Chưa nhạt đâu hơi ấm từ “Tết ở Làng Mụa”

 
 

 

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Kim Dung (chụp 30/9/2011)

Nhà văn, Đại tá Quân đội Lê Lựu sinh năm 1942 tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Mấy năm nay ông bị tai biến mạch máu não, đi lại phải có người dìu, nói năng thì chậm rãi, chạm đến chuyện gì hơi xúc động một tý là khóc, tay không cầm được bút, mọi việc ăn uống, sinh hoạt đều trông vào mấy nhân viên Trung tâm văn hóa doanh nhân nằm lọt thỏm giữa cái chợ lầy bầy rau cá họp sát hiên cơ quan. Nhà quân đội cấp cho thì đã bán, vợ không nhìn mặt, hai đứa con “tuyên bố từ cha”, tính đi tính lại nhà văn Lê Lựu có gì trong tay, ngoài những tác phẩm để đời?

Nhưng lạ cái là không biết lấy sức đâu mà năm 2011 này, Lê Lựu vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Ở quê ngày ấy” (NXB Thời đại) lấy đề tài từ cuộc những người dân Thái Bình chống tham nhũng từ những năm 1980. ông viết như là để chứng minh mình đang sống, dẫu sống nhăn nhở, nhưng viết như là có ma lực xui khiến…

Nhưng anh Lê Lựu ơi, nói anh đừng giận, cuốn sách mới dường như phai nhạt đi đâu đó chất giọng quen thuộc thuở nào của một Lê Lựu đáo để, cay nghiệt mà lắng sâu tình người, một sức hút kỳ lạ ở những câu văn “rút ruột” đầy trải nghiệm buộc người ta phải dính mắt vào trang sách để đọc đến dòng chữ cuối cùng… Có phải vì thế mà hôm nay gặp anh ngày đầu thu tại Trung tâm văn hóa doanh nhân đã vắng đi sự nhộn nhịp của bóng văn nhân dập dìu thuở nào, nhưng khi được hỏi về tác phẩm đầu tay, Lê Lựu bỗng hoạt bát hẳn lên, mắt lại sóng sánh ánh cười, cái miệng giần giật như không chịu nổi sức tải của quá khứ bỗng ùa về.

– Nhà văn Lê Lựu: Để có cái truyện ngắn đầu tay “Tết ở làng Mụa” (1964, in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội), tôi từng phải chịu nhiều thất bại, thất bại đến cay đắng. Tôi mơ ước thành nhà báo từ ngày học lớp 5, viết hàng chục tin gửi báo tỉnh, nhưng càng gửi càng mất hút. Năm 1959, tôi xung phong đi bộ đội vì chỉ muốn được đi nhiều, học hỏi để viết báo. Tôi cứ hì hục viết, đến hơn 50 tin gửi báo Quân khu Tả Ngạn, nhưng số phận chẳng khác 10 cái tin ngày học cấp 1, chẳng ai trả lời. Nhưng rồi “tác phẩm đầu tay” của tôi về báo chí cũng được in trên báo Quân khu Tả Ngạn, đó là cái tin chỉ vẻn vẹn 26 chữ “Đại đội 25 đoàn Sông Thao đã diệt được 38 vạn con ruồi”, đó là mình làm tròn số thế thôi, chứ có ai mà đếm nổi, kiểm tra từng ấy con ruồi đã chết! Có lẽ vì người ta thương hại “cái thằng tôi” chúi mũi chúi mắt cộng tác nên đã đăng cái tin cho mình. Thế cũng là vui lắm rồi, từ đấy ai cũng gọi mình là nhà báo, ngượng chín cả mặt. Tôi cắt mảnh báo bỏ vào ví, đi đâu cũng khoe, thỉnh thoảng chỗ vắng người bí mật giở ra xem. Buồn cười lắm! Thì ra lâu nay mình viết dài lê thê, tả mây, tả gió, tả trời, tả biển, nay rút kinh nghiệm viết ngắn thôi. Đại loại như ai nhặt được đồng hồ trả lại – Viết, đại đội làm phân xanh tốt như thế nào – Viết… Thế là dễ “ăn”.

