Võ Nguyên Giáp, đại lượng niềm tin bất biến.

        
 

                                                           

          Dường như có rất nhiều bài báo, quyển sách nói về con người và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với số lượng khổng lồ con chữ và từ ngữ cao đẹp nhận định về vị tướng huyền thoại này.Võ Nguyên Giáp được nhìn từ nhiều góc độ khác  nhau, từ nhiều phía khác nhau, từ trong nước đến nước ngoài, từ nhân dân của ông đến những cựu thù, từ nhà khoa học, chính khách đến những người lính bình thường, từ chính thống đến dân gian…Tất cả đều chung nhất  gọi ông là vị tướng tài ba trong lịch sử chiến tranh thế giới, vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Các nhà sử học thường đặt câu hỏi, vì sao có sự đồng thuận ấy về một con người sinh ra không phải để làm tướng?

 

          Dưới góc độ một nhà văn, tôi có những suy nghĩ riêng so với các nhà sử học. Với tư cách một nhà báo, từng được tiếp xúc làm việc với một số thành viên của gia đình Đại tướng, tôi xin có một vài suy nghĩ nhỏ về sự độc đáo trong cuộc đời của Ông.

          1. Nếu so sánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các vị tướng Việt Nam và thế giới, có thể  nói, Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình đặc biệt. Khi trưởng thành, ông cũng có một tổ ấm riêng đặc biệt. Ông sinh ra ở Quảng Bình, trên bờ biển, Đèo Ngang hùng vĩ nằm án ngữ biển, nơi đây Bà Huyện Thanh Quan, nữ thi sỹ của thế kỷ XVIII từng có câu thơ buốt ruột mà  từ thưở ấu thơ cậu bé Giáp đã nghe văng vẳng bên tai mình lời ru của mẹ “ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/Thương nhà mỏi miệng cái da da”. Mẹ ông, chuyên làm việc đồng áng và dệt vải bên khung cửi  hàng đêm trong đêm trường nô lệ, cha ông một nông dân trí thức, tự cấy ruộng nhà, truyền chữ cho con. Trong chế độ thực dân phong kiến ấy, Đầu tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế). Rồi lại đến lượt cha ông là Võ Quang Nghiêm do ủng hộ, giúp đỡ chi bộ đảng, năm 1947 bị thực dân Pháp bắt giam trong tù hòng lung lạc ý chí nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp. Chúng tra tấn ông  dã man rồi thủ tiêu chết năm 1949 , mãi năm 1977 mới tìm thấy hài cốt, được truy tặng liệt sỹ. Sau này khi ông có gia đình riêng, vợ ông là nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái cũng bị thực dân Pháp bắt giam khi mới sinh con được 2 tuổi và bị chúng tra tấn dã man chết ở trong tù. Một vị tướng mà cả mình và bố đẻ bị bắt giam, rồi  cha ông và người vợ cách mạng bị thực dân Pháp sát hại, nỗi đau thương lớn đã không làm Võ Nguyên Giáp ngã gục, trái lại càng làm ông sôi sục căm thù và ý chí giải phóng quê hương. Thử hỏi, có vị tướng nào trên thế giới này mang trong mình nỗi đau, mất mát như thế? Rất nhiều nhà sử học nước ngoài khi tìm hiểu tiểu sử của vị tướng lừng danh, hẳn đã ngừng viết trong giây lát cảm phục nhân cách và con người Võ Nguyên Giáp. Càng cảm phục ông hơn, bởi dường như chưa một lần ông nhắc tới chuyện này, bởi có lẽ ông nghĩ rằng, gia đình ông cũng như tổ ấm của hàng triệu người Việt Nam khác trong chiều dài lịch sử đều hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú nhất!

