Bức ảnh bị đánh cắp

Nhà hàng Lá Cọ bỗng vài tháng gần đây xuất hiện một cô gái lạ. Lúc đầu Tiến không để ý vì không thấy chủ nhà hàng đăng ký tạm trú nhân viên mới với anh, nhưng nghe đồn là xinh “dã man”. Dân phố cũng tò mò, kháo nhau, rồi lũ trẻ mới lớn cũng bỗng dập dìu đi qua Lá Cọ, nhưng không dám vào vì sợ bị láng giềng đánh giá tư cách. Bạo dạn hơn, một tốp sinh viên của dân phố liều mình cứ đêm thứ bảy, chủ nhật xin vào Lá Cọ lấy cớ xem bóng đá Anh màn ảnh rộng, nhưng tất thảy đôi mắt đều hướng về cô gái mảnh mai đứng ở quầy lễ tân kia. Da trắng hồng, mịn dịu, khuôn mặt thanh thoát cao sang, đôi hàng mi dài đều tăm tắp, lông mày đen trải cong dài trên khoé mắt dưới cái nhìn bao dung, ươn ướt mà thẳm sâu. Cái nhìn ấy còn trong trẻo, ngơ ngác như bầu trời miền sơn cước lúc tinh mơ…

 

Vào một buổi sáng Tiến đến kiểm tra nhân viên mới của nhà hàng Lá Cọ. Hôm ấy cô gái mặc bộ quần áo dân tộc Thái, chiếc áo chàm được thêu bởi nhiều màu sắc, nổi bật nhất vẫn là những đường viền dài màu đỏ tía, nên nhìn cô lại càng đẹp lên, tươi nguyên như ở một bản nào đấy xa xôi. Mụ Lan chủ nhà hàng Lá Cọ đon đả chào Tiến như bao lần khác, và khi tiễn Tiến ra về, bao giờ mụ cũng không giảm đi chút nào sự mời chào đon đả ấy, lại thêm ngụm nước trà thật xót ruột. Theo mụ, chỉ có những người thân thiết như Tiến, thuộc diện nắm pháp luật thì mới được khao ấm nước trà pha đặc ấy, khách kiểm tra khác chỉ được chén nước loãng thôi. Mụ Lan nói rằng, cháu gái đây tên là Thơm, người Yên Bái, xuống Hà Nội ôn thi đại học: “Tôi thương cháu đưa về đây vừa có chỗ ở, vừa làm kiếm thêm tiền nộp học phí. Chú Tiến thông cảm, cháu mới tròn mười chín, ở tỉnh miền núi, người ta chỉ làm chứng minh thư cho người từ hai mươi”. Nghe thế, Tiến biết ngay là tòi cái đuôi nói dối, làm gì có chuyện tỉnh nào dám làm sai chỉ đạo của Bộ. Mụ Lan vào phòng nghe điện thoại, Tiến chủ động gọi cô gái tới:

– Em xuống Hà Nội lâu chưa?
– Dạ, đã hai năm rồi ạ.
– Thế em thi vào trường nào?
– Không, em tìm người nhà.
– Người nhà nào, ở đâu?
– Chú ấy là thợ ảnh, cháu xuống tìm chưa thấy. Bị lạc nên vào đây.

“Nói dối”, Tiến cau mày định quát to lên như với mấy chú choai choai trộm cắp vặt bị bắt ra phường. Nhưng may là kìm lại được. Đôi mắt cô bé trong trẻo quá, ngôn ngữ và giọng nói chẳng có gì là người vùng cao, thậm chí quá “sõi” nữa là khác, nhưng sau khoé môi như đang cười kia, sau câu trả lời chuẩn ngữ pháp ấy vẫn thấy những âm sắc đáng tin cậy. Giọng ấy, miệng ấy hình như không thể nói dối. Nhưng Tiến nhủ thầm chưa thể vội vàng, bởi xưa nay nhiều cô gái nhà hàng thường chuẩn bị sẵn một kịch bản rẻ tiền đủ để moi được nước mắt của cánh đàn ông trong những cuộc ái ân vụng trộm. Biết đâu cô Thơm này cũng thế, là dân một vùng châu thổ nào đó sa chân vào chốn thi người đẹp rồi bị bắt cóc nhốt vào Lá Cọ? Lúc ấy, làm sao Thơm có thể nhìn xuyên được ý nghĩ của anh cảnh sát khu vực nghiêm chỉnh quân hàm đại uý, lại hơn cô đến gần hai mươi tuổi, vì thế khi nghe Tiến hỏi “Chứng minh thư của em đâu?”,Thơm lại nhoẻn miệng cười, vẫn là giọng trả lời gãy gọn “em có, bà chủ cầm ạ”. Vừa lúc đó, mụ Lan đi ra, nghe câu trả lời của Thơm, mồm mụ há ra như muốn chặn Thơm lại nhưng không kịp. Tiến nghĩ phen này cô Thơm chắc chết, chí ít là no đòn chửi, nhưng không, mụ Lan trở giáo rất nhanh:

