Nghĩ về vinh nhục của một nghề cao quý!

 

Nghề báo khi nghĩ về nó, nhiều người vẫn coi đó là một nghề cao quý. Dẫu trong cuộc đời này, để sinh tồn và giữ phẩm giá con người thì chẳng ai phân biệt đâu là nghề cao quý, đâu là nghề tầm thường. Người ta chỉ phân biệt người tốt, người xấu, người tử tế và người không tử tế…

Trong cuộc sống lâu nay, người ta vẫn quan niệm nghề báo là một nghề cao quý và dường như ít thấy ai “tị nạnh” về quan niệm này. Có lúc người ta còn khoác cho nghề báo là “quyền lực thứ tư” (với ngầm ý sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp). Theo tôi, có lẽ người đời quan niệm thế, vì nhận thấy bản chất của nghề báo là một nghề hoạt động minh bạch, một nghề chỉ biết tôn trọng sự thật là nguyên tắc tối cao nhất. Điều đó là hoàn toàn có lý. Bởi cuộc sống thì muôn màu, trắng đen, tối sáng, giả dối, trung thực, thật giả luôn bị che khuất bởi các thế lực chính trị, thế lực thống trị, của những cá nhân trong xã hội với nghìn lẻ một những mục đích khác nhau, thậm chí đối kháng nhau. Sự thật quả không dễ nhìn thấy nếu không có báo chí, với tư cách là tấm gương phản chiếu trung thực cuộc sống.

1 Chúng tôi nghĩ đến nghề báo nhân một vụ việc khá tốn nhiều giấy mực, tâm trí của nhà báo và các cơ quan công quyền. Đó là vụ nhà báo Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, (Giaoduc.net.vn tờ báo của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mới thành lập dăm năm nay), bị Công an tỉnh Yên Bái bắt quả tang nhận tiền hối lộ của một doanh nghiệp ngay trên bàn tiệc trưa. Tin này khá “giật gân” đối với các nhà báo, dư luận và cộng đồng mạng vì hai lẽ.

Thứ nhất, đêm trước đó, đêm 21/6/2017 các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự buổi lễ trao giải Báo chí Quốc gia cho các nhà báo, phát biểu tôn vinh báo chí Cách mạng Việt Nam thì sáng hôm sau, một nhà báo bị bắt quả tang vì nhận tiền hối lộ, tự nhiên lây lan một cảm giác hổ thẹn cho những người làm báo chân chính. Tôi có cảm giác ngày “hậu báo chí”, có lẽ nhiều nhà báo trong những cuộc vui cùng bè bạn, quan khách, đều muốn “lờ đi” câu chuyện này, có người còn ngại nhận mình là nhà báo vì cảm giác uống một ngụm bia, ăn một miếng ngon như bị mắc ở trong họng! Vì thế mà hoàn toàn có thể cảm thông khi nhiều nhà báo không tin đó là sự thật, hoặc bán tin bán nghi, có người đặt giả thiết rằng công an Yên Bái tạo cảnh hoặc “gài bẫy” bắt oan nhà báo vì mục đích chưa hẳn là trừng trị tội phạm. Có nhà báo quen biết Duy Phong khẳng định anh ta là người tốt, chưa bao giờ nhận tiền của ai, lấy danh dự để bảo lãnh Duy Phong; thậm chí cô bạn gái đi cùng với nhà báo Duy Phong còn đến trực tiếp tòa soạn báo giaoduc.net.vn viết tâm thư tường trình sự thật khẳng định “Duy Phong bị gài bẫy”…vv và vv…

Thứ hai là cộng đồng mạng. Vốn nhanh nhạy và tùy tiện trong bình luận, coment, tha hồ mà đưa ra những luận bàn xung quanh một nhà báo bị bắt ở Yên Bái, một tỉnh miền núi thời gian gần đây có nhiều sự kiện xảy ra khiến dư luận sửng sốt, mới đây nhất lại có chuyện một giám đốc sở xây “biệt phủ” gây nhức nhối trong dư luận. Không phải nhà báo Duy Phong mà bất cứ nhà báo nào bị bắt quả tang nhận tiền hối lộ ở tỉnh Yên Bái trong thời điểm này sẽ cũng nhận được sự quan tâm thái quá của cộng đồng mạng như thế! Một số người liền đặt giả thiết rằng có thể công an Yên Bái tạo tình huống, “gài bẫy” bắt một nhà báo đã viết về chống tiêu cực ở tỉnh này nhằm “răn đe” hoặc “bịt đầu mối” như trong phim hình sự của Trung Quốc. Dường như cộng đồng mạng “nghiêng” theo hướng này, vì thế công an Yên Bái trở thành đối tượng “chĩa mũi nhọn” vào nhiều hơn là nhà báo nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp là Duy Phong…

