Trong làng văn, nhiều người biết, nhà văn Nguyễn Khải rất quý mến nhà văn Lê Lựu, thời ở tạp chí Văn nghệ quân đội đi sáng tác ở đâu ông cũng kéo Lê Lựu cùng đi. Còn Lê Lựu bất cứ lúc nào và ở đâu cũng chỉ một mực anh Nguyễn Khải là người thầy của tôi. Tin nhà văn Nguyễn Khải mất tại TP Hồ Chí Minh đến với nhà văn Lê Lựu hoàn toàn bất ngờ, ông buồn đến mấy ngày, cả đến khi ngồi tâm sự với chúng tôi, dường như Lê Lựu cứ triền miên trong dòng hồi tưởng không dứt về nhân cách và tài năng bậc thầy của nhà văn Nguyễn Khải
PV: –Thưa nhà văn Lê Lựu, lần gặp gần đây nhất giữa ông với nhà văn Nguyễn Khải là bao giờ? ông có điều dự cảm nào không khi mà cả hai người đều thuộc lớp nhà văn tài năng và giàu tinh tế?
Nhà văn Lê Lựu: – Năm ngoái mẹ nhà văn Nguyễn Bá Trung ở Mỹ chết. Tôi bay vào TP Hồ Chí Minh, đến đón anh Nguyễn Khải để cùng đến viếng. Người anh ấy lúc đó vẫn khoẻ. Hai anh em đi bộ cả cây số để nói chuyện. Mấy tháng nay chả thấy anh ấy ốm đau gì mà hôm nọ còn thấy trên ti vi đang phỏng vấn. Thế mà bỗng nghe cô Bích Thúy bênVăn nghệ quân đội gọi điện bảo “chú ơi bác Khải mất rồi, chú viết cho tạp chí 1 bài”. Tôi bảo “Mất khi nào, ai bảo thế”. Thế rồi cô ấy bảo bác ấy bị đau tim, đi mổ tim nửa tháng nay rồi, mổ tim trong thành phố Hồ Chí Minh không qua khỏi. Mình nghe đã rụng rời chân tay. Cứ đi hết thế này thì chết.
Pv: Lần đầu tiên mà ông gặp nhà văn Nguyễn Khải có thể cách đây hơn bốn mươi năm thì phải? Cuộc gặp lần đầu tiên đó với ông quan trọng như thế nào?
Nhà văn Lê Lựu: – Quan trọng đối với cả cuộc đời của tôi sau này. Hồi đó năm 1964, tôi là bộ đội ở Đại đội 18 thuộc sư đoàn 320 đi viết ký sự về sư đoàn, cứ đi, gặp đâu viết đấy. Nhà văn Nguyễn Khải đi thực tế nông thôn được nhà thơ Tố Hữu đưa về Hưng Yên giới thiệu đây là một nhà văn rất giỏi… Thế là tôi đi cùng đoàn với đoàn nhà văn quân đội, trong đó có Nguyễn Khải. Trong ánh sáng lờ mờ tôi thấy anh Khải cao lênh khênh, anh ấy đứng lên cho ông Tố Hữu giới thiệu. Tôi đi theo nhà văn Xuân Thiêm, sau đó mời mọi người về nhà chơi, giới thiệu cá mòi nhiệt tình lắm. Mình đâu dám mời anh Nguyễn Khải, chỉ dám nói với ông Xuân Thiêm mời anh ấy thôi. Vậy là Nguyễn Khải về nhà tôi, gặp ông Hợi chú tôi làm chủ tịch huyện, rồi ở luôn nhà tôi để tiện thu thập tư liệu. Vậy là hàng ngày đi đâu anh Khải cho tôi đi theo. Anh Khải không nói nhiều, chỉ ghi chép. Anh mang tôi ra chỗ bến sông bến đò, rồi đưa ra chỗ hợp tác xã nghe xã viên cãi nhau, rồi mang đến cái chỗ họp hành, rồi lại đi quanh làng, đi khắp nơi. Ngày nào đi về cũng viết, trên giấy bằng nửa tờ A4 bây giờ, mỗi ngày anh viết có khi đến 37, 38 trang.