          2. Võ Nguyên Giáp trở nên một vị tướng huyền thoại, một đại lượng của niềm tin bởi cuộc đời ông gần gũi, gắn liền với một tên tuổi huyền thoại anh minh là Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa nhân loại. Dường như trong những bước ngoặt của cuộc đời hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp thường gắn liền với Bác Hồ như là thiên mệnh. Từ năm 1942, ông từ bỏ giáo sư sử học ở Trường Thăng Long tìm đường sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc trở thành người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Còn nhớ năm 1945, trước Đại hội Quốc dân ở Tân Trào quyết địnhTổng khởi nghĩa, Bác Hồ bị ốm nặng khó có thể qua khỏi. Đại tướng từng kể rằng: ngày ấy Bác trông gầy yếu lắm. Điều lo lắng lớn của Võ Nguyên Giáp lúc này là sức khỏe của Bác. Bác thường hay bị sốt nóng mê sảng vào thời điểm cuối tháng Bảy. Tuy vậy, vào những lúc tỉnh, Bác lại phải làm việc, dặn dò những điều quan trọng: “Một hôm lên thăm, tôi thấy Bác rất mệt nên quyết định ở lại bên Bác tại lán Nà Lừa. Bác ăn được bát cháo do người thư ký văn phòng Trần Thị Minh Châu mang lên, lát sau thì tỉnh táo và lại tranh thủ làm việc. Bác đã dặn lại tôi: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lúc ốm đau “thập tử nhất sinh” như thế, thời khắc ấy, hai con người huyền thoại bên cạnh nhau trong thế vận nước thời cơ ngàn năm có một, lời Bác dặn anh Văn ấy là lời non nước.  Tình cảm ấy, thời khắc ấy đã gắn bó hai con người vĩ đại với  nhau, không thể tách rời để cùng toàn đảng lãnh đạo người dân cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á.  Một lần khác tại Hang Pác bó Cao Bằng, Bác Hồ đã dặn võ Nguyên Giáp một lời dạy mà ông đã lấy làm kim chỉ nam suốt cuộc đời. Võ Nguyên Giáp kể lại: “Một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pắc Bó (Cao Bằng), Bác Hồ trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức “Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Hang nhỏ nằm sâu trong khe núi. Ngoài cửa hang, nơi Bác Hồ đã khắc vào đá dòng chữ 8/2/1941 là ngày Bác tới ở hang này. Trong hang tối, không khí ẩm và lạnh. Tôi nhặt những cành củi khô nhóm một ngọn lửa sưởi ấm cho Bác. Không dám đốt lửa to, sợ ánh sáng lọt ra ngoài, lộ bí mật. Khói bốc cay xè, củi nổ tí tách. Tôi ở lại nghỉ một đêm với Bác. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Bác và tôi trò chuyện đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa. Bỗng nhiên Bác dừng lại nói một câu: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”.

Thêm một tư  liệu lịch sử quý giá nữa như một minh chứng sự gắn kết mật thiết giữa hai con người huyền thoại Hồ Chí Minh- Võ Nguyên Giáp, đó là sự kiện phong chức vụ Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Theo Đại tá Nguyễn Huy Toàn, nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự thì ngày 28/5/1948, lễ thụ phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức ở xã Phú Bình, huyện Định Hoá, Thái Nguyên, do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ, tới dự có khá đủ các thành viên của Chính phủ.

          Bác Hồ gọi Võ Nguyên Giáp lên trước Bàn thờ Tổ quốc, bằng một giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân”, rồi bỗng nghẹn lời, Bác rút khăn lau nước mắt. Giây phút đó làm cho mọi người xúc động, lát sau, Bác nói tiếp: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà Quốc dân phó thác cho”.

          “Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thoả mãn vong linh những người đã khuất”.

          Hôm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khóc.

          Có thể nói sự gắn bó giữa hai con người vĩ đại này của dân tộc đã góp phần làm nên thương hiêụ Việt Nam, hợp nhân năng lượng mới khổng lồ đủ sức giải quyết sứ mệnh của dân tộc. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, bạn bè tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình diễu hành ủng hộ chúng ta vang lên lời ca: Việt Nam- Hồ Chí Minh- Võ Nguyên Giáp; Võ Nguyên Giáp- Điện Biên…Thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế trong lịch sử  hiện đại này gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh, tên tuổi Võ Nguyên Giáp…là vì thế. Huyền thoại Võ Nguyên Giáp không chỉ ở trong nước mà đã vang xa tới các nước châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu. Hợp nhân của hai thiên tài Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp còn tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ trên trường quốc tế!

