Chuyện nghề báo của một vị tướng song toàn

Nếu tìm một từ nào nói chính xác về Trung tướng, nhà văn Hữu Ước thì thật là khó. Bởi đã có nhiều bài báo viết về ông, nhìn ông ở mọi góc độ cả nghiệp Công an, cả nghề văn thơ nhạc họa, cả trong cuộc sống tình cảm, gia đình… Tính Hữu Ước lại thẳng thắn, thoải mái, ông không từ chối câu hỏi của ai dù trực diện hay tế nhị, trả lời sòng phẳng, mọi thứ cứ phơi trần trên con chữ. Tính như thế nào thì con chữ như thế đó, chẳng giấu được ai.

Góc nhìn này chỉ là đôi điều tản mạn về ông, về cái nghề báo nghiệt ngã mà ông đã sống chết với nó…

1. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngay từ thập kỷ 90, sau khi đi tù 3 năm ông được minh oan và thành người được trả tự do, Hữu Ước trở lại làm nghề báo sau 3, 4 năm vắng bóng trên văn đàn. Ông lập ra tờ Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an (nay là Văn nghệ Công an), tiếp sau là ra chuyên đề An ninh Thế giới mà số phát hành kỷ lục có lúc lên tới gần triệu bản, trở thành Guinness Việt Nam về lịch sử báo chí… Chuyện ấy đã có nhiều người viết, dường như ai cũng đã biết. Nhưng có điều này thì hẳn ít người hiểu, bởi nó nằm phía sau những trang báo, nằm phía sau lượng phát hành quá lớn: Trong những ngày tháng bươn bả, máu lửa cùng con chữ và trang báo ấy, Hữu Ước đã đào tạo được một lớp đàn em trở thành những nhà báo tài năng, chí ít là có thương hiệu trong làng báo. Nào là Nguyễn Như Phong, nào là Hồng Thanh Quang, Đặng Vương Hưng, Hồng Thái, Như Bình, Hồng Lam, Phạm Khải, Dương Bình Nguyên, Bình Nguyên Trang, nào là Đặng Huyền, Đỗ Doãn Hoàng… Tôi được nghe kể, để rèn bút lực cho Nguyễn Như Phong, cấp phó của ông một thời, Hữu Ước có lúc bắt “ông phóng sự điều tra” này phải viết đi, viết lại bài báo đến 3, 4 lần, khi nào ông thấy ưng ý mới thôi. Như Phong tài giỏi đấy, có tự ái cũng mặc, miễn là bài báo ra tăng lượng phát hành đến hàng vạn bản. Theo lời nhà báo Dương Đức Quảng ngày ông mới về làm biên tập cho tờ Công an nhân dân “Dự giao ban mới thấy Hữu Ước ghê thật. Cứ phê cấp phó xơi xơi. Ước bảo, này anh P nhé, tôi đã nói, đã sửa cho anh hơn 10 năm một lỗi này, sao bây giờ vẫn mắc là thế nào? Chính trị mà như thế này thì chết?”. Quả thật, nhà báo, nhà văn Nguyễn Như Phong chỉ sau khi về làm với Hữu Ước ở tờ An ninh thế giới mới trở nên nổi tiếng trong làng báo, giành nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, có thương hiệu làm kịch bản phim truyền hình. Nhưng một dạo nọ, nghe tin anh chuẩn bị sang làm Tổng Biên tập một tờ báo của Hội Nhà báo Việt Nam, tôi thăm dò, Như Phong trả lời thủng thẳng: “Không. Xa lão ấy thế đếch nào được!”. Thì ra cứ ở gần Hữu Ước, bị mắng rát mặt, nhưng rồi ai cũng trưởng thành. Như Phong là một trường hợp điển hình! (Sau này ông xin về hưu sớm để ra làm Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới).