PV: Chữ nhà văn Nguyễn Khải hồi ấy chắc là đẹp lắm?
Nhà văn Lê Lựu: Không đẹp, nhưng tròn, chữ to. Anh ấy viết nhiều lắm, cứ đến đâu cứ thế ngồi ghi, thế về anh ấy đọc cho tôi nghe. Sau này tôi mới thấy là trang nào anh đọc cho tôi nghe cũng vào trang sách của anh cả.
PV: Nghe văn của Nguyễn Khả lúc ấy, ông có bị ngợp không?
Lê Lựu: Ngợp chứ! anh ấy đi lang thang, đi về tối thấy anh ấy viết hay quá, có ngày anh ấy chỉ ghi những cuộc cãi nhau, có ngày ghi chuyện hợp tác xã. Anh ấy ghi như nhật kí. Sau anh ấy cũng bảo tôi ghi, tôi cũng ghi, ghi đến 2 trang. Sau đó anh Khải bảo tôi đọc thử. Nghe xong anh ấy bảo “chẳng được cái gì”. Là vì anh ấy dạy phải ghi cái không khí, ghi cái ngôn ngữ tạo nên cái thật của chuyện, tạo ra cái tính cách của nhân vật. Người như thế nào thì ăn nói như thế ấy. Còn tôi ghi, thì ghi là nước hồ trong, trời mây hôm nay thế nào. Anh ấy bảo 1000 năm sau ra bờ sông này, cậu vẫn cứ thấy nước nó như thế, nước nó vẫn trong, đục như thế. Không phải ghi những cái bất biến ấy, ghi cái cụ thể…Anh ấy ghi như thế này: nước nó mấp mé lên mép con đò, có một chị ngắm nghía, nhảy xuống. “Tiên sư con bé kia, mày làm mọi người ướt hết à. Đắm đò bây giờ”. Con kia bảo: “Bà có câm mồm không, tát cho bà gẫy răng bây giờ”. Một ông hói trán bảo: “Gì mà chua ngoa thế em”. Thế con bé ấy bảo: “Không, anh giữ cho em một đầu anh, để em ngồi với anh”, xong rồi quàng tay sang ông kia “có nam có nữ đây rồi, anh em mình thế này,…”. Anh Khải anh ấy ghi lại tất cả câu nói, gàu nước, quang gánh, chuyến đò. Mỗi chuyến đò, một hoàn cảnh khác. Trên là lúc đò đầy ai cũng vội. Còn đến chiều không mấy ai đi nữa thì con đò lại lảng vảng, lại khác. Thế thì, anh ấy ghi đò mọi lúc, đò sáng, đò chiều, đò lúc đông phiên chợ, đò vãn nên câu chuyện mới chân thật. Thế nên truyện của anh Khải dựng lên con người của cuộc sống xã hội rất nhanh, tinh và chân thật. Truyện anh ấy dựng chủ yếu là tính cách nhân vật. Cho nên anh ấy viết những chuyện bình thường nhất, chuyện họp hành, chuyện đi công tác, cũng thành những chuyện hay. Suốt ba tháng ấy, tôi như thằng học trò nhỏ theo sau anh Khải, đi liên tục, bất đắc dĩ lắm ông mới về Hà Nội.
PV: Những ngày đầu tiên ấy nhà văn Nguyễn Khải có nói gì cụ thể với ông về viết văn không? Đại loại như là phải thế này, phải thế kia?
LL: Anh ấy dạy bằng những bài học. Bảo rằng, cậu cứ đi, cậu quan sát, tập thói quen, khi quan sát thì phát hiện ra cái gì, chủ yếu là phát hiện tính cách của nhân vật. Mà tính cách của nhân vật là phải bằng ngôn ngữ, bằng cử chỉ và sau đó ghi cái gì.