PV: Ông có nghĩ chính vì cái tên của mình xuất hiện liên tục trên bàn làm việc của người biên tập báo Quân khu ngày ấy khiến họ “để mắt” tới mình không? Như con thiêu thân trước khi chết cũng được đền đáp khi lao về phía ánh sáng đèn?

– Nhà văn Lê Lựu: Có lẽ là như thế. Vì chỉ 3 năm sau, tháng 9-1963, tôi sướng rơn lên khi được Quân khu Tả Ngạn mời tham dự trại viết hồi ký. Trại viết toàn những nhà văn có tên tuổi đến dạy. Cứ nghĩ đến một thằng nông dân “chân đất mắt toét” 21 tuổi như mình mà được nhìn thấy, được nghe các nhà văn Nguyễn Khải, Xuân Thiêm, Xuân Sách, Vũ Sắc… Ở Trung ương, Phòng Văn nghệ Quân khu có nhà văn Mai Vui, ông Kiều Kim Trùy… tới nói về nghề mà mắt cứ sáng lên, cứ như được gặp vĩ nhân ấy chứ. Trại viết khoảng 20 người, dài 3 tháng. Lần đó tôi hỏi chuyện một tiểu đoàn trưởng người Phú Thọ và viết một cái hồi ký “Trận đánh cuối cùng” trong kháng chiến chống Pháp. Các trại viên khen ghê lắm, ai cũng bảo hay, “thằng Lựu thành nhà văn đến nơi rồi!”. Mình cũng hí hửng, tự hào lắm, tuy vẫn còn thấy sợ. Một hôm gặp ông Kiều Kim Trùy, ông này không viết văn, nhưng “tinh” lắm, râu ria mọc đầy như Quan Công, trông kinh lắm, nhưng hiền lành và sâu sắc. Nghe xong hồi ký tôi viết, ông Trùy trầm ngâm hút thuốc lá rồi khen: “Hay! Hay lắm! Nhưng nghe giống như tường thuật bóng đá ở sân Hàng Đẫy ấy…”. Tôi cụt hứng, buồn lắm, hoang mang một cách thảm hại. Tôi lang thang đi ra biển Đồ Sơn, thất thểu trong một chiều chạng vạng mà không biết mình đang đi đâu. Có lẽ thấy dáng bộ của tôi thất thểu, buồn chán như kẻ thất tình ra biển tự tử, mấy nữ sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đi cắm trại hè lân la đến hỏi thăm, động viên. “Anh bộ đội ơi, gia đình có chuyện gì thì cứ tâm sự với bọn em. Đừng có làm cái gì dại dột nhé!”. Tôi ậm ừ, lầm lũi đi. Mấy cô cứ đứng tần ngần, lo lắng dõi theo. Có lẽ họ sợ tôi sẽ trằm mình ở một cái bãi biển nào đấy… Tôi yêu văn chương như thế, ham viết như thế, sao trời không thương tôi hở trời? Có lúc tôi đã than thân trách phận như vậy! 

PV: Vậy cơ may nào đã vực ông dậy để có tác phẩm đầu tay in hẳn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội? Tôi muốn quay lại truyện ngắn “Tết ở làng Mụa”?

– Nhà văn Lê Lựu: Thật may mắn cho tôi là tại trại viết đó, tôi gặp được nhà phê bình văn học Nhị Ca. Thấy dáng bộ thảm hại của tôi, ông khuyên thế này: “Cậu đừng viết chống càn, đánh nhau. Cậu đã biết cái gì về càn, quét đâu mà viết. Hãy viết cái gì cậu quen thuộc, cậu hiểu về nó ấy, ví như chuyện làng chuyện xóm của cậu trước khi vào bộ đội chẳng hạn. Cứ đưa ra mà “mài” sẽ thành công. Muốn thành “hồi ký”, “gì” ký, hay là gì cũng được…”. Tôi tỉnh ra, tưởng là ông ấy nói đùa, nhưng đó là kim chỉ nam cho đời văn của mình sau này. Vậy là sau đó tôi viết “Tết ở làng Mụa”. Ai mà thân thiết ở làng mình thì tôi lấy làm tên nhân vật tốt, ai mà ngày trước mình ghét thì lấy tên làm nhân vật xấu. Cứ thế mình học theo bác Nhị Ca dạy…

