Ấn tượng Nguyễn Hồng Thái

Ngôi nhà bên triền sông (NXB Công an nhân dân, 2010), sáng tác mới của Nguyễn Hồng Thái, gồm 11 truyện ngắn, đã in báo, nay được đưa vào trong một tập sách thể hiện một ưu điểm không phải nhà văn nào cũng gìn giữ được trong nghiệp viết: tránh được sự khập khiễng, rời rạc, không dính kết của những cá thể riêng lẻ khi đứng chung vào một đội ngũ (là bởi rất có thể từng truyện riêng lẻ khi in trên báo, tạp chí thì đứng được, nhưng khi đưa vào một tập thì lại trở nên luễnh loãng).

Sự gắn kết của 11 truyện ngắn này, theo như nhận xét của một độc giả rất hiếm khi đọc văn chương (nhất lại là tác phẩm của các nhà văn Công an, vì vẫn nghĩ rằng ‘các ông ấy chắc chỉ lại toàn viết chuyện vụ án, hoặc giả đầy mầu sắc hình sự’), đó là do cái tình của người viết đã khiến cho những câu chuyện được kể ra dẫu có bóng dáng của chuyện hình sự, vụ án thì cũng vẫn chan chứa ‘lòng nhân’. Tôi thật sự ngạc nhiên về nhận xét này của một người được coi là ‘ngoại đạo’ với văn chương. Lòng nhân là một truyện ngắn đọc rất cảm động: một vụ tai nạn giao thông xảy ra, Tuấn – một sĩ quan Công an (anh ruột nhân vật liên đới trong vụ tai nạn, hiện là giảng viên của Học viện trong ngành Công an) đã cất công vào tận vùng quê xa xôi, nơi xảy ra tai nạn để giải quyết hậu quả. Tưởng như Tuấn không thể vượt qua được cái cửa ải này khi đám đông người thân của người xấu số thiệt mạng nổi giận. Nhưng với bản lĩnh của một chiến sĩ Công an nhân dân và kinh nghiệm sống, Tuấn đã lấy ‘lòng nhân’ để tháo gỡ xung đột. Cốt truyện như thế là đơn giản, không có gì là quá gây cấn, li kì. Nhưng truyện lôi cuốn và chinh phục độc giả bằng câu chuyện tình cảm. Cổ nhân xưa đã đúc kết ‘một tạ cái lý không bằng một tí cái tình’ quả là chí lý. Có thể nói cái tình là sợi chỉ đỏ xuyên thấu suốt cả 11 truyện ngắn trong tập Ngôi nhà bên triền sông của Nguyễn Hồng Thái. Tôi rất thích cách viết nghiêng về tình của Nguyễn Hồng Thái trong những truyện hay như Bà mẹ Cao Lan, Nơi ngã tư chật hẹp, Nơi bình yên trở lại, Người không gõ cửa… Nói Nguyễn Hồng Thái là nhà văn viết có tình là bởi anh biết chắt chiu cái đẹp, dù có thể nó nhỏ nhoi, dù có thể nó chẳng quan trọng với người đời trong cuộc mưu sinh đầy thúc bách, vội vã hiện nay. Vì thế truyện của Nguyễn Hồng Thái thường đầy ắp những kỷ niệm dẫu vui, dẫu buồn nhưng đều đẹp, đều có sức mạnh thanh lọc tâm hồn con người ‘Ở đời các cậu ạ, có ít thôi những kỷ niệm đẹp, hãy giữ cho nó trong trẻo để mà tin, mà sống cho lương thiện’ (Người không gõ cửa). Đó là tinh thần trân trọng quá khứ chứ không phải là hoài cổ, đó là những hoài niệm thiêng liêng chứ không phải là tinh thần phục cổ như có ai đó hay lên tiếng một cách vô lối. Chính từ ý tứ ấy mà Nguyễn Hồng Thái đã chinh phục độc giả trong truyện Bức ảnh bị đánh cắp. Vì muốn đi tìm một quá khứ trinh nguyên mà Thơm, cô gái đẹp đã phải dấn thân vào chốn thị thành vốn nhiều cạm bẫy, thậm chí có lúc bán thân, bị bắt vì vi phạm pháp luật. Cái giá phải trả để đi tìm ân nhân – một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp hình cô lúc đang là một thiếu niên và bức ảnh đã được in trên một tờ họa báo nước ngoài – là Thơm tự ý thức được. Nhưng cô là người có tinh thần dấn thân, dám chấp nhận rủi ro, bất hạnh. Cuối cùng thì Thơm cũng gặp được nghệ sĩ ấy và trở thành một kẻ trộm bắt buộc khi lấy đi bức ảnh của ông ta. Câu chuyện của Thơm đã khiến cho Tiến, một sĩ quan công an khu vực cảm thấy ‘đành rằng là thế, nhưng Tiến vẫn thấy không yên’. Cái tâm thế ‘không yên’ ấy của Tiến chính là cái tình của con người lúc nào cũng được thôi thúc bởi tiếng gọi của tình cảm, của lòng nhân.

