Nhớ những ngày Nguyên Hồng sống ở Nhã Nam

  (Bài này tôi- Hồng Thái viết trong lần gặp vợ chồng người con gái của nhà văn Nguyên Hồng là chị Nhã Nam và anh Văn Ngọ tại phòng làm việc của tôi 66 Thợ Nhuôm năm 2011, đăng trên báo CAND.  Sau đó mấy ngày, giỗ nhà văn Nguyên Hồng tại Bắc Giang, anh Ngọ có tặng bài báo này cho những người đến thắp hương cho ông Cụ. Nay xin đưa lên mạng để bạn tham khảo)

 

Có thể nói, suốt 23 năm kể từ năm 1959 đến lúc qua đời 1982, nhà văn Nguyên Hồng chủ yếu sống ở xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Và suốt 23 năm ấy, Nguyên Hồng miệt mài cày ải trên cánh đồng chữ để gieo nên những bộ tiểu thuyết nổi tiếng. Đó là bộ tiểu thuyết “Cửa biển” 4 tập gồm 2.000 trang; là bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” gồm 2 tập…

Thế hệ chúng tôi, dường như không ai là không đọc những trang viết của nhà văn Nguyên Hồng. Nhiều tác phẩm, nhiều chương trích tiểu thuyết “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”, “Sóng gầm”, “Một người mẹ Trung Quốc” của ông đã được đưa vào sách giáo khoa, lớp học trò chúng tôi ngày ấy cảm thụ, nghiền ngẫm về nội dung và nghệ thuật để làm bài thi đến mấy chục năm sau vẫn còn nhớ.

Sau này càng tìm hiểu về nhà văn Nguyên Hồng, tôi càng ngẫm ra nhiều điều đặc biệt về nhà văn, nhất là thời gian 23 năm ông sống và viết ở Nhã Nam, Bắc Giang, một nhân cách mà “Cho đến ngày cuối cùng của đời anh, như một người chiến sỹ ngót nửa thế kỷ nay không một phút ngừng nghỉ, anh đã ngã xuống trên trang giấy của trận đánh lớn nhất đời anh còn dang dở…” (Điếu văn do nhà văn Nguyên Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam đọc trong lễ an táng nhà văn Nguyên Hồng tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang 4/5/1982).

Từ Đồi văn hóa đến xóm Cầu Đen

Hẳn không nhiều người biết, từ một trong những trụ cột chính sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, do bức bối trước cái ngột ngạt trong “không khí văn chương” sau vụ án “Nhân văn giai phẩm”, năm 1959, nhà văn Nguyên Hồng quyết định đưa cả gia đình gồm một mẹ già, hai vợ chồng và 5 người con bỏ Hà Nội lên Bắc Giang sinh sống.

Nhiều người biết là Nguyên Hồng từng tham gia Hội văn hóa Cứu quốc bí mật từ năm 1943, từng tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ông đã gắn bó với cuộc kháng chiến trường kỳ bằng những áng văn, bằng sự tất tả lo bài, lo tiền để in số báo Văn nghệ ra số đầu tiên, bằng việc mẫn cán phụ trách trường Văn nghệ nhân dân và cả những lần lăn xả cùng bộ đội đi chiến dịch…

Không ai nghi ngờ tấm lòng trong sáng của ông với Đảng, với chế độ mới vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Nhưng sẽ cắt nghĩa thế nào khi “bỗng dưng” nhà văn Nguyên Hồng bỏ Thủ đô kéo cả nhà rồng rắn lên vùng quê miền núi Bắc Giang sinh sống? Trong khi hẳn là ông đã biết trước được rằng, nơi Đồi văn hóa xưa mà ông trở về ấy có cái xóm Cầu Đen với bao khó khăn, đói khổ đang chờ vợ con ông? Vậy mà ông vẫn quyết chí, không dùng dằng nửa phút, dứt áo bạn văn mà đi. Và đã ngã xuống ngạo nghễ trên những trang văn dang dở, trở về với đất đai đúng nghĩa khi chân tay và quần áo vẫn lấm lem bùn đất sau những lần lên xuống suối gánh bùn dưới cơn nắng hè oi bức để vá bức tường bếp vừa bị sạt vì mưa.

Nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai, bên phải) cùng mẹ (thứ tư, bên phải), vợ nhà văn (thứ năm, bên phải), con gái Nhã Nam (thứ ba, bên trái) và nhà văn Tiệp Khắc. (Ảnh chụp năm 1971 tại Nhã Nam)

Dường như một nhà văn viết “Bỉ vỏ” trong “tiếng muỗi và tiếng trẻ con khóc, trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro…” thì không khổ cực nào có thể khuất phục được ông. Đang yên lành ở Thủ đô, vợ nhà văn là bà Vũ Thị Mùi làm ở hiệu sách ngoại văn, “đùng một cái” tất cả theo lệnh Nguyên Hồng vượt cầu Long Biên hành quân lên Yên Thế.