– Đấy, chú Tiến thông cảm. Ông nhà tôi cầm chứng minh thư của cháu, nói dối chú một chút mà lại được cô cháu thật thà quá. Cháu thế mới gọi là cháu. Này Thơm ơi – mụ Lan rất ngọt – có thật là thật với công an phường, với người như chú Tiến đây cháu nhé. Chứ người khác thì cũng chẳng cần thiết đâu. Phải không chú Tiến?

Mụ Lan cười tít mắt, nhìn Tiến như đưa tình rồi cười hơ hớ, cười hối lỗi, rối rít rót thêm trà đặc giục Tiến uống. Tự nhiên Tiến thấy ái ngại cho cô Thơm, nên vội ra về, không quên nhắc mụ Lan lúc nào ra phường đăng ký tạm trú cho cô cháu gái.

Độ tuần sau, buổi sáng Tiến được cử xuống tìm hiểu về chuyện các hộ xung quanh phản ánh nhà hàng Lá Cọ mở nhạc Karaoke quá cỡ sau 24 giờ. Chẳng biết mụ Lan đi vắng hay cố tình tránh mặt, để Thơm ra tiếp. Thơm có vẻ mệt mỏi với đôi mắt thâm quầng, nhưng bù lại miệng rất tươi, vồn vã. Cô hỏi chuyện về Tiến rất nhiều như đã là chỗ thân quen, mời Tiến ở lâu một chút chờ mụ Lan về. Rồi cô tự kể về quê cô, dĩ nhiên là đẹp, là nhiều suối, dĩ nhiên là nhiều núi với ruộng bậc thang mà cô đã nghe một nhà thơ gọi đó là nếp nhăn của núi. Tiến cũng thấy vui vì được biết thêm dăm ba kiến thức địa lí từ miệng một cô gái nền nã làm lễ tân. Một điều là “thưa anh”, hai điều là “anh ạ”, giọng của Thơm cứ trong vuốt, mắt nhìn thẳng vào Tiến hồn nhiên, có lẽ để làm duyên hơn là tỏ ra bình đẳng. Điều làm Tiến thấy ngạc nhiên chính là trong câu chuyện không đầu không cuối, có lúc Thơm đã hỏi về gia đình cỏn con của anh, về căn nhà nhỏ nhoi cuối bãi nổi sông Hồng. Cô đã nghe một cách thực lòng, pha chút thích thú khi Tiến kể những chuyện gọi là khôn sớm của đứa con gái năm tuổi. Đã mấy ai ở những chốn này hỏi về anh chuyện riêng tư ấy…

