Tôi quen với nhà thơ Hà Văn Thể trên dưới vài chục năm, từ khi anh mới từ Phú Thọ về Hà Nội làm thơ trong Hội thơ Thanh Xuân cùng với các nhà thơ sau này đã thành danh như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Sĩ Đại, Trần Quang Quý… Có thể nói, nếu không có thơ, có lẽ Hà Văn Thể khó trụ nổi nghiệp báo đến bây Nhưng ở một góc nhìn khác, dường như cũng có thể nói vì mê thơ phú mà chàng sinh viên Phân viện Báo chí tử tế gặp muôn chuyện lận đà lận đận. Hạnh phúc chớp qua đời anh như một ảo ảnh… Giải thích là do số phận hay do là gì đi nữa thì ai cũng thấy ái ngại cho Hà Văn Thể thuộc diện những nhà thơ “giời đày”. May thay, trời cho anh có những câu thơ, những câu thơ làm nơi tựa của đời anh sau những lang thang mỏi mệt từ vô định, nhưng hồn vía từ thơ ấy giúp anh xâu chuỗi những khoảnh khắc để dệt nên tấm áo choàng khoác vào đôi vai quá khổ của anh những đêm thức canh bếp lửa sắc thuốc cho con.
Đội núi xuống lòng thung
Nhìn vào cái dáng to cao, đi lại lừ đừ, điệu cười ngư ngất giữa chốn bạn bè đông đúc, lại vốn tính thảo ăn, sẵn lòng đãi bạn đến đồng bạc cuối cùng, ai cũng nghĩ Hà Văn Thể thuộc bậc trung lưu trong số các nhà văn Việt Nam vốn chẳng giàu có gì.
Nhưng gần anh nhiều năm, tôi đã bao lần chứng kiến cận cảnh xong một ngày làm việc khá cực nhọc ở cơ quan, trong khi nhiều bạn bè chúng tôi có thể trốn nhà ra chốn bia hơi để xả stress thì có một chiếc xe máy lặng lẽ nặng nhọc chở Hà Văn Thể đi về ngôi nhà nhỏ bên sườn đê sông Hồng, chợt nghĩ bạn mình sao cực thế?
Vậy mà Hà Văn Thể cứ ngạo nghễ, cái dáng ngạo nghễ ấy “tự nhi nhiên”, không có vẻ diễn chút nào để đi về căn nhà mới xây chênh vênh bên sườn đê, nơi có người vợ bị bạo bệnh bao năm và 2 đứa con trai còn nhỏ dại, một cháu lại không nói được vì bệnh dai dẳng. “Vẫn lon ton những nếp nhà/ Rách lành thì cũng thịt da hứng giời“, Hà Văn Thể đã viết những câu thơ như thế, tôi hiểu anh đã chọn cách sống ngạo nghễ như là sự thách thức với số phận.
Anh không hề cam chịu, sự ngạo nghễ cao đạo ấy như ngấm vào máu, như là cách sống mà anh lựa chọn suốt đời vậy. Người ngoài không ai biết, có chăng những người cùng cơ quan như chúng tôi thì hiểu mà thương bạn. Nhiều lần tôi cùng các bạn văn ở cơ quan thấy ái ngại nhưng không dám nói ra, cứ hiểu ngầm vậy là đủ.
Rồi tự hỏi, một mình Hà Văn Thể vốn không nhanh nhẹn gì, buổi sáng đưa vợ đi nhập viện, buổi tối về chăm con thơ dại bạo bệnh đối diện với một không gian chật hẹp chỉ có sự vắng lặng và cô đơn thì anh sẽ làm gì?
Khi vợ anh ốm nằm viện, việc cơ quan không dám bỏ, việc ăn học của các cháu phải nhờ bác Ngọc hàng xóm lo giúp cả tuần liền. Một ngày, một đêm, thậm chí dăm bữa, nửa tháng còn có thể cố gắng vượt qua, nhưng đằng này những biến cố ấy diễn ra hàng chục năm nay thì quả là một thử thách quá lớn đối với một nhà báo, một nhà thơ như anh.
Thì đây, những câu thơ anh dứt ruột viết ra tặng con, tặng nhân gian như một sự trả lời: “Nửa đêm sắc thuốc cho con/ Thêm thang hy vọng cha dồn vào đây/ Con ơi thơ dại thế này/ Cớ sao tật bệnh đọa đày không tha… Ngôi sao chiếu mệnh nhạt rồi/ Khổ đau ngửa mặt lên trời mà mong…“.
Lại người vợ nữa, người vợ mà anh hết lòng yêu thương, sẻ chia đau khổ, hạnh phúc: “Sáu năm nửa tỉnh nửa mê/ Chồng đi không biết, con về chẳng hay/ Giữa đêm lại nghĩ là ngày/ Có khi sợ cả đám mây giữa trời…/ Chuyện thì toàn những viển vông/ Con thơ để mặc cho chồng lo toan/…“.