Chả là hồi kháng chiến chống Pháp, gia đình Nguyên Hồng từng cùng gia đình các nhà văn Kim Lân, Ngô Tất Tố, họa sỹ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn lên tản cư ở ấp Ký Nhàn thuộc Yên Thế, Bắc Giang, nơi sau này được gọi là Đồi văn hóa. Lúc trở lại nơi này, căn nhà xưa còn là mái tranh cũ với tường đất ẩm thấp, năm 1960, khi có nhuận bút của tiểu thuyết “Sóng gầm”, nhà văn mới có tiền sửa lại căn nhà. Ông thuê thợ về mua gỗ làm lại căn nhà thành 3 gian, lợp ngói tây làm nơi tiếp khách và viết văn (nay là xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, Tân Yên, Bắc Giang)… Ngôi nhà nằm trên một quả đồi mà theo lời nhà văn Kim Lân “những buổi chiều hè đứng gió, hơi nóng từ quả đồi sỏi đỏ lừ đừ bốc lên ngột ngạt, nặng trĩu. Trong gian nhà tối thấp, im phắc, Nguyên Hồng vẫn ngồi viết. Mặt anh đẫm mồ hôi…”.

Theo lời chị Nguyễn Thị Nhã Nam, con gái thứ 5 của nhà văn Nguyên Hồng thì hồi mới lên xóm Cầu Đen, nhà chỉ còn duy nhất Nguyên Hồng là có sổ gạo, vì thế mà cả nhà vào hợp tác xã, đi làm lấy công điểm để được cấp thóc. Vậy là mấy anh em nhà chị phải học cấy, học cày, học nhổ cỏ, gặt lúa và xay thóc, chăn trâu, cắt cỏ như những trẻ em nông thôn thực thụ. Có ngày đi ra đồng làm việc, nhưng mấy chị em lại quên báo cho đội sản xuất nên người ta không biết mà chấm công. Cuối vụ, số thóc được chia giảm hẳn, biết thế, nhưng không dám thắc mắc; sau rồi bà con hàng xóm mách cho biết phải làm như thế nào…

Hồi ấy, tháng ba ngày tám là đói lắm. Để nuôi một đàn con đông đúc cùng mẹ đẻ nhà văn, người vợ chịu thương, chịu khó của Nguyên Hồng là bà Vũ Thị Mùi đã phải lặn lội nay chợ thị trấn Nhã Nam, mai tất tả xuống chợ Lữ Vân mua sắn tươi, mua khoai lang về nấu độn với cơm để đủ xới đầy bát cho từng người.

Nhiều bận kể chuyện về một thời chưa xa, chị Nhã Nam có lúc đã không cầm được nước mắt khi nhớ kỷ niệm về thầy, mẹ, lúc biết thương mẹ vô cùng thì đã muộn! Làm sao lại không thương khi mẹ chị, một người biết tiếng Pháp, một thời bán sách ngoại văn, nhưng đã nhanh chóng được “nông dân hóa” khi từng biết chôn sắn tươi xuống đất để sắn không “chảy nhựa”, biết thái khoai lang để xào với một tí mỡ làm thức ăn. Đến bây giờ chị Nhã Nam vẫn còn nao nao nhớ cái cảm giác nóng ruột khi nhiều lúc phải ăn khoai trừ bữa. Vậy rồi cứ sống khổ lâu ngày tự nhiên cũng thành quen.

Có lẽ nhà văn Nguyên Hồng hơn ai hết đã thấu hiểu gia cảnh mình những năm đói dài ấy, vì thế mà cứ mỗi lần đạp xe xuống Thủ đô làm việc cùng Hội Nhà văn, bao giờ trở lại Bắc Giang thì trên chiếc xe cà tàng cũ kỹ của ông cũng chở lỉnh kỉnh nào gạo, nào dầu, nào thịt lợn tươi, cả cân đường, mét vải hay chiếc khăn, bánh xà phòng vuông vức. Đó là tiêu chuẩn phiếu B cán bộ của nhà văn tương đương tiêu chuẩn cấp Thứ trưởng mà Nhà nước đã cấp cho ông. Hẳn là nhà văn thấy hạnh phúc lắm khi ông được tự tay chăm sóc mẹ mình, được trao cho vợ và các con cái tiêu chuẩn tem phiếu vừa xếp hàng mua ở cửa hàng ưu tiên phố Tôn Đản. Niềm vui dẫu nhỏ bé nhưng đối với ông nó thiêng liêng như một nghi lễ! Nó cũng giống như cái nghi lễ mà ông đã tỉ mẩn sắm Tết cho cả nhà khi mỗi dịp cuối năm.

