Nhà thơ Hoàng Trần Cương thăm mộ nhà thơ Phạm Tiến Duật

7h30′ sáng 11-12.Lễ viếng nhà thơ Trường Sơn – Phạm Tiến Duật được tổ chức tại nhà tang lễ Quân đội 108. Mình đã đến viếng anh Duật với lòng biết ơn về những bài thơ của Anh đã giúp mình lớn lên, yêu thêm đất nước, yêu thơ ca. Anh Hữu Ước và Hồng Thanh Quang bảo mình viết một bài báo về lễ tang có một không hai này. Mình đã chứng kiến gần như toàn cảnh lễ tang nhà thơ Phạm Tiến Duật với nhiều suy ngẫm về nhân thế. Mình đã phóng xe máy đuổi theo đoàn xe tang đến tận khu A nghĩa trang Văn Điển, chứng kiến phút hạ huyệt quan tài của một nhà thơ lớn xuất sắc trong văn học Việt Nam hiện đại.

Dường như có những người khi mất đi, mới thấy hết được tầm tư tưởng, nhân cách và sự tác động lớn của họ đối với cuộc sống này. Anh Phạm Tiến Duật là một người như vậy. Hơn 200 vòng hoa, khói hương và nước mắt, nhưng hiếm có một đám tang nào như tang lễ nhà thơ Phạm Tiến Duật, sau phút hạ huyệt, hầu như tất cả những ai có mặt đều đồng thanh hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”… Tất cả những điều đó mình đã viết và đăng trên báo CAND ngày 12-12, ngày sinh của mình.

Nhưng còn một chuyện khác nữa tối nay mình vừa được nghe kể lại từ Nhà thơ Hoàng Trần Cương, Tổng biên tập Thời báo Tài chính, một nhà thơ lớn viết tuyệt hay về miền Trung, hay đến mức nhà thơ Hoàng Cầm từng thốt lên trong một hội thảo của Hội nhà văn VN “Đáng mừng là 50 năm qua, chúng ta còn lại một trường ca Trầm tích”, “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa. Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”, những câu thơ hay như thế nhiều lắm, hay đến mức thơ anh Cương không thể làm giả. Anh Cương kể rằng, sáng đưa tang anh Duật, vì 8h phải họp gấp do triệu tập của Lãnh đạo Bộ Tài chính, nên Hoàng Trần Cương trong vai TBT Thời báo và Giám đốc Quỹ hỗ trợ văn học Việt Nam – Ba Lan đã đến viếng nhà thơ Phạm Tiến Duật sớm lắm và không thể đưa tiễn ra tận mộ. Chiều họp xong, lòng không thể yên, Hoàng Trần Cương nhờ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha dẫn xuống nghĩa trang Văn Điển. Lúc ấy khoảng 17h30′, nghĩa trang thành phố vắng tanh, Nguyễn Thụy Kha đưa Hoàng Trần Cương tới mộ nhà thơ Phạm Tiến Duật, cả hai anh cùng sửng sốt: Trưa nay mộ anh Duật đầy hoa, nhưng chiều nay trên mộ anh chỉ còn duy nhất một vòng hoa ghi là “Nội tộc họ Phạm – Kính viếng”. Ai đó đã khuân hơn 200 vòng hoa đi đâu không biết, mộ nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc này bỗng như cô đơn, trống trải…

Sau phút giật mình, nhà thơ Hoàng Trần Cương thắp hương thưa: “Anh Duật ơi, lộc của thơ Anh là những vòng hoa. Nay lúc yên nghỉ, Anh vẫn nhường lại cho những người làm công nào đó, biết đâu là em bé đánh giày, biết đâu là những người quản trang, biết đâu là những người cơ nhỡ… Chết nằm xuống, vẫn còn hi sinh, vẫn còn cho, phải không Anh?…”. Vừa khóc Hoàng Trần Cương vừa đến mộ mẹ mình gần đó, thắp hương xin mẹ đón anh Phạm Tiến Duật xuống cùng, rồi mới yên lòng ra về. Vì lúc còn sống mẹ anh Cương thường nhận anh Phạm Tiến Duật là con nuôi…

Có thể ai đó thường nghĩ các nhà thơ hay… lẩn thẩn. Nhưng cách ứng xử “khác người” ấy của anh Hoàng Trần Cương khiến mình xúc động. Đó là kiểu yêu nhau, thương nhau thật lòng. Điều đó quý hơn tất thảy.

Viết giữa đêm

Comments are closed.