Cha – con và những thông điệp không lời

Là người con duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, trở thành một nhà khoa học, trải buồn vui hơn 6 thập kỷ bên cạnh người cha – vị tướng huyền thoại, không thể nói Võ Hồng Anh đã không từng chia sẻ với ba mình ở những thời điểm khó khăn nhất của ông, nhưng để chị nói một điều gì đấy cụ thể lại là điều không dễ dàng.

Có lẽ mọi chuyện bắt đầu từ những ngày thơ ấu tự nhiên như dòng chảy của con sông Kiến Giang, Quảng Bình hình thành nên thông điệp không lời giữa Võ Hồng Anh và người cha Võ Nguyên Giáp. Mẹ hy sinh trong nhà giam Hỏa Lò năm 1944 lúc con gái mới 3 tuổi, cha lại đang ở Trung Quốc tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mãi tới sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Hồng Anh mới biết mặt cha mình. Vậy mà cả hai lần gặp hiếm hoi đó, Võ Hồng Anh đều không nói một lời nào, dẫu trong suốt thời gian xa cách ấy, chị đã luôn nghĩ về ba với niềm tự hào trong trẻo nhất, lòng tin yêu máu thịt nhất. Chị kể: “Năm 1946, khi tôi được gặp ba lần đầu, trong dịp ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở Đồng Hới (Quảng Bình) trên đường đi kinh lí Nam Bộ – thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi Ba bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: Có nhớ, có thương ba không?”… Và lần thứ 2 năm 1951, sau chiến thắng của ta ở Non Nước (Ninh Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạp xe thẳng từ đấy về Thanh Chương, Nghệ An thăm hai bà cháu. Lúc đó ba có hỏi gì, chị cũng lặng thinh. Kể cả lúc ông đèo con gái bằng xe đạp lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của chị, dọc đường ông lại hỏi: “Con có nhớ ba không?”, chị cũng im lặng trong tiếng xích xe đạp lạo xạo đường quê… Có lẽ do sớm mồ côi mẹ, lại phải xa cha, một tuổi thơ gian khó cùng bà nội, bà ngoại chạy giặc, tản cư từ vùng đất nghèo này sang vùng đất nghèo khác của miền Trung đã ngấm dần hình thành ở chị cá tính gan lì, bướng bỉnh, đầy ắp tình cảm đấy mà thật khó bộc lộ. Cũng có thể như chị tự cắt nghĩa, đó còn là dòng chảy tự nhiên của huyết thống và truyền thống của hai gia đình nội ngoại… chảy trực hệ vào tiềm thức của chị. Ba chị rất hiểu tính khí đặc biệt của con gái, nên giữa hai cha con cứ vô hình hình thành nên sự hiểu nhau không cần lời…

Chị bảo, thực ra giữa hai cha con cũng rất ít lời, ít trao đổi, nhưng không phải vì thế mà chị không biết những khó khăn, thuận lợi của cha mình ở cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trọng trách lớn trong Quân đội… Bởi người như ba chị ở thế hệ của những người “lập quốc” đã từng gặp phải muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ; nhưng lại may mắn vô cùng là được sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chị hiểu, cũng như các bác lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, ba chị đã vượt qua được biết bao hoàn cảnh, tình thế ngặt nghèo trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ấy là nhờ luôn khắc ghi vào tim lời Bác Hồ dạy ba chị ở Pắc Bó vẻn vẹn có 4 chữ “Dĩ công vi thượng”. Nghĩa là làm việc gì mà đặt việc công lên trên hết thì sẽ thành công, sẽ vượt qua mọi thử thách, sẽ giữ tấm lòng son trong sáng…