Thường là trước Tết, Nguyên Hồng giục vợ con chuẩn bị nuôi một con lợn. Rồi ông tự tay đi chợ mua tranh Đông Hồ về trang trí, tô điểm trong căn nhà xóm Cầu Đen, sắm cả chiếc bình hoa bằng sứ để cắm cành đào, cành mận cùng cả nhà đón xuân. Nó cũng giống như nghi lễ mà ông sốt sắng cái ngày đón các nhà văn Nguyễn Tuân, Huy Cận, Kim Lân, Tô Hoài, Như Phong… từ Hà Nội lên thăm.

Chị Nhã Nam kể, khách Hà Nội, khách Hội Nhà văn thường lên bất chợt, không báo trước. Các bác ấy cứ thấy nhớ nhau là lên… Mỗi dịp có khách thì ông báo trước cho gia đình để mẹ chị chuẩn bị thức ăn chu đáo. Có những lúc chắc thiếu tiền, nhà văn Nguyên Hồng phải sai “sứ giả” là con gái Nhã Nam cầm thư bố đạp xe gấp lên nhà bác T. ở thị trấn, cách nhà khoảng 4 cấy số để vay tiền.

Chuyện đó xảy ra cách đây hơn 40 năm, vậy mà hôm nay, trò chuyện cùng tôi, chị Nhã Nam nhiều lần lấy khăn lau nước mắt bởi còn nhớ như in cảnh bác T. đọc thư nhà văn, rồi ông vồi vội lấy 10 đồng đưa nhanh cho Nhã Nam giục mang về. Và bao giờ cũng thế, trước khi Nhã Nam ra khỏi nhà, bác T. cũng lấy diêm bật lửa đốt bức thư của nhà văn Nguyên Hồng.

Lúc ấy với tâm hồn con trẻ, Nhã Nam làm sao biết được bức thư bố mình viết cái gì, cũng không hiểu vì sao bác T. lại đốt. Phải chăng người bạn tri âm tốt bụng ấy đã đốt đi một khế ước, để giữ lại một niềm tin. Hoặc cũng có thể ông đã đốt đi bút tích của nhà văn như hóa đi bằng chứng vì không muốn người đời sau này biết được nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng của chúng ta có lúc lại nghèo đến thế!

Tất nhiên sau đó, lúc nào về Hà Nội lĩnh lương xong, bao giờ nhà văn Nguyên Hồng hoặc sai con hoặc tự mình đến nhà bác để hoàn nợ. Chị Nhã Nam kể, bố chị có thể vay tiền, nhưng chưa bao giờ chị thấy cụ mua chịu ai cái gì, kể cả cút rượu quê mà hàng xóm lúc nào cũng sẵn lòng đãi cụ!

Sau những dòng văn để đời

Có thể nói, suốt 23 năm kể từ năm 1959 đến lúc qua đời 1982, nhà văn Nguyên Hồng chủ yếu sống ở xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Và suốt 23 năm ấy, Nguyên Hồng miệt mài cày ải trên cánh đồng chữ để gieo nên những bộ tiểu thuyết nổi tiếng. Đó là bộ tiểu thuyết “Cửa biển” 4 tập gồm 2.000 trang; là bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” gồm 2 tập. Đây là hai bộ tiểu thuyết dày dặn để cùng với tiểu thuyết “Bỉ vỏ” in trước cách mạng của nhà văn Nguyên Hồng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.

Cũng trong thời kỳ này, năm 1973 Nguyên Hồng đã xuất bản cuốn hồi ký “Một tuổi thơ văn”, năm 1978 xuất bản cuốn hồi ký “Những nhân vật ấy đã sống với tôi” và một số tập thơ, truyện thiếu nhi khác… Đến đây thì ai cũng biết rằng, trong những điều kiện cuộc sống khó khăn dường ấy, điều gì đã thôi thúc nhà văn Nguyên Hồng lao động tận tâm, tận lực? Nhà văn Kim Lân từng nói: “Đời anh, anh chỉ nghĩ đến viết. Tác phẩm này chưa xong, tác phẩm khác đã ngồi chờ. Viết đối với anh là nguồn vui, là lẽ sống, là trách nhiệm, là sự đòi hỏi thôi thúc của đời sống của chính bản thân mình. Anh phải viết. Cần cù nhẫn nại viết”.

