Trong tuần qua, cả xã hội dường như bị lên “cơn sốt” bởi các kỳ thi đại học, cao đẳng đang diễn ra ào ạt, vất vả với bao vui buồn và những bài học thành công lẫn khiếm khuyết liên quan đến hàng vạn số phận thí sinh cả nước. Nhiều em có thể thở phào vì dù sao đã làm xong một công việc to lớn trong cuộc đời là đã được dự kỳ thi đại học, dẫu chưa biết được kết quả như thế nào. Các em đã qua 12 năm học, từng bị tác động của khá nhiều quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên quan đến học hành và thi cử, nay có thể “giũ sạch” để chuẩn bị cho một hành trang mới cũng với bao thử thách đang chờ đón phía trước…Nhưng những thế hệ lớp 12 sau thì bây giờ đang hồi hộp, lo lắng khi đón nhận quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT: lùi thời gian thực hiện nhập 2 kỳ thi làm một vào năm 2010. Quyết định ấy của Bộ chứng tỏ sự chuẩn bị chưa kỹ càng cho chính sách đổi mới để thực hiện vào năm 2009 như đề xuất của Bộ với Chính phủ. Những ai có con em đang chuẩn bị vào lớp 12 có thể thở phào vì con em họ vốn chưa chuẩn bị cho tâm thế học cho một kỳ thi, nay được thi tốt nghiệp THPT và đại học như cũ, chí ít thấy vui vì con em mình không bị đường đột, bất ngờ. Còn học sinh các lớp sau lại hồi hộp, lo lắng, lại một hành trình tìm thầy tìm thợ để học chuẩn bị phương án cho một kỳ thi. Không ai có thể vui vẻ đón nhận một quyết sách đổi mới khi mà chưa thể đoán định để đặt niềm tin vào tính hiệu quả, sự công bằng, khách quan của một khối lượng công việc khổng lồ.
Tâm trạng ấy của phụ huynh và học sinh là một thực thể khách quan, chưa ai có thể đo đếm được những thiệt hại về tâm lý và thời gian của hàng triệu người suy nghĩ, tính toán ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc như thế nào. Dường như cả xã hội lại đang đứng trước một “dư chấn” mới, bởi đối với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, việc học tập và thành đạt của con em là tối quan trọng.
Xung quanh việc thi cử, con thuyền giáo dục Việt Nam từng trải qua nhiều sóng gió bởi những thay đổi lúc thì gây vất vả, lúc thì góp an nhàn cho hàng triệu phụ huynh và học sinh. Xưa thi đại học, thí sinh ở địa phương nào thi ở địa phương đó; chỉ có giám thị là di chuyển.
Nghĩa là di chuyển số ít, số đông ở lại, quyết định đó xét ở toàn cục đã tiết kiệm cho xã hội nhiều tiền bạc và trí lực.
Bỗng thời gian sau, Bộ GD-ĐT lại đổi mới tất cả thí sinh cả nước phải về thi tại các trường đại học; nghĩa là số ít giám thị ở lại, số đông thí sinh phải di chuyển. Có em từ Nghệ An, Quảng Bình ra tận Hà Nội, Thái Nguyên, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh để dự thi với sự lạ lẫm sợ hãi của tuổi mới lớn.
Vì thế mà biết bao cảnh cha con, anh em dắt díu nhau đi, lặn lội xếp hàng xe tàu đông đúc, chật chội suốt hành trình hàng trăm, hàng ngàn cây số để dự thi đại học.
Thời kỳ đó, những ai ra bến xe, ga tàu sẽ được chứng kiến một cảnh tượng quá hãi hùng: thí sinh và phụ huynh ào ạt chạy như một cuộc “chuyển quân” khổng lồ trong chiến tranh. Hiếm người kêu ca cực nhọc vì đây là quyết định của Bộ rồi, tất cả phải tuân theo. Đó quả là một quyết định dù xét ở góc độ nào cũng có thể nói rằng đã gây lãng phí, hao tổn vô cùng lớn về tiền bạc và trí lực cho rất nhiều học sinh và phụ huynh.
