Trả nghĩa cho Chiến khu Cách mạng

Chuẩn bị kỷ niệm ngày giải phóng Điện Biên, tôi còn nhớ vào ngày này năm ngoái (2007), anh Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom tổ chức mời một đoàn nhà báo đi du khảo Điẹn Biên phủ. Khi lên bằng máy bay, ai cũng thích; lúc trở về Hà Nội, nửa đoàn khoảng 20 người phải đi bằng đường bộ. Anh Lê Khắc Hiệp tình nguyện cùng chúng tôi đi ô tô, về Hà Nội khoảng 12h đêm, chậm hơn máy bay 6giờ đồng hồ. Một năm sau, chúgn tôi vẫn chưa hết xúc động vì được Vincom mời ngược về Điện Biên trong những ngày cánh nhà báo cần đón ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 tại Hà Nội! Xúc động vì lần ấy, cánh nhà báo chúng tôi được đặt vòng hoa viếng anh hùng liệt sĩ ở đồi A1, đến viếng tượng đài Điện Biên phủ, thăm hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm sân bay Mường Păng, được giao lưu văn hoá với bản du lịch ở huyện Điện Biên gần như từ đêm suốt sáng…Không nói thì ai cũng biết, đến chỗ nào đều thấy bà con mình còn nghèo lắm, nghèo nhìn mà xa xót…Ngày 16.6.2007, khi lên Mường Păng, huyện Điện Biên, tôi gặp em Đường Văn Tơm 14 tuổi, học sinh trường THCS Mường Păng cùng leo dốc với đoàn để bán các sản phẩm du lịch do người bản em dệt nên như túi thổ cẩm, khăn Piêu, rượu ngâm sâu chít…Em kể vanh vách rằng, ngày 19.4.2004, cụ Võ Nguyên Giáp đi ô tô theo đường mòn vừa mở theo con suốt để lên thẳng lán Cố vấn xưa. Em Tơm chỉ cái cây khô nằm đổ mục ngang con suốt kia nói rằng cây đã đổ từ lâu lắm rồi, có thể lấy về làm củi. Tôi hỏi em vì sao các cháu không vác về bếp nhà mình, Tơm trả lời một câu khiến tôi giật mình: “Cô giáo bảo, để cây mục ở đâý để còn nuôi cây con sống. Nếu mình lấy về thì ai cũng có thể lấy cây khác được…”. Còn một em học sinh khác là Đường Văn Quý, 14 tuổi học sinh lớp 8E trường THCS Mường Păng cũng kể nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến bản em. Nào là hầm chỉ huy của cụ Giáp ở đâu, nào hầm cố vấn chỗ nào, hầm của tướng Hoàng Văn Thái cách hầm của Đại tướng bao xa, năm vừa rồi có bao nhiêu đoàn của Chính phủ lên Mường Păng này…Em còn thuộc câu ca dao mới “Thái đen, Thái trắng, Thái Bình. Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên”…Hôm đó, cả 2 em Tơm và Quý cùng hàng chục bạn bè cùng lứa theo đoàn nhà báo chúng tôi hơn một tiếng đồng hồ leo dốc, trở về bản, mấy anh em chúng tôi thương quá mà mua cho các em mấy chiếc khăn Piêu, vài mô hình đẽo bằng gỗ mô phỏng tượng đài chiến thắng Điện Biên phủ…Vậy là sau một cuộc leo núi, mỗi em chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng tiền lãi. Số tiền quả là qúa bé so với những kiến thức lịch sử, kiến thức thời sự mà các em trò chuyện với chúng tôi. Tôi hỏi, vì đâu mà các em thuộc lịch sử nơi mình sống đến thế. Em Quý trả lời: “Do học lịch sử, do nghe cô giáo giới thiệu, nghe các đoàn du lịch nói mà thuộc”…Một năm sau, ngẫm lại, tự nhiên một vài nhà báo chúng tôi hơi ngượng vì đã quên những sự kiện lịch sử mà các em nhỏ Mường