Một bận vào ngày đầu năm mới, nhà thơ Hồng Thanh Quang kéo tôi và họa sĩ Lương Xuân Tý đến chúc Tết gia đình anh chốn cuối đê mạn Tây Hồ thường ngập lụt.
Ngày ngày vẫn gặp nhau, nhưng thấy bạn văn đến nhà, Hà Văn Thể xúc động lắm, cứ luống ca luống cuống, tay này rửa chén, tay kia tìm rượu, chạy chỗ này gọi con “chai rượu bố để đây, giấu của bố đâu rồi?”, lại ngửa cổ lên tầng 2 “mẹ nó đâu, các bác cơ quan đến chúc Tết đây này. Có bác Quang, bác Tý… Đâu rồi? Nhanh lên!”.
Dường như chỉ có sự ồn ã của anh là khiến căn phòng có cây đào thế Nhật Tân bỗng ấm cúng lên không khí Tết. Rồi vợ anh xuống, mỏng manh, thoáng qua như một tia nắng… Chúng tôi cùng nhấp rượu, lặng thinh để nghe đâu đó phía cuối triền sông có con thuyền nào đang quăng lưới ràn rạt.
Sinh ra ở Cẩm Khê, Phú Thọ, trung du đối với Hà Văn Thể là đồi bát úp, là những con trâu lăn trong chiều tím ngắt, là dòng sông Bứa quê nhà chảy mải miết trong thơ anh. Tôi đã ngồi trong ngôi nhà lá cọ sinh ra anh bên dòng sông Bứa ấy ở xã Đồng Lương, ngôi nhà vườn rộng, nhiều cây xanh neo bên triền đê thâm thấp có thể bị nước lũ tràn qua bất cứ lúc nào.
Chẳng biết vì sao khi về tận Thủ đô cạnh Hồ Tây, nhà thơ Hà Văn Thể cũng làm nhà mình neo bên dòng sông Hồng mùa mưa nào cũng lăm le liếm vào đê. Một đồng dạng phối cảnh với dòng sông Bứa quê nhà. Thật khó giải thích “điền trạch” của một con người.
Nhưng sống cùng sông nước, sinh ra bên những dòng sông tên tuổi nên Hà Văn Thể dù mệnh hỏa (anh sinh năm 1957), nhưng anh vẫn hồn nhiên mà “chảy đi sông ơi”. Có phải vì yêu đến ngấm tính cách trung du ấy mà anh chọn cách sống hiền hòa, thủy chung, yêu người đến tận cùng, nhất là những số phận yếm thế.
Ngoài đời dường như ít thấy Hà Văn Thể to tiếng với ai, nếu nhỡ có làm ai đó buồn thì y như rằng ngày hôm sau, anh tìm cái cớ để hòa giải mà cười với nhau để không còn gì chất chứa trước khi bước về căn nhà chật chội nỗi niềm. Bạn anh, ai chưa hiểu điều đó là chưa thương Hà Văn Thể.
Có lần tôi nghe anh đọc câu thơ của ai đó về trung du: “Không nhô lên thành núi/ Không trũng xuống thành đồng…” như một tuyên ngôn sống, nhưng tôi hiểu, chẳng qua là anh đọc cho vui thôi, bởi lối sống “ẩn dật” theo hồn vía câu thơ kia làm sao hợp với Hà Văn Thể, làm sao hợp với nghề báo. Có lẽ, phải là tính khí quyết liệt đến mức nào, Hà Văn Thể mới có thể được giao đứng mũi chịu sào ở một Ban quan trọng của Báo Công an nhân dân chịu trách nhiệm một lĩnh vực khá nhạy cảm là kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng chuyện sau đây thì đừng đổ cho số phận, phải tính khí và bền chí thế nào, Hà Văn Thể mới đủ dũng khí và tài ba bỏ biên chế của một thầy giáo dạy Trường Trung cấp Xây dựng ở Đất Tổ để theo những bài thơ đầu tay về với Hà thành. Thì ra, bên ngoài một dáng vẻ như “ông từ vào đền” kia là một núi lửa trong tâm thế Hà Văn Thể. Núi lửa ấy thiêu đốt anh thành năng lượng giúp anh làm được những điều mà khi chúng tôi cố gắng một, thì anh phải gắng gỏi gấp mười.
