Những ai từng đi nghỉ mát ở Tam Đảo, hẳn nhớ tới một kiốt bán xăng dầu hiếm hoi tọa lạc đoạn trước khi lên dốc. Trạm bán xăng ấy cách thị trấn Tam Đảo chừng 15km. Một bận chúng tôi theo nhà thơ Hồng Thanh Quang đi cùng chiếc xe riêng lên công tác với UBND thị trấn du lịch này do anh cầm lái. Nghệ sĩ mà lái xe ai chẳng biết nguy hiểm như thế nào, ngồi xe họ phải là người có trái tim lạnh, sẵn sàng coi số phận mình là “năm ăn năm thua”. Lần này cũng vậy, khi xe vừa lên đỉnh dốc, bỗng nhà thơ cầm lái giật mình kêu lên: “Thôi sắp hết xăng rồi!”. Khẩu lệnh của anh khiến cả 5 người chúng tôi hoảng hốt. Sau một lúc lẩm nhẩm, Hồng Thanh Quang đã quyết định quay xe trên đỉnh đèo để trở lại thị xã Vĩnh Yên vì theo anh, có thể từ đây lên Tam Đảo sẽ không còn một kiốt xăng nào nữa… Quả đúng như anh phán đoán, chúng tôi phải quay lại 18km để đổ xăng, khi nghe hỏi thì người bán xăng trả lời từ đó lên Tam Đảo sẽ không còn ai bán xăng nữa. Nếu đi tiếp, biết đâu, chúng tôi phải nằm ở đỉnh đèo chờ… cứu hộ. Quả là hú vía! Bỗng nghĩ rằng, nhiều khi mẫn cảm của một tài năng có thể cứu sống nhiều người. Những bỗng tự đặt câu hỏi: Vì sao tại các các khu du lịch nghỉ mát ở miền núi như Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt… người ta không làm một biển báo để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông rằng “Trước khi leo dốc, hãy đổ xăng”, hoặc “Không còn trạm bán xăng ở phía trước!”. “Trước khi lên đèo hãy kiểm tra phanh”, hoặc “Phía trước không có dịch vụ sửa xe!”. Suy rộng ra, ở các tỉnh miền núi nhiều đèo cao vực thẳm nguy hiểm, nên chăng ở các chân đèo cần hình thành các trạm dịch vụ chăm sóc an toàn phương tiện và các biển báo nhắc lái xe để cảnh báo rủi ro. Như thế, sẽ giúp rất nhiều người tránh được những tai nạn rình rập hay những rủi ro
phía trước…
ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào những ngày nắng nóng kèm với mưa to, gió lớn, người đi đường thường bắt gặp những cảnh cây đổ giữa đường, dây điện ngập nước, đoạn đường ngập sâu và những cống thoát nước chảy xiết có thể cuốn trôi người đi gần. Vậy ai là người cảnh báo những tai họa tiểm ẩn nguy cơ chết người ấy? Rồi những ngày hè nắng nóng, kẻ cắp ăn trộm nhiều nắp ga, người đi không biết, sa vào hố sâu bị thiệt mạng. Thậm chí kể cả những người vốn thân thuộc với đoạn đường mình đi hàng ngày, nhưng bất ngờ sa vào hố tai họa mà không biết. Giống như trận lụt được coi là lịch sử năm 2008 ở Hà Nội năm ngoái, đáng buồn là đã có các em học sinh bị nước cuốn trôi vào hố ga không tìm thấy xác, há chẳng phải là bài học cảnh báo đau đớn về trách nhiệm của người lớn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng hay sao?
Vậy cơ quan chức năng ấy là ai? Vì sao họ thiếu trách nhiệm không cảnh báo trước rủi ro cho khách hàng của họ? Bởi ngẫm cho cùng, người dân nộp thuế, trong đó có dành phần để nuôi một đội quân hùng hậu làm chức năng giao thông, công chính. Vậy trách nhiệm của họ là gì? Là để khi lụt lội, họ phải có cách để phát hiện sớm và cắm những biển báo nguy hiểm nhằm thông báo cho người dân tránh những hiểm họa, rủi ro. Không làm được điều đó là thiếu trách nhiệm, là vô cảm để mặc người khác trong tình trạng nguy kịch mà không cứu. Chưa nói tới trách nhiệm hình sự, nhưng rõ ràng về mặt hành chính, dân sự, cơ quan chức năng liên đới phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng là những người đi đường từng gom góp những đồng tiền của mình đóng thuế nuôi quân. Nên hiểu đó là quan hệ sòng phẳng, bình đẳng và văn minh mà chúng ta đã và đang hướng tới!
Tuy nhiên, thật cảm động làm sao khi chúng tôi từng chứng kiến trên những con phố của Hà Nội ngàn năm, có những người dân phát hiện dây điện sa xuống nước, họ không đi tiếp mà dừng lại. Có người cuộn lại đoạn dây treo lên cao để người đi sau không bị quàng vào cổ, để người đi sau không bị điện giật. Có người đứng lại làm nhiệm vụ cảnh giới, chỉ dẫn như một Cảnh sát giao thông. Tôi đã từng chứng kiến một họa sĩ của Báo CAND khi phát hiện đoạn dây điện ngập nước, để tránh nguy hiểm cho người đi đường, anh đã dừng lại, giở túi đồ nghề vẽ ngay một biển báo nguy hiểm treo lơ lửng trên đoạn dây. Tôi cũng từng chứng kiến, có nhiều đoạn đường ngập nước sâu, hố ga chảy xiết, có những người dân ở đó đứng huơ huơ tay ngăn hàng trăm người đi đường cần chọn lối khác. Việc làm ấy của họ tránh cho biết bao nhiêu rủi ro cho đồng loại. Tôi từng hỏi vì sao họ không báo cho cơ quan chức năng giải quyết? Họ trả lời rằng, cơ quan chức năng ấy là ai, ở đâu, số điện thoại đường dây nóng thế nào, nào ai biết? Thôi thì mình cứ đứng đây, giúp được ai quý ngần ấy. Chờ nước rút đi mới dám về nhà. Đó là một thực tế đáng quý biết bao nhưng cũng đáng chê trách đến mức có thể nổi giận những ai có trách nhiệm.
Vậy những tắc trách như trên sẽ giải quyết như thế nào? Nên chăng nếu để xảy ra những rủi ro làm thiệt hại khách đi đường, cơ quan chức năng được phân công “coi sóc” cung đường ấy phải bồi hoàn trách nhiệm. Đó sẽ là Giao thông công chính. Đó sẽ là Sở Điện lực. Đó sẽ là Công ty môi trường… Nếu các cơ quan công quyền không làm được, nên chăng, cần có một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên lo cảnh báo những rủi ro ấy. Những người dân sẵn lòng góp tiền để nuôi bộ máy ấy, miễn là báo trước kịp thời những rủi ro bất ngờ.
Mạng sống của con người là cao hơn tất cả. Hàng triệu người sẵn sàng bỏ tiền nuôi bộ máy của bất cứ công ty nào báo trước những rủi ro. Thiết nghĩ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên đi đầu trong lĩnh vực ấy.