Mấy hôm nay, kể từ ngày các cơ quan chức năng phát hiện và công bố một số cây xăng trên toàn quốc gian lận, móc túi khách hàng, tự nhiên đi đâu, tôi cũng như nhiều người gặp nhau bỗng có một cảm giác xấu hổ.
Thật lạ! Trong khi kẻ ăn cắp tiền xăng của mình bao nhiêu năm, nay vẫn hơn hớn tiếp tục bán ở kiốt xăng trên đường mình đi làm hàng ngày, lại hầu như không cảm thấy hối lỗi; họ vẫn bịt mặt, bịt tai. Thì mình là nạn nhân, là người bị móc túi lại thấy xấu hổ. Vì sao chúng tôi xấu hổ như thế? Xấu hổ vì bị móc túi bao nhiêu năm mà không biết.
Xấu hổ vì khi biết rõ mình từng bị móc túi mà vẫn thấy “bó tay” không dám bắt kẻ ăn cắp. Vậy là hằng ngày, những người lương thiện đi xe máy, ôtô nhìn những cây xăng từng ăn cắp tiền của mình bao nhiêu năm mà ngậm đắng nuốt cay.
Người lương thiện đứng cạnh kẻ ăn cắp mà không dám làm gì? Không biết làm thế nào? Xấu hổ lắm chứ. Nó giống như chuyện thằng dại làm, người khôn xấu mặt, mà các cụ ta nói từ ngày xưa, bây giờ vẫn đúng.
Ngay ngày hôm nay cũng vậy. Một nhà báo bạn tôi đến cơ quan gặp tôi bức xúc: Trước đây, chị đi xe máy mua đầy một bình xăng ở hồ Linh Đàm hết những 130.000đ. Mười năm đi xe máy, mười năm cứ thừa nhận giá cả như thế là đúng.
Thế nhưng, khi thanh tra bước đầu phát hiện có 37 cây xăng trên toàn quốc đã ăn gian của khách hàng từ 0,5-18% mức quy định cho phép thì vẫn cây xăng thường ngày, chiếc xe LX150cc thường mua trước đây, bao giờ cũng hết 130.000đ, bây giờ đong đầy bình chỉ hết 110.000đ.
Giá xăng trước nay nếu có giảm cũng chỉ giảm 1.000đ/lít, tính ra chị bị móc túi 20.000đ/lần mua xăng. Vậy mà hôm qua, nhân ghé vào mua xăng, chị nói với người bán xăng cũ: “Chị ơi, sao lần này giảm được 20.000đ?”, chị bán xăng cũng chỉ cười trừ.
Tôi cũng vậy, cây xăng trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) hơn chục năm nay tôi vẫn mua và vẫn tin. Bỗng mới đây, đoàn thanh tra của Hà Nội phát hiện cây xăng này dùng thiết bị kỹ thuật “gài” vào cây xăng để sai số 0,66%. Vậy thì, cây xăng này đã ăn cắp của tôi và của nhiều người khác nữa bao nhiêu tiền?
Thì ra từ trước đến nay, cứ mỗi lần mua xăng, hầu như tất cả chúng ta đều bị một số cây xăng dùng xảo thuật cướp không mỗi ngày một ít tiền. Bằng cách nào để biết được trong những năm qua, số cây xăng gian lận trên toàn quốc đã dùng xảo thuật ăn cắp của khách hàng bao nhiêu tiền? Có lẽ đến hàng tỉ đồng, hoặc là nhiều hơn thế!
Chẳng nhẽ, kẻ ăn cắp vẫn đứng ngang hàng với nạn nhân ư? Không thể được! “Ăn cắp quen tay”, nhưng ăn cắp đến hàng tỷ đồng thì không thể chịu nổi. Vậy mà chẳng nhẽ kẻ ăn cắp không phải trả lại tiền của người bị ăn cắp ư?
Có người nói, số cây xăng đã trót ăn cắp, nhưng làm sao biết đâu là nạn nhân trong hàng triệu người mà trả lại tiền cho họ. Ý kiến đó có phần đúng, nhưng chưa phải đạo. Hãy hỏi nhà toán học nước ta. Hãy hỏi các học sinh Việt Nam đoạt Huy chương vàng Toán quốc tế vừa qua.