Sau khi mụ Lan ra đăng kí tạm trú cho Nguyễn Thị Thơm, hầu như Tiến không cò để tâm đến chuyện của cô nữa. Hàng tỉ thứ việc của một cảnh sát khu vực, chuyện này đè lên chuyện kia, hơi đâu còn để ý tới cô gái lễ tân mà anh cũng đã biết rõ. Thế nhưng xẩy ra một chuyện động trời! Một đêm, Tiến được cử phối hợp với cảnh sát hình sự thành phố tiếp cận nhà hàng Xanh Cây để phá một ổ gái mại dâm mà chuyên án đã xác lập từ lâu. Đúng 22 giờ các anh bí mật đột nhập vào các phòng nghỉ khiến cánh bảo vệ ở đây không kịp trở tay. Tiến quá sửng sốt vì khi đột nhập vào căn buồng số 5, các anh đã bắt quả tang cô Thơm đang ngủ cùng một vị đàn ông đã luống tuổi. Tiến phải quay mặt đi cho hai người mặc quần áo, rồi đi nhanh ra khỏi phòng để mặc cánh hình sự lập biên bản; anh không dám đứng lâu nhìn Thơm quỳ xuống, nước mắt dàn dụa xin các anh tha cho. Tiến làm sao đủ tư cách để giúp Thơm, mà giúp làm gì nữa? Hơn chục cô gái cùng số đàn ông mua dâm bị dong về công an phường trong đó có cặp của Thơm. Tiến nghe lỏm cánh hình sự nói nhỏ với nhau, cô Thơm không thuộc ổ nhóm chuyên án đang làm, có thể cô đi khách một mình. Lúc chuẩn bị lên xe về phường, duy nhất có Thơm vẫn ôm mặt mà khóc tức tưởi, còn các cô kia thì cứ câng câng như thách đố. Đi đến chỗ Tiến, Thơm nói đứt quãng “Em lần đầu, xin các anh tha”. Nhìn khuôn mặt Thơm đẫm nước mắt, run rẩy, Tiến thật khó cầm lòng. Anh đi tới đồng chí đội trưởng: “Cô Thơm có địa chỉ cụ thể, đã đăng kí tạm trú, phường chưa từng phát hiện có dấu hiệu hoạt động mại dâm, có thể hôm nay có một lí do nào đó… Xin đề nghị cho cô ấy về làm bản tường trình để gửi sau. Tôi xin chịu trách nhiệm được không?”. Đội trưởng hình sự lùi lại: “Cậu sao thế?”, rồi lặng lẽ đi ra nói nhỏ điều gì đấy với cấp dưới, khoát tay cho xe chở tất cả về phường. Dân phố xôn xao bàn tán, Tiến uể oải đạp xe nổ máy đuổi theo, về đến công an phường thì đội trưởng chạy vội ra: “Tớ đã cho anh em đưa cô Thơm về Lá Cọ, cậu phải giữ đúng lời hứa đấy”. Tiến thở phào như trút được gánh nặng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong nghề, Tiến có một lí do riêng cậy nhờ tới đồng sự. Có thể vài ngày sau, ai đó bảo rằng sai, có thể rồi sau anh sẽ bị liên luỵ, nhưng hôm nay anh thấy không thể không giúp Thơm, không thể làm khác được…

Vài ngày sau sự kiện động trời ấy, Tiến đang định đến nhà hàng Lá Cọ thì đột nhiên Thơm tìm đến công an phường. Không ai biết cô, ngoài Tiến; cô phải chờ hơn một tiếng đồng hồ mới gặp được anh. Ngồi đối diện qua bàn làm việc, Tiến thấy khuôn mặt Thơm gầy rộc đi, khô rám như người vừa đi qua vùng tâm bão. “Cảm ơn anh đã cứu em, đây là tường trình của em” – Thơm nói. Tiến cầm một tệp giấy chi chít những chữ, những con chữ mềm mại, nắn nót chân phương chứng tỏ người viết đã rất tập trung tinh lực cho công việc bất đắc dĩ này. Anh hỏi nhỏ “Sao dày thế?”. Thơm mỉm cười mỏi mệt “Em kể thật hết không dám giấu anh” rồi xin phép về, mời Tiến hôm nào ghé qua Lá Cọ dể cô được trò chuyện tiếp.

Chưa có một bản tường trình nào có độ dài khủng khiếp đến thế. Càng đọc Tiến càng bị hút vào một câu chuyện phải chăng là bí mật của đời Thơm, những bí mật quả là khó cắt nghĩa theo một lô gic thông thường…

Chuỵện rằng, cách đây 9 năm (Tiến nhẩm tính, lúc đó Thơm 10 tuổi), Thơm đang học tại trường nội trú ở Mù Cang Chải thì bất ngờ có một chiếc xe dưới xuôi chở mấy cô chú tới thăm. Thơm vừa ra chơi, thấy mấy chú mặt đỏ gay chắc vì nắng nóng, thì mỉm cười lấy làm thích thú lắm. Bỗng một chú trong đoàn, đến bây giờ cô vẫn không biết tên, cầm máy ảnh gọi Thơm ra cổng trường. Chú ấy bảo để chú ấy chụp ảnh cho. Bố mẹ vốn từ dưới Thái Bình lên khai hoang nên nghèo lắm, lần đầu tiên cô bé được biết thế nào là chiếc máy ảnh, khi bấm “cách” một cái có thể phát sáng rất nhanh. Chú ấy chụp nhiều lắm, chụp chỉ mỗi mình Thơm, mặc cho các bạn cùng lớp đứng hình vòng cung ở ngoài trầm trồ nhìn cô bé quàng khăn đỏ như nhìn vị thần may mắn. Chú chụp ảnh ghi tên Thơm, hẹn mấy hôm nữa về xuôi sẽ gửi ảnh lên…