Cốt truyện cũng đơn giản thế này. Một đơn vị bộ đội chống Pháp bí mật về làng Mụa để chuẩn bị đánh bót. Đơn vị chia nhỏ ra mỗi gia đình nhận giúp đỡ vài ba chiến sỹ để vừa giúp dân vừa giữ bí mật. Nhà cô giáo Huấn (tên một cô bạn thân của tôi hồi nhỏ) có 2 mẹ con nhận nuôi anh lính tên là Huỳnh ý Tiên (ghép tên 3 người bạn của tôi). Anh Tiên rất có tài lẻ, gói bánh, giã giò, bổ củi giúp dân đều giỏi, được mẹ cô Huấn rất quý. Đêm đơn vị đi đánh bót Pháp, người lính Huỳnh ý Tiên hẹn đêm 30 Tết, sau khi thắng trận sẽ về ăn Tết với mẹ con cô Huấn. Trận đánh thắng lợi vang dội, ta giải phóng cả một vùng dân rộng lớn, nhưng anh Tiên hi sinh, không bao giờ trở về nữa… Không ngờ đây là truyện ngắn hay.

Trong hội nghị “đầu bờ” rút kinh nghiệm toàn quân, tôi đọc truyện ngắn này, ai cũng khen. Sau đó truyện được in trên số Tết Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1964, dài khoảng 20 trang, được in vào tập sách “Sấm đường 5” của NXB QĐND năm ấy. Nhà văn Nguyễn Khải mà tôi coi như thầy của mình đọc cũng khen. Tôi không dám nhận bèn hỏi lại: “Anh khen thật hay động viên em?”. Anh Khải bảo: “Đọc văn chỉ đọc vài dòng là biết thằng nào có thể viết được hay không. Tao đánh lừa để khổ cả một đời mày à?” .

Vui chuyện Lê Lựu đọc trầm cả truyện ngắn “Bến sông” viết năm 1964 cho chúng tôi nghe. Giọng ông đọc da diết, diễn cảm như một nghệ sỹ biểu diễn, lúc lên trầm, lúc xuống bổng, lúc lim dim mắt, lúc mơ màng như ngủ mà không hề vấp váp một chữ. Trời ơi, một truyện ngắn cách đây gần 50 năm mà ông còn nhớ như in. Tôi và nhóm sinh viên báo chí Trường Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội trố mắt kinh ngạc trước một nhà văn 70 tuổi bị xuất huyết não đang trình diễn tác phẩm của mình. Rồi theo đề nghị của chúng tôi, ông đọc tiếp truyện ngắn “Người cầm súng” viết từ năm 1967 (đồng giải nhì báo Văn Nghệ với truyện của nhà văn Ma Văn Kháng trong cuộc thi không có giải nhất).

Vẫn là trước mặt không hề có văn bản, vẫn là đôi mắt lim dim như biết cười, sau giọng đọc không hề ngắc ngứ của Lê Lựu, từng nhân vật với vóc dáng, cử chỉ, từng khung cảnh bến nước hiện ra như một vở diễn trên sân khấu. Chúng tôi ngồi lặng im ngắm nhà văn ngỡ như có một tượng đài văn chương bằng xương bằng thịt mà gần gũi thân thiết đang ngồi trước mặt mình… Tôi phá tan sự im lặng…

Truyện ngắn đầu tay của nhà văn Lê Lựu in trên tạp chí VNQĐ 1964.

