Kỷ niệm về người cha đi xa

 Đang học Đại học Tổng hợp năm thứ ba thì tôi nhận được tin bố tôi bị ốm nặng. Tôi vội lên tàu về ngay.

Từ Thủ đô về tới Nghệ Tĩnh quê tôi, tàu phải đi hết một ngày một đêm. Vì vậy, khi nhận được tin là tôi giục Quế, Hà đèo tôi ra ga nhanh cho kịp chuyến tàu chiều. Hai thằng bạn tôi đèo tôi, dọc đường cứ trục trà trục trặc thế nào. Cũng may lúc ra ga thì vẫn còn sớm hơn so với tàu chạy là 10 phút. Thật hú vía.

Lúc sắp lên tàu, tôi nói:

– Tao cảm thấy chuyến đi này thế nào ấy, có cái gì đấy  báo hiệu là không may.

– Chặc! – Hà đánh lưỡi một cái rồi nói – Tao cũng cảm thấy như vậy nhưng không nói ra. Bây giờ mày đã nói thế thì tao chỉ dặn thêm mày đi đường cho nó cẩn thận vào. Mấy đứa đi đều  biểu kẻ cắp cả rồi đấy.

**

Không ngờ chuyến tàu chợ hôm ấy lại đi nhanh đến như vậy. Tôi thao thức suốt đêm không ngủ, cũng chẳng ăn uống gì. Tôi chỉ ngồi im lặng hút thuốc trong một cái ghế cuối cùng của toa tàu; trời rét quá, tàu lại chạy nhanh nên lại càng rét hơn. Tôi nghĩ miên man nhiều việc. Nhưng cứ lo ngay ngáy về sức khỏe của bố tôi, không hiểu rồi mùa đông này bố tôi có đi lại nỗi như những lúc bình thường không? Từ hơn mươi năm nay, bố tôi yếu hẳn đi, công việc nặng thì không thể làm rồi, nhưng công việc nhẹ lại rất nhiều, nên suốt ngày hầu như chẳng mấy lúc  bố được ngơi tay. Mẹ tôi ngày ngày đi làm việc, thì đã có bố tôi nấu cơm, chờ sẵn, cả nhà ngồi ăn một cách ngon lành. Con lợn, con gà, những công việc lặt vặt,  bố tôi đều làm cả. Dạo tôi còn ở nhà, nhiều đêm thấy thương bố vô cùng. Cứ khoảng nửa đêm là bố tôi không ngủ được. Bố ngồi dậy khoác cái chăn lên tận đầu, miệng thở rất khó khăn… và cứ ngồi dậy đến gần sáng thì dậy đốt lửa sưởi một mình. Nhiều bữa tôi dậy tìm chăn vơ vội vài nắm rạ khô đốt lửa rồi cùng với bố ngồi sưởi luôn. Bố hơ hai bàn tay gần trên ngọn lửa, rồi xoa vào bộ ngực xẹp lép của mình hoặc áp vào đôi má cho nó đỡ lạnh. Nhiều khi khói nhiều quá, bố tôi nheo mắt lại rồi quay mặt đi nơi khác. Sưởi được một lúc, bố lại nhắc nồi cám lợn lên bếp đèn luôn cho lợn kịp ăn vào sáng mai, hoặc đun một ít nước nóng để uống. Đó là những ngày giáp hạt, chứ còn vào những ngày mùa thì bố lấy một ít gạo cho vào nồi nấu cháo, nấu cơm. Xong, gọi chúng tôi dậy ăn đi học.

Có những đêm bố tôi thức giấc, nhưng không ngồi dậy. Bố nằm khom lưng, trán tỳ vào hai lòng bàn tay, nằm tùm hum trên giường, vừa rên vừa ngủ cho đến sáng luôn. Bố tôi  bị bệnh khó thở mà. Những lúc đờm nhiều quá, rất ngạt thở, tôi phải dậy lấy một ít muối, nhóm lửa rang nóng lên rồi gói vào một cái khăn tay buộc túm lại, đưa cho bố để bố tôi áp vào ngực hay vào cổ. Cứ như vậy cho đến sáng thì thôi. Cả nhà tôi thì tôi hay nằm ngủ với bố hơn cả. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cái ốm của bố. Sau này tôi lớn lên đi xa, thì em gái tôi lại làm cái việc mà tôi đã làm ngày xưa.

Bốn giờ sáng ngày hôm sau, chuyến tàu chợ đã đến ga Yên Lý. Tôi bước vội xuống tàu, nhà ga vắng tanh vắng ngắt, càng thêm lạnh hơn. Gió mùa đông bắc vẫn thôi hun hút theo đường quốc lộ chạy dài. Nhà ga chỉ có 1 ngọn đèn dầu của 1 bà cụ hàng nước. Tôi tìm đến bên ngọn đèn, uống một chén nước. Bà cụ nhìn tôi ái ngại:

–         Chú về đâu mà về vào giờ này? – Rồi cụ với ấm nước, rót cho tôi chén thứ hai, xong lại nói tiếp:

–         Đường vắng quá chú ạ. Nghỉ lại đây sáng rồi hãy về!

–         Cháu về ngay Diễn Hồng đây thôi mà cụ. Lo gì cụ, kẻ cáp nó cũng phân biệt kẻ giàu người nghèo chứ. Nếu nó có đón đường cháu, cháu sẽ cho nó nốt mấy cái bánh mỳ này rồi lại đi.