Theo lời kể của chị Nhã Nam, ngay trong căn nhà xóm Cầu Đen, mỗi lần nhà văn Nguyên Hồng ngồi viết, ông thường mang vào bàn một quả ổi hái ở vườn nhà còn nguyên lá như để tìm cảm hứng. Ông thường viết ban ngày là chính. Hồi đang viết bộ tiểu thuyết “Cửa biển”, có lúc ông ngồi vào bàn viết ở gian dưới nhà ngang, lúc mệt thì ngả lưng xuống chiếc chiếu trải dưới đất lom khom thật vất vả. Nhưng dù ngồi ở tư thế nào chữ ông viết bao giờ cũng chân phương, đẹp và cứng cáp, dễ đọc. Giữa những trang viết, có lúc Nhã Nam thấy cha mình cầm chiếc quạt chậm rãi, thong dong đi dạo trong khu vườn như đang tìm kiếm điều gì. Nhìn dáng cha lặng lẽ như đang trò chuyện cùng nhân vật vừa bước ra từ trang viết dang dở, tự nhiên lòng đứa con gái bé bỏng trào lên niềm thương người cha thật vô bờ!

Để dành “thánh đường” cho Nguyên Hồng viết văn trong hoàn cảnh khá ngặt nghèo, dường như cả nhà chị Nhã Nam đều tự giác “chấp hành” tuyệt đối mọi chỉ bảo theo cách ứng xử của người mẹ.

Chị Nhã Nam kể, chưa một lần cha chị tâm sự với vợ con vì sao mình lại bỏ Hà Nội lên Yên Thế. Cũng chưa bao giờ ông trò chuyện với các con câu chuyện nội bộ một thời bên Hội Nhà văn, cũng chưa một lần biểu hiện trước con cái một thái độ, một điều gì đó lăn tăn trong việc đối đãi, cư xử giữa các nhà văn với nhau, giữa cơ quan quản lý văn nghệ với những người sáng tác. Chỉ thấy ông về Hội Nhà văn họp hành, bàn việc gì đó rồi lại nhanh nhẹn trở về Cầu Đen hì hục viết. Và mẹ chị, thỉnh thoảng nói chuyện riêng với ông, hai người nói điều gì đó vui lắm. Đôi chỗ ông bà phải dùng từ tiếng Pháp có lẽ để diễn đạt cho rõ ý. Nhiều bữa, để kịp nộp sách cho nhà xuất bản, mẹ chị bỏ việc đồng áng ở nhà giúp nhà văn chép lại bản thảo. Nhiều khi bà thắp đèn dầu chép văn đến tận khuya. Hình như căn nhà nhỏ trên quả đồi thấp lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương như lọc từ tinh khiết để Nguyên Hồng được thanh thản và đau đớn cho từng câu văn.

Sau những “Cửa biển”, sau những “Núi rừng Yên Thế”… là lấp lánh những giọt mồ hôi, lấp lánh sự nén chịu, lấp lánh lòng hi sinh của cả một gia đình dầu nhỏ nhoi nhưng tràn ngập tình thương ruột rà. Từ người mẹ kiên cường ở Hải Phòng lên, từ người vợ thủy chung biết tiếng Pháp ở hiệu sách ngoại văn về, từ đàn con thơ xưa và sau này đã trưởng thành với những suy ngẫm độc lập… tất cả đều lặng lẽ chấp nhận đồng hành cùng với tính cách khảng khái, quyết liệt của một Nguyên Hồng để làm nên một tâm thế giúp nhà văn bình tâm mà sáng tác nơi xóm Cầu Đen.

Có thể nói, nếu không có một nền nếp gia phong trong một ngôi nhà nhiều thế hệ, nếu thiếu đi sự hi sinh “tuân chỉ” của cả nhà trước người bố Nguyên Hồng quyết liệt, nếu thiếu đi một ngôi nhà ở xóm Cầu Đen, liệu chúng ta sau này có cơ hội để được nâng niu những tác phẩm sáng giá làm nên một giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà văn Nguyên Hồng? Thế mới biết, những nhà văn như Nguyên Hồng một con chữ nó quý như thế nào!

Bây giờ nghe chị Nhã Nam kể, tôi lờ mờ mới hiểu, vì sao Nguyên Hồng chưa một lần khuyên ai trong 7 người con của mình đi theo nghiệp văn. Ông bảo, viết văn không phải là một nghề, không thể truyền nghề được. Ai có năng khiếu thì cứ theo… Rồi ông lặng lẽ ra đi, không một lời di chúc. Trong cơn mê sảng, ông có nhắc tới “bác sỹ”, tới “Hội Nhà văn”; tay đập mạnh xuống chiếu tỏ ý phiền muộn về những trang văn dang dở. Cũng phải thôi, ông là một nhà văn đặc biệt, yêu văn chương và chỉ sống bằng nghề văn suốt cuộc đời mình…

Còn tôi thì nghĩ, gia đình ông, họ có quyền tự hào vì dường như tất cả đã một lòng theo Nguyên Hồng, coi ông như vị “Tổng tư lệnh” và suốt đời lặng lẽ làm điểm tựa cho những tác phẩm của nhà văn lớn. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong một giai đoạn khúc khuỷu của văn chương…

                                                                                                Hồng Thái

 

Bài viết

Comments are closed.