Sự thật thì sau đó vài ngày mọi người mới tá hỏa lên được Bộ Công an cho biết, trước khi bị bắt vào ngày 22/6, nhà báo Duy Phong đã lên Yên Bái tống tiền Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư vào ngày 16/6, buộc vị Giám đốc Sở này phải chuyển cho nhà báo Duy Phong 2 lần tổng cộng 200 triệu đồng. Khi bị bắt, Phong đã khai báo và thừa nhận hành vi này.

Đến nước này thì không ai có thể không tin sự thật về nhà báo Duy Phong. Có thể nhiều người không muốn tin, nhưng chúng ta đều phải trở lại bản chất sự thật của nghề báo là đưa tin trung thực, nên tin hay không tin, là tùy lương tâm của mỗi người.

Có thể nói một thực tế đau lòng là, trong thời gian gần đây,  trong khi đông đảo đội ngũ các nhà báo Việt Nam đang chiến đấu bằng ngòi bút cho sự thật, tham gia trận tuyến đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo chủ trương, phát động của Đảng, thì có một số nhà báo do thiếu rèn luyện nhân phẩm đã lợi dụng cuộc đấu tranh chống tiêu cực này để hoạt động vi phạm pháp luật để trục lợi! Không có gì là ngạc nhiên khi một số nhà báo, một số phóng viên của một số các tờ báo bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt quả tang do có những hành vi như tống tiền doanh nghiệp, cá nhân, đe dọa những đối tượng phản ánh của báo chí khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc có sai phạm to nhỏ ở một sự việc nào đó. Thủ đoạn chung của các PV loại này là họ phát hiện các đối tượng có biểu hiện bất bình thường liền tổ chức điều tra, khi có dấu hiệu thì hoặc đe dọa trước, nếu đối tượng “biết điều” xin gặp gỡ biếu quà cáp thì hứa sẽ không đăng tin loan trên báo nữa.

Thường thì hành vi này đang ở giai đoạn bí mật, nên chỉ mình PV thực hiện nhận quà biếu. Hoặc cũng có trường hợp phát hiện có dấu hiệu tiêu cực thì đăng hẳn tin công khai trên báo, đến lúc người bị liên quan tá hỏa chạy đến cầu cạnh PV thì tùy thái độ và mức độ quà cáp mà xử lý “hạ xuống” hay “ẩn sâu” cái tin/ bài kia. Ở giai đoạn này, có thể nhiều người trong một tòa soạn, kể cả lãnh đạo buộc phải tham gia… Nhẫn tâm hơn là khi họ đã nhận quà biếu, tưởng là xong ư? Đâu phải vậy, họ “bắn” tin này qua những phóng viên “cùng hội cùng thuyền” để tia cho số này tìm đến địa chỉ để… tống tiền tiếp khổ chủ. Hoặc cũng có khi họ “bắn” tin này vào một số tờ báo mạng để loan tin, nhờ “đồng hội” ở tờ báo khác để phối hợp tống tiền tiếp… Điều đó, nói lên thật đau lòng, nhưng phải nói là khốn nạn thay những kẻ nhân danh nhà báo!

2 Là một nhà báo, tôi không hay hớm gì mà “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng nếu không dẫn ra đây một vài chứng cứ, hẳn bạn đọc dễ cho tôi là người bịa chuyện, “nói điêu”.

