Thêm một cách hiểu hai câu ca dao về Hà Nội

Lâu nay các nhà văn hóa đã phân tích khá kỹ về ý nghĩa, nội dung hai câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; và nhìn chung khi giải nghĩa thường khái quát vẻn vẹn trong mấy chữ, đại ý là: “Người Hà Nội tự hào về truyền thống thanh lịch của đất ngàn năm văn hiến”.

Thậm chí trên một đài truyền hình địa phương, cách hiểu “người Hà Nội tự hào về truyền thống thanh lịch” được thừa nhận như một lẽ tất yếu, không cần bàn cãi. Tôi nhớ trong một cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nhân 30 năm giải phóng Thủ đô, đáp án của hai câu ca dao nói trên cũng được mặc nhiên hiểu như vậy. Có lẽ do nhiều năm được hiểu như thế, nên lâu nay quả là ít thấy các nhà nghiên cứu phân tích kỹ hai câu ca dao trên về ngữ pháp, về nguồn gốc, về ngữ nghĩa một cách thỏa đáng để bạn đọc hiểu sâu sắc và tin cậy về nội dung, ý nghĩa gốc của hai câu thơ này.

Riêng tôi, là một người ngoại tỉnh, mới được sống và tiếp xúc với Hà Nội và người Hà Nội khoảng 30 năm nay, càng ngày tôi càng thấy băn khoăn về cách giải nghĩa hai câu ca dao ấy.

Càng tiếp xúc với người Hà Nội, nhất là các cụ thuộc thế hệ “gốc” Thủ đô sinh ra và lớn lên trước những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, tôi càng khâm phục cách ứng xử hết sức văn hóa, nét thanh lịch của họ trong dáng người, nết ăn, nết ở, nết giao tiếp với khách thập phương. Có cụ tầm 80, 90 tuổi khi nghe lớp thanh niên chúng tôi tới thăm nhà chào hỏi, các cụ thường nhìn lớp trẻ chúng tôi trả lời “không dám!” làm chúng tôi ngượng chín cả mặt.

Ở vùng đất được Vua Lý Thái Tổ chọn để định đô (1010), nhưng trước đó đã là thế đất của “rồng cuộn hổ ngồi”, “dân cư không khổ vì ngập lụt”, “cây cối tốt tươi”, đất có hồ Hoàn Kiếm, có Hồ Tây với sông Hồng uốn lượn bao quanh, với làng lúa làng hoa, bầy sâm cầm nhỏ…

Khí thiêng vùng đất ấy dường như đã thấm sâu vào lối sống, phong cách ứng xử của người Đại La xưa, trước cả thời điểm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long…Người có văn hóa, thanh lịch như thế thật khó tự vỗ ngực mình để thốt ra một câu được coi là khá ngạo mạn: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.Mặt khác, nếu phân tích hai câu ca dao trên về mặt văn phạm và ngữ pháp, có lẽ thật khó đồng tình với cách hiểu “người Hà Nội tự hào về truyền thống thanh lịch”. Bởi cứ theo văn phạm mà suy, câu thứ 1: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Ô kìa, sao lại thế được? Hoa nhài phải là thơm, nếu không thơm thì không phải là hoa nhài chứ?

Còn câu thứ 2: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, thì quả là vô lý quá. Người Tràng An (Hà Nội) là thanh lịch, nếu không thanh lịch sẽ không phải người Tràng An mới phải. Sao người Tràng An lại “vỗ ngực” nói một câu phản lại chính truyền thống thanh lịch của mình như vậy. Người đã mang tiếng là có văn hóa, thanh lịch sao có thể nói vô lý, ngỗ ngược khiến người nghe cảm thấy bị xúc phạm?

Vì thế, tôi nghĩ phải tìm một cách tiếp cận khác hai câu ca dao trên. Cách tiếp cận mới phải dựa trên văn bản, dựa trên truyền thống văn hóa, yếu tố lịch sử, thời điểm ra đời của hai câu thơ trên. Phải trả lời được câu hỏi địa danh Tràng An là đâu, có phải là Hà Nội không? Còn hoa nhài được hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng? Nếu giải thích được rành mạch câu hỏi ấy, sẽ cho tiền đề để hiểu ai là chủ nhân của hai câu thơ này. Người Hà Nội hay người nơi khác?

Vì thế, có một giả thuyết mới cho rằng, “tác giả” của hai câu ca dao trên là người Tràng An (tức Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Hình tượng hoa nhài được hiểu sâu xa là thuộc tầng lớp trên, nguồn gốc quyền quý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư” (Tập 1, NXB KHXH-1983), trong phần nói về Vua Lý Thái Tổ dời đô đã viết rằng: “Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ của đế vương, muốn dời đi nơi khác”.

Như vậy, có thể thấy, động Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô năm 968 vốn là vùng đất ẩm thấp, chật hẹp, vì thế những người dân sống ở vùng đất ấy thật khó để được sống hào hoa và thanh lịch. Cả khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua ở Hoa Lư, cư dân ở gần Vua cũng không thể thoát nhanh ra khỏi sự lam lũ để sống theo phong cách thanh lịch.

Trong khi đó, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã nói về vùng đất mới thành Đại La như thế này: “Huống chi thành Đại La đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư muôn đời”.

Với thế đất, khí thiêng của vùng đất Đại La như thế, không ai có thể nghi ngờ về điều kiện sống hết sức thuận lợi của những người dân ở đây, vì thế mà họ có được hưởng chút an nhàn, thanh lịch trong ứng xử với môi trường sống cũng là điều dễ hiểu. Nói một cách khác, cư dân Đại La đã là người thanh lịch, sang trọng, đẹp người, đẹp nết trước khi Lý Thái Tổ dời đô.

Có một giả thuyết rằng, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long dẫn theo cả triều đình và một bộ phận cư dân tinh tuý nhất từ Hoa Lư chạm vào đất Đại La, ngay từ đầu đã gặp sự quan sát, so sánh, đánh giá của cư dân Thăng Long.

Rất có thể người dân Đại La khi nhìn vào phong thái của người Hoa Lư mới đặt chân đến đã đưa ra những bình phẩm hoặc chê bai nhẹ nhàng như không “hào hoa”, không “thanh lịch” chẳng hạn.

Vì thế mà rất có thể người Hoa Lư đã phản ứng bằng câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu này theo cách hiểu trong dân gian có thể là: Chúng tôi không sang trọng như các vị, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc dòng dõi cao sang của Vua Lý Thái Tổ (Hoa nhài được hiểu là dòng dõi quyền quý, dân của Vua).

Chúng tôi không thanh lịch, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc người Tràng An, người của kinh đô cũ, người của Vua (Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư” vào tháng 7/1010, sau khi “hành quân” ra Đại La đặt kinh đô mới là Thăng Long, Vua đã đổi tên thành Hoa Lư là phủ Trường Yên. Trường Yên được hiểu là Tràng An).

Nếu giả thuyết này là đúng càng tôn vinh vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội, góp phần “giải oan” cho người Hà Nội bị hiểu nhầm bấy lâu nay. Đây cũng chỉ là một suy nghĩ, rất mong được sự góp ý của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa và bạn đọc gần xa

Bài viết

Comments are closed.