Ông từng làm thơ, viết văn từ thời chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường Nam Bộ, rồi phấn đấu từ một người lính lên đến quân hàm Thiếu tướng. Công tác trên mặt trận bảo vệ nội bộ và văn hoá tư tưởng, tiếp xúc làm việc với hầu hết các trí thức, văn nghệ sĩ danh tiếng của đất nước, nhiều khi ông “đứng giữa hai làn đạn” như câu thành ngữ dành cho nghề tình báo.Cánh văn nghệ bạo phổi, gặp đâu cũng căng thanh đới trách cứ ông, rằng: “Vì sao nhà thơ này, nhà văn kia bị nghi ngờ, bị thế này, thế khác?…”. Mà nào có phải vậy đâu. Nhiều khi anh em văn nghệ cứ xạo nhau, kiểu như “Vừa rồi mình bị ông A, ông B cử người theo dõi”, “Hôm nọ mình đi về hướng này, y như rằng là có mấy ông Công an mặc thường phục bám theo…”. Thực ra, đấy chỉ là cách nói… vui của anh em chốn trà dư tửu hậu để “Mister-oai”, để tỏ ra mình là người quan trọng. Thế thôi. Vậy mà bao lần ông cứ hồn nhiên thanh minh: Công an còn bao nhiêu việc, chỉ lo đấu tranh với thế lực thù địch, với bọn phản động lưu vong lợi dụng bà con người Việt ở bên ngoài đã không… đủ lực lượng, có rỗi hơi mà theo anh em đằng mình…Lại có một vài đồng nghiệp trong ngành thì ghé tai anh: “Thơ phú ít thôi, văn chương vừa phải, tập trung mà lo nghiệp vụ. Không cẩn thận là hữu khuynh đấy…”. Vậy là ông sống ở giữa.
Ông từng xuất bản 4 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và hàng trăm bài báo ẩn chứa nỗi lòng ưu tư giữa nhịp sống hiện đại. Ở trong ngành ông lên tới hàm Thiếu tướng, ở văn đàn ông được kết nạp vào Hội Nhà văn ViệtNam.Nhìn ông giữa bộn bề công việc, ai cũng nghĩ ông đang hưởng vinh quang và hạnh phúc. Điều đó đúng, nhưng còn một góc khuất khác về ông mà nhân ngày 8-3, xin được tâm sự với bạn đọc về vị tướng tài hoa này.Thật ít người biết, vị Thiếu tướng này khi chưa vào Hội Nhà văn, khi đang ở cấp tá, cách đây 20 năm cùng vợ và 2 con trai sống trong một túp lều lợp tạm giấy dầu trong làng Kim Liên, Hà Nội, đang sắp đến ngày giải toả. Oái oăm thay, khi có nhà rộng hơn một chút thì vợ ông bị căn bệnh hiểm nghèo xuất huyết não, bị liệt nằm một chỗ.Bà là cô giáo vùng cao, lúc đầu về hưu non, sau chuyển đổi chính sách thế nào thì không được lương hưu nữa, cũng không còn bảo hiểm y tế. Vậy mà gần 12 năm nay, sổ y bạ của bà ghi chi chít các bệnh viện. Còn ông, cứ sau một ngày làm việc, lại lặng lẽ về căn nhà tập thể của ngành để cho vợ ăn, bế vợ đi như một trẻ thơ để tắm, để thay đồ cho bà.Nhiều hôm bận bịu công việc cơ quan, hoặc phải tiếp khách văn, khách địa phương về Thủ đô công tác, tối ông về nhà muộn, vứt cặp xuống ghế, ông vào giường vợ, thấy bà khóc, đưa tay lên chỉ vào đỉnh màn. Ông đau lắm vì hiểu bà đang giận chồng. Có lần ông tâm sự với tôi: “Em đã bao giờ chứng kiến cảnh người câm khóc chưa? Không nói được, chỉ có nước mắt. Buồn mà không biết làm thế nào…”. Tôi từng chứng kiến có một lần ông buồn như thế. Hôm đó, có lẽ chưa dám về nhà sớm, ông phóng chiếc xe máy cà khổ xịt đầy khói dầu gặp tôi và mấy người lính rủ đi uống bia cỏ vỉa hè. Chúng tôi xin ra muộn vì đang mải thi đấu thể thao. Ông ngồi đợi một mình, lâu quá điện thoại về da diết gọi: “Nếu các em không tới. Anh ngồi đợi đến đêm…”. Chúng tôi thế hệ đàn em, quá vô tình, giờ nghĩ lại thấy thương ông quá. Nhưng đã muộn rồi, có cách gì giúp ông được đâu!Lại càng kính trọng và thương ông hơn, khi một lần trở lại chiến trường xưa gặp lại những người dân đã chở che mình, ông dốc đến đồng bạc cuối cùng để dúi vào tay những người đang nghèo rớt mồng tơi. Khi trở về thị thành, lòng ông bật dậy câu thơ như nhắc nhở mình và đồng đội: “Có