Đường dây nóng” lúc nào cũng… “nóng

Tôi là một trong những người được cơ quan giao nhiệm vụ cầm điện thoại trực đường dây nóng. Trực nghĩa là phải mở máy điện thoại di động 24/24h, bất cứ ai gọi đều phải nhận, trả lời. Vẫn là chiếc điện thoại nhỏ xinh thường ngày, nhưng khi được giao nhận đường dây nóng, tôi cảm giác nó nặng hơn rất nhiều. Dường như không chỉ có cơ quan báo chí mà rất nhiều cơ quan nhà nước hiện nay đều lập đường dây nóng. Không ai có thể phủ nhận tính mục đích trong sáng, nhân văn của kênh thông tin này là muốn được nghe ý kiến, phản ánh của nhân dân một cách nhanh nhất. Dường như không có rào chắn, không ai dám che lấp. Với cơ quan báo chí cũng vậy, đường dây nóng – đúng như tên gọi của nó – trở thành cầu nối nhanh nhạy với tốc độ âm thanh và hiệu quả giữa các nhà báo với bạn đọc.

Vẫn là chiếc điện thoại nhỏ xinh thường ngày, nhưng khi được giao nhận đường dây nóng, tôi cảm giác nó nặng hơn rất nhiều. Mỗi ngày nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm tâm sự, phản ánh của bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền.Việc của cơ quan, nhưng mọi buồn vui, giận dữ, tin cậy của bạn đọc, chúng tôi là người đầu tiên tiếp nhận. Và để trả lời thấu đáo, để bạn đọc thấy thỏa đáng đâu phải là chuyện dễ. Hầu như chúng tôi chỉ được nghe giọng nói để đoán sắc thái tình cảm, chứ không được gặp họ bao giờ; “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” là vậy…

Nhiều khi đang ngủ giữa đêm, nghe tiếng điện thoại bên tai lại bật dậy, cầm máy nghe. Nào là một bạn đọc ở Sơn Tây, Hà Tây phản ánh về một vụ việc tham nhũng ở quê đề nghị báo cử PV điều tra gấp; nào là một phụ nữ ở phường Thanh Nhàn, Hà Nội báo tin về một nhóm đối tượng buôn bán ma tuý ngay sát quán hàng của chị, chỉ cần điều tra là bắt được ngay; nào là một lái xe đường dài tâm sự về những bức xúc khi bị CSGT yêu cầu dừng xe vì lỗi “vi phạm không đáng phạt”…

Cảm động nhất là một bạn đọc báo tin có 2 CSCĐ Công an Hà Nội truy đuổi người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm đang bị các đối tượng xấu bao vây chống trả, đề nghị đường dây nóng “tăng cường lực lượng”… Rồi những bức xúc do mâu thuẫn gia đình, những vụ việc tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ “ngày xửa ngày xưa”, những cuộc buôn lậu gỗ, phá rừng, những cuộc ăn chặn kiểu tập thể, những cán bộ thuế sách nhiễu, các bộ phận làm nhiệm vụ ở sân bay Nội Bài có dấu hiệu “mơi tiền” đối tượng người Việt Nam bị trục xuất về nước, bỏ quên khách nước ngoài đang “ùn tắc”.

Khoan hãy bàn đến hàm lượng sự thật và độ tin cậy của những cuộc điện thoại ấy, thế nhưng cũng nhờ thế mà đã có hàng trăm tin báo đã được chúng tôi đề xuất Ban biên tập cử PV điều tra, tác phẩm báo chí sau đó được in trang trọng trên tờ Báo CAND hẳn người báo tin thấy sẽ vui lắm. Càng ngày lại càng hiểu sâu sắc hơn một nguyên lý giản dị: Tình cảm của bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc dành cho những người làm báo đã làm nên thành công và thương hiệu của Báo CAND – Chuyên đề ANTG. Ai chưa trân trọng và biết tri ân, nâng niu những bạn đọc như thế, hẳn sẽ khó phấn đấu thành một nhà báo xuất sắc trong đời.Ngay cả những phê phán góp ý của bạn đọc cũng vậy. Họ thẳng thắn, bộc trực, thậm chí có lúc đã nói “gay gắt” về những lỗi morat, những thông tin chưa tin cậy, những câu chữ mập mờ “đánh đố” người đọc, những sai sót khó chấp nhận thỉnh thoảng vẫn tồn tại trên mặt báo còn thơm mùi mực mới…

