Khi trường có tỷ lệ đạt danh hiệu học sinh giỏi rất cao, thầy cô và phụ huynh đều phấn khởi, vui mừng, cấp trên đánh giá cao thành tích của trường. Vô tình hay hữu ý, nhà trường đều “mang tiếng” là đứng sau những thành tích giả. Vì thế mà lúc dự thi đại học, tỷ lệ đỗ đạt lại rất thấp. Đó là gì nếu không gọi thẳng tên là hiện tượng “giỏi ảo”?
Vậy là thêm một ngày khai trường năm học nữa lại tới. Tiếng trống trường trong ký ức và tiếng trống vang lên trong ngày khai giảng năm nay đã lay động đến bao hy vọng và lo âu của hàng triệu học sinh và phụ huynh. Có lẽ, hiếm ở đâu như ở Việt Nam ta, việc học hành của con cái, của thế hệ tương lai được Đảng, Nhà nước, các bậc phụ huynh và cả xã hội quan tâm đến vậy… Hiếm có nơi nào các bậc cha mẹ phải xếp hàng từ 2, 3h sáng để xin học lớp 1 cho con trẻ như ở TP HCM. Rồi học thêm, rồi phụ đạo, rồi trường chuyên lớp chọn, tìm thầy giỏi dạy riêng… Ai cũng mong mỏi con em mình học giỏi, có thể đỗ đạt để học lên cao, để “đủ lông đủ cánh” tự kiếm sống và dâng hiến tài năng cho đất nước. Thế nhưng, chưa lúc nào như lúc này, câu chuyện như thế nào là học giỏi vẫn còn là vấn đề thời sự nóng bỏng trong dư luận học sinh và phụ huynh hiện nay. Định lượng và định tính khái niệm học giỏi là thế nào? Trên thực tế, có em khi học thì điểm rất cao, được xếp loại xuất sắc, nhưng cứ đi thi học sinh giỏi hay thi đại học là trượt. Lại có nhiều em học sinh điểm tổng kết năm học được ghi trong học bạ chưa phải là quá cao, nhưng đã vượt qua hầu hết các kỳ thi tuyển sinh để được học ở các trường đại học danh tiếng. Lý giải điều này như thế nào?
Tâm sự với chúng tôi, nhiều em học sinh ở Hà Nội đã kể một thực trạng đáng buồn trong nhiều trường THPT hiện nay, đó là xu hướng “chạy điểm”. “Chạy” ở đây không phải xin xỏ, nài nỉ thầy cô tăng điểm. “Chạy” là các em lập ra một nhóm chơi thân với nhau, tìm mọi cách để biết được thông tin về đề thi, đề kiểm tra của các thầy cô ra cho các lớp cùng khối trước đó, rồi phân công nhau làm bài trước. Người này tìm môn văn, người kia tìm môn toán, người nọ tìm môn ngoại ngữ v.v…
Cứ mỗi lần kiểm tra học kỳ hay cuối năm, cả trường cứ dáo dác những cuộc kiếm tìm bí mật. Chờ đến lúc thầy cô ra đề thi cho lớp mình nếu trùng nhau thì tha hồ mà chép. Nhờ thế mà nhiều em đạt điểm rất cao, thế nhưng những kiến thức “nền”, những kiến thức cơ bản chung của chương trình chuẩn thì các em học kiểu như thế sẽ rất hổng.
Một cô giáo dạy ngoại ngữ chủ nhiệm lớp 12 của một trường THPT khá nổi tiếng ở Hà Nội mới đây đã tâm sự với chúng tôi, cô dạy ngoại ngữ cho ít nhất là 4 lớp 12. Mỗi lần ra đề bài kiểm tra một tiết hay học kỳ cho một lớp nào đó, y như rằng ngày hôm sau các lớp thi sau đã hò nhau tìm cách giải để mong cơ hội trùng đề.
Để đối phó với cách học “đối phó” đó, cô giáo đã phải đầu tư soạn một “ngân hàng” đề thi của riêng cô. Thế nhưng, rất có thể những môn học khác, các thầy cô giáo không biết cách “chạy điểm” của các em mà ra đề thi trùng nhau thì vô tình tạo điều kiện cho cách học tiêu cực đó phát triển.