– PV: Làm sao ông có thể nhớ đến từng dấu phẩy của những truyện ngắn ấy? Hẳn là những truyện ấy có ý nghĩa rất quan trọng đến hình thành giọng văn riêng của ông sau này. Bây giờ đọc lại truyện ấy, như truyện đầu tay chẳng hạn, hoặc được viết lại câu chuyện ấy, ông nghĩ thế nào?

– Nhà văn Lê Lựu: Làm sao mà viết lại hay bằng cái thời tuổi trẻ ngu ngơ ấy. Nó là gan ruột của mình, là tâm tính, là tình yêu, là ấn tượng mãnh liệt của mình ở độ tuổi non tơ, trong trẻo. Tôi là người không có tài. Người khác viết một phút một chữ, tôi kém tài phải viết đến 300 phút. Có ngày chỉ viết được một chữ, viết như sự rút ruột mình ra mà bản thảo chữa đi chữa lại nhoe nhoét. Vì thế mà viết đến đâu thì thuộc đến đấy. Tôi nói thêm điều này, sau thành công của truyện “Tết ở làng Mụa”, tự tôi đã rút ra ba bài học cho riêng mình. Hãy viết cái gì mà mình thân thuộc nhất như nhà phê bình Nhị Ca đã dạy. Phải biết lượng sức mình khi bắt tay viết để tiết chế mà viết ngắn hay viết dài ra sao. Và bài học thứ ba cực kỳ quan trọng, bao giờ cũng phải tâm niệm nghề văn là một nghề thiêng liêng, mình sẵn sàng hi sinh cho nó, kể cả khi cực khổ, gian nan nhất cũng không được từ bỏ con đường mình đã chọn… Tâm niệm ấy cứ theo suốt, cứ ẩn hiện trong tâm khảm tôi mỗi khi cầm bút viết. Nó theo mình suốt cả cuộc đời, ám ảnh mình suốt cả cuộc đời cho đến bây giờ. Hiện có người bảo tôi cuối đời là “tay không” ấy, nhưng cứ nghĩ đến gia tài mấy cuốn tiểu thuyết, cứ nghĩ đến mấy câu văn là lòng tôi lại chộn rộn, lại thấy cuộc đời vẫn đáng sống lắm chứ… Người như mình, sống mà không viết thì chết sớm đi còn hơn…

– PV: Ông nói thế tôi mới nghĩ, dường như những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông sau này, nhân vật thường có nguồn gốc nông dân. Ví như “Thời xa vắng”, ví như “Mở rừng” hay “Làng Cuội”, “Hai nhà”, “Sóng ở đáy sông”, “ở quê ngày ấy”… Hơi ấm của tác phẩm đầu tay có còn phả hơi nóng vào những con chữ mà ông nói là viết như một sự rút ruột?

– Nhà văn Lê Lựu: Phả nóng rát cả tay ấy chứ! Ví như tôi đúc kết thành bài học, có coi nghề viết là thiêng liêng, không bỏ nó thì tôi mới dám viết “Thời xa vắng” 420 trang với ý tưởng ta không để ai sống hộ ta, ta phải sống đúng mình. Tôi hì hục viết một cách khổ sở suốt 3 tháng, viết suốt ngày suốt đêm, ở Đồ Sơn mà không biết Đồ Sơn là gì. Tác phẩm ra đời, có người cho là “xét lại”, nhưng sau một thời gian lại được coi là người tiên phong, là người khám phá. Khi viết “Mở rừng” cũng vậy, tôi dồn sức, viết suốt 3 tháng trời ở Quảng Bình trên đường Trường Sơn dưới bom đạn, có thể chết bất cứ lúc nào. Trời nóng đến 38-39 độ, tôi nằm phục dưới sàn ghép bằng cây rừng mà viết. Muỗi nhiều như trấu, nằm trong màn mà phải đi hai lần tất, tôi lấy ống bơ đựng thịt đổ dầu ma dút, nhét giẻ vào làm bấc thắp đèn, trùm khăn kín đầu, chỉ để hở cái mũi mà thở, một tay bịt mồm, một tay viết suốt đêm… Sáng ra, mặt mày đen nhẻm khói dầu, chỉ còn tý lỗ mũi là trắng! Lúc ấy tôi cứ nghĩ, cố lên để viết thêm một trang, còn hơn sống thêm một tuổi mà không viết được gì… Vậy mà viết được đến 620 trang đấy.