Là con gái của vị tướng lừng danh, từng cùng bà nội đi bộ từ Thanh Chương, Nghệ An ra chiến khu Việt Bắc những năm cuối kháng chiến chống Pháp, hơn 10 tuổi đã nghe lời cha đọc thuộc lòng tập sách “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của bác Trường Chinh (sau này học lớp 4 ở Quế Lâm, Trung Quốc, chị đã làm một bài luận về tác phẩm này đạt điểm 10), cũng từng nghe lời cha đi đôi ủng cao ngập chân cùng các chú bộ đội trồng rau, tăng gia sản xuất…, rồi tự mình phấn đấu không mệt mỏi trở thành một nhà khoa học nữ tài năng, đầy cá tính. Với sự hiểu biết, nhạy cảm và tinh tế như thế, làm sao chị lại có thể không hiểu lúc nào thì cha mình gặp khó khăn, lúc nào thì người cha cần chị ở bên. Ví như trận ốm mà ba chị mắc phải cuối năm 1967 sau sự ra đi đột ngột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội, chị cũng có thể giải thích được căn nguyên dẫu không phải là bác sĩ. Chị hiểu ba mình tiếc từng giọt máu của người binh nhất, binh nhì, huống chi phải tận mắt chứng kiến trận đau tim đột ngột dẫn đến cái chết thảng thốt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người ngày mai sẽ vào chỉ đạo chiến trường. Chị tâm sự với tôi, buổi chiều hai vị tướng còn bách bộ bên nhau trong khuôn viên tư dinh Tổng Tư lệnh bàn việc hệ trọng, vậy mà tối đó, tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột ra đi mang theo cả mật lệnh, cả những kế hoạch, cả những tư duy chiến lược. Ở giờ phút lâm chung ấy của người đồng chí thân thiết, vị Tổng Tư lệnh Quân đội phải tận mắt chứng kiến cảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng trực tiếp cứu quả tim của vị tướng, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Trái tim anh Văn nhói đau, ông bị chứng bệnh thần kinh thực vật liền ngay sau lễ tang, buộc Trung ương phải đưa ông sang Hungary chữa bệnh. Ba chị cùng phu nhân Đặng Bích Hà ghé qua Trường Đại học tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô) yêu cầu chị “xếp bút nghiên” luận án Phó Tiến sĩ Vật lý để đi cùng. Suốt ba tháng bên cạnh cha, Võ Hồng Anh đã hết lòng chăm sóc, mong ông quên đi mọi chuyện, dẫu chị biết Tết Mậu Thân ở nhà, miền Nam đang chiến đấu, hi sinh. Chị bảo hồi đó các bác sĩ Hungary tuyệt vời, đã vận dụng nhuần nhuyễn liệu pháp chữa bệnh Đông – Tây với một chế độ chăm sóc đặc biệt, cả thiên nhiên thơ mộng, cả phim ảnh hài hước, mong sao vị tướng sớm hồi phục. Ốm đau là nỗi cô đơn lớn nhất của đời người, dẫu đó là ai đi nữa. Lúc này, ở phương trời xa, Đại tướng chỉ có vợ và con gái, người mẫn cảm như chị biết phải làm gì. Có lúc chị chỉ cần đem tấm vải ông tặng may bộ áo dài thật đẹp, rồi một sáng chớm thu mặc bộ áo dài đó đến khoe với ông, ông nhìn con gái mà cười, tình phụ tử rạng lên trong ánh mắt… Và nhờ thế, nhờ tất cả, Đại tướng đã khỏi bệnh trở về tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Đặng Bích Hà và GS-TSKH Võ Hồng Anh. Ảnh: Minh Trí.