Thơm mong ngày mong đêm, mong được một ngày sẽ nhìn thấy mình như thế nào trong bức ảnh. Có buổi Thơm trốn học, ở nhà nhìn vào chiếc gương to, tự ngắm mình và tưởng tượng sẽ đẹp hơn như thế nào trong bức ảnh từ dưới xuôi gửi lên. Chú thợ ảnh bảo chú ấy ở Hà Nội. Vậy mà cứ mong mãi, mong mãi, càng mong càng thấy biệt tăm. Mấy cô giáo bảo với Thơm rằng, chú ấy lừa thôi, máy ảnh ấy làm gì có phim. Thơm tức lắm, vì thấy mặt mũi chú chụp ảnh rất hiền, bao nhiêu đứa trường này sao chú không lừa đi, lại lừa Thơm? Không, Thơm không tin chú ấy như thế. Rồi một năm sau nữa, bỗng lúc học sinh ra chơi, một cô giáo trường nội trú cầm quyển sách hoạ báo nước ngoài chạy vòng khắp sân trường, vừa chạy vừa huơ huơ quyển hoạ báo lên cao “ảnh cái Thơm, ảnh cái Thơm được giải quốc tế”. Cô này chạy, mấy cô khác ríu rít đuổi theo giật lại xúm xít xem. Thơm đứng ở xa lo lắng hồi hộp muốn chạy đến, nhưng vì sợ cô giáo nên cứ đứng chôn chân một chỗ. Tiếng trống trường báo hiệu hết giờ chơi, Thơm bước vào lớp, cô giáo dạy văn hồ hởi tuyên bố: “Cả lớp đứng dậy, vỗ tay chúc mừng bạn Thơm. Ảnh bạn Thơm do mấy chú đoàn nhà văn ghé thăm trường ta chụp nay được giải thưởng lớn quốc tế. Thơm đâu, bước lên đây”. Thơm bước lên bục giảng, người râm ran. Cô giáo bảo vì Thơm học giỏi văn nên mới có khuôn mặt, cái nhìn đẹp để chú nhà văn bắt lấy cái thần. Cô giáo bảo rất tiếc là thầy hiệu trưởng đang giữ quyển hoạ báo nên cô không cho cả lớp xem được. Thơm trở thành thần tượng của lớp, của cả trường nữa, lòng hân hoan, vui ghê lắm. Nhưng mãi Thơm vẫn chưa nhìn thấy bức ảnh ấy như thế nào. Có lẽ các thầy cô nghĩ rằng chỉ cần thông báo cho cô bé Thơm chuyện bức ảnh được giải thưởng đã là một đặc ân, chẳng cần phải nhìn thấy tờ hoạ báo nước ngoài nữa. Đã thế cô bé càng mong chú chụp ảnh, tin rằng thế nào chú ấy cũng gửi ảnh lên. Thơm sẽ khoe với cả trường, với bố mẹ, với bản Na Than xinh đẹp của Thơm nằm bên con sông Nậm Mơ mùa nào cũng ào ào chảy “Đây, ảnh chú ấy chụp Thơm đây, có cả chữ chú ấy ghi tặng đây; nhưng chỉ được nhìn thôi nhé, đừng có mà cầm vào nhoè ảnh mất…”.

Nhưng đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy gì, có lúc cô bé nghĩ hay chú thợ ảnh làm sao? Có những đêm học bài, Thơm phải dừng lại đi bộ ra phía bìa rừng hướng mắt về xuôi, giữa mênh mông là đêm đại ngàn thầm xin trời đất phù hộ cho chú chụp ảnh mạnh khoẻ, đừng có làm sao. Để chú ấy gửi ảnh lên. Vậy mà vẫn bặt vô âm tín. Mấy năm sau, tình cờ cô bé Thơm được thầy hiệu trưởng trước khi nghỉ hưu gọi lên cho xem bức ảnh ngày nào. Bây giờ thì nó đã cũ sờn, ố vàng, ai đó đã xé đi một góc phía trên, nhìn bức ảnh chỉ thấy khuôn mặt cô bé cười với rừng cây sau lưng bị bụi và nước điếu phủ lốm đốm những vệt đậm nhạt vàng khè trông nhức mắt đến khó chịu. Thơm hỏi tên chú chụp ảnh ghi phía dưới; thầy giảng cho Thơm biết, chữ nước ngoài ghi là “Foto: Nguyen Hien”, nếu phiên sang chữ ta thì có thể tên là Nguyễn Hiên, Nguyễn Hiến mà cũng có thể là Nguyễn Hiện, Nguyễn Hiền… Tóm lại cũng chẳng rõ là ai. Thơm buồn lắm. Tự nhiên Thơm thấy thương chú ấy, mặt hiền, mắt đẹp, tóc bồng bềnh đen nhánh, người như thế mà bị làm sao thì… chết. Rồi năm cuối cấp trung học phổ thông, cô bé Thơm thấy trong người mình bỗng có lúc lòng man mác nhớ nhung, có lúc lại thổn thức mơ hồ nghĩ da diết về chú chụp ảnh. Hình ảnh người đàn ông ngày xưa cứ lớn dần, đẹp dần lên suốt tuổi dậy thì của cô gái đang chập chờn làm thiếu nữ…