Chắc chắn mọi người đều trả lời được. Ước tính trên toàn quốc, mỗi ngày tiêu thụ 37,5 triệu lít xăng, dầu (kể cả ôtô, xe máy, bơm nước ở các công trình thủy lợi…), nếu mỗi lít xăng ăn gian 2.000đ/13.000-18.000đ, thì ai cũng tính ra được những cây xăng ăn cắp đã móc túi khách hàng nhiều lắm.
Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, mỗi ngày Petrolimex bán ra 7,5 triệu lít xăng, vậy những đại lý xăng ăn gian sẽ thu về bao nhiêu tiền? Tuy đấy là giả thiết, khó thu thập được chứng cứ, nhưng sẽ không khó nếu tổ chức điều tra một cách nghiêm túc và khoa học.
Những ngày này, lại nhớ dân gian thường hay ví, một người ăn cắp con mèo, con chó thì bị xử rất nặng, nhưng số cây xăng ăn cắp hàng tỷ đồng thì bị bỏ qua! Nếu quả thật như vậy thì không thể chấp nhận, cả về mặt đạo lý và pháp lý.
Theo thiển ý của chúng tôi, các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi ăn cắp xăng trong thời gian vừa qua. Chứng cứ ư? Rành rành 37 cây xăng vi phạm về tiêu chuẩn kỹ thuật từ 0,5-18% mà các báo đã đăng danh tính công khai. Bị hại ư?
Sẽ có Hội Người tiêu dùng đứng ra khởi kiện. (Nếu Hội này chưa làm thì sẽ có hàng triệu người đi xe máy ký vào đơn). Tuy vậy, có lẽ nên tìm một giải pháp dễ khả thi hơn. Nên chăng, Bộ Công thương cần có biện pháp buộc các cây xăng ăn cắp phải trả lại tiền.
Trước mắt là buộc 37 cây xăng sai phạm phải trả lại số tiền mà bao năm họ đã ăn gian. Những cây xăng nào đã lắp thiết bị kỹ thuật tinh vi để chiếm đoạt tiền của khách hàng, sẽ dùng phép tính như sau: Điều tra họ lắp đặt thiết bị ăn cắp từ ngày nào, đến ngày thanh tra phát hiện, đã bán được bao nhiêu lít xăng.
Cứ nhân từng ấy lít xăng với số tiền chênh lệch sẽ tính được số tiền mỗi cây xăng phải trả lại. Số tiền ấy sẽ sung công quỹ. Hoặc số tiền ấy dành giúp các trẻ em nghèo, hoặc tặng các thầy cô giáo ở vùng cao đang gặp nhiều khó khăn trong dạy và học. Đó là lẽ công bằng. Công bằng như tội phạm phải bị trừng trị. Kẻ ăn cắp phải trả lại tiền.
Để lập lại trật tự và lẽ công bằng ấy, từ nay về sau phải tăng cường giám sát của cả cơ quan chức năng như Công thương, Tài chính, Công an. Thanh tra cần đột kích, bất ngờ để đảm bảo bí mật.
Phát hiện được cây xăng nào gian lận, phải niêm phong, đình chỉ ngay. Phạt tiền ngay để sung công quỹ, phục vụ các nạn nhân bị ăn cắp nói riêng và người nghèo nói chung. Được như thế các cây xăng sẽ không dám làm liều. Vì thế mà quyền lợi của người dân được đảm bảo.
Bao nhiêu người từng nói, cao hơn tiền bạc là niềm tin. Phải làm sao để khi khách hàng đứng trước mỗi cây xăng, họ tin là mình đang mua đúng giá. Họ hãnh diện mình đang đóng thuế cho Nhà nước trên mỗi lít xăng dầu. Xin đừng để hàng triệu người lúc bỏ tiền mua xăng, bỗng giật thót cả người vì cảm giác mình đang bị ăn cắp.
Mà bị ăn cắp một cách công khai giả danh lương thiện thì mới đau làm sao!
Đây cũng chỉ là một tâm sự. Chỉ mong các nhà quản lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật đòi lại được tiền cho người bị hại là khách mua xăng. Không thể không làm. Xin đừng để người bị ăn cắp kéo dài mãi nỗi đau!