Nói chuyện Hữu Ước mắng lính, tôi nhớ lại một kỷ niệm nhỏ mà sợ bạt vía đến bây giờ. Số là hồi nhà thơ Hồng Thanh Quang làm Phó TBT, kiêm Tổng Thư ký tòa soạn, có một phiên tòa xét xử tại Hà Nội liên quan đến một số nhà báo viết về vụ PMU18 và tướng Nguyễn Xuân Quắc, anh Ước chỉ đạo Quang viết một bài về sự kiện này. Bài báo quả là viết rất cao tay, được fax vào TP Hồ Chí Minh để Tổng Biên tập đang công tác trong đó duyện trước khi in. Chiều muộn, Ban Thư ký tòa soạn nhận được bản fax từ phía Nam ra, có bút tích của anh Ước sửa dăm ba chữ, anh em dịch mãi thì cũng hiểu được hết ý thủ trưởng. Đọc, soát, sửa lỗi morat kỹ càng, nhưng khi báo chuẩn bị in, Tổng Biên tập lại chỉ đạo “để lại” bài báo đó. Vậy là Ban Thư ký tức tốc tìm bài mới thay thế. Không biết luýnh quýnh thế nào, một họa sĩ trình bày xóa luôn bản “bông” bài báo này trên máy, cứ tưởng sếp bỏ là thôi luôn. Mấy ngày sau, Tổng Biên tập từ TP Hồ Chí Minh ra, gần tối ông đến Ban TKTS bảo là cho đăng bài báo hôm nọ. Anh em tìm bản “bông” thì ôi thôi đã biến đâu rồi. Sếp thì đứng bên cạnh bảo “Đưa tôi đọc lại lần cuối”. Anh em Ban TKTS luống cuống, sợ xanh mắt. Nhà thơ Hồng Thanh Quang sáng tạo bằng cách bí mật đưa bản thảo cũ từ trong máy tính của anh ra để dàn trang. Xong đưa bản “bông” trình Tổng Biên tập duyệt như không có điều gì xảy ra. Cả ban nín lặng theo dõi từng động tác, nhịp thở của sếp… Và kia rồi, ông bật dậy quát lớn: “Mấy từ của tao sửa đâu? Sao không thấy ở đây?”. Cả Hồng Thanh Quang, cả kíp trực lúng ba lúng búng, không ai dám trả lời, ông quát càng to và yêu cầu gọi điện thoại vào văn phòng đại diện của báo tại TP Hồ Chí Minh, mắng té tát ban lãnh đạo trong đó về tội không fax bản thảo ra. Kíp trực biết, họ bị oan, nhưng không ai dám dũng cảm đứng ra nhận. Nhà thơ Hồng Thanh Quang dùng máy điện thoại của mình gọi đi gọi lại rất nhiều lần để Hữu Ước cầm máy chỉ đạo phía Nam. Ông quát lạc cả giọng, càng quát to thì cấp dưới càng không dám ho he, ông nghĩ bọn lính tráng này dốt nát, không hiểu ý ông nên lại càng quát to hơn. Mặt ông nóng phừng phừng, nói như hét qua máy điện thoại di động, quát đến mức tức quá, ông ném luôn cái điện thoại giá 20 triệu của vợ Hồng Thanh Quang vừa mua tặng chồng xuống nền nhà. Chiếc điện thoại vỡ tan. Mọi người sợ quá không ai dám tiếc… Sau đó nhận được bản thảo ông sửa từ phía Nam fax ra, bản bông làm hoàn chỉnh, ông xem lại lần cuối thấy vừa lòng, lúc ấy ông mới hạ hỏa: “Tôi sửa có mấy chữ. Nhưng phải ở TP Hồ Chí Minh và tính nhạy cảm thời sự thì mới đủ tâm thế để chỉnh lại như thế. Bây giờ muốn sửa khác đi cũng không được. Một chữ tôi sửa, tôi cũng nhớ. Khác đi là tôi biết ngay… Đừng có mà đùa!”. Lúc đã uống chén rượu cùng mấy người lính, ông sai người gọi điện thoại cho Ban Trị sư mua đền cho Quang chiếc máy khác tương đương. Nhều lần Hồng Thanh Quang tâm sự với tôi, Nhiều gợi ý, chỉ đạo của Hữu Ước, cứ làm theo thế nào cũng có tác phẩm xuất sắc. Nhiều khi chỉ đoán ý ông, các nhà báo đàn em cũng có thể thực hiện một chuyên đề báo chí hoàn hảo, gây ấn tượng đặc biệt trong lòng bạn đọc.