Chứng cứ thứ nhất là vào dịp 21/6/2016, lại cũng đúng vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng VN, tôi nhận được điện thoại cầu cứu của một nữ bác sỹ bệnh viện K Hà Nội. Chị ấy bảo: “Em ơi có một PV đến phòng khám của chị điều tra và lên án chị làm xét nghiệm tiểu đường cho một bệnh nhân mà kết quả khác nhau giữa 2 lần khám. Khổ nỗi bệnh tiểu đường là thế, chỉ cần không ăn hay ăn cơm, ăn nhiều hay ăn ít thì khi xét nghiệm trong cùng một ngày cho kết quả khác nhau cũng là bình thường, đó là khoa học. Nhưng PV không hiểu lại đưa tin trên báo điện tử và yêu cầu chị đến để giải trình. Đáp ứng yêu cầu, chị cắn răng đưa 10 triệu vì không muốn phòng khám bị loan tin, vì khi đó dù chị đúng nhưng không cải chính một tin như vậy, phòng khám của chị có thể bị xóa sổ. Em quen biết báo ấy, giúp nói hộ cho chị”.

Tôi buồn đến nao lòng gọi đến người TBT, nói rõ chuyện này và đề nghị được hạ tin “độc hại” kia. TBT nói, ông sẽ chỉ đạo cô Trưởng ban điện tử, nhưng “vì đã khoán doanh thu cho nó rồi” nên ông nói tôi trực tiếp gọi cho cô ta một câu để bóc tin kia xuống. Tôi không thể gọi vì tự ái quá, bạn đồng nghiệp ai lại “chơi khó” nhau như thế. Nhưng tôi không thể trốn vì một ngày sau chị ấy lại gọi tôi: “Em ơi, nhờ em gọi cho TBT, tin kia đã rút xuống rồi, nhưng mấy PV kia lại đến yêu cầu phòng khám của chị phải làm hợp đồng quảng cáo 50 triệu đồng để “dán vào vị trí bóc tin”. Chiều nay họ đến nhận tiền. Đến mức này thì chị hết chịu nổi. Ngoài 10 triệu cho Trưởng ban, chị phải cho 2 PV mỗi người 5 triệu nữa, giờ chị lấy đâu ra tiền để đáp ứng yêu cầu của họ. Đến nước này thì chị sẵn sàng bỏ nghề, nhờ em báo với Công an đến bắt bọn này đi để trong sạch xã hội”. Nghe giọng qua điện thoại, hình như chị đang trào nước mắt, giọng rấm rứt, tức tưởi.

Tôi không thể làm theo yêu cầu của chị, dù Giám đốc CATP Hà Nội là bạn tôi, lãnh đạo Cục An ninh văn hóa tư tưởng – Bộ Công an cũng là bạn thân của tôi. Bởi tôi nghĩ trong ngày kỷ niệm báo chí này, làng báo sẽ thế nào khi bị loan tin có hai nhà báo (có thẻ nhà báo hay chưa có thẻ) tống tiền một phòng khám bệnh. Tôi khuyên chị không nên báo Công an, và tôi cũng không báo; để tôi gọi cho Tổng biên tập tờ báo nói rõ ngọn ngành. Và tôi đã gọi trình bày tình tiết câu chuyện với TBT. Anh tiếp nhận thông tin và hứa xử lý nội bộ… Sau này tôi được biết TBT đã thay Trưởng ban tờ báo điện tử…

Dẫn chứng thứ hai. Một nữ Hiệu trưởng trường đại học ở một tỉnh miền Trung cũng nhờ tôi một việc tương tự. Trường cô bị tờ báo mạng ở Hà Nội đưa tin thất thiệt về những cái gọi là tiêu cực trong đào tạo tín chỉ. Tin đã đăng loan đến hàng triệu bạn đọc, giờ cải chính sao cho kịp tốc độ của tin trước đó. Khi tôi đặt vấn đề với ông phó TBT (là “đệ” cũ của tôi) nhờ hạ tin kia xuống, tôi có thể lấy danh dự bảo lãnh về sự đúng đắn và lẽ phải thuộc về trường này. Phó TBT báo này đồng ý sẽ rút tin với yêu cầu lãnh đạo nhà trường phải cử đại diện ra đối chất. Tôi nghĩ đó là cách làm báo thận trọng, khách quan. Sau khi xem xét hồ sơ và đề nghị một phong bì khá nặng, báo điện tử nọ đã rút tin xuống. Nhưng khốn nạn thay, ông Phó TBT lại chuyển tin này sang một tờ báo mạng khác. Chao ôi “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Để yên thân, trường lại giải trình, lại quà cáp, lại phong bì… Tôi không rõ là bao nhiêu tiền, nhưng nghĩ đến cảnh người “đệ” cũ của tôi lại có thể dùng mánh khóe để vòi tiền bạn tôi thì quả thật thấy nhục nhã trước người bạn ngoại đạo quá đi…