          3. Có thế nói Võ Nguyên Giáp trở nên huyền thoại chính là người ta còn đánh giá ở những quyết định lịch sử có tính chất bước ngoặt của lịch sử đất  nước trên cương vị một Đại tướng, Tổng Tư lệnh của một Quân đội nhân dân Anh hùng. Không ai không nhớ ngày 1-1-1954, khi Bác Hồ giao nhiệm vụ giải phóng Điện Biên cho Đại tướng với lời dặn: “Trận đánh này rất quan trọng, phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Chú ra mặt trận giao cho chú được toàn quyền quyết định…”.– Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã quyết đoán thay đổi phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ông tâm sự rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Và trong những ngày ra quyết định ấy, Võ Nguyên Giáp đầu đau như búa bổ, phải nhờ bà con dân tộc rịt trán bằng ngải cứu, chườm khăn ướt làm mát đầu, đủ thấy ông bị áp lực như thế nào khi một mình quyết định vận mệnh cuộc chiến tranh như thế nào ? Bình luận về sự kiện này, Đại tướng nước Anh là Peter Macdonald viết: “Cách triển khai trận đánh Điện Biên Phủ và hậu quả của nó đã làm cho chiến trận này trở thành một cuộc chiến đấu mang tính quyết định nhất trong mọi thời đại và ghi tên Võ Nguyên Giáp vào các sử sách”. Và bây giờ có độ lùi thời gian, chúng ta có thể mạnh dạn đặt một giả thiết: Nếu không thay đổi cách đánh, liệu chúng ta có thể kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đúng 9 năm không? Nếu kéo dài cuộc đánh Điện Biên phủ, tốn kém biết bao xương máu của chiến sỹ đồng bào, liệu chúng ta có thể giải phóng miền Bắc, tiến tới giải phóng miền Nam hay không? Thật khó trả lời!

          Trong cuôc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hai mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thêm một lần nữa khẳng định ông có những quyết định liên quan đến vận mệnh đất nước ở những thời khắc đặc biệt. Đó là những chỉ đạo đánh B52 trên bầu trời Hà Nội “Điện Biên phủ trên không” và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.  Còn nhớ tháng 11/1972, trong cuộc họp quan trọng bàn phương án đánh B-52, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp nhiều ý kiến bổ sung và chính thức kết luận những điểm chính của bản kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng phòng không- không quân và nhấn mạnh: “Âm mưu của Mỹ cho B52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến, sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”…Và vào giữa đêm 20/12, biết tin một số tiểu đoàn tên lửa sắp hết đạn, Đại tướng trao đổi với tướng Văn Tiến Dũng và chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ tập trung mọi nỗ lực giải quyết, đồng thời nhắc nhở: “Đạn tên lửa chỉ được dành để đánh B52”. Đó là những quyết định sáng suốt ở những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, cần một bản lĩnh, trí tuệ anh minh của một vị tướng song toàn.

Đặc biệt nhất là trận quyết chiến chiến lược năm 1975, Võ Nguyên Giáp  đã ra một mệnh lệnh lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.” Mệnh lệnh này trở thành một sức mạnh vật chất phi thường để rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam từ 2 năm, 1 năm và cuối cùng là 56 ngày, kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975, giang sơn thu về một mối. Lại có thể đặt giả thiết, nếu không có quyết định ấy, nếu không có bức điện ấy của Tổng Tư lệnh, liệu chúng ta  có giải phóng được miền Nam như chỉ đạo của Bộ Chính trị không? Nếu giải phóng miền Nam chậm hơn, càng tốn nhiều xương máu, hi sinh, liệu đất nước chúng ta có được vị thế như bây giờ hay không? Nhiều nhà khoa học lịch sử trong nước và quốc tế mà tiêu biểu là nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ từng đánh giá: Võ Nguyên Giáp vĩ đại vì ông luôn yêu quý sự thật, yêu quý con  người. Suy ra, sự thật đã giúp ông có những quyết định đúng đắn; lòng yêu con người giúp ông quyết định để tiết kiệm máu xương của dân tộc. Tất nhiên, ai cũng biết, trong hai cuộc chiến tranh  giữ nước ấy,vai trò quyết định nhất chính là Bộ Chính trị, là Quân ủy Trung ương, là Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nhưng có thể nói tất cả những quyết định quan trọng bậc nhất ấy, cuối cùng dồn vào hai vai của Tổng Tư lệnh với chữ ký mệnh lệnh có sức mạnh hiệu triệu toàn quân xông lên giải phóng quê hương!