– PV: Những con chữ thời ấy nó nặng như số phận đời người. Từ nghiệp văn của mình, ông có nhận thấy có nhà văn trẻ nào gây ấn tượng với ông từ tác phẩm đầu tay? 

– Nhà văn Lê Lựu: Tôi đọc lớp trẻ cũng nhiều, nhưng chưa rõ đâu là tác phẩm đầu tay. Hiện có hai người tôi đọc thấy “bật” lên suy nghĩ là Nguyễn Ngọc Tư và cô gì Diệu (tôi nhắc có phải Đỗ Hoàng Diệu không, ông bảo “đúng rồi”). Đọc Nguyễn Ngọc Tư là thấy ngay một chất giọng Nam Bộ không lẫn vào đâu được, một giọng tự nhiên như nhà văn Sơn Nam, đúng là chất Nam Bộ với âm hưởng nắng gió, men đất, hơi nước, khẩu ngữ vùng quê này. Đọc thích lắm, không phân biệt đâu là “đầu tay”, đâu là “giữa tay” nữa. Còn đọc Đỗ Hoàng Diệu thì thấy giống na ná Nguyễn Huy Thiệp một tí, giống Nguyễn Việt Hà của “Cơ hội của chúa” một tí, giống Phan Thị Vàng Anh một tí… nên thấy là cô này khó mà đi xa. Thời nào cũng có người anh hùng của thời ấy, hư cấu phải trên cơ sở hiểu biết của mình, hư cấu mà giả tạo thì bạn đọc không chấp nhận…

– PV: Thưa nhà văn Lê Lựu, có thể coi đời văn của ông là một số phận điển hình của lớp nhà văn mặc áo lính, ngụp lặn cùng cuộc sống bộn bề và khắc nghiệt, bôn ba âu – Mỹ cũng từng, đắng cay nếm trải không ít, được hưởng chút “lộc” của Quân đội và Nhà nước, nổi tiếng như cồn, nhưng cuối đời thì… như ông đang ngồi trước mặt tôi. Bây giờ mà “hạch toán” đời văn, đời người, ông thấy thế nào?

– Nhà văn Lê Lựu: Còn tính toán gì nữa chú! 70 tuổi rồi, trời cho sống năm nào thì viết năm ấy. Chỉ nói thế này với chú: Không có ai, không ở đâu thủy chung như văn chương của mình, nó phơi bày tất cả. Dẫu lương tâm của mình không ai nhìn thấy, dẫu tài năng của mình không ai đánh giá rõ, thế nhưng văn chương thì nó lồ lộ ra hết, làm sao giấu được thiên hạ. Chỉ có văn chương là không “phản bội” mình thôi, nó “trung thành” tuyệt đối. Tôi đã coi nghề văn là thiêng liêng từ tác phẩm đầu tay, nếu bây giờ có “tay không” như ai đó quan niệm thì cũng phải chịu. Giá phải trả nó phải thế. Viết văn cũng như tình yêu. Yêu ai mà nhớ không chịu được, không gặp, không chịu được thì… đúng là yêu thật rồi. Viết văn thì chỉ cái gì thôi thúc, bức xúc nhất, không viết ra không chịu được thì hãy viết, cơ may mới hay. Khi lòng mình trong sáng, lòng mình yêu Đảng, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân thì mình viết mới “sống” trong tác phẩm. Thế thôi, chú Hồng Thái hiểu quá đi còn gì!

Nghe ông nhắc đến tên mình, tôi chỉ biết cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này

Góc nhìn của tôi

1 comment