Nhưng đối nghịch lại những “nhà báo diều hâu rỉa mồi” kia, tôi có một câu chuyện khác. Bạn tôi là Phó TBT của một tờ báo lớn, có uy tín trong làng báo. Anh kể một bận, có người bạn cũng là Phó TBT gọi điện sang nhờ rút một cái tin vắn vẻn vẹn 200 chữ liên quan đến một doanh nghiệp làm đường giao thông. Anh nói sẽ có một cô làm truyền thông của doanh nghiệp đến gặp để trực tiếp trình bày. Làm đến chức này, bạn tôi đã “ngửi thấy mùi tiền”.

Quả đúng vậy, một lúc sau, cô gái PR đến phòng anh. Bạn tôi xem hồ sơ giải trình rồi gọi điện xin ý kiến TBT đồng ý cho “hạ” tin kia xuống. Cô gái PR vui mừng ra mặt, có lẽ chưa bao giờ cô được giải quyết một việc phức tạp mà đơn giản, nhanh chóng đến thế. Cô gái cảm ơn và đưa ra một chiêc phong bì 20 triệu. Bạn tôi bảo: “Báo anh không được phép làm chuyện này. Đồng chí TBT dặn các anh rằng, nghề báo không thể làm giàu được đâu. Nếu các bạn khi tay đã “nhúng chàm” thì thật khó tẩy rửa. Và khi đã cầm tiền tiêu cực, không ngày này thì ngày sau, không người này thì người khác, không cơ quan này thì cơ quan khác, sẽ có lúc hành vi tiêu cực của các bạn sẽ bị phanh phui, “Lưới trời lồng lộng” các bạn khó mà thoát được”. Bạn tôi tâm sự rằng, anh có thể nhận số tiền ấy mà TBT không biết, không ai biết thì vẫn nghĩ anh là người trong sáng. Trong khoảnh khắc ấy, bạn tôi nghĩ đến uy tín tờ báo, bạn không muốn tờ báo của mình bị hoen ố vì những hành động nhận tiền “lại quả” trong bóng tối như thế… Phút vượt ngưỡng của bạn tôi thật đáng quý lắm thay. Tôi được biết những năm sau này cô gái PR ấy trở thành người bạn thân thiết của bạn tôi và tờ báo. Há đó không phải là niềm tin ư? Và khi có niềm tin, há đó không phải là tài sản sao? Suy cho cùng, ngân hàng niềm tin lớn bao nhiêu thì tiền sẽ về doanh nghiệp nhiều bấy nhiêu. Tờ báo của bạn tôi giàu có trong cơ chế thị trường này là nhờ cách làm ăn chân chính ấy, là nhờ “niềm tin chiến thắng” ấy.

Tôi còn biết có những nhà báo khi làm điều tra bênh vực người bị oan khuất, đã tự nguyện sẻ chia tiền lương và mỗi tháng 5kg gạo để giúp gia đình một thương binh vượt qua giai đoạn khó khăn khi tranh đấu bảo vệ lẽ phải. Hoặc câu chuyện 2 nhà báo nữ lặng lẽ chạy ngược chạy xuôi đi xin mổ tim miễn phí cứu sống bé sơ sinh con đầu lòng của chiến sỹ đảo Trường Sa. Và nhiều, rất nhiều những nhà báo có đạo đức, tâm hồn cao đẹp khác, dám dấn thân trong nghề, họ không bao giờ bị đồng tiền bẩn làm ô danh nhân phẩm.

Trở lại với câu chuyện nhà báo Duy Phong bị bắt ở Yên Bái. Khoan hãy bàn đến chuyện hợp lệ hay không hợp lệ trong trường hợp Công an Yên Bái bắt quả tang Duy Phong nhận tiền doanh nghiệp (có báo mạng đặt giả thuyết CA cài bẫy, nhưng nên chờ hồi sau sẽ rõ), nhưng kiểu gì thì hành động của Duy Phong thực hiện ở Yên Bái là không thể chấp nhận được. Không nhà báo chân chính nào có thể bênh vực hay chia sẻ với Phong câu chuyện ô nhục này.