4. Còn một điều này nữa, Võ Nguyên Giáp là một nhà sử học cầm quân, nói tiếng Pháp như gió, thông thạo cả tiếng Anh có thể viết thư trả lời phỏng vấn; câu nói nổi tiếng của ông “nếu không có chiến tranh tôi sẽ là một thầy giáo dạy sử”, trở thành một câu trả lời phỏng vấn báo chí Pháp tuyệt hay, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, càng làm ông nổi tiếng hơn. Anh Văn, bí danh một Đại tướng hẳn trên thế giới chưa có tướng nào lại là thầy giáo dạỵ sử có tấm lòng nhân văn cao cả như tướng Giáp. Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”, câu đối của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu có sức khái quát lịch lãm, thật chí lí về Đại tướng. Nhiều vị tướng Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tài năng không kém giỏi giang so với những vị tướng lừng danh của thế giới, thế nhưng khi cần trả lời phỏng vấn, trao đổi với nước ngoài bằng ngôn ngữ của họ thì thường gặp khó khăn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại là trường hợp đặc biệt, ông sử dụng ngoại ngữ để “truyền thông” nhân nghĩa Việt Nam, thắng lợi Việt Nam ra nước ngoài chuẩn nhất, chính xác nhất. Vì thế càng tạo cho ông có sức hấp dẫn kỳ lạ trong con mắt các nhà báo nước ngoài.

Còn có một điểm nữa mà có lẽ chỉ những người dân trong nước và một số không nhiều bạn hữu của Võ Nguyên Giáp ở nước ngoài mường tượng về ông: Với tài năng và công trạng của một vị Tướng quốc- Tổng Tư lệnh, người ta thấy “ái ngại”, thấy “thiêt thòi” thay cho ông khi mà Nhà nước chỉ phân công ông ở những vị trí không tương xứng. Nhưng ai sẽ trả lời một cách chính xác nhất  như thế nào là “không tương xứng”? Bao nhiêu người bàn ra tán vào, nhất là dân gian truyền miệng, bao nhiêu nhà sử học thế giới đặt câu hỏi…Thế nhưng tất cả đều sai hết khi Võ Nguyên Giáp cất tiếng. Đối với ông, lời dạy của Bác Hồ năm 1944 “ Dĩ công vi thượng” đã theo ông suốt cuộc đời. Làm bất cứ việc gì có lợi cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc,  cho nhân dân…ông đều ra sức làm. Sau này, Đại tướng tâm sự: “Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, lời nói ấy của Bác vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận ngày nay. Tôi đã cống hiến một cách tự nguyện, đã thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu… Như vậy, tôi đã làm theo lời dạy và noi theo tấm gương của Bác Hồ là “Dĩ công vi thượng”. Tôi nhận nhiệm vụ và tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả việc phụ trách công tác sinh đẻ có kế hoạch… cũng là nhiệm vụ…”(Báo Tiền phong 7-10-2013) . Có nhiều người nhận định Đại tướng “thờ” chữ “Nhẫn”  nên đã lặng tiếng trong những thời khắc cần phải đấu tranh. Nhưng tôi thì nghĩ khác, không phải là “chữ Nhẫn” mà là nhân cách cao cả của của anh Văn, tướng Giáp, của người đảng viên Cộng sản chân chính luôn đặt lợi của Đảng, của dân tộc lên trên hết!

Cả cuộc đời103 tuổi cống hiến tất thảy cho dân cho nước, với những hành động, những quyết định sáng suốt, độc đáo mang tầm lịch sử, với một cuộc sống liêm khiết, giản đơn đầy tình yêu thương con người trong đời thường… đã làm nên thương hiệu Võ Nguyên Giáp. Ông không chỉ “nổi tiếng như cồn”  trong một thế giới đa chiều, đa cực, phức tạp mà còn đi vào thẳm sâu lòng người, trở thành một đại lượng niềm tin không chỉ của thế hệ trẻ Việt Nam, của người dân Việt Nam mà của cả những ai yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đại lượng niềm tin ấy sẽ còn sống mãi mãi như tên tuổi của Ông- Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

 

Trò chuyện - Phỏng vấn

2 comments