Đang mạch chuyện, chị bảo, ngay cả sau này, trước sự ra đi đột ngột của Đại tướng Hoàng Văn Thái và Đại tướng Lê Trọng Tấn vào năm 1986, có thể nói sức khỏe của ba chị giảm sút đi trông thấy. Chị bảo tướng Lê Trọng Tấn là một người “tâm đầu ý hợp” với ba chị, từ chiến trường chống Pháp đến chống Mỹ, mọi ý đồ chiến lược, mọi mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh đều được ông thực hiện hoàn hảo và sáng tạo nhất trên chiến trường. Vì thế mà chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nhiều lần ở tư dinh ba chị, chị thấy trong nhiều cuộc tâm sự với nhau, cả hai vị tướng đều khóc, mắt đỏ hoe, có lẽ họ đang nhớ về những người lính nước Việt. Nay người đi, người ở… Hiểu lòng cha, hiểu phong thái ứng xử của cha, chị và các em cùng cả nhà chăm chút đời sống tinh thần cho cụ giống như nhiều gia đình thuần Việt khác. Ví như vào giờ ăn cơm, cả nhà nói nhỏ đi một chút để ba chị nghe tin thời sự đang phát trên truyền hình, ví như rất nên là không ai được nhắc tới những kỷ niệm nhạy cảm khiến ông phải suy nghĩ căng thẳng… Tất nhiên, chị cũng hiểu rằng, ba chị như một vị thuyền trưởng đã ra đến đại dương, buộc phải đối mặt với sóng to gió lớn, tự người chỉ huy can trường ấy biết và đủ sức chèo chống con thuyền vượt qua bão giông. Nhưng phận làm con, chị và các em có cách riêng để góp một chút gió lành thổi mát người cha. Chị bảo: “Tôi nghĩ bắt nguồn từ truyền thống và huyết thống làm nảy sinh trong tôi những nhạy cảm khi phải ứng xử với các sự kiện liên quan đến ba mẹ tôi, phải ứng xử đúng với tầm, với nhân cách của ba mẹ mình”. Chị kể, năm 1982, lúc đang làm luận án Tiến sĩ khoa học ở Viện Đupna, Liên Xô, chị được tin ba mình thôi Ủy viên Bộ Chính trị. Chị hiểu đấy là sự phân công của Đảng và thừa biết ba chị luôn luôn là người tôn trọng tuyệt đối mọi sự phân công ấy, đối với ông, nguyên tắc cao nhất là “Dĩ công vi thượng” như Bác Hồ từng dạy. Thế nhưng dư luận lúc nào cũng phức tạp, có người bạn nước ngoài còn viết thư chia sẻ vì lo chị có thể buồn. Chị cười, viết thư phúc đáp khiến người bạn ấy phải thốt lên: “Xin lỗi vì đã hiểu sai Hồng Anh”. Chị cũng viết thư gửi về cho ba, khuyên ba giữ gìn sức khỏe, không một từ nào động đến công việc của ba sắp đảm nhiệm. Ai có thể hiểu khác đi, nhưng ba con chị chỉ có một cách hiểu. Ba chị viết thư gửi sang Liên Xô, chỉ thăm hỏi con gái với tình cảm thương yêu, cũng không nói một chuyện gì khác, trong thư có ảnh của ông bà mới chụp với con trai chị còn rất bé. Có vẻ như những thông điệp không lời ấy trong bức thư ngoài sự ứng xử tình cha con, còn là chuyện đối nhân xử thế của những bậc trí thức nữa thì phải.

Có thể lúc đầu chị theo học đại học Vật lý hạt nhân nguyên tử là do yêu cầu của ba, nhưng về sau chị càng ý thức được rằng, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, thành công trong khoa học, rèn luyện nhân cách của chị cũng là một cách để giúp ba. Nay thì ba chị đã bước qua tuổi 96 rồi, còn một điều nữa chị muốn làm giúp ba quá nhưng hình như có lúc “lực bất tòng tâm”. Đó là chuyện về người mẹ. Mẹ chị hi sinh lúc còn quá trẻ, có nhiều bài báo đã viết về bà, nhưng đó chưa phải là hiểu biết hoàn hảo về bà. Có mấy lần, ba giục chị hãy viết về mẹ, một người mẹ cách mạng có tác động mãnh liệt đến con đường của người cha thuở cách mạng còn trứng nước, một người mẹ giàu lòng yêu nước, 16 tuổi đã dấn thân theo chị gái Nguyễn Thị Minh Khai đi hoạt động cách mạng, chấp nhận xa chồng, xa con, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Đảng vì tin vào ngày mai như bức thư bà nhắn cho con gái năm 1944: “Hồng Anh phải không biết khổ, nhưng phải biết thương người nghèo khổ”. Tôi tin, GS. TSKH Võ Hồng Anh sẽ sớm hoàn thành những trang viết về mẹ mình, bởi điều thiêng liêng ấy sẽ thêm một lần toại nguyện ước muốn của người cha…

Vậy mà, tháng 7/2009, chị Võ Hồng Anh đã về cõi vĩnh hằng. Chị chưa kịp làm những công việc như dự định để toại nguyện niềm mong ước của người cha. Hôm nay, đến lượt cha chị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại trở về đất mẹ. Trong nỗi buồn vô hạn này, tôi cứ chợt nghĩ để tin rằng, nếu quả thật có một đời sống tâm linh, giờ này ở thế giới bên kia, chị Võ Hồng Anh và mẹ đang mừng mừng tủi tủi được đoàn tụ cùng người Cha, người chồng muôn quý ngàn yêu của mình…

H.T.

Góc nhìn của tôi

Comments are closed.