Cũng có người ngụy biện, do một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức sụt giảm ý chí chiến đấu, sống xa hoa, vô cảm với nỗi đau của người dân, tham nhũng, tiêu cực làm giàu bất chính, cho nên các nhà báo xông pha chống tiêu cực thì bị “đánh trả” là chuyện bình thường. Tôi nghĩ, đành rằng trong “cuộc chiến” chống tiêu cực đầy cam go, thế lực đen tối có thể phản công lại các nhà báo chân chính. Họ có thể bị sứt mẻ, bị trọng thương, bị thua thiệt, nhưng đó là vinh quang của một nghề mà nhiều nhà báo chấp nhận dấn thân vì quyền lợi tối cao của đất nước, của nhân dân. Không thể biện minh cho hành vi tiêu cực của nhà báo trong cuộc chiến (hay mượn danh) chống tiêu cực, tham nhũng. Không được sử dụng biện pháp xấu, vi phạm pháp luật để chống lại cái ác, cái xấu. Khuyến cáo trong Quy ước đạo đức của Hội nhà báo Việt Nam cũng khẳng định như vậy.

Vậy bài học này đối với các nhà báo là gì trong cơ chế thị trường, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Hãy sống tử tế và trong sáng, hãy tuân thủ pháp luật thì sẽ tránh được ngàn lẻ một rủi ro, cạm bẫy trong hoạt động nghề nghiệp, sẽ không bao giờ sa bẫy. Đặc biệt là đối với các PV trẻ, đừng bao giờ hiểu sai “quyền lực thứ tư” của báo chí để có thể dễ biến mình thành con ngáo ộp đi dọa nạt mọi người. Mọi nghề đều mang trong nó yếu tố vinh quang và nhục nhã. Ai hiểu và kinh qua cả hai trạng thái ấy mà vẫn thủy chung với nghề thì cơ may có thể thành đạt. Nếu bạn hôm nay cầm một phong bì nhỏ, ngày mai, ngày kia có thể vui vẻ nhận một phong bì nhiều tiền hơn, rồi đến ngày bạn có thói quen nhận những đồng tiền không xứng đáng. Và như một sự tất yếu, sẽ đến ngày bạn hình thành một thói quen xấu là khi làm việc, khi phỏng vấn ai mà không có tiền “bồi dưỡng” bạn cảm thấy khó chịu. Khi thói xấu mà xâm nhập vào tâm, thật khó tẩy rửa. Khi nghề báo bị lợi dụng, khi một số nhà báo tự biến thành con thú thì dễ bị những thợ săn “cài bẫy”, phản công lại cũng là điều “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà thôi! Đừng nghĩ rằng quan chức nào đó có “biệt phủ” sống xa hoa thì PV (thậm chí PV còn rất trẻ) phải có xe ô tô (thậm chí xe sang), nhà lầu/ chung cư đẹp! Quan chức sống xa hoa bị dư luận lên án, không lẽ nhà báo đòi/ nhận hối lộ lại không bị lên án!

Hãy nhận những đồng tiền sạch. Thông điệp này tôi nhận từ bài trả lời phỏng vấn báo chí của bác sỹ, Thầy thuốc ưu tú Tôn Thất Bách, khi ông là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Ông nói đại ý, khi một bác sỹ mổ một bệnh nhân mà vòi tiền bệnh nhân thì không thể chấp nhận được, có thể coi là tội ác. Nhưng nếu mổ xong an toàn, người nhà bệnh nhân có thể biếu mấy quả trứng gà, một ít hoa quả hoặc quà gì khác nữa thì có thể chấp nhận như lời cảm ơn. Mình không nhận, bệnh nhân sẽ áy náy mà không yên tâm dưỡng bệnh còn khổ tâm hơn!

Suy ra nghề báo cũng thế thôi. Khi điều tra, phản ánh, đấu tranh về sự kiện báo chí chính đáng, kết quả thắng lợi trong sự bảo vệ của pháp luật, bảo vệ lẽ phải, nếu được tặng một phần thưởng nào đó, đón nhận giữa thanh thiên bạch nhật như giải báo chí Quốc gia, hay đơn giản chỉ là lời cảm ơn từ sâu thẳm đáy lòng của một người dân nghèo, đó há không phải là niềm vinh quang sao?

                                                        Nhà báo Nguyễn Hồng Thái

Bài viết

Comments are closed.