Nguyễn Hồng Thái rất quan tâm đến việc sáng tạo các tình huống truyện: đó là ‘tình huống khó xử’ trong truyện Người không gõ cửa: cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông Tịnh (trưởng thôn vùng đất du lịch nổi tiếng) với Thùy Trang ( một Tổng giám đốc) khá thú vị vì trước đó nhiều năm khi còn là một CSKV ở một thành phố vừa giải phóng, chính ông Tịnh là người được lệnh của cấp trên giữ Thùy Trang tại đồn công an một đêm và không biết cô là con của một cán bộ ‘cốp’ của thành phố, và là một con tin mà bọn tội phạm đang muốn bắt giữ. Cuộc ‘đối mặt’ này lúc đầu rơi vào tình trạng khó xử, nhưng sau nhờ kinh nghiệm của ông trưởng thôn mà mọi việc xuôi chèo mát mái. Mô-tip ‘đối mặt’ này được vận dụng khá triệt để và hiệu quả để tạo ra’ tình huống bất ngờ’ như trong Nơi ngã tư chật hẹp (Chiêu – sĩ quan CSGT gặp lại hai thanh niên từng bị mình lập biên bản vi phạm Luật Giao thông lại chính là hai người đã kịp thời đưa con gái anh vào cấp cứu ở bệnh viện trong một vụ tai nạn giao thông); hoặc đó là ‘tình huống hợp – tan’ khi hai người bạn cũ bất ngờ gặp lại nhau trong bệnh viện trong một ca cấp cứu, người này nhận được sự giúp đỡ kịp thời của người kia; sau đó do hoàn cảnh xô đẩy, họ trở thành đồng phạm trong một vụ án ma túy (Người vắng mặt ở phiên tòa)… Những tình huống ‘đối mặt’ như thế từng được tác giả vận dụng sáng tạo khi viết truyện ngắn mà độc giả đã từng nhận biết từ thời anh viết Đối mặt (tập truyện ngắn, 2000 – Giải thưởng văn học 1995 – 2005 của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam).

Ấn tượng đọc Nguyễn Hồng Thái còn là vì nhân vật truyện ngắn của anh thường gắn với một miền quê cụ thể nào đó rất đỗi thân thiết, chính vì thế mà nó gần gũi với thiên nhiên. Đặc điểm này khiến không khí truyện của anh lúc nào cũng thấm đẫm hương quê: nhân vật cô gái Thơm quê ở Mù Cang Chải thì gắn với vùng quê núi rừng trập trùng, nơi cảnh sắc lung linh ‘Những đốm nắng xuyên qua rừng cây nhả những giọt sáng sóng sánh trên vai áo thổ cẩm và chiếc khăn đỏ tươi nguyên (…). Bầu trời xanh cao thăm thẳm, mênh mang là mây trắng nhẹ bay’ (Bức tranh bị đánh cắp). Nhân vật Tôi quê ở làng Cung (miền trung) trong một lần trở về nhà đã ngẩn ngơ nhận ra vẻ đẹp quyến rũ của nơi chôn rau cắt rốn ‘Lâu lắm tôi mới có một tinh mơ như thế này. Chỉ có tôi với cánh đồng bao la đã trơ gốc rạ, chỉ có gió thổi ù ù và vài tiếng chim kêu, nghe mà ái ngại. Hồi còn nhỏ, những buổi như thế này tôi thường đi đến những cánh đồng xa bắt cá, sức khỏe hồi bé như thế đấy, chẳng có ốm đau bao giờ…’. (Một chuyện kể qua đêm). Vẻ đẹp của thiên nhiên bao giờ cũng trinh nguyên, con người nếu gắn bó với thiên nhiên chắc chắn tâm hồn sẽ được thanh lọc, sẽ trở nên thánh thiện hơn. Hay nói cách khác, thiên nhiên cũng chính là mảnh đất thiêng ươm mầm thiện trong con người. Tôi thấy Nguyễn Hồng Thái trong Ngôi nhà bên triền sông đã thể hiện một bước tiến xa, một sự chín muồi cả về sáng tạo và nghệ thuật thể hiện so với Đối mặt (2000) và tiểu thuyết Đất nóng (2005). Cũng là tất nhiên bởi cái khoảng cách thời gian giữa các tác phẩm, giữa đó nhà văn đã trưởng thành.

Nếu còn có một điều gì đó làm độc giả chưa thỏa mãn, tôi nghĩ, chính như tác giả đã tự nhận qua lời nhân vật Tôi trong truyện Một chuyện kể qua đêm ‘Câu chuyện anh Bình kể tại nhà tôi được ghi lại bằng lối văn viết báo mà tôi đã quen’. Nhưng vì Nguyễn Hồng Thái trước khi cầm bút viết văn đã tác nghiệp báo; vậy nên cái dấu vết nghề báo nếu đôi khi còn phảng phất đâu đó trong tác phẩm văn chương ắt cũng là thường tình. Với tôi, sau khi đọc Ngôi nhà bên triền sông vẫn là vẹn nguyên một ấn tượng tin tưởng vào những mầm thiện tốt tươi mà Nguyễn Hồng Thái đã gieo mầm trong từng câu chữ, trên từng trang sách.

Bùi Việt Thắng,  nhà phê bình văn học (Đăng báo Nhân dân)

Ai viết về tôi

Comments are closed.