Ví như số Báo CAND gần đây nhất ra ngày 13/6, do sơ suất đã xếp trùng 2 tin nói về cùng một vụ tai nạn giao thông ở tỉnh Bình Thuận. Một bạn đọc đã nhắn tin nói thẳng: “Thừa đất hay sao mà đăng lại một tin như thế?”, khiến chúng tôi thật thấm thía. Quả đúng như vậy, dù là tin chỉ 200-300 chữ, nhưng nếu nhân lên với hàng chục vạn số báo, nhà kinh tế dẫu tồi nhất cũng tính ra được toà soạn đã thiệt hai bao nhiêu giấy mực, bạn đọc bỏ tiền ra mua báo cũng thấy bị thiệt hại như thế nào. Ngẫm cho cùng, bạn đọc ấy “nổi nóng” là có lý lắm. Còn nhớ một lần, báo đã in sai chính tả án “chung thân” thành “trung thân” khiến một bạn đọc nổi giận. Ông điện thoại cho đường dây nóng nhiều lần đề nghị toà soạn phải gấp rút nâng cao trình độ tiếng Việt cho anh chị em. Thật xúc động khi ông nói: “Tôi đã điện thoại cho một người ở báo, người cầm máy đã xin lỗi và cho đó là lỗi kỹ thuật. Tôi không đồng ý. Đó chính xác là lỗi về văn hoá”.

Ngay hôm kia thôi, đêm 18/6, một bạn đọc nghe giọng còn rất trẻ điện cho đường dây nóng tâm sự rằng, Báo CAND có viết về trường hợp hy sinh của đồng chí Trưởng Công an xã ở tỉnh Hòa Bình trong chống tội phạm, bài viết xúc động nhưng có những câu văn dễ gây mơ hồ, hiểu nhầm, đề nghị báo giải thích. Rất may, tôi đã đọc kỹ bài báo đó nên đã trao đổi với bạn đọc thẳng thắn và cụ thể. Cuộc nói chuyện ấy kéo dài gần 5 phút ở thời điểm mưa đang ngập nhiều con phố Hà Nội khiến tôi vừa trân trọng vừa khâm phục người bạn đọc ấy. Bỗng hỏi, vì sao có rất nhiều bạn đọc đã bỏ tiền ra gọi điện thoại đến đường dây nóng để cung cấp thông tin, để góp ý?

Ai cũng biết, mỗi lần gọi là mỗi lần mất tiền, thế nhưng thật đáng trân trọng, nhiều người đã gọi hàng chục phút, có người gọi nhiều lần để cung cấp tư liệu, chứng cứ, cộng lại phải hàng tiếng đồng hồ. Họ không tính thiệt hơn, phải chăng những bạn đọc chân thành ấy đang hướng tới lẽ phải, lẽ công bằng cho nhiều người. Họ hy vọng vào sứ mệnh của các nhà báo, họ tin cậy vào đội ngũ những người làm Báo CAND nên đã trao gửi niềm tin và hy vọng… Bởi ngẫm cho cùng, không ai bỏ tiền ra để làm những việc vô ích.

Vậy mà thật đáng tiếc, nhiều thông tin qua đường dây nóng đã chưa được xử lý xứng tầm với công sức của bạn đọc. Vậy mà bạn đọc vẫn mua Báo CAND, vẫn điện thoại cung cấp thông tin, vẫn giám sát từng trang báo… Đó quả là món quà quý giá nhất dành cho những người làm báo như chúng tôi nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tôi hiểu khi bạn đọc còn liên lạc nhiều qua đường dây nóng, nghĩa là bạn đọc còn tin cậy ở tờ báo. Hãy trân trọng từng giây phút khi tiếp nhận điện thoại của bạn đọc. Bởi bạn đọc có tin thì mới gọi. Khi bạn đọc đã dửng dưng nghĩa là báo chí không còn gì để nói…

Viết giữa đêm

2 comments