2. Thế nhưng đã làm nghề, đừng hy vọng Hữu Ước cầm tay chỉ việc. Nhìn cách ông đào tạo các nhà báo Hồng Lam, Như Bình, Đỗ Doãn Hoàng… thì biết! Trong một thời gian rất ngắn, ông giao họ nhiều việc, làm phải bở hơi tai. Và ông buộc họ phải xuất hiện liên tục trên tờ báo với tên tuổi thật (không ghi bút danh) bằng những phóng sự điều tra nóng hổi tính thời sự; bằng những bài viết về văn hóa văn nghệ giàu tính nhân văn, tin cậy mà gây “hot” trong bạn đọc cả nước. Theo ông, sự xuất hiện liên tục tên tuổi các nhà báo này với những bài viết xuất sắc như thế sẽ sớm tạo nên thương hiệu cá nhân. Theo Hữu Ước, một tờ báo phải sống bằng các ngôi sao. Giống như sân khấu phải sống bằng các nghệ sĩ tài danh, nổi tiếng. Ông bắt phóng viên lao động cật lực, viết nhiều, xuất hiện liên tục thành vệt, gây ấn tượng đặc biệt trên văn đàn. Ông nắn phong cách, góp ý và tôn trọng sự sáng tạo riêng của anh em. Khi nào cảm thấy đạt độ chuẩn thì ông “thả” để anh em mặc sức sáng tạo và dâng hiến. Cứ đào tạo như thế, trong gần 30 năm, một tay ông đã dựng nên những tên tuổi có thương hiệu cho Báo CAND, Chuyện đề ANTG. Sống gần mặt trời thì rát mặt. Gần hổ thì dễ tứa máu! Nhưng cũng nhờ thế mà xuất hiện những nhà báo nổi danh trong làng báo nước nhà, có người vươn ra tầm quốc tế. Có lần tôi nghe ông kể, đi trên một chuyến bay, ông nhìn sang ghế bên cạnh thấy có người đang đọc tờ An ninh thế giới. Người bạn đó đã khóc khi xem một phóng sự của nhà báo Hồng Lam viết về một phụ nữ từng sống vất vưởng, bụi đời vươn lên bà chủ và đang nuôi sống hàng trăm trẻ lang thang. Cuộc đời thời trẻ của nhân vật khổ đến cùng cực khi phải neo thân gái kiếm sống trên những chuyến tàu tốc hành Nam – Bắc… Ông vui và xúc động thật sự, vì biết hướng đi ấy là thành công. Xuống chuyến bay, ông kể lại cảm xúc ấy và chỉ đạo thưởng nóng cho nhà báo viết bài này.

Nhân nói chuyện thưởng, xin nói thêm về cách cho nhuận bút của Hữu Ước. Thường là các cộng tác viên, các nhà văn, trí thức viết bài cho báo, bao giờ ông cũng cho nhuận bút cực cao. Đó là cách ông lôi kéo người tài. Cuộc gặp gỡ cộng tác viên, ông chỉ đạo mời không thiếu một ai, có khi đến hàng ngàn người, khắp toàn quốc; tổ chức ở cả hai miền. Ông quan niệm, người ta đến với mình là quý, vì thế các nhân viên phải đón tiếp trọng thị, lịch sự, để ai mất lòng là “chết” với ông… Đối với khách là vậy, còn trong cơ quan thì sao? Phóng viên viết một bài hay, ông chú ý lắm, dường như ông tính sẽ đào tạo như thế nào. Còn đối với anh em cán bộ lãnh đạo, các nhà văn trong báo viết được tác phẩm nào, ông đọc kỹ, khi cho nhuận bút, ông cười ha hả ký duyệt những con số thật cao, khác thường. Ông khuyến khích viết càng nhiều càng hay. Ông là “kẻ “phu chữ” nên quý từng chữ của đồng nghiệp và cấp dưới. Cách ứng xử ấy của ông đã tạo nên một hành lang, một môi trường trong sạch để kích thích mọi sự sáng tạo. Hữu Ước tin cậy rằng khuyến khích những sáng tạo nhỏ nhoi ấy, qua sàng lọc của thời gian, may ra mới “đậu” được một vài nhà báo giỏi… Và sự thật là dưới “lò luyện” của ông, Báo CAND và Chuyên đề ANTG nối tiếp nhau xuất hiện những cây bút luôn được bạn đọc chờ đón…!

3. Lại nói về phép đào tạo nhà báo, Hữu Ước có nhiều chiêu thuộc diện quái kiệt. Đúng là không bao giờ ông cầm tay chỉ việc, có lẽ ông nghĩ đã dạng “cầm tay…” thì khó thành tài năng nên không đầu tư “dồn vốn” vào mỏ này. Chủ yếu là ông định hướng, gợi mở, từ đó tìm tài năng để tạo bệ phóng! Trong các cuộc giao ban hay họp rút kinh nghiệm về chuyên môn, khi Hữu Ước “lên đồng”, quả thật mọi vấn đề báo chí, đề tài, góc nhìn, phương thức tác nghiệp đều sáng rõ một cách mạch lạc. Trước đây, khi Báo CAND đang ra 5 số/tuần, năm 2003 khi sát, nhập tờ An ninh thế giới vào, Tổng Biên tập Hữu Ước quyết định rút lại làm 3 số CAND/tuần. Ông bảo rút lại như thế mới đủ lực lượng thời gian làm tờ báo chuyên nghiệp. Thì ra, ông bắt đầu cải tạo tờ báo một cách toàn diện từ cơ cấu nội dung, các chuyên mục, cách viết đến tác phong, tác nghiệp của phóng viên. Thời kỳ này, dường như cứ khoảng một tháng ông tổ chức giao ban, rút kinh nghiệm toàn cơ quan một lần. Mỗi lần họp như thế, có đầy đủ cán bộ, phóng viên, bộ phận phát hành, bộ phận hành chính. Ông chỉ đạo tất cả phải xắn tay lên phục vụ cho nội dung tờ báo, hành chính phải đổi mới phục vụ phóng viên “không biến mình thành ông kễnh”. 2, 3 năm sau, khi tờ báo đã có vóc dáng ổn định, thấy đủ lực lượng để đảm đương, ông lại chỉ đạo cho xuất bản 4 số/tuần, rồi xuất bản hằng ngày. Đó là sự tính toán cực kỳ tinh khôn, không phải lúc đầu ai cũng hiểu và ủng hộ.