Păng vừa kể. Nhà báo Lê Cảnh Nhạc, TBT báo Gia đình & Xã hội sau này tâm sự với tôi rằng, đừng nghĩ chúng ta mua của các em dăm ba vật lưu niệm là giúp đỡ các em học sinh Mường Păng. Lẽ ra, với sự hi sinh của cha ông các em của bao người dân Mường Păng từng chiến đấu bảo vệ thủ đô kháng chiến, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, bây giờ các em, các cháu họ phải được thừa hưởng thành quả của sư hi sinh ấy. Nhân dân xã Mường Păng, cả các em học sinh nữa sẽ không bao giờ ngồi cộng trừ suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến ấy, cha ông họ đã bao đêm khoác súng đứng canh bên hầm Đại tướng, bao ngày đêm xuyên rừng làm liên lạc dẫn đường cho cán bộ vượt rừng thoát khỏi sự truy lùng của thực dân Pháp, bao đêm dẫn bộ đội vào trinh sát sân bay Mường Păng để Tổng Tư lệnh quyết định ngày khai hoả chiến dịch Giải phóng Điện Biên…Với sự hi sinh ấy, các em học sinh ở Mường Păng, con cháu Mường Păng phải được thừa hưởng thành quả cuộc chiến thắng, phải được cả tỉnh, cả nước tôn vinh bằng sự đóng góp tinh thần và vật chất. Khách du lịch đến Mường Păng, đến các vùng chiến khu cách mạng, mua một vật kỷ niệm của bà con, nên coi đó là cử chỉ trả nghĩa cho vùng đất cách mạng một thuở. Xin đừng coi việc mua bán sòng phẳng một chiếc khăn Piêu, một túi thổ cẩm, một chai rượu sâu chít là cử chỉ từ thiện… Từ bản Mường Păng, từ chiến khu Việt Bắc, tôi ngẫm thấy một điều, nên chăng, cứ đến mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên, ngày chiến thắng 30-4, các cơ quan, các đoàn thể nên tổ chức cho cán bộ nhân viên mình hành hương về chiến khu xưa, về các vùng quê miền núi xa xôi từng nuôi dưỡng, bảo vệ bộ đội, công an, cán bộ cách mạng. Về với chiến khu Việt Bắc, về với Chiến khu D, Chiến khu Ba Lòng, về với Di tích Trung ương Cục miền Nam, về với bia cam thù ở Tri Tôn, An Giang để thấm nhuần lịch sử cha ông, để tận mắt nhìn thấy tội ác của kẻ thù và sự hi sinh vô bờ bến của bà con mình. Nhưng về với chiến khu để trả ơn vùng đất thuỷ chung của cách mạng nước nhà. Khi về hãy nên đóng góp bằng cả tinh thần và vật chât. Hãy xây một ngôi trường, hãy làm một con đường, dựng nên những ngôi nhà tình nghĩa, hãy bảo trợ để các cháu vùng chiến khu được học hành để về thành phố học đại học, hãy giúp bà con biết làm ăn sống đàng hoàng trên vùng đất  của mình…vv và vv. Trả nghĩa cho chiến khu, góp công của, trí tuệ cho chiến khu ấy là đạo lý, là một biểu hiện của lẽ công bằng khi mà miền xuôi, thành thị đang có mức sống vượt nhiều lần miền núi, khi mà miền xuôi đang hội nhập WTO, trong khi miền núi và chiến khu các em học sinh đang trèo đèo lội suối, nhiều emphải bỏ học đi kiếm sống… Chiến khu sẽ không xa xôi khi mỗi chúng ta hiểu sâu sắc lịch sử. Khi mỗi chúng ta thấm nhuần đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Ai cũng sẽ thấy yên lòng khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đồng bào mình đang sống ở chiến khu xưa!

Bài viết

Comments are closed.