Như một lẽ tự nhiên, càng lớn Thơm càng tự thề với mình sẽ về Hà Nội tìm chú ấy. Cô bé tưởng tượng sẽ được chú ấy dẫn ra Hồ Gươm bảng lảng buổi sương sớm như bài tả phong cảnh Hà Nội in trong sách giảng văn. Một chút gió hồ se lạnh, Thơm sẽ được chú ấy khoác tay, Thơm liêu xiêu và tin cậy tựa vào chú ấy thấy ấm áp làm sao khi được dạo một vòng quanh hồ, được nghe chú ấy kể về cội nguồn, sự tích của Tháp Bút, cầu Thê Húc, chuyện các cụ Rùa Hồ Gươm… Một chút nắng vừa hé ra, thế nào Thơm cũng xin chú chụp cho một bức ảnh nữa. Thơm sẽ ôm cả hai bức ảnh ngày xưa và hôm nay ra ga tàu về Yên Bái, tất nhiên sau khi vừa ăn xong một que kem. Tàu chạy xình xịch, chú ấy sẽ chạy vẫy theo Thơm, miệng nói với theo câu gì như là lời hẹn…

Có phải vì giấc mơ hạnh phúc ấy không mà sau khi học xong lớp 12, Thơm trốn bố mẹ theo một chị lớn tuổi ở thị xã về Hà Nội tìm chú ấy. Chị ta bảo, cứ đi cùng, chị ta dẫn đến một số tạp chí hỏi người chụp ảnh ấy là ai. Chị ta có dẫn Thơm đến một số nơi in báo, hỏi thì ai cũng nhiệt tình nhưng vẫn không biết chú ấy là ai. Thế rồi, chị ấy bỏ đi, lừa gửi Thơm vào nhà hàng Lá Cọ. Bà Lan bảo đã chi số tiền lớn để hai chị em đi tìm chú thợ ảnh mấy tháng qua, nay Thơm phải ở đây, làm những việc bà chủ sai bảo để trả nợ. Có cả về sĩ bảo vệ cho cô. Vậy là Thơm không dám quay về bản vì xấu hổ, lại không có tiền. Nhưng trong sâu xa, Thơm vẫn muốn ở đây để tìm chú ấy cho kỳ được. Đến hôm nay Thơm vẫn còn thấy lo lo, người như chú ấy không bao giờ quên lời hứa, nhỡ chú ấy bị làm sao…

Tiến cũng thảng thốt khi đọc xong hơn mười trang giấy. Vừa thương, vừa giận lại vừa không tin cô. Dù cuối bản tường trình Thơm cũng thú nhận bị mụ Lan ép lần đầu phải đi khách, nhưng anh vẫn không sao tin nổi một câu chuyện kì lạ đến như vậy. Lẽ nào Thơm cũng như bao cô gái nhà hàng khác, lúc nào cũng sẵn trong túi dăm ba câu chuyện nhằm xác nhận với bọn đàn ông ta là gái vốn một thời đoan trang. Nhưng kể cũng lạ, nếu Thơm là gái hạng ba xu sao còn xinh, còn thánh thiện đến thế?

***

Sáng nay, Tiến nhận được tin gia đình nhà văn Nguyễn Hiên, công dân của tổ 61, mất trộm. Chủ nhân không báo, nhưng ông tổ trưởng dân phố vẫn tin cho công an phường. Tiến lao nhanh xuống tổ 61, thầm nghĩ cánh nhà văn mà mất một cái kim, tin loan truyền còn hơn nhà giàu mất con bò cái. Nếu không tìm ra là cách rách lắm. Nguyễn Hiên thì Tiến còn lạ gì. Độ mươi năm nay ông ấy đi nhiều nơi, mỗi nơi đều mua về một kỷ vật ghi danh vùng đất ông ấy từng đến xếp đầy nhà. Hiên giàu có dần lên theo những chuyến đi. Điều lạ là ông ấy không lấy vợ, nhưng nhà cửa ngăn nắp một cách khó tính. Một mình một xe máy rong ruổi, ngoại tệ trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh, con gái cứ đi theo ông hàng đàn. “Tôi tôn trọng anh Tiến vì anh theo triết lý một vợ một con. Nhưng cũng đề nghị anh Tiến tôn trọng tôi vì tôi không lấy vợ, phải không nào? Tôi là trai nhiều tuổi chưa vợ, nếu có ngủ với các em từ 18 tuổi trở lên mà chưa chồng đều không phạm pháp, đúng không? Điều tôi lo nhất là đau ốm, là mất cảm hứng sáng tạo. Còn lúc nào chết thì có Hội nghệ sĩ lo“. Có lần Hiên mời Tiến uống rượu tại nhà rồi bộc bạch như thế. Có lẽ Hiên biết chuyện hàng xóm phản ánh với Tiến nhiều đêm ông ta đưa phụ nữ về ngôi nhà 2 tầng, cứ lục cục suốt đêm khiến hàng xóm phải tò mò đâm mất ngủ… nên cũng nói lời thanh minh chăng?

