Gần 10 năm gắn bó với Báo Công an Nhân dân, nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đã có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng với những tác phẩm đạt các giải thưởng lớn như “Ký sự một công dân tí hon ở trại tù”, “Bộ mặt thật của ông Lê Quang Liêm”, “Sự thật về vụ chống người thi hành công vụ ở Tây Nguyên”… Năm nay, với “Những kẻ cuồng vọng”, Nguyễn Hồng Thái là một trong 41 tác giả nhận giải khuyến khích của Giải Báo chí quốc gia lần thứ 2. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản đã có dịp trò chuyện với nhà báo trước giờ trao giải.
– Là một trong những tác giả đứng trên bục nhận giải Báo chí quốc gia lần này, anh có cảm xúc và suy nghĩ gì?
– Khi được bước lên bục để nhận bất cứ giải thưởng nào, dù là giải thấp nhất thì đấy cũng luôn là một niềm hạnh phúc. Mỗi giải thưởng báo chí đều có ý nghĩa rất lớn, không chỉ ghi nhận công sức, mồ hôi nước mắt của một nhà báo, một tòa soạn mà nó còn tôn vinh các nhà báo nói chung và ghi nhận sự đóng góp của họ đối với sự phát triển của đất nước. Đây là vinh dự chung của tất cả những người làm báo.
– “Những kẻ cuồng vọng” đã song hành cùng anh trên bục nhận giải, anh có thể nói gì về tác phẩm này?
– Tác phẩm viết về hai luật sư Việt Nam là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã có những hành vi phát tán tài liệu tuyên truyền xấu, chống đối Nhà nước Việt Nam, bị kết án tù sau khi đã xử ở 2 cấp sở thẩm và phúc thẩm. Trước khi phiên tòa xảy ra, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về hai đối tượng này; tôi muốn cảnh báo với thế hệ trẻ để họ không bị kích động, bị mắc lừa âm mưu của các thế lực phản động trong việc bị biến thành những kẻ chống đối lại chính nhân dân của mình, đất nước của mình, tổ quốc của mình. Để viết tác phẩm này, nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của Tổng biên tập Hữu Ước, nhà báo Hồng Thanh Quang cũng như không có những sĩ quan an ninh của Bộ Công an cung cấp thông tin, tư liệu và những kiến thức bổ ích về nghiệp vụ an ninh thì tôi không thể thành công.
– Khó khăn lớn nhất của anh khi viết “Những kẻ cuồng vọng”?
– Khó khăn nhất là vấn đề tư liệu và quá trình đi sâu, tìm hiểu về đối tượng từ tâm tính, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xô đẩy phạm tội… Những kết luận của cơ quan an ninh thì thường sơ cứng theo điều luật, còn phía gia đình, thân nhân của bị cáo thì không có nhiều hợp tác; hơn nữa đây cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm, vì vậy cũng cần phải viết thế nào để người đọc không thấy gợn lên tính chủ quan, phiến diện, viết làm sao để cả những người phạm tội sau khi ra tù, đọc bài báo của mình, họ cũng phải tâm phục, khẩu phục.
– Theo anh, để viết được những tác phẩm có giá trị, một nhà báo công an cần có những phẩm chất đáng quý nào?–
Ngoài “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì quan trọng nhất vẫn là tính trung thực. Nếu ko trung thực, đưa sai sự thật thì hậu quả là khôn lường, không chỉ có hại cho những số phận, những con người mà mình phản ánh mà còn có hại cho nhiều người đọc. Nhà báo công an có lợi thế là được tiếp xúc nhanh nhất với nguồn thông tin của cơ quan điều tra, có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với các nhân vật, các bị can; nhưng nếu chỉ phụ thuộc và quá tin vào các kết luận điều tra, không có sự kiểm định thì đó chưa hẳn là một nhà báo sắc sảo. Những kết luận điều tra bước đầu mới chỉ là một nguồn tư liệu thẩm định để viết tác phẩm và nguồn tư liệu ấy có thể sẽ bị phủ nhận khi qua viện kiểm sát hoặc tòa án. Phẩm chất thứ ba của nhà báo công an theo tôi là phải biết lăn lộn với rất nhiều số phận, lăn lộn với cơ quan điều tra, trinh sát, lăn lộn với cả bị can và những người tử tù, có như vậy bài viết mới không chủ quan, mới có được góc nhìn toàn diện.
– Trong cuộc đời làm báo của mình, điều gì là mong muốn lớn nhất của anh?
– Tôi mong sau khi bài báo của mình được in thì có bạn đọc gọi điện đến nói rằng họ rất đồng tình. Nhưng có lẽ mong ước lớn nhất của tôi chính là những tác phẩm ấy sẽ giúp được những con người cụ thể, những số phận cụ thể, hạnh phúc lớn nhất khi biết rằng có ai đọc bài báo của mình mà họ cảm thấy tự tin hơn, đáng sống hơn.
– Cảm ơn anh đã chia sẻ và chúc anh đạt được nhiều thành công hơn trong sự nghiệp báo chí!
Phan Liên