một thời như thế/ Giờ xa xa lắm rồi./ Nhớ về ngày xưa ấy/ Cứ bồi hồi trong tôi./ Ôi cái thời như thế/ Giờ xa xa lắm rồi/ Nghĩ về ngày xưa ấy/ Nỗi nhớ thương đầy vơi…”.Phải chăng, thơ ông, lòng ông, con người ông nhân nhất một tấm lòng thuỷ chung trong trẻo. Trong trẻo chăm sóc người vợ tội nghiệp, trong trẻo khi gặp bạn hữu, trong trẻo khi đứng trên bục để nói những câu chuyện thời sự liên quan đến an ninh quốc gia…Dịp Tết Mậu Tý, tôi cùng bạn văn vượt cầu Chương Dương sang ngoại thành chúc Tết ông. Lại đến căn nhà mà ông thường hay giễu mình: “Ta giờ bỏ phố về quê/ Cái làng heo hút bên đê Sông Hồng/ Đường xa phố chật cầu đông/ Ngõ quanh ngách hẹp nhà không còn gì…”. Nói vậy thôi, nhưng đến nhà ông còn nhiều lắm…Kia là một bức ảnh chụp ngôi nhà giấy dầu ở làng cổ Kim Liên, kìa là một bảo tàng nhỏ cảnh sinh hoạt, lao động của làng quê Bắc Bộ, nọ là một túi thơ với bao kỷ niệm chiến trường… Và trên hết là tình nghĩa ấm áp đang lan tỏa trong căn nhà có người vợ chỉ tâm sự với ông bằng cử chỉ, bà vẫn mỉm cười chào chúng tôi, có lẽ bà hiểu có bạn ông đến nhà là còn tất cả.Dường như bà là người trọng tài đêm đêm đứng ra phân xử cuộc tọa đàm giữa một vị tướng với một nhà thơ bất phân thắng bại như cách nói về ông của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Dường như ông vẫn mải miết sống với tác phong thời chiến ngay tại nhà mình, nhiều đêm phải “Vịn vào câu thơ đứng dậy”. Còn tôi thì hiểu, một người được coi là thành đạt chăm sóc người đàn bà thủy chung của đời mình, một nhà thơ chăm bẵm một người câm suốt hơn 4.000 ngày và dài nữa…, ai giống như ông ở vào cảnh đời thầm lặng ấy, xin cho tôi được dẫn ra để nói với phái nữ rằng: Đàn ông chúng tôi đã có những người như thế…
Về tôi
“Tôi không biết làm nghề gì ngoài làm báo và viết văn. Làm báo để kiếm sống, còn viết văn vì thấy thích thú, muốn để lại những cuốn sách riêng của mình. Tôi viết văn chậm chạp và vất vả, nhưng nghĩ rằng mọi sự cố gắng sẽ đem lại một kết quả nào đó, nên rất kỹ khi viết một câu văn. Hoàn thành một tác phẩm, cảm giác như mình vừa kiệt sức, cô đơn bơi qua một khúc sông rộng, bỗng thấy thăng hoa, yêu mình hơn. Tôi không đặt cho mình một mục đích to tát nào về sáng tạo văn chương, nhưng rất hạnh phúc khi viết được một câu văn hay. Tuy vậy, mỗi tác phẩm của tôi đều mong muốn đưa đến một ý tưởng mới lạ, gợi mở hay giải đáp một câu hỏi nhân sinh cho mình, cho bạn bè…”Chủ đề
- Ai viết về tôi (5)
- Bài viết (40)
- Góc nhìn của tôi (8)
- Trò chuyện – Phỏng vấn (5)
- Truyện – Tiểu thuyết (1)
- Viết giữa đêm (3)
-
Các bài viết mới nhất
- Nghĩ về vinh nhục của một nghề cao quý!
- Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: “Chất liệu dày dặn, không viết thì phí quá!”
- Một mình với tình yêu
- Một cuốn sách đầu tay đáng đọc
- Cha – con và những thông điệp không lời
- Võ Nguyên Giáp, đại lượng niềm tin bất biến.
- Chuyện nghề báo của một vị tướng song toàn
- Tác nghiệp tại CHLB Đức gặp bạn thời Khoa Văn , ĐH Tổng hợp Hà Nộiị
- Cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Sơn Tùng và “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ sau 46 năm
- Kỷ niệm về người cha đi xa
Bình luận mới nhất
- Trần Ngọc Thơ trong Giới thiệu
- Bích Ngọc trong Kỷ niệm về người cha đi xa
- vũ vân trong Võ Nguyên Giáp, đại lượng niềm tin bất biến.
- vũ vân trong Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: “Viết để sống lại những ký ức”
- vũ vân trong Chưa nhạt đâu hơi ấm từ “Tết ở Làng Mụa”
- Luận Nguyễn trong Con chữ nào, nhân cách ấy
- Hoàng Linh trong Võ Nguyên Giáp, đại lượng niềm tin bất biến.