Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ hư hại, xuống cấp: lỗi lầm khó có thể chuộc lại

Đó là chuyện mà các nhà báo chúng tôi suy nghĩ khi được trở về vùng quê xưa Tây Bắc, được đến thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên phủ xây dựng tại đồi D1, thành phố Điện Biên năm 2004. Đây là một công trình văn hoá- lịch sử, mang đậm tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, là nơi tưởng niệm và tri ân với những anh hùng liệt sĩ, đồng bào Điện Biên và cả nước đã chiến đấu hi sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Thế nhưng, khi chứng kiến sự xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng của tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, thì nỗi đau xót không phải riêng của chúng tôi mà còn khiến nhiều người dân cả nước không thể yên lòng…

Trở lại Điện Biên nhân ngày Nhà báo Việt Nam, tượng đài Chiến thắng Điện Biên phủ vẫn đang vươn mình trong nắng chiều tại đồi D1 lịch sử. Một không khí trang nghiêm và thiêng liêng vẫn bao trùm và hiển hiện tại khu Tượng đài. Khó có thế kìm nén được niềm xúc động khi được ngước mắt trông lên Tượng đài bằng đồng gồm 3 người lính tựa vào nhau, một người lính nâng cao cờ Quyết chiến Quyết thắng, một người lính cầm súng, một người lính bế em bé dân tộc Thái tay cầm hoa ban như cùng nhau viết lên trời cao bản anh hùng ca bất tử. Mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân khắp cả nước hành hương về đây trong tâm tưởng như về với cội nguồn để tỏ lòng biết ơn những người làm nên chiến thắng lừng lẫy địa cầu cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhưng càng đi sâu vào khu tượng đài, nhiều người không khỏi cảm thấy chạnh lòng đau xót. Ngày 16-6 hôm đó, trời ở thành phố Điện Biên mới chỉ một trận mưa, nhưng nhiều chỗ trong sân tượng đài đã trũng nước. Theo thiết kế, các bậc lên xuống và sân của tượng đài đều được lát bằng đá chất lượng cao rộng khoảng 60cm x 60cm. Bây giờ sau 3 năm chúng tôi đến, hầu như ở khắp sân phía tây của tượng đài các mối ghép đã hở mạch, có chỗ mạch ghép rộng đến 2cm. Chúng tôi dùng tay khơi nhẹ ở những mạch ghép ấy, chỉ thấy cát là cát, không thấy một chút xi măng nào. Có lẽ vì sân mà lát dối như thế, cho nên nước bị thấm xuống phần nền, vì thế mà nhìn các bức tường thành bao quanh khu tượng đài đều thấy nhiều chỗ đã ri rỉ nước chảy ra. Nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng phần nền của khu tượng đài là điều có thể dự báo trước. Quả là một lối thi công dối trá không thể thưởng tượng nổi.

Nhưng rất đáng lo ngại có lẽ là phần bệ tượng được xây khá chắc chắn, nơi được xây dựng để đặt tượng đồng Tượng đài chiến thắng nặng hàng trăm tấn đúc ở lò đồng thuộc huyện ý Yên, Nam Định chuyển lên khá gian nan vất vả không khác gì chuyện hàng ngàn người dân công xưa vận chuyển lương thực từ Thanh Nghệ ra chiến trường Điện Biên Phủ đánh Pháp. ở tầng 1 của bệ tượng đài này cao gần 1m, được ốp bằng đá quý, nhưng khi chúng tôi vỗ vào nghe rõ tiếng “pôm pốp” chứng tỏ rất rỗng ở bên trong. ở tầng 2 bức bệ tường phía đông cũng vậy, các phiến đá đẹp tựa hoa cương rộng 60×12 cm, nhưng bị tốp thợ thi công nào đó ghép cẩu thả đến mức lệch nhau, xiên xẹo, trông phản cảm lắm.. Những phiến đá xanh ốp đứng lặng lẽ, nhưng nếu ai xoa mạnh tay vào lòng tay liền bị vấy bẩn những vết xanh như màu sơn mới, nhưng chỉ rửa một lần là sạch ngay. Người ta trồng cỏ lên bệ tầng 1, nhưng không hiểu vì sao, cỏ chỉ mọc lưa thưa, úa vàng như thiếu bàn tay chăm sóc, có thể là thiếu mỡ màu của đất chăng?