Thơ chở che số phận
Có lẽ với bản tính gốc gác như thế, với một gia cảnh mà vẫn ngạo nghễ sống như thế, cho nên Hà Văn Thể đã chọn cho mình giọng điệu thơ hợp với “tạng” người anh? Có một hiền triết cổ đại từng nói, số phận một con người như thế nào sẽ ám vào thơ như thế đó. Hiền triết khác lại bảo, thơ thế nào, sẽ ám vào số phận tác giả như thế đó. Cách lý giải ấy dường như vận vào nhà thơ Hà Văn Thể đều đúng cả thì phải, bởi ngẫm cho cùng đối với Hà Văn Thể không thể rạch ròi được thơ và anh, ai ám vào ai? Chỉ biết rằng, anh có một giọng thơ riêng. Làm thơ được một giọng riêng, không giống ai, không ai “họa”, không ai làm giả được là một thành công rồi còn gì! Tôi nghĩ những câu thơ như thế vang bên bếp lửa trở thành người bạn tâm tình duy nhất của Hà Văn Thể trong những khoảnh khắc dễ làm cho người ta buồn chán nhất, cô đơn nhất. Đó không còn là thơ, mà là sự giải thoát, là hy vọng, là sự chở che cho nhà thơ mang quân hàm Thượng tá.
Trong một không gian như thế, nhiều người sẽ khó tưởng tượng được cái ngày mà Hà Văn Thể và tôi cùng được trở thành hội viên Hội Nhà văn năm 2006. Thật khó tưởng tượng được anh làm thơ như thế nào để đến nay đã in tới 4 tập thơ với 2 giải thưởng văn học, đặc biệt là giải thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2005.
Cũng dễ cắt nghĩa được vì sao Hà Văn Thể thường viết hay và thành công ở mảng đề tài những số phận thiệt thòi, những cuộc đời cần cưu mang. Bài thơ anh được giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội là viết về các liệt sĩ “Các anh giờ ở đâu” với những câu thơ đau đáu: “Ba mươi mùa xuân đã thành xa vắng. Những nén hương vẫn mỏi mắt đi tìm”.
Trước đó bài thơ “Có một con đường” (in trên Văn nghệ Quân đội) anh viết về những người thương binh sau chiến tranh đã được hai nhạc sỹ Đỗ Trí Dũng và Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, người quê anh gặp ai cũng thấy hát như là niềm tự hào của làng như họ từng thuộc thơ Bút Tre vậy.
Dường như nghĩ về số phận những người thiệt thòi luôn ám ảnh Hà Văn Thể. Tôi còn nhớ, có bận Hà Văn Thể bất ngờ gặp một cựu chiến binh Công an nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh vừa nhọc nhằn viết và in một cuốn tiểu thuyết, anh rơm rớm nước mắt rút những đồng bạc cuối cùng trong ví ra biếu ngay tác giả.
Tưởng thế là xong, nhưng bỗng mấy ngày sau, anh đã viết bài thơ “Tiếng rừng” tôn vinh người lính rủi ro ấy: “Bạn thương tất cả về sau/ Quên mình đau để mà đau bạn bè/ Như bao người lính trở về/ Từng đêm thăm thẳm còn nghe tiếng rừng“. Tôi biết những cử chỉ như thế của Hà Văn Thể thường được sẻ chia với nhiều số phận nghiệt ngã khác mà anh bất ngờ gặp trong đời.
Còn anh thì luôn muốn giấu đi mọi phiền sầu để như anh viết tặng bạn “quên mình đau để mà đau bạn bè…”. Một người làm thơ như anh được bạn đọc chấp nhận, ưa thích, ngẫm cho cùng là sự chưng cất từ ngổn ngang của lòng mình để chắt nên những giọt rượu trong vắt đãi bạn tâm giao. Ai chả biết, thơ viết về người cũng là viết cho mình đấy thôi.
Từ năm 1991, Hà Văn Thể đã in một tập thơ có cái tên rất cường tráng “Khi tôi trên mặt đất”. Giờ thì nhiều người đã biết tên anh, biết thơ anh, chẳng hiểu vì sao ở tập thơ thứ 4 này anh lại đặt cái tên theo triết lý nhà Phật “Lạy xin mây trắng” (NXB Hội Nhà văn 2005).
Cũng có thể khi càng hiểu đời, càng ơn cuộc sống, ta ngẫm ra nhiều điều để dần dà mà “thỏa hiệp”, mong được sống bình yên là quý lắm. “Ta sống người ơi ta được sống/ Dẫu rủi ro cũng hạnh phúc rồi”; “Ngôi nhà tôi có bao nhiêu sinh linh, thì bấy nhiêu niềm hy vọng…”. Tôi hiểu, Hà Văn Thể không hề mệt mỏi, không hề lùi bước, chỉ nghỉ chân một chút thôi trong cuộc chạy đua cùng số phận. Bởi anh còn hy vọng, còn có thơ, còn có bạn bè…