Nhưng có điều này quan trọng bậc nhất với đời tôi, đi học viết mấy dòng thấy khó quá, mình chả biết viết, tính cách tính kiếc ngày đấy tôi cũng chưa biết gì, mà tôi mới tập viết báo được có cái hồi ký. Sau đó tôi nói thật Nguyễn Khải là “Em không viết được đâu”. Nguyễn Khải động viên, tôi nói “Anh đừng động viên em, nếu em không viết được, anh nói thật để em còn đi học đại học sư phạm về dạy học”.Nguyễn Khải bảo, chỉ cần đọc 3 dòng là biết có viết được văn hay không. Vậy là thầy bảo tôi là viết được, nên cứ viết. Thầy động viên mình để mình tập trung toàn bộ sinh lực, trí lực, tình cảm để viết văn. Và không làm bất cứ một cái gì khác.
PV: Chính Nguyễn Khải nói một câu mà đổi đời Lê Lựu. “Tôi bảo cậu viết được, tôi có nói dối ai bao giờ đâu”, NK nói như vậy và ông từ đó dứt khoát đi theo nghề văn.
LL: Đúng đấy.
PV: Sau đó anh về Văn nghệ Quân đội lại làm việc liên tục với thầy Nguyễn Khải?
Lê Lựu: Sau đó cùng một tổ sáng tác. Anh sống với mình bình đẳng hết mức, như hai người bạn, hai người đồng nghiệp, lúc đó anh ấy để lừng lẫy rồi mà mình chỉ là cái thằng tép riu. Và đi đâu anh ấy cũng muốn tôi đi với anh ấy. Hồi đó Văn nghệ Quân đội chia nhóm chia tổ, đi theo mũi nào hướng nào, vì ngày đó còn chiến tranh, anh ấy cứ nhận lấy tôi. Đi với anh, giờ mình phân tích ra, mình thích anh ấy để theo học, anh ấy thích mình là nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, dẫu sao mình cũng kém anh ấy một giáp, còn khoẻ hơn anh ấy. Mà mình là thằng lính đầu trần chân đất nó quen rồi. Liên hệ, mua bán, nấu ăn, tôi làm tất, làm đủ mọi việc. Nhiều người cũng trách. Nhưng tôi bảo không, tình cảm của tôi là chính. Đối với tôi, anh ấy bao giờ cũng là người thầy, tôi vẫn là người trò. Nhưng anh Khải là người hết sức chu đáo và chịu khó. Quần áo, nấu nướng, lau chùi, những lúc mà cơm nước đổ ra là hai anh em lại xắn lên lau chùi chỗ ở. Tôi nói thật, anh ấy sẵn sàng làm cho mình, nhưng mà mình cũng có vẻ nhanh nhẹn, đại loại trẻ thì khoẻ, lính quen rồi, ăn bốc đi trần, ăn bổ ăn bả,…
PV: Thân nhau như thế, nhưng về văn chương, giọng của anh dường như không bị ám ảnh bởi phong cách tài năng của nhà văn Nguyễn Khải ?
LL: Tôi mê đến nỗi thuộc văn thầy. Thuộc cách ăn nói, thuộc cách cư xử. Đến nỗi là, nói một câu là tìm cách trúng ý thầy. Tôi bị ảnh hưởng rất nặng từ thầy Nguyễn Khải. Từ viết lách đến ăn nói, cách cư xử. Đi Hội nhà văn, đi đâu cứ tìm cách kiếm thầy, gần thầy.Về đời sống thì như là một học trò, nghiêm túc, trước sau, trên dưới. Tôi vừa muốn giống thầy, vừa muốn thoát ra khỏi thầy, “chống lại” thầy. Đó là mâu thuẫn. Cũng phải hơn 10 năm mới thoát ra khỏi thầy được đấy. Nó cũng tự nhiên không biết lúc nào thoát ra khỏi thầy nữa…
Về đời sống thì không ai yêu tôi bằng anh Khải yêu tôi. Không ai kính trọng anh Khải bằng tôi kính trọng anh Khải. Đến nỗi nhiều người trong Hội nhà văn bảo tôi nịnh bợ gì anh Khải. Nhưng mà anh ấy có quyền gì đâu. Sau này anh ấy chuẩn bị làm Tổng Thư lý Hội nhà văn thì tôi cũng có xin gì đâu.
PV: Tôi cũng từng được gặp nhà văn Nguyễn Khải nhiều lần, nhưng quả thật có lúc thấy anh ấy thật xa vời ngay cả khi đứng cạnh, ngay cả khi được anh ấy hỏi chuyện rất ân cần. Phải nói nhà văn Nguyễn Khải lúc ấy cũng cư xử hết sức nền nã với tất cả mọi người, phải không ạ?
Nhà văn Lê Lựu: Đúng.Viết thì sắc sảo nhưng mà đi đâu bác cũng vâng vâng dạ dạ. Gặp cô cắt cỏ bác hỏi “Dạ chị có khoẻ không ạ”. Bác cư xử rất khéo. Khéo thật làm việc chứ không phải giả vờ, giả tạo. Mà đó là người tốt thực sự với mọi người. Không có nề hà bất cứ việc gì.
PV: Với các nhà văn khác thì nhà văn Nguyễn Khải cũng ứng xử như thế?
Nhà văn Lê Lựu: Mọi người để cố gắng hoà đồng, nhưng anh ấy là một người tài. Vì thế Nguyễn Khải càng muốn hoà nhập nhưng cũng không thể hoà nhập được vì anh ấy tài quá.
PV: Theo quan sát của ông, nhà văn Nguyễn Khải thường chơi thân với ai nhất?
Nhà văn Lê Lựu: Nhà văn Nguyễn Minh Châu. Hai ông này thường diễu nhau nhưng nói với nhau tất cả những điều rất cao siêu về văn chương. Chỉ có hai ông nói với nhau vì chỉ có hai ông nói được với nhau.
PV : Thế còn đối với ông, với những tác phẩm như Thời xa vắng và Làng Cuội?
Nhà văn Lê Lựu: Hình như anh Nguyễn Khải đọc hết của tôi, nhưng chưa bao giìơ khen hoặc chê trực diện với tôi cả. Anh âý có nhận xét riêng với Nguyễn Minh Châu là Lựu nó đổi cả đời lấy Thời xa vắng cũng đáng. Anh ấy chỉ nói với Nguỷễn Minh Châu thôi. Tôi cũng chỉ được nghe nhà văn Nguyễn Minh Châu nói lại như vậy.
PV: Tôi biết ông từng được nhà văn Hữu Ước mới làm Giám khảo (chung khảo và sơ khảo) cuộc thi truyện ngắn mang tên Cây Bút vàng năm 1998, làn đó ông đã chấm cho truyền ngắn Đàn bà của Nguyễn Khải đoạt giải Nhất (xếp thứ nhất trong ba người đồng giải là nhà văn Nguyễn Quang Săng và Nguyễn Hồng Thái là tôi lúc đó đang là sỹ quan an ninh). Ông có run tay khi chấm truyện ngắn của Thầy?
Nhà văn Lê Lựu: Không. Truyện ngắn Đàn bà vô cùng xứng đáng, đó là một phát hiện có tính muon đời của Nguyễn Khải. Giỏi vô cùng. Ai làm trái quy luật, người ấy sẽ không hoàn thiện
PV: Đến bây giờ sau khi nhà văn Nguyễn Khải ra đi, theo ông phẩm chất gì mà Nguyễn Khải để lại hữu ích cần cho các nhà văn thế hệ sau?
Nhà văn Lê Lựu: Là sống hết mình vì nghề, bỏ tất cả các việc để tập trung cho duy nhất một việc là văn chương. Cả cuộc đời làm việc nghiêm khắc.
PV:Xin cám ơn nhà văn Lê Lựu về cuộc trao đổi này!
Hồng Thái