Không hiểu vô tình hay hữu ý, khi ghé thăm xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), trong ngày hợp nhất về Thủ đô (1/8), nhiều cán bộ và người dân ở đây đã nói với chúng tôi họ vừa mừng lại vừa lo.
Xã này nằm sát đường Hồ Chí Minh, cách thị trấn Xuân Mai chừng 5, 7 cây số, gần như là điểm đầu đường Hồ Chí Minh – tuyến huyết mạch của đất nước từ Láng – Hòa Lạc đi qua để vào miền Trung thì gối đầu vào dãy núi Trường Sơn trùng điệp. Một cán bộ UBND xã nói cụ thể rằng, từ nhà ông nếu đi xe máy về đến hồ Hoàn Kiếm áng chừng 25 cây số theo đường chim bay, còn nếu đi theo trục đường Hồ Chí Minh trở lại quốc lộ 6 thì cũng khoảng ngót 50 cây số. Xưa tìm về Bệnh viện Việt – Đức, gặp đường một chiều phải vòng đi vòng lại mãi, hỏi đường nhiều quá, bị người ta nguýt dài coi là nhà quê! Nay bỗng chốc trở thành công dân Thủ đô, oai thì oai thật, nhưng nếu vẫn tác phong lam lũ từ làng ra tỉnh như ngày ấy, có lẽ không dám ra đường nữa. Làm người Thủ đô phải khác chứ! Hỏi khác thế nào, ông nghĩ một lúc rồi bảo: “Cán bộ xã như tôi, nghe nói phụ cấp được tăng thêm vài chục ngàn. Mừng lắm, nhưng lo phải làm việc thế nào? Tiền nào của ấy. Mình thì đã chậm rồi. Nhưng con cháu mình thì phải vươn lên, nâng tầm lên. Phải nhanh như Thánh Gióng ấy”.
Ngẫm thấy thật vui. Bởi trong một tiệc rượu nhỏ của ngày thứ 7, một cán bộ xã mới một ngày là công dân Thủ đô mà đã suy nghĩ như thế, thật đáng quý thay. Thì ra, trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu, một người dân ở vùng xa, vùng sâu của Thủ đô cũng có thể tiếp cận lối tư duy hiện đại. Họ đã và sẽ hiểu hơn ai hết trách nhiệm công dân đối với Thủ đô mở rộng.
Chưa thấy những “Đại lãn chờ sung” như cách diễn đạt của ông Vận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoàng Văn Thụ. Dường như những người lớn tuổi và con cháu họ đang chuẩn bị tâm thế, nâng trí tuệ, dưỡng tâm hồn để ra biển lớn. Giống như cả nước đang đĩnh đạc trong sân chơi WTO.
Lại nói về tỉnh Hòa Bình. Khi mở rộng Thủ đô, tỉnh Hoà Bình chỉ có 4 xã là Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn được nhập về Hà Nội. Khỏi phải nói những người dân nằm sát đường Láng – Hòa Lạc (kéo dài) đã vui như thế nào! Cũng thật là một cơ duyên, chúng tôi được tiếp xúc với những người dân ở đây khi họ vừa trở thành công dân Thủ đô 1, 2 ngày tuổi.
Một nhà nghiên cứu văn hóa gốc xã Yên Bình nói với chúng tôi rằng, đây là 4 xã thuộc về phía Bắc của huyện Lương Sơn, ở cạnh núi Voi và núi Vua Bà. Nhìn từ xa sẽ thấy thấp thoáng núi Voi và núi Vua Bà nối liền một dải với núi Tản Viên mà người xưa thường gọi là Tổ sơn nước Việt. Vậy là ở thế sơn mạch, Ba Vì với Tản Viên của huyền tích Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh sẽ nối mạch ngầm với núi Voi và núi Vua Bà nơi có 4 xã Bắc Lương Sơn được cắt về Hà Nội.
Nhìn vào thế đất ấy, nhiều người dân ở xã Đông Xuân (nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự với chúng tôi, Thủ đô dẫu mở rộng vẫn nằm ở thế “ỷ sơn vọng thủy” (tựa núi nhìn sông). Vậy là trong Tứ bất tử của nước Việt ta, Thủ đô được thế núi hình sông ban cho việc thờ phụng hai vị thần linh thời Hùng Vương là Sơn Tinh và Thánh Gióng.
Không phải ngẫu nhiên mà có một nhà sử học nói rằng, khi mở rộng đến Hà Tây, Hòa Bình và Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội của ngàn năm văn hiến vẫn thuộc vị trí như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn từng viết (1010): “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước…”.
Thế nhưng, nhiều người dân 4 xã của tỉnh Hòa Bình (cũ) lại không nói nhiều với chúng tôi về những điều lạc quan, dẫu họ biết về mặt phát triển kinh tế hiện tại, 4 xã này hiện thời đều ở vị trí đắc địa nơi con đường Láng – Hòa Lạc đi qua, nhiều dự án lớn ở đây đang vận hành thuận lợi, hứa hẹn điều tốt đẹp…
Cũng như dân xã Hoàng Văn Thụ, những người dân ở đây lại nói về chính mình, nói về tương lai của họ phải nâng tầm lên ra sao? Nhiều người bảo phải “lớn” nhanh như Thánh Gióng. Đó quả là những điều mới mẻ trong suy nghĩ, tâm tư của những người dân có trách nhiệm với mình.
Ngẫm xưa trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn từng hỏi: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Quan dân đã nhất nhất nghe ông, bỏ lợi riêng cùng Vua dời đô ra Thăng Long để có một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nay Thủ đô mới đã hình thành, những công dân mới nơi xa nhất, khó khăn nhất đã đồng lòng.
Và quan trọng hơn dường như nhiều người đã hiểu, phía trước còn một núi công việc, một núi khó khăn, một núi phức tạp sẽ nảy sinh trong quá trình vận hành. Khi người dân đã hiểu, sẽ tự nguyện chấp nhận vươn lên để xứng tầm với công dân của Thủ đô, đó phải chăng là hồng phúc của thời vận? Rất nên nói rõ những khó khăn để thêm nhiều người dân hiểu rõ sự thật. Bởi khi dân đã hiểu, dân biết lo, dân sẽ liệu