Bà cụ cười, da má nhăn nheo, trông hiên khô:

– Chú cũng khéo nói đấy, ừ ở hiền thì gặp lành chứ cứ đi đi, thế đã có quà bánh cho các cháu chưa?

Tôi nói vội không một chút ngượng ngiụ – Có rồi cụ ạ, hai đứa hai cái bánh mỳ. Lương “bố” chỉ đủ có vậy.

Tôi chào cụ hàng nước bước ra đường. Trời mùa đông, mặt trời mọc chậm. Sương giá cộng với gió thổi tê tái. Lấy khăn tay len, tôi buộc kín đầu rồi rải bước. Liệu có ai thấy, người ta sẽ nhằm tôi là một phụ nữ đây…

Lâu lắm tôi mới có 1 buổi sáng mai như thế này. Chỉ có tôi với cánh đồng bao la đã trơ gốc rạ, chỉ có gió thồi ù ù và vai tiếng chim kêu, nghe mà ái ngại. Hồi còn nhỏ, những sáng như thế này tôi thường đi đến những cánh đông xa làng bắt cá. Sức khỏe hồi bé bé như  thế đấy, chẳng có ốm đau bao giờ. Bây giờ cánh trẻ con nó khôn hơn nhiều rồi, bố mẹ chúng cũng can ngăn cái việc mà chúng tôi lam thuở trước. Tôi nhìn ra cánh đồng phía trên đường xe lửa, hơi nước và sương mờ mờ ảo ảo. Trời và đất như hòa lại thành một màn sương mù dày đặc. Xa xa có một vài ánh lửa le lói. Đó là làng tôi.

Vâng, cái làng của tôi vô cùng thân yêu! Và mỗi tuổi thơ của tôi, cánh võng đu đưa của tôi, cánh diều con của tôi… đã dần hiện ra kia rồi. Sắp bước tới làng, đã nghe tiếng gà nhà ai vỗ cánh, có tiếng gà gáy le te của những con gà mới lớn. Tôi sẽ xuống đường về làng. Làng vẫn còn im thin thít. Chỉ có tiếng chó sủa – mọi khi thì tôi cáu gắt lắm – nhưng giờ nghe lại thấy ấm cúng. Tiếng chó sửa dài theo bước chân của tôi. Ừ, chúng mày cứ sủa nữa đi, tao vẫn muốn nghe tiếng động của làng. Nhưng những lúc đôi lửa của làng vụng trộm yêu nhau, hò hẹn gặp nhau thì chúng mày đừng có la lên nhiều như thế.

Tới gần nhà, chân tôi càng bước gấp hơn. Tôi rẽ vào ngõ, nhà tôi còn đang ngủ. Hình như có ánh sáng lọt qua khe cửa, từ ngọn đèn dầu trên bàn. Con chó nhà tôi hồng hộc chạy ra, ngước nhìn tôi, đuôi ve vẩy. À, nó vẫn nhận được người nhà.

Tôi đẩy cửa và hồi hộp cất tiếng gọi:

– Bố ơi! Bao giờ đi xa về, tôi cũng gọi bố tôi trước, từ căn giường trong góc nhà, tiếng bố tôi nói đứt từng quãng:’

–         Bà ơi! Bà ơi… thằng Thái nó về rồi!. Ôi trời ơi, thằng Thái nó về kia rồi…

Tôi lặng chín người, biết là bố tôi bị ốm rất nặng, nhà đang có chuyện chẳng lành. Rất bình tĩnh, tôi bước tới bàn vặn ngọn đèn lên. Ánh sáng tỏa rộng ra, tôi bước tới giường; bố tôi vừa rên nhẹ, vừa ngồi dậy. Tôi ngồi xuống giường, nắm lấy tay bố. Bàn tay cứng và lạnh. Hình như bố tôi đã khóc:

– Sao mà về khuya thế này con. Bố nặng lắm rồi con ạ.  – Rồi bố tôi gọi:  – Bà ơi, dậy nấu cho con nó một bát gạo, nó đói lắm rồi đấy.

Tôi rút thuốc hút để trấn tĩnh. Hơi thuốc lá làm tôi thấy ấm hơn:

– Con có nghe bố bị ốm. Con xin phép về mấy hôm. Cũng chưa biết tính làm sao bố ạ.

Bố tôi thở dài kín đáo. Tôi vơ cái chăn trùm kín lưng cho bố. Bố lại ngồi như thuở xưa, cằm tỳ vào hai đầu gối, vừa thở, vừa rên nhè nhẹ. Người bố quàng thêm một cái chăn mà trông vẫy gây quá. Tôi cứ ngồi với bố như vậy, cho đến lúc mẹ tôi dọn cơm ra. Bát cơm sau mùa gặt, hạt cơm vẫn gầy khô chẳng khác gì những ngày giáp hạt.

**

Ngày hôm sau, tôi mới biết căn bệnh hiểm nghèo của bố tôi. Hôm giỗ bà ngoại, mẹ và em trai tôi sang nhà cậu cúng bà. Bố tôi mấy ngày này bị ốm nên không thể sang lễ bà được. Ở nhà bố đi ngoài và máu ra quá nhiều. Bố gượng nhẹ, tập tễnh đi vào nhà rồi ngã trên giường bất tỉnh. Lúc ấy, cậu tôi cũng vừa tới, cậu chạy sang gọi mