Nhà văn Lê Lựu: Lận đận rồi sẽ qua thôi

 

Nhà văn Lê Lựu tuổi Nhâm Ngọ (1942), năm 2012 Nhâm Thìn ông tròn 70 tuổi ta. Nhờ trời, ông vẫn sống nhe bộ răng đen như ăn trầu, cười hết cỡ làm rạng thêm bộ râu bạc mọc vô kỷ luật trên chiếc cằm ương ngạnh!

Nhiều người thân, nhiều bạn đọc cả nước đều quan tâm đến nhà văn, lo lắng khi đọc thấy ông trên văn đàn cứ tập tễnh như ngựa già thiếu móng. Lại nghe ông bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh trong khi không thể rời xa cây bút…Tưởng là Lê Lựu sẽ nằm ẹp xuống. Lạ thay, nhà văn quê hương Chử Đồng Tử vẫn sống, vẫn viết, vẫn đi làm từ thiện… giữa chằng chịt quan hệ sấp ngửa buồn liên miên suốt năm.

Tập tễnh đi gỡ rối

Nghiệm lại trong cuộc đời Lê Lựu, thấy ông thường tinh tường đến tinh ranh trong văn chương, nhưng ngoài đời thì hay dễ dãi. Đời thuở nhà ai, cách đây hơn 2 năm, ông mua một căn nhà 2 tỷ mà hợp đồng mua bán quá sơ sài, bị người bán suýt “lật kèo”. Số là năm 2009, nhà văn Lê Lựu bỗng trở thành tỷ phú khi bị chia số tiền bán căn nhà phố nhà binh Lý Nam Đế (Hà Nội) mà “lộc” quân đội cho ông.

Mỗi lần nhắc lại sự kiện được chia số tiền này, chuyện vợ con là mỗi lần nguyên mẫu Giang Minh Sài giàn giụa nước mắt. Thôi thì chuyện nó đã vậy, trời bắt làm tỷ phú thì người cả nể, nghèo khó như nhà văn Lê Lựu khó mà trốn chạy được. Nhưng nếu là người khôn, hay chí ít biết tính toán kinh tế một chút, Lê Lựu đem số tiền 2 tỷ ấy gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì bây giờ lãi to. Đằng này, ông quyết định “đánh bạc” khi dồn hết để mua nhà.

Từ ngày 30/8/2009, ông có mua một căn hộ của cô Kế toán trưởng của Trung tâm văn hóa doanh nhân, tức là “lính” của ông. Giám đốc mà mua nhà của kế toán trưởng thì tin quá còn gì! Thủ trưởng với kế toán như “môi với răng”, nhà văn Lê Lựu không tin lính thì còn tin ai. Tiền đã trao, nhà đã thấy, nhưng gần hai năm nay chẳng có giấy tờ gì cả. Muốn làm sổ đỏ cũng không được. Người cùng cơ quan, cơm cùng ăn một mâm, ngày nào cũng nhìn thấy nhau mà đòi đi đòi lại nhiều lần cũng thấy ngại. Cô cháu kế toán trưởng cứ hẹn đi hẹn lại, nhưng giấy tờ không vẫn hoàn không? “Bác cứ để cháu làm sổ đỏ cho một thể, bao giờ có, cháu đưa”, nghe kế toán bảo thế, Lê Lựu cũng cảm thấy yên lòng.

Thời gian ấy, nhà văn còn phải tập trung chữa bệnh tại Bệnh viện 108, chuyện vợ con chia nhà chia cửa, rồi chuyện 2 con viết đơn từ bố càng muốn giấu đi lại càng tóe loe ra khiến ông không ăn không ngủ. Khổ thân nhà văn Lê Lựu đang tật bệnh mà phải đối phó với nhiều “mặt trận”, thì sức đâu, nên chuyện sổ đỏ, sổ đen đành gác lại sau.

Thế rồi cô kế toán trưởng xin nghỉ đẻ, chuẩn bị chuyển cơ quan, vậy  là Lê Lựu càng đòi giấy tờ nhà, càng thấy mất hút. Nguy cơ mất nhà đang cận kề. Tôi xem lướt qua tờ giấy mua nhà của ông! Trời ơi, đây là giấy mua bán nhà ư? Không dấu má, không điều luật ràng buộc, không văn phòng luật sư. Có lẽ đây là một văn bản mua bán nhà đơn giản, dễ tính nhất thế giới. Cụ thể như thế này: “Hôm nay là ngày 30/8/2009, tại Trung tâm Văn hóa doanh nhân… vợ chồng tôi là… có bán cho ông Lê Lựu căn nhà 5 tầng, diện tích MT 4×12,5×5 tầng = 255m2, tại… Hà Nội với số tiền là 1,9 tỷ… Bên B đã nhận đủ tiền và cam kết căn nhà trên hiện không có tranh chấp, không cầm cố, thế chấp, không chuyển nhượng cho cá nhân nào… Xin cam đoan các điều trên là đúng sự thật. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Kèm đó là chữ ký nhận tiền của hai vợ chồng cô kế toán trưởng cùng chữ ký của nhà văn Lê Lựu và người làm chứng là nhân viên của ông.

Đọc qua văn tự mua bán nhà viết bằng tay với nét chữ nguệch ngoạc này, tôi có cảm giác người bán nhà viết như thế nào thì nhà văn Lê  Lựu ký như thế đó. Trong văn bản mua bán nhà, chẳng rõ phía bên nào “cài” vào một câu “chết người” như thế này: “Mọi rắc rối của căn nhà đó thì bên B phải chịu trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp không giải quyết được thì trả lại tiền mua nhà cho ông Lê Lựu”. Hỡi ôi, văn bản “hay” đến mức cột chặt nhà văn ốm yếu của chúng ta khó mà quậy cựa. Không mua được thì trả lại tiền. Đơn giản quá!

Nhiều người từng biết Lê Lựu là người có thể đếm chính xác trong túi mình có mấy đồng tiền lẻ. Biết tài khoản của mình cụ thể đến từng đồng. Ăn tiêu thì tằn tiện. Có lúc vui như bắt được vàng nếu mặc cả được vài ngàn đồng với bà hàng xén chợ quê. Không hiểu tại sao khi có tiền tỷ lại không biết giữ của! Đến mức hớ hênh mua một căn nhà không nguồn gốc! Ông hỏi giấy tờ nhà năm lần bảy lượt mà cô kế toán trưởng cứ hứa là hứa. Sau đó, cô này nghỉ đẻ, càng gọi điện càng mất hút. Sau rồi cô xin chuyển cơ quan, Lê Lựu như ngồi trên đống lửa. Tôi lấy danh nghĩa nhà báo để “ra oai” giúp Lê Lựu, nhưng gọi điện thì người bán giọng ngọt lịm nhưng đầy thách thức: “Cháu không giúp nữa, kệ bác ấy. Cần thiết thì trả lại tiền…”. Lê Lựu giục tôi: “Chú cho bắt ngay! Đúng tội lừa đảo rồi”. Trời ơi, tôi mà bắt được người ư?”. “Sao chỗ khác thì dễ thế, mà nhờ chú thì khó khăn thế!”, Lê Lựu nói giọng đầy thất bại. Chúng tôi chạy đôn, chạy đáo, cậy cục khắp mọi nơi…

Nhà văn Lê Lựu tại Trung tâm văn hóa doanh nhân. Ảnh: V.H.

 

Vậy là nhờ trời, nhờ bao người tốt, nhờ những trang văn neo vào lòng người, nhờ cả những quan chức thương cái dáng tập tễnh của Lê Lựu đi hầu kiện, sau hơn 2 năm đi gỡ rối do chính mình gây nên, cái sổ đỏ rồi cũng hoàn thành. Vui ơi là vui. Trong bữa liên hoan mừng thắng lợi, ông không uống, ngồi trả ơn mọi người bằng cách đọc thuộc lòng những truyện ngắn cách đây gần 50 năm như Tết làng Mụa, Người về đồng cói… khiến ai nấy đều kinh ngạc!

Lê Lựu – Phạm Tiến Duật âm dương cách trở…

Nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Phạm Tiến Duật xêm xêm tuổi nhau. Nói dại miệng, một người đã đi vào thiên cổ, một người thì sống dặt dẹo vì xuất huyết não, nhưng cuộc đời kỳ thú như níu họ lại với nhau. Cứ nhớ về một thuở trên đường Trường Sơn với nhà thơ Phạm Tiến Duật, thế nào Lê Lựu cũng khóc. Ông kể rằng, có những đêm ở Trường Sơn những năm chống Mỹ, cứu nước, hai nhà văn ôm nhau khóc giữa rừng vì “tôi thì nhớ mẹ, Phạm Tiến Duật thì nhớ vợ con…

Hồi đó, tính anh Duật lạ lắm. Số là hai chúng tôi được tướng Đồng Sỹ Nguyên đặc biệt quý mến, nhiều lần gọi đến đãi cháo gà, trò chuyện suốt, khiến cánh quan văn phòng, cấp dưới rất cay. Biết thế, tôi thì bí mật, lẳng lặng đi về êm như ru, nhưng anh Duật thì cứ oang oang: “Tớ vừa đến Tư lệnh về, có ý “trêu ngươi” kẻ tiểu nhân”.

Ân tình giữa hai nhà văn thì khỏi phải nói. Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật mất, chính Lê Lựu chạy đôn chạy đáo xin tiền để làm nhà lưu niệm và đúc tượng cho nhà thơ ở Phú Thọ. Xin tiền ở thời buổi này lúc ở thế thượng phong còn chẳng ăn ai. Đằng này ở vận “xế chiều”, nhìn Lê Lựu dò dẫm từng bước, lắp bắp trên điện thoại mới hiểu hết tấm lòng của ông với bạn bè. Rồi cũng có tý tiền, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho Trung tâm văn hóa doanh nhân của Lê Lựu cùng Hội LHVHNT Phú Thọ cùng thực hiện.

Rồi ngày 23/10/2011, sau 4 tháng khẩn trương thi công, một ngôi nhà 3 tầng khang trang tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã hoàn thành. Toàn bộ kinh phí ước tính 1 tỷ đồng chủ yếu do Lê Lựu đi “ăn mày” doanh nhân và tỉnh Phú Thọ ủng hộ. Sáng kiến của nhà văn Lê Lựu đã được thực hiện, hẳn Tết này ông cảm thấy yên lòng. Chuyện với người âm, nói mà không làm thì dễ mà khổ sở suốt đời, có lần tôi nghe nhà văn Lê Lựu thủ thỉ như vậy.

Ai cũng thấy mừng, thấy xứng đáng khi năm 2011, cặp nhà văn chống Mỹ Phạm Tiến Duật – Lê Lựu được đề nghị tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nếu có đời sống tâm linh như nhiều người từng nói thì chắc chắn ở dưới suối vàng, nhà thơ Phạm Tiến Duật sẽ “bỏ phiếu” ủng hộ Lê Lựu, có thể bằng cách báo mộng cho những bầu bạn, người quen thân trong hội đồng xét giải thưởng quốc gia, cũng có thể “nhập vai” vào thành viên nào đó để phát biểu đúng tầm vóc văn học và những đóng góp quan trọng của Lê Lựu trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Tôi tưởng tượng ra cái dáng đi nghiêng nghiêng của nhà thơ Trường Sơn gặp người này, người nọ, “miệng nói tay làm” bảo vệ Lê Lựu với sự hồn nhiên, trong sáng như thời ngủ hầm chữ A tránh bom viết văn… Nhưng hỡi ôi, gần đây khi nghe tin nhà văn Lê Lựu trượt giải vì phiếu ít, tôi mới buồn bã mà tin rằng, thì ra người đã khuất thật khó bảo vệ được người đang sống, dẫu nhà thơ tiêu biểu của  nền thơ chống Mỹ Phạm Tiến Duật có làm hết sức đi chăng nữa thì chắc gì đã lay chuyển được sự cố ý của mấy bác hội đồng?

Mà khổ nỗi, Lê Lựu có mấy khi lụy ai, có khi chính ông tự “phá mình”. Ông thích ai, yêu ai thì chơi, đã chơi rồi thì cái gì cũng nhất, trừ đánh giá về văn chương! Còn ghét ai thì ghét “như đào đất đổ đi”, bất bình với cái sai trái của ai thì nói ra miệng “cạn tàu ráo máng”, nói không nể nang, nói không giữ ý dù bất cứ là ai. Có thể Lê Lựu thường nói xong thì quên, còn người bị chạm nọc thì nhớ dai hơn. Cuộc đời thì dâu bể, biết đâu, những câu chuyện như thế, lời qua tiếng lại, được đồn thổi tới một vài vị có chức sắc hay có quyền quyết định số phận giải thưởng…

Đánh giá tác phẩm thì công phu lắm, cần cả cái tâm và cái tài của người cầm cân nảy mực. Còn lá phiếu thì chỉ cần một động tác bỏ vào thùng có mấy giây! Thế là xong một số phận Lê Lựu! Các trường hợp khác đề cử vào danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh, có người còn có ý kiến này, ý kiến khác. Riêng Lê Lựu dư luận, báo chí, bạn đọc đều ủng hộ. Cả các nhà văn, nhà thơ ta coi đó là  niềm vui. Trong hội đồng xét giải lại có những nhà thơ xưa nay rất thân thiết, phục tài Lê Lựu, ví như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy… Như vậy là “chắc như cua gạch” rồi.

Vậy mà vẫn trượt. Tầm cỡ tôi, bạn văn bé bỏng của nhà văn Lê Lựu, lúc này biết nói với ông câu gì? Các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương; các nhà phê bình Ngô Thảo, Bùi Việt Thắng… đã lên tiếng. Tôi đồ rằng, nếu ai đó tổ chức cuộc nhắn tin bầu chọn cho văn chương Lê Lựu, tin rằng lúc này ông sẽ luôn ở vị trí số một, kết quả ấy ngược hoàn toàn với mấy bác hội đồng. Không hiểu năm hết tết đến, nhà thơ Phạm Tiến Duật có rỉ tai báo mộng “mách nước” cho Lê Lựu điều gì hay không? 

Năm mới đến, chẳng biết nhà văn Lê Lựu thế nào, riêng tôi cùng bạn đọc đông đảo trong và ngoài nước vẫn chưa thôi hy vọng. Biết đâu vào phút cuối, lận đận rồi sẽ qua, Lê Lựu lại được bỏ phiếu lại như vụ cái sổ đỏ của ông. Vậy thì nhà văn Lê Lựu ơi, hãy cười lên một tiếng cho đời nó vui!

Trò chuyện - Phỏng vấn

Comments are closed.