Ông xác định tất cả các ấn phẩm của Báo CAND và các chuyên đề An ninh thế giới, Văn nghệ Công an và sau này là Cảnh sát toàn cầu phải trung thành với tiêu chí Nhân văn, tin cậy, kịp thời”. Có thể nói, Hữu Ước là người đầu tiên và duy nhất của làng báo Việt Nam xác định phương châm – tiêu chí cho một “Tập đoàn báo chí” của mình. Trong cuộc họp, ông nắn tờ Báo CAND cần viết các vụ án không được miêu tả chi tiết tội ác, chỉ viết về bài học xã hội và nghiệp vụ tấn công tội phạm sắc sảo của lực lượng Công an; còn tờ An ninh thế giới cuối tháng phải xác định đối tượng bạn đọc chủ yếu là trí thức, các chính trị gia và bạn đọc cao cấp; tờ Văn nghệ Công an viết, xây dựng hình tượng cao đẹp về người chiến sĩ Công an bằng bút pháp văn chương, lôi kéo văn nghệ sĩ cả nước tham gia… Có lần ông rút kinh nghiệm với một phóng viên viết một bài báo quá dài mà nội dung không hấp dẫn tại cuộc họp: “Cháu về hỏi bố mẹ cháu xem có đọc bài này không? Chú tin là đến người nhà cũng không đọc. Thì làm sao bạn đọc khác tìm đến. Vừa mắt ta mới ra mắt người! Đã nhỡ đăng dài rồi nên tôi chỉ trả 100 ngàn cho phóng sự này” (ngày đó, phóng sự hay có độ dài tương đương, ông trả nhuận bút 2 triệu đồng). Người phóng viên khá nổi tiếng này nghe chỉ biết cười vì “tâm phục khẩu phục”. Chúng tôi cũng vậy, ai được nghe những chỉ đạo, tâm sự về nghề của ông, đó quả thật là một dịp may, cứ như được tiếp nhận những bài giảng trong sách giáo khoa, vừa bám sát cuộc sống, vừa cách tân lý luận, vừa có cái riêng “quái chiêu” của một người làm báo sắc sảo luôn đi tới tận cùng của sự việc… Nhà thơ Hồng Thanh Quang có lần tâm sự: “Chỉ riêng những quan niệm, cách thức chỉ đạo làm báo của anh Ước tại các buổi giao ban như thế, có thể đủ kiến thức nhiều chiều để làm một luận án tiến sĩ!”. Đó là một nhận xét tinh tế, bởi ở đó không chỉ có lý thuyết đúng mà còn cả sự nghiệp báo chí của Hữu Ước đã nở rộ và thành công, là một “hiện tượng” của làng báo trong nước và khu vực đã minh chứng cho một tài năng báo chí không thể phủ nhận!

Tôi còn nhớ ngày 3-12-2012, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Trung Quốc đến thăm, tìm hiểu về Báo CAND, khi nghe Trung tướng, nhà văn Hữu Ước giới thiệu về ấn phẩm Công an nhân dân (hằng ngày), An ninh Thế giới (tuần, cuối tháng và giữa tháng), Cảnh sát toàn cầu (tuần/tháng), Văn nghệ Công an, Báo Điện tử CAND, với lượng phát hành cả trong nước và ngoài nước, cũng như phong cách riêng của từng ấn phẩm trên nền tiêu chí chung Nhân văn – tin cậy – kịp thời”… ông Trưởng đoàn Hội Nhà báo Trung Quốc Vương Hiểu Tương đứng dậy thốt lên: “Đúng là ngoài sức tưởng tượng của tôi”.

4. Có người nói, Hữu Ước là người luôn trung thành với nguyên tắc “chiêu hiền đãi sĩ”. Có người hỏi ông kinh nghiệm về sử dụng người tài như thế nào? Ông cười vui “Tôi còn có bài học thành công hơn là sử dụng người không tài”. Ông lập luận, có người tài mà không biết sử dụng thì họa có điên. Hầu như ai cũng biết. Nhưng người không tài lúc nào cũng đông hơn. Làm sao chỉ đạo, lo cuộc sống để họ vừa phát huy được năng lực, vừa đoàn kết để đừng phá người tài thì không dễ.

Còn tôi thì nghĩ, hình như đối với ông, tìm kiếm và tự đào tạo nên người tài cho mình là một cuộc hành trình đến bây giờ vẫn chưa dừng lại…

Hồng Thái

Góc nhìn của tôi

1 comment