Tiến đến, Nguyễn Hiên đón Tiến hờ hững, thần sắc của một nghệ sĩ tài hoa biến đâu mất, đôi mắt đục ngầu vì rượu, đỏ vằn lên chếnh choáng, tóc tai chải gọn ghẽ, nhưng râu ria thì tua tủa. Nguyễn Hiên rót rượu mời Tiến, “cạch” một cái hờ hững rồi uống cạn trước. Tiến hỏi thẳng “Anh mất cái gì, sao không báo sớm cho chúng tôi?”. “Mất cái vô giá!”. Tiến nhắc lại câu nói của một nhà thơ vừa cáu bẳn phun ra ở phường tuần trước: “Đời có cái gì là vô giá”. Nguyễn Hiên nói: “Không có giá tức là vô giá”, rồi uống tiếp. Ngồi mãi rồi về, buổi tối Tiến lại tới, vẫn thấy Nguyễn Hiên uống một mình, ngôi nhà hai tầng bật điện sáng trưng hắt ra cái bóng thui thủi rũ rượi của Hiên. Thấy Tiến tới, Hiên niềm nở “uống chứ” rồi rót rượu. Quả thật, Tiến rất muốn Nguyễn Hiên viết mấy dòng trình báo xem mất cái gì để làm cơ sở báo cáo chỉ huy phuường, nhưng Hiên vẫn câm lặng…

Phải mấy hôm sau Hiên mới tỉ tê với Tiến. Đêm ấy không rõ trời xui đất khiến thế nào, Hiên gặp một cô em ngực vừa, mông nở, chân dài, rủ đi là đi ngay. Khoảng mười giờ đêm, ông ta đưa cô gái về nhà mình, khoác tay đi như một đôi tình nhân. Kì lạ làm sao, cô gái cũng tin cậy tựa vào vai Hiên đi lên tầng hai. Khi đi qua phòng ảnh, Nguyễn Hiên nhận thấy cô gái vội buông anh ra hốt hoảng điều gì. Hiên nói với cô gái, Hiên là trai chưa vợ, xin em hãy bình tâm. Hiên thú nhận chưa bao giờ anh nói lời ngọt ngào ấy với bất cứ cô gái nào, chỉ với cô gái đêm ấy – một thiên thần lạ đang run rẩy. Đêm đó, họ nằm với nhau trong mênh mông là đêm tối, trong sự dâng hiến tột đỉnh của cả hai người. Theo giọng Hiên lúc ngà ngà rượu thì từ thuở biết yêu, đã ân ái với hàng trăm cô gái, nhưng đây là lần đầu tiên anh ta được ôm trong vòng tay mình một thiên thần. Nàng đã yêu, đã dâng hiến cho Hiên như một sự kiếm tìm khao khát, sẵn lòng đánh đổi cả cuộc đời mình. Nàng đã yêu Hiên, đã dâng hiến hết mình trong sự thăng hoa tột đỉnh rồi dìu dịu thổn thức trong dòng nước mắt hờn tủi. Hiên vừa ngạc nhiên vừa thích thú, có lẽ đây cũng là lần ái ân đầu tiên không nhuốm màn tiền bạc. “Tôi viên mãn, đủ đầy rồi bồng bềnh thiếp đi trong thăng hoa ngút ngát, vẫn nhớ là mình còn ôm nàng trong vòng tay”. Sáng bạch ra, Hiên tỉnh thức thì trời ơi, thiên thần của Hiên, tình yêu cùa Hiên đã biến mất. Nàng đã lấy chìa khoá, đi khỏi nhà tự lúc nào, vẫn không quên khoá cửa ném chìa khoá vào trong. Hiên hốt hoảng mở ngăn kéo thì mấy chục ngàn đô vẫn còn nguyên, từ điện thoại đến đồng hồ, xe máy, máy ảnh, nhẫn vàng để tênh hênh đâu vẫn nguyên đấy. Nàng không lấy tiền công một bữa ngủ qua đêm mà vội đi như tiên nữ. Hiên soát tất cả nhà, không mất gì hết. Nhưng khi đi lên phòng ảnh thì lạ chưa, trong hàng chục bức ảnh, chỉ bị mất một bức ảnh duy nhất. Hiên cho rằng thiên thần của đêm ái ân đã thành tên trộm, nàng đã tháo cái khung mạ vàng để chỉ lấy một bức ảnh, bức ảnh đạt giải quốc tế của Hiên. Cái đó nàng lấy để làm gì, có bán được cho ai đâu, Hiên thầm kêu lên như vậy. Nguyễn Hiên kể đến đây thì gục xuống như lịm đi, rồi lại bật dậy uống. Dù có kém hiểu nghệ thuật đến đâu nhưng vốn hình sự cũng đánh thức trong Tiến một điều gì đấy lờ mờ. Tiến hỏi:

– Anh gặp cô gái ấy ở đâu?
– Ở Lá Cọ ngay đây. Thuộc cụm anh quản lý. Nhưng thôi đừng tìm nữa, cô ta đã bỏ đi rồi.
– Thế còn bức ảnh bị mất?
– Phải gọi là tác phẩm, một trác tuyệt có tên “Xa kia là bầu trời”, tôi sáng tác ở Mù Cang Chải. Có xem ảnh, anh cũng không hiểu được đâu. Này anh bạn, khoán cho anh và phường mười ngàn đô. Nội trong một tuần tìm được cô gái. Chịu không?

Sao Nguyễn Hiên lại có thể ngớ ngẩn đến thế. Chính Thơm đã nhận ra Hiên, người thợ ảnh gần chục năm nay đẹp lung linh trong tâm hồn non nớt tuổi học trò của cô. Khi người ta đã trung niên, tóc tai có thể bạc đi, nhưng khuôn mặt quả là ít thay đổi. Sao Nguyễn Hiên lại ngớ ngẩn đến thế; tiếc thay đã không thể nhận biết Thơm đã run lên đứng như trời trồng khi bất ngờ nhìn thấy Hiên tìm đến nhà hàng Lá Cọ. Rốt cuộc Hiên là người đã trở nên chai sạn hay chưa kịp huy động sự tinh tế để có thể nhận biết thiên thần ngủ qua dêm với ông chính là Thơm, nguyên mẫu trong trẻo của tác phẩm tác tuyệt. Hiên cũng được nghe cánh thanh niên kháo nhau Lá Cọ mới xuất hiện một mỹ nhân, ông tìm tới và cũng thấy gai hết người như được thấy nàng tiên giáng thế; Nguyễn Hiên mời Thơm về nhà, không ngờ cô gái chỉ biết gật đầu đi theo.