Có lẽ buồn nhất, đau xót hơn cả là lúc chúng tôi cùng hàng trăm khách tham quan trong cả nước ngước mắt lên đăm đắm ngắm nhìn tượng đài bằng đồng ngạo nghễ trong nắng gió Điện Biên. Có thể nhiều người không biết gì về hình khối, sự cân đối, đẹp về mỹ thuật, nhưng không ai có thể cầm lòng khi nhìn rõ cả nhưng vệt xanh nhạt rỉ ra từ nhiều mối ghép của tượng đồng. Vì thế mà nhìn bức tượng đài bằng đồng hôm nay dẫu hoành tráng, hiên ngang vươn cao thế kia, nhưng nham nhở quá. Kể cả trên tượng 3 người lính, trên lá cờ Quyết chiến Quyết thắng và em bé Thái cũng vậy, những vết xanh dài và loằng ngoằng như trò đùa trẻ con bôi bẩn lâu ngày không kịp rửa. Nhiều bác thợ ảnh và người dân giải thích rằng, có thể đồng đem đúc Tượng đài trên không đủ tuổi, cũng có thể bị chủ hợp đồng ăn bớt đi nên khi đúc, đồng đổ ra không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nữa. Và cả những mối ghép của từng tượng đồng ấy khi thực hiện ở Điện Biên đã không đạt trình độ, làm cẩu thả cho xong, vì thế bị nước mưa từ bên trong rỉ ra ăn mòn tạo nên những vết anh hoen rỉ xanh loè lẹt, nhức mắt. Một bác sĩ ở Viện Nhi Trung ương tên là Nguyễn Hồng Điệp giận dữ trả lời chúng tôi:“Tôi so sánh thế này. Tượng đồng V.I Lê Nin ở Hà Nội gần 40 năm nay vẫn đen bóng một màu. Như không thể phai nhạt lý tưởng của ông. Như sự bất diệt của Cách mạng tháng Mười Nga. Vậy mà ở Điện Biên, nhìn tượng đồng này, đoàn chúng tôi thấy buồn quá, xấu hổ quá….”.

Sẽ có hàng triệu người sẽ xấu hổ và đau đớn thốt lên như người bác sĩ nọ, như những người thợ chụp ảnh có lương tâm đang hành nghề tại khu vực Tượng đài Chiến thắng Điện Biên phủ. Rồi đây, có thể bà Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương, ông chủ lò đúc đồng tượng đài lịch sử, ông Phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Điện Biên hay bà kế toán và những người thợ thi công dối trá…sẽ bị xử lý thích đáng bằng pháp luật, có thể số tiền hối lộ ai đó sẽ được thu hồi cho Nhà nước, nhưng một tượng đài lịch sử với hàng trăm tấn đồng thế kia thật khó làm lại. Người ta đã xúc phạm không những tới cả sự hi sinh thiêng liêng của bao anh hùng liệt sĩ, mà còn xúc phạm tình yêu, lòng tri ân của hàng triệu người Việt Nam đang hướng về cội nguồn.

Xin đừng xúc phạm đến tượng đài thiêng liêng, bởi đó là giá trị lâu bền nhất nuôi dưỡng lịch sử dân tộc mình. Nếu sai lầm xúc phạm đến điều thiêng, tín ngưỡng, khó có thể làm lại. Ai cũng biết, người thực thi thường hay tham. Vì thế, người quản ý phải tinh, phải liêm. Bài học ấy không bao giờ xưa cũ.

Bài viết

2 comments