“Đêm nào, điện thoại cũng không tắt, vừa canh “đường dây nóng”, vừa gác chỉ đạo của cấp trên… Có đêm bỗng lại thấy lăn tăn về một vài câu chữ mà lẽ ra nếu đề xuất chỉnh đi một chút buổi chiều, có thể bài báo sẽ hay hơn. Nhiều đêm con chữ từ trang báo của đồng nghiệp đi vào giấc ngủ của mình là như vậy…”- Đó là những điều mà Thượng tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Phó TBT báo Công an Nhân dân- trải lòng về nghề thư kí tòa soạn.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…
+ Rất nhiều định nghĩa về nghề thư kí tòa soạn, với 7 năm kinh nghiệm, xin Trưởng ban thư kí tòa soạn cho tôi một định nghĩa của riêng ông?
– Tôi nghĩ thư kí tòa soạn giống là một chiếc nắp cống. Vai trò để ngăn rác rưởi và lọc lấy nước sạch. Nếu anh thực sự công tâm, trung thực và có trách nhiệm anh sẽ sàng lọc chính xác nhưng nếu anh không cẩn trọng, không rèn luyện thì chính anh sẽ bị nhiễm bẩn. Khi người thư kí tòa soạn lựa chọn một bài xuất sắc thì chúng ta được cho cả tòa soạn. Được ở chỗ người giỏi cũng sẽ khen thư kí tòa soạn chọn bài này rất hay. Người chưa giỏi sẽ nói bài hay thật và phải cố gắng để học tập. Còn nếu anh chọn một bài kém thì mất cả tòa soạn. Vì số ít người giỏi thì sẽ nói bài kém như thế này mà cũng chọn. Còn số đông người chưa giỏi sẽ bảo bài mình cũng kém như thế mà không được dùng, đúng là quá thiên vị…
+ Vậy hạnh phúc của… “chiếc nắp cống” là gì thưa ông?
– Tôi thích ca từ của Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Nghề thư kí tòa soạn đã cho tôi niềm vui vào mỗi sáng. Có gì vui hơn khi chính mình được tiếp xúc với những nguồn thông tin tươi mới nhất, sớm nhất, trước khi tờ báo phát hành. Có gì vui hơn khi chính mình được giao nhiệm vụ “xào nấu món ăn” tinh thần cho hàng triệu bạn đọc. Có gì đáng tự hào hơn khi mình được sống giữa “tâm bão” của thời tiết dư luận để rèn giũa bản lĩnh và nhân cách, thêm cứng cáp mà trưởng thành lên trong cuộc sống vốn chẳng bao giờ đơn giản?! Chúng tôi hạnh phúc vì mỗi ngày đều vẽ được một bức tranh, ấy là tờ báo của mình.
Trung thực, tận tụy và tỉ mỉ…
+ Trong suy nghĩ của nhiều người, thư kí tòa soạn có đặc quyền lắm, có quyền cắt chữ, gọt bài và thậm chí… “ném bài” của phóng viên vào sọt rác. Ông nghĩ sao về điều này?
– Không được nhiều quyền đến như vậy. Ở báo CAND, trên chúng tôi là TBT và cả Ban Biên tập. Dường như Ban TKTS nào cũng vậy, trong ý thức đều muốn làm cho bài của phóng viên hay hơn, muốn đem đến cho độc giả những sản phẩm tốt nhất. Quan điểm của tôi, mất bạn đọc là mất hết. Mọi tin, bài, mọi thể loại, mọi tranh ảnh đều phải hướng về độc giả. Vì thế, các sản phẩm nào còn thô ráp, nếu được bàn tay của người thợ giỏi gọt giũa đến tận cùng trách nhiệm thì chắc sẽ tinh xảo hơn. Người thư kí tòa soạn phải làm việc đó một cách trung thực, tận tụy và tỉ mỉ… Tất nhiên, tôi luôn nhắc nhở anh em trong Thư ký tòa soạn của tôi, rằng chúng ta là cơ quan phục vụ cho phóng viên chứ chúng ta không có quyền hành gì đối với phóng viên cả (nhà thơ Hồng Thanh Quang, nguyên Tổng thư ký tòa soạn gọi là phận Culi). Tôi cũng là người viết, tôi hiểu để “nhặt” được một chữ, người phóng viên phải dồn nhiều tâm huyết, làm việc vô cùng vất vả, thậm chí tốn kém và nguy hiểm. Những ai không biết trân trọng những thành quả lao động chân chính của họ, có lẽ họ bị điên.
