Nên có tượng đài cho những người nông dân bị bom thù sát hại

Chẳng biết tự bao giờ, nhiều người Việt Nam thường gọi ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam 30/4/1975 là ngày Chiến thắng. Cũng giống như người Nga từng gọi ngày 9/5/1945 là ngày Chiến thắng phát xít vậy.Dường như một lẽ tự nhiên, qua thời gian, những người lính còn sống sau cuộc chiến, những người của thế hệ sau gọi ngày kỷ niệm là ngày Chiến thắng. Vì sao ư? Có lẽ không thể trả lời rành mạch được, nhưng đó phải chăng trước hết như một nhu cầu của tình cảm thiêng liêng, của đạo lý dân tộc?Ngày Chiến thắng là ngày kết thúc chiến tranh đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng đất nước, là thành quả chung quý giá nhất của mọi con Lạc, cháu Hồng nước Việt. Là ngày mở đầu những năm tháng xoá bỏ hận thù từng bị chi phối bởi những khúc ngoặt bi tráng của một giai đoạn lịch sử với nhiều sự kiện máu lửa không thể trốn tránh, buộc cha ông ta phải chấp nhận. Trong ngày Đại lễ Chiến thắng này, xin được nói đôi điều về các tượng đài. Đã có nhiều tượng đài tôn vinh những người lính ưu tú hy sinh, đổ máu cho ngày chiến thắng. Chiến công và từng giọt máu hy sinh của họ mãi mãi được lưu giữ trong tâm khảm của các thế hệ sau, nhờ trang sách của lịch sử, nhờ những tượng đài bi tráng dường như đang hiện hữu trên mọi miền Tổ quốc. Hình như, ở đâu có sự hy sinh, dâng hiến trên tuyến đầu Tổ quốc, ở đó có tượng đài tri ân. Đó là truyền thống đạo lý dân tộc cần phải lưu giữ như ngọn lửa thiêng vậy…Mới đây, chúng tôi được biết về câu chuyện đăng trên Báo CAND ngày 24/4 gây xúc động đối với hàng vạn bạn đọc. Chuyện xảy ra ở xóm Phú Thạnh, thôn Phú Nhiêu, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào cái ngày khủng khiếp năm 1967, cái ngày mà cả xã đã phải gồng mình lên chống chọi với hàng tấn bom của quân đội Mỹ trút xuống.

Nhiều người dân ở đây còn nhớ, hôm đó ngày 4/5/1967 vì nghi bộ đội ta đang hoạt động trong vùng, quân đội Mỹ đã điều động hàng chục máy bay thay nhau chở bom từ căn cứ Chu Lai (Quảng Nam) oanh tạc vào xã Bình Phú từ 6h sáng đến 5h chiều. Bộ đội và lãnh đạo xã Bình Phú gấp rút đưa khoảng 200 người dân trong xã xuống địa đạo Phú Thạnh tránh đạn. Vậy mà đúng 5h chiều hôm đó, quả bom cuối cùng của Mỹ giội xuống giữa địa đạo chôn vùi vĩnh viễn 16 mạng người là bà con, họ hàng, gia đình ruột thịt của mình…

Hơn 40 năm qua, hố bom ở địa đạo ấy thành ngôi mộ chung, trên đó người dân tự lập một miếu thờ để bà con thôn Phú Thạnh hương khói cho 16 linh hồn. Nay nhân ngày Chiến thắng, nguyện vọng của bà con muốn được nhờ xã khai quật ngôi mộ chung để đưa hài cốt từng người về lập mộ riêng theo truyền thống…

Những câu chuyện bi thương như thế, chẳng riêng gì ở xóm Phú Thạnh, Quảng Ngãi, bởi trong suốt những năm chống Mỹ, cứu nước, máy bay Mỹ đã thực hiện một cuộc rải thảm bom đạn trên khắp đất nước ta, cả miền Nam, miền Bắc, như ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, cả Thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng… Dường như ở đâu bom Mỹ trút xuống, ở đó có những người nông dân chúng ta bị thiệt mạng.

Chưa ai tính được có bao nhiêu người nông dân của chúng ta tay không cầm súng bị bom đạn kẻ thù sát hại! Nhưng những tượng đài ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), những tượng đài mẹ bồng con ở Khâm Thiên (Hà Nội), bia căm thù ở Tri Tôn (Kiên Giang)… là những chứng tích hùng hồn về tội ác do kẻ thù gây ra.