Sau cuộc ái ân với nàng tiên, Nguyễn Hiên lăn ra ngủ. Trong mơ, ông thấy mình chạy như bay, cầm máy ảnh bấm lia lịa hàng trăm kiểu ảnh của Thơm ngay tại nhà ông. Trong giấc nồng thẳm sâu ông làm sao biết được, vào lúc ấy, Thơm ngồi dậy, một lần nữa ngắm nhìn người chú ấy, lòng thấy mãn nguyện lâng lâng thanh thoát ngỡ có thể nhẹ bay. Tình yêu của Thơm đó chăng? Có phải là tình yêu bị chôn chặt bấy lâu nay được giải thoát để dâng hiến tột đỉnh cho người mình yêu suốt thời thiếu nữ. Thần tượng của Thơm đang ngủ, môi mấp máy hình như gọi tên cô. Thơm rón rén đi chân đất ra phòng ngoài, nơi treo la liệt những bức ảnh của Nguyễn Hiên. Nước mắt chảy dàn dụa, cô từ từ tiến đến bức ảnh mà chú Hiên đã chụp cô ở Mù Cang Chải. Trong ảnh cô bé Thơm cười nheo mắt, những đốm nắng xuyên qua rừng cây nhả những giọt sáng sóng sánh trên vai áo thổ cẩm và chiếc khăn đỏ tươi nguyên. Mặt thơ ngây, hiền dịu toả sáng, đôi mắt của Thơm sáng trong mơ ước nhìn ra cái sân bay rộng thênh thang do người Pháp xây ở Mù Cang Chải bị bỏ hoang, trên đó là bầu trời xanh cao thăm thẳm, mêng mang là mây trắng nhẹ bay… Thơm nhìn trân trân vào bức ảnh của mình mà khóc vì hạnh phúc tinh khôi của tuổi mới lớn… Tay cô thoa nhẹ lên bức ảnh, cảm như tay mình nóng dần lên, có phải người trong ảnh cũng khóc như Thơm làm nóng ran khung gỗ? Cô lảo đảo, có lẽ mệt vì hạnh phúc, rời tay phải bám vào tường. Bỗng “tách”, cả phòng bật điện sáng trưng như ban ngày. Một thoáng hốt hoảng. Cô thở phào biết mình vô ý chạm vào công tắc điện; rất may là không làm Hiên tỉnh thức. Điện sáng giúp Thơm nhìn bao quát toàn bộ phòng ảnh, có lẽ phải đến hơn trăm bức ảnh khổ to như ảnh của cô treo ngay ngắn trên bức tường xù xì như ẩm mốc. Thơm tò mò đi một vòng, càng đi càng sửng sốt. Mẹ ơi, Thơm khẽ kêu lên. Đó là ảnh những cô gái không mặc quần áo, ngồi nửa kín nửa hở, lồ lộ những gì của người con gái ra một cách xấu hổ. Ô, chú ấy chụp ảnh các cô gái thế này ư? Thơm tự hỏi nhìn về phía Hiên lúc này đang ngáy o o… Thì ra, chú ấy đâu chỉ có mình ta, Thơm ngồi thụp xuống cay đắng nghĩ. Hình như có tiếng gì ràn rạn như âm thanh vỡ ra từ sâu thẳm của cõi lòng. Hình như sự xấu hổ đã vực Thơm đứng dậy, cô nhìn lại căn phòng một lần nữa và nhận ra chỉ duy nhất ảnh của cô là có quần áo. Một phản xạ phay phắt, cô quả quyết gỡ bức ảnh mình ra, áp vào ngực rồi đi giật lùi vội vã…

Kể xong, Hiên nhắc lại đề nghị khoán cho công an phường mười ngàn đô, nội trong một tuần… Kệch cỡm thế là cùng.Tìm về cho lão một tình yêu thì đến thành phố cũng chịu, nói gì cấp phường của Tiến. Tiến nóng tiết cười khẩy, phóng xe ra Lá Cọ. Mụ Lan cũng buồn chẳng kém Nguyễn Hiên, cũng chẳng thèm rót trà đặc mời Tiến, buông thõng: “Cô Thơm bỏ đi rồi… hình như về quê”. Có đáng thương không, đến lúc này mà Nguyễn Hiên vẫn chưa nhận ra thiên thần trộm cắp ấy chính là Thơm! Thì ra trong đám lố nhố của gái nhà hàng, thế nào cũng lẩn khuất những tâm hồn trinh bạch, bỗng nhiên Tiến nghĩ thế. Đã mấy tháng rồi mà câu chuyện ấy cứ ám ảnh Tiến mãi. Phải làm thế nào giúp công dân Nguyễn Hiên? Mới đây, một anh bạn nhà văn lí giải với Tiến rằng, có thể trong cuộc kiếm tìm nghệ thuật, Nguyễn Hiên đã chớp được một khoảng khắc ngày ấy ở Mù Cang Chải. Khoảnh khắc nghệ thuật ấy đem lại vinh quang cho Hiên, nhưng khi đạt được vinh quang thì người ta thường quên khoảnh khắc. Một khoảnh khắc có thể làm nên một sự nghiệp. Nhưng một lời hứa bâng quơ cũng có thể tượng hình một tương lai, hoặc huỷ hoại một đời người. Vâng, đành rằng là thế, nhưng Tiến vẫn thấy không yên.

Mới đây, Tiến lại đến nhà Nguyễn Hiên. Ông ta đã trấn tĩnh hơn mời Tiến vào nhà uống rượu, giọng khàn khàn: “Tôi rút lại lời nhờ công an phường. Xin các anh đừng bận tâm. Hình như chính cô bé từ trong bức ảnh bước ra ăn cắp tác phẩm quốc tế của tôi. Tên trộm là thiên thần, làm sao tìm được”. Suốt năm rồi, Nguyễn Hiên lẩn thẩn như nguời tâm thần, không đi xa kiếm tìm ảnh đẹp, cũng không đưa gái về nhà ngủ, gặp ai cũng mời rượu rồi kể về thiên thần và tên trộm. Dân phố không tin, cho là lão Hiên bịa.

Truyện - Tiểu thuyết

Comments are closed.