Xem tranh của hai nhà văn Nguyễn Khắc Phục và Trần Nhương

Nói thật, xem tranh của nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà văn Trần Nhương vì là hai bậc nhà văn đàn anh vẽ tranh thì tò mò thôi, chứ có xem cũng khó mà hiểu được cấu tứ và màu sắc của sơn dầu, của màu nước, nhất là khi 2 nhà văn còn đặt tên cho phòng tranh của mình là “Thi hứng” và “Hú họa”, thì càng xem lại càng hoảng… tợn!

Xưa tôi đã từng xem tranh của nhiều họa sĩ trưng bày ở phố Hàng Bài, ở phố Ngô Quyền, ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng nay nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà văn Trần Nhương đưa hẳn tranh của các anh về triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hẳn không phải là cho… tiện đón bạn hữu. Nghe một Phó Giám đốc Bảo tàng nói, ở một khuôn viên đẹp và yên tĩnh như ở bảo tàng này, các phòng trưng bày sạch đẹp, yên tĩnh gần như tuyệt đối, nếu thuê phòng triển lãm thì mỗi ngày tác giả cũng phải trả kinh phí 2-3 triệu đồng. Thì ra thời buổi hạch toán kinh doanh, kể cả người không chuyên mà dính đến nghiệp vẽ, muốn “phô” mình để vừa trải lòng vừa kinh doanh cũng phải tuân theo một quy luật khắc nghiệt, ấy là phải trả tiền. Tôi xem tranh thú thật là hiểu tranh một cách cũng “hú họa”. Tranh nào ít nét vẽ, ít màu sắc, đơn giản về cấu tứ thì cứ tự luận ra mà hiểu, may ra thì trùng được với ý tưởng của tác giả. Còn tranh nào cứ xa xăm, nét vẽ ẩn hiện như rồng, màu sắc tầng tầng lớp lớp như nhiều bức họa trong “Thi hứng” của Trần Nhương thì tôi cũng chịu “bó mắt” trước tuyệt tác của các anh. Vì thế mà tôi thấy quá mừng cho nhà văn Nguyễn Khắc Phục, trong 31 bức tranh trưng bày thì đã có tới 17 bức tranh đã có người mua.Đó là những bức tranh “Lửa cháy nước ngập” (sơn dầu), “Quá cảnh” (sơn dầu), “Ngựa” (màu nước), “Bố tôi bác thợ giày” (màu nước); đặc biệt là bức tranh có cái tên khá ngạo nghễ “Vẽ chưa đủ thì múa” (120x140cm) được ông Phạm Chuyên đã mua độc quyền.

Không thấy treo giá đã mua, có thể vì tế nhị, cũng có thể vì người mua đề nghị không nói giá, bởi suy cho cùng, cuộc chơi với bạn hữu, yêu nhau là vô giá!

Đối với nhà văn Trần Nhương cũng vậy, mừng cho anh đã bán được 5 bức tranh khi mà đợt triển lãm chưa kết thúc. Trần Nhương từng trả lời phỏng vấn, có thời điểm đã bán hơn 500 triệu tiền tranh, cuộc “ngoại tình khổng lồ” đó đã giúp anh thủy chung về nghiệp văn để đều đặn viết mà nuôi cái website cho bạn bè.

Tôi đã từng xem tranh của anh trên website trannhuong.com nhiều lần, có lúc phải nhờ tới tài của nhà thơ – họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo giảng cho thì mới hiểu, nhưng nay đến xem triển lãm của anh, quả thật là cảm thấy được yêu, thấy cuộc sống thật đáng sống, nhất là khi đứng trước các “Thi hứng 6”, “Phận đàn bà”, “Khỏa thân”… của anh.

Thôi thì làm sao hiểu hết những gam màu mà anh vẽ cứ ẩn hiện, xoắn xuýt vào nhau, vừa xa, vừa gần; vừa gắt, vừa mềm mại; vừa như nóng, vừa như lạnh… cứ tỏa ra trong nhiều bức tranh.

Nhưng đứng trước những bức tranh ấy, vừa muốn đi vì chưa thể hiểu, những vừa như bị níu chân lại bởi sự đa đoan, đa cảm như đang trỗi dậy từ sâu thẳm hồn mình. Là đàn em thế hệ sau hai nhà văn, họa sĩ chắc cũng không chấp những fan như tôi chưa hiểu hết tài năng và tâm hồn của các anh!
Tôi từng có may mắn được xem trực tiếp một vị Thiếu tướng vẽ tranh trong phòng riêng của ông. Nào bút, nào toan, nào cọ, nào mực, nào màu…, ông vẽ bất cứ lúc nào ông thích, tranh thủ mọi thời gian và những giây phút rảnh rang hiếm hoi. Trong khi bọn trẻ chúng tôi cứ lãng phí thời gian đâu đâu, thì ông căn cơ từng giây phút để có thể vẽ.

Chẳng rõ thi hứng ở đâu, nhưng cứ sức lao động mà suy, tôi hiểu đó là sự  lao động vừa cực nhọc, vừa thăng hoa. Vì thế mà ông từng trưng bày hẳn một phòng tranh tại Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi ông bán tranh từ thiện đến gần chục tỷ đồng một bức để lấy tiền ủng hộ người nghèo.

Nay xem tranh của nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà văn Trần Nhương dường như thấy hai ông cũng vậy. “Thi hứng”, “Hú họa” đâu không biết, nhưng tôi dám cá rằng, không người xem tranh nào của hai ông đều không cảm thấy khâm phục sức lao động bền bỉ hiếm có, lối tư duy đầy ý tưởng triết học của hai nhà văn.

Đúng như nhà điêu khắc Phan Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật nói với tôi, hai nhà văn vẽ không chuyên mà có hẳn một cuộc triển lãm như thế này quả là rất đáng trân trọng

Bài viết

Comments are closed.