Ngay ở quê tôi, làng Cung thuộc xã Diễn Hồng, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cũng năm 1967 ấy, một trận bom của máy bay Mỹ rải thảm bất ngờ giữa đêm khuya, 22 người nông dân làng tôi đang sống dưới đèn dầu phút chốc bị chết bất đắc kỳ tử.

Cô ruột của tôi tên là Nguyễn Thị Sáu cùng hai con trai 7, 9 tuổi bị bom Mỹ tung xác bay trên ngọn tre. Hai đứa em con cô ruột của tôi là Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Dũng suýt soát tuổi tôi bị bom giết chết lúc đang học bài. Sau trận bom oan nghiệt ấy, bố tôi nén cơn đau vào ngực, cặm cụi cùng chúng tôi đi nhặt xương thịt các em tôi, đi nhặt mái tóc dài của cô tôi nằm vắt vẻo trên tít tắp ngọn tre… Xương thịt của cô tôi và 2 em dồn vào một quan tài không đầy nửa. Nhưng biết làm sao… Bố tôi chôn 3 mẹ con cô tôi vùi vội vàng vào lòng đất rồi lặng lẽ về nhà ngồi khóc. Có lẽ bố không muốn các con nhìn thấy người đàn ông khóc giữa thời chiến tranh khốc liệt phải không?

Ngày 10/6/1967 (3/5 âm lịch) ấy, làng tôi có một ngày giỗ chung, dẫu 22 nông dân bị bom Mỹ sát hại không nhặt được thân xác. Hôm qua, ngày 30/4, cựu chiến binh Lương Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng, là con liệt sĩ Lương Lợi hy sinh năm 1967 tại mặt trận phía Nam) điện thoại đề nghị làng tôi nên lập một đài tưởng niệm 22 nông dân bị chết bom.

Anh Lương Ngọc Sơn đồng ý với quan niệm của tôi rằng, 22 người nông dân làng mình bị bom Mỹ sát hại là không uổng. Họ cùng với hàng vạn người nông dân khác đã góp máu xương của mình cho ngày Chiến thắng 30-4. Bởi bom Mỹ không giội xuống chiến trường thì giội xuống hậu phương, không giội xuống làng này thì giội xuống làng khác.

22 nông dân quê tôi, 16 nông dân xã Bình Phú và hàng vạn những người nông dân khác trên mọi miền Tổ quốc bị bom kẻ thù sát hại là sự chia lửa cùng chiến trường. Máu đào của họ chính là góp cho ngày Chiến thắng. Họ hoàn toàn xứng đáng được dựng tượng đài bởi sự hy sinh ấy…

Vậy thì thưa bà con cô bác ở xã Bình Phú, xin hãy lập một đài tưởng niệm 16 người dân bị bom Mỹ sát hại ngày 4/5/1967 trên địa đạo. Hơn 40 năm qua, họ có một ngày giỗ chung, xương thịt của họ đã tan vào nhau. Bây giờ tách họ ra để lập mộ riêng chưa hẳn đã phù hợp với linh hồn của những người đã khuất. Nên chăng, chúng ta dựng một tượng đài, trên đó ghi dấu ấn tội ác của đế quốc Mỹ một thời. Hằng năm cứ đến ngày mất, các gia đình, bà con ở xã tề tựu về đấy thắp nén hương tưởng niệm và ôn lại ngày Chiến thắng.

Cũng như ở quê tôi, UBND xã và gia đình các nông dân bị chết bom cùng nhau dựng một tượng đài trên hố bom xưa cạnh Trường Tiểu học của xã, để cứ đến ngày Chiến thắng 30-4, cả xã về đây thắp hương cho một ngày giỗ chung, ghi ơn những người nông dân chia bom, chia lửa ở chiến trường.

Nên chăng, cần có tượng đài tưởng niệm những người nông dân hậu phương miền Bắc, những người nông dân tiền tuyến miền Nam bị bom của thực dân Pháp, của Mỹ sát hại. “Máu của các chị các anh không uổng” (Tố Hữu), bởi  họ cũng chia lửa, hy sinh cho ngày Chiến thắng của dân tộc. Ghi tên họ, cũng là tri ân với thế hệ cha ông. Để không ai bị lãng quên…

Bài viết

Comments are closed.