Rồi thật may, mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã đổi mới phương thức thi đại học bằng hình thức “3 chung”, được tổ chức thi tại các cụm, vì thế mà nhiều thí sinh và phụ huynh được hưởng một chút “an nhàn” vì quãng đường đi lại ngắn hơn, tương ứng với đó là tiền bạc, sức lực bỏ ra ít hơn.
Kể những thay đổi trong quyết định thi cử của Bộ GD&ĐT như trên để thấy rằng, không phải một sự thay đổi nào cũng có thể mang lại tiến bộ nếu không đạt tầm khoa học, phù hợp với thực tiễn. Ngay cả dự thảo nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học làm một, dự kiến thực hiện vào năm 2010 hiện dư luận chưa đồng tình cũng là một dấu hiệu hết sức đáng chú ý.
Dường như những lần quyết định thi đại học trước đây, do nhiều lý do, cho nên người dân không có điều kiện bày tỏ ý kiến, công luận cũng ít tham gia thảo luận để cung cấp những phản biện xã hội cho những người cầm cân nảy mực cân nhắc. Riêng lần này, khi ý kiến sáp nhập 2 kỳ thi làm một còn nằm trong dự thảo, dư luận và công luận đã lên tiếng, phần lớn ý kiến đều chưa đồng tình, bởi họ có bài học từ những lần thay đổi trước.
Việc quyết định sáp nhập 2 kỳ thi làm một, một lần nữa sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhiều mặt của hàng triệu học sinh và phụ huynh trong một thời gian dài. Câu hỏi đặt ra là, khi xây dựng đề án nhập 2 kỳ thi làm một, các nhà hoạch định chính sách sẽ lấy mục đích nào làm trọng?
Tiết kiệm tiền bạc, trí lực? Hay tuyển chọn nhân tài, nhân lực một cách khách quan công bằng? Không phải ngẫu nhiên, dư luận đã tỏ ra hết sức lo lắng khi trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2008 vừa kết thúc, riêng việc khâu ra đề thi đã có lần phải thay đổi đáp án vì người ra đề bị sai; kỷ luật kỳ thi tuy được siết chặt nhưng vi phạm còn nhiều, cả thí sinh và giám thị đều vi phạm…
Vì thế mà người ta có quyền nghi ngại, liệu khi việc sáp nhập 2 kỳ thi làm một, sự nghiêm túc, khách quan và công bằng có được đảm bảo khi mà sự tổ chức chỉ đạo còn chuệch choạc? Sự tiết kiệm trí lực và tiền bạc là tốt, nhưng phải phục vụ trước hết cho mục tiêu đào tạo tuyển chọn được nhân lực cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Sự công bằng không được đảm bảo, sẽ gây mất niềm tin của xã hội…
Nếu quyết định năm 2010 sẽ áp dụng việc tổ chức một kỳ thi quốc gia thay cho 2 kỳ thi như hiện tại, e rằng ngành GD&ĐT chưa kịp chuẩn bị, dư luận xã hội tiếp tục chưa đồng thuận. Một chính sách như trên nếu được thực hiện sẽ quay lại chi phối toàn bộ quá trình học tập, lao động của học sinh ngay từ lớp 1. Việc này phải chuẩn bị kỹ, phải bắt đầu từ đổi mới chương trình học của học sinh để tổ chức kỳ thi, không nên cắt khúc, bất ngờ như đề xuất của Bộ GD&ĐT.
Nên chăng, lùi thời điểm tổ chức một kỳ thi quốc gia vào 3 năm sau, 6 năm sau, hoặc 12 năm sau nữa, tương ứng với việc bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình học của học sinh ở cấp THPT, THCS hoặc cấp Tiểu học. Càng quyết sách lớn, càng phải khoa học là vì thế