Hoặc cũng có những thầy cô giáo ngại soạn nhiều đề thi, ngại chấm thi các môn học được coi là “không quan trọng”, lại có thầy cô giáo nghĩ là “thương học trò” mà đơn giản muốn cho các em điểm cao. Thiện ý đó có thể không biểu hiện tiêu cực nhưng đã vô tình làm các em lười học đạt điểm cao bằng mọi giá.
Hậu quả là bằng nhiều con đường không chính danh, toàn trường có tỷ lệ đạt danh hiệu học sinh giỏi rất cao, thầy cô và phụ huynh đều phấn khởi, vui mừng, cấp trên đánh giá cao thành tích của trường. Vô tình hay hữu ý, nhà trường đều “mang tiếng” là đứng sau những thành tích giả. Vì thế mà lúc dự thi đại học, tỷ lệ đỗ đạt lại rất thấp. Đó là gì nếu không gọi thẳng tên là hiện tượng “giỏi ảo”?
Tuy nhiên, có điều đáng mừng là không phải em học sinh nào cũng chọn cách học tiêu cực đó. Một chị phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh có con trai vừa đỗ đại học kể với chúng tôi rằng, năm ngoái thấy điểm tổng kết của con mình thua kém nhiều bạn bè, chị buồn bã hỏi con vì sao lại thế. Cháu trả lời mẹ rằng: “Mẹ có muốn con xếp thứ nhì lớp không? Con sẽ đi tìm đề trước như các bạn?”. Nghe xong câu chuyện, người mẹ trung thực đó nhìn vào mắt con mà nói: “Mẹ ủng hộ cách học ấy của con. Bố mẹ không cần danh hiệu ảo…”.
Dũng cảm chọn cách học thực chất, em học sinh đó đã đỗ đại học với điểm rất cao. Phải chăng cũng với cách học thực chất và thi thực chất như thế, cho nên tại kỳ thi đại học vừa qua, nhiều em ở vùng nông thôn nghèo khó, điều kiện học tập hết sức khó khăn, nhưng đã đỗ thủ khoa ở nhiều trường đại học?
Để rèn tính trung thực và tích cực trong học tập, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã đổi mới nhiều quy định liên quan đến quyền lợi của học sinh. Ví như không tuyển thẳng đại học,không cộng điểm tuyển sinh đại học các học sinh được xếp loại giỏi (kể cả học sinh đoạt giải quốc gia), tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học một cách nghiêm túc, công bằng…
Những thay đổi như thế góp phần định hướng các em học thực chất và thi thực chất. Vì thế, nhiều em “giỏi ảo” đã không thể đỗ đại học là điều dễ hiểu. Bởi ngẫm cho cùng, các em lại “rỗng” về kiến thức thì làm sao có thể làm bài ở một kỳ thi được tổ chức nghiêm ngặt như thế.
Bài học rút ra trong trường hợp này là gì? Có lẽ là các phụ huynh và học sinh, các thầy cô giáo nữa hãy kiên quyết “chia tay” với căn bệnh thành tích mà ngành Giáo dục đang phát động “nói không với tiêu cực!”. “Giỏi ảo” trong học sinh có thể dễ làm các bậc phụ huynh ngộ nhận. Nhưng chắc chắn các thầy cô giáo và học sinh đều biết rõ năng lực của từng em.
Vì thế, “giỏi ảo” ở nhà trường là sự lừa dối, báo hiệu sự thất bại trong kỳ thi đại học. “Giỏi ảo” sẽ chẳng giúp ích được gì trong một thế giới hội nhập đòi hỏi trí tuệ và sáng tạo không ngừng. Chỉ có kiến thức và trí tuệ thực chất mới đủ sức giải quyết những bài toán phức tạp của cuộc sống đang cạnh tranh quyết liệt hiện nay và tương lai. Các em học sinh hãy đừng bao giờ quên “giỏi ảo” đồng nghĩa với sự trống rỗng