+ Nhưng có không ít câu chuyện về mối quan hệ “lành làm gáo, vỡ làm muôi” chỉ vì vài chữ bị cắt… Ông đã làm gì để hài lòng các phóng viên thường là cá tính và rất cứng đầu?
– Làm sao có thể làm vừa lòng tất cả phóng viên, vừa lòng tất cả mọi người? Chỉ làm hài lòng những ai đạt “chuẩn”, chí ít là “chuẩn” của số báo ngày hôm đó. Tất nhiên, trong tác nghiệp, có lúc chúng tôi cũng xử lí chưa thật chuẩn, để xuất hiện những phản ứng trái chiều. Điều đó thật khó tránh khỏi trong nghề nghiệp, nhất là báo ra hàng ngày cần phải quyết định nhanh. Nhưng chúng tôi biết nhận ra khiếm khuyết và công khai hóa để sủa chữa. Nhưng nguyên tắc chung nhất là vì uy tín tờ báo, vì bản sắc tờ báo theo chỉ đạo của TBT, nên chúng tôi không ngại những…va chạm đó. Mình phấn đấu đừng lồng tính cá nhân vào là được. Suốt chặng đường nhiều năm tôi đã cố gắng hài hòa mối quan hệ đó với các phóng viên. Mới đầu, tưởng mình “oai”, cũng có thể có một chút “cửa quyền”, nhưng bị Tổng biên tập “mắng” cho một trận tơi bời, nên “tỉnh” ra, tự điều chỉnh mình. Có một cảm giác phóng viên sợ mình, nể mình nhưng chưa phục, chưa trọng mình. Rồi dần dần, có nhiều kinh nghiệm, tôi minh bạch, công khai hóa và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi cuộc họp và thẳng thắn trao đổi, chia sẻ với phóng viên để hai bên cùng hỗ trợ nhau…Đó là cách tôi rút gần từ sự ngại đến gần gũi để giao thoa trong tâm lý mỗi phóng viên đối với mình.
Tôi mang ơn độc giả của mình
+ Dạo này đọc báo, tôi thấy có khá nhiều “sạn” trong đó có lỗi lớn của người thư kí tòa soạn, thưa ông?
– Thành thật mà nói, có 1001 lỗi sai trên báo và phần không nhỏ là từ nguyên nhân chủ quan của chúng tôi. Tôi cảm giác “nhiều khi cứ như ma làm”. Bởi vì, cứ tưởng, bản thảo ấy, bản “bông” ấy mình và đồng nghiệp đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi lãnh đạo cũng kiểm tra kỹ càng. Có đến hàng chục cặp mắt soi xét, tỉnh táo, cụ thể và cẩn trọng. Thế nhưng có lúc tất cả sự cẩn thận ấy đều bị “trượt đi”…
+ Và sự sai sót của tác phẩm báo chí, dù một chữ thôi, thể hiện sự thiếu tôn trọng độc giả – những người bỏ tiền ra mua báo của chúng ta?
– Đúng vậy. Và vô vàn những phản ứng, những góp ý chân thành, những nóng giận cùng lúc “dội” xuống người Thư ký toà soạn qua đường dây nóng! Lúc ấy, tôi thường nghĩ, bạn đọc là người có quyền “mắng” mình. Ngẫm cho cùng, họ đã bỏ tiền ra mua tờ báo của chúng tôi, họ được quyền đòi hỏi sản phẩm ấy phải “sạch”, phải chính xác, đảm bảo sự tin cậy. Không ai chấp nhận sự sai sót, cẩu thả của loại “hàng hoá đặc biệt” là báo chí này. Tôi biết ơn những độc giả đã không tiếc tiền mua báo, không tiếc tiền gọi điện thoại phản hồi. Mỗi lần cầm bút biên tập, tôi đều nghĩ rất nhiều về họ để răn mình, để thận trọng trước từng câu chữ…
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
HÀ VÂN