi lời bất hủ của cho ông “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”… làm điểm hẹn tự phát bán sắn luộc quê nghèo? Có lẽ những người phụ nữ của cái làng An Tiến, Mỹ Đức, Hà Tây kia không ai có thể trả lời được câu hỏi đầy nhân văn ấy. Nhưng họ hiểu hơn ai hết thân phận người nhà quê ra phố thuê chỗ ngủ để đêm đêm luộc sắn nóng rao bán, họ hiểu hơn ai hết sự phiền phức của mình đến văn minh đô thị nên họ rất biết điều, mỗi người như muốn cố thu nhỏ mình lại, chỉ vẻn vẹn chiếm dụng gần một mét vuông, lặng lẽ đứng, không dám mời to, chỉ dám nhờ mùi thơm lừng của nồi sắn đang được hông nóng lên từ chiếc bếp đặt trên chíêc xe đạp tự chế thô kệch nói hộ…. Họ kể với tôi rằng, có người trong họ mang sắn từ quê xa tới, có người ra Hà Nội mua sắn tại các phiên chợ đêm rồi luộc lên bán hàng ngày. Củ sắn về Hà Nội có thể từ vùng xa Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, có thể gần một chút như Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Thái Nguyên và Bắc Giang nữa; hay có thể củ sắn nhọc nhằn theo tàu hoả từ miền Trung ra như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Dường như ở đâu có trung du nhọc nhằn, ở đó có cây sắn tươi mởn vẫy gió trời. Lá sắn xanh, mảnh mai và hiền hậu, thân cây sắn khẳng khiu mọc thẳng sao thấy thương thương, khẳng khiu như dành dụm mọi tinh lực nuôi củ sắn đang cựa mình dưới đất nâu kia. Ngày dỡ sắn, người ta vui biết bao nhiêu khi được cầm chặt lòng tay củ sắn da nâu còn vương đất đồi bụi đỏ. Bóc ra lớp vỏ nâu màu đất, một lớp thịt sắn hiện ra trắng bong, nồng lên mùi nhựa quấn quýt bàn tay người. Những người đàn bà cho sắn vào nồi, bắc lên bếp củi hồng hào ánh lửa, củi lửa cháy tanh tách như tiếng cười hạnh phúc của kẻ được mùa. Nếu luộc sắn bằng bếp than có thể tiết kiệm nhưng mùi thơm của sắn sẽ không trong, sẽ không hấp dẫn lôi kéo được hồn thực khách. Khi nồi sắn ùng ục sôi, sắp chín tới, người ta cho vào nồi mấy hạt muối, đun một lát nữa thôi, nước trong nồi đang cạn dần, chỉ cần mở hé nắp vung mùi sắn đã lừng lên có thể làm người đang đói say nghiêng ngả. Củ sắn tơi mởn, thấm chút vị mặn ăn vào thấy bùi và thơm quyện vào không cưỡng lại được…

Đã bao nhiêu năm xa quê nghèo bươn chải nơi thị thành, chiều tối nay trong lất phất mưa phùn và rét ngọt, qua phố Văn Miếu tôi lại được nghe mùi sắn thơm ai giăng lên không gian, ngấm tới thấu tâm can như nhắc nhở, như dục giã đìều chi. Tôi đứng lặng nhìn những người khách mua sắn vỉa hè một cách vội vã bỗng thấy lòng ấm lại, thấy bình tâm sau những toan tính nhọc nhằn. Khách mua có cả những nam thanh tú, cả lớp trung niên và người cao tuổi. Có người mua một suất, lại có người vừa xuýt xoa vừa mua đến ba bốn suất. Có người khách dừng xe ô tô biển số 80 lúc chờ đèn xanh ngã tư đã mua đến dăm bảy suất, có lẽ để về chia cho nhiều người…. Hơi nóng thanh mảnh từ củ sắn bay nhẹ lên trên đôi tay trao cho nhau giữa chủ và khách thơm thợm một góc đường tấp nập. Dường như không thấy ai mà cả…Tôi hiểu có thể khách mua quà không nệ chuyện đắt rẻ, hình như họ mua để ăn một chút thơm của trung du mộc mạc, người ta còn mua một nỗi nhớ đang nao nao hiện về. Bởi hiếm ai có thể vô tình khi chạm vào một không gian hẹp của mùi sắn thơm, mùi thơm từng theo những đứa trẻ quê xa trên bước đường hội nhập thị thành. Mua dăm ba ngàn đồng sắn luộc là cách sẻ chia một chút với người nhà quê bán rong; nhưng đông người mua hơn nữa lại là cách cảm thông, sẻ chia với hàng vạn người trồng sắn của những vùng đồi trung du rộng lớn. Tin yêu để mua một củ sắn đang vừa chín tới kia là cách để chúng ta trả ơn người trồng cây của nông thôn xa ngái đầy gian khó.Xin cảm ơn những người nông dân chùa Hương lặng lẽ bán sắn ở dọc đường Văn Miếu lúc chiều buông. Xin cám ơn tiếng rao thảnh thót “Ơ sắn nóng” cô đơn vang lên trong đêm khuya dọc các con ngõ nhỏ. Tiếng rao đêm lam lũ của người, mùi thơm dìu dịu của sắn nhắc ta về một thời nhà nông vất vả chưa xa. Tiếng rao và mùi sắn còn nhắc ta về những số phận hiện tại đang bươn chải từng đêm, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ để kiếm sống qua ngày. Họ là ai? Đó là cư dân thân thiết của ta. Mua một củ sắn luộc chín thơm với cử chỉ trân trọng là sẻ chia với họ. Và phải chăng cũng là nhắc ta về thái độ sống trong nhịp sống đầy quyết liệt này. Điều ta được nhận lại là vô giá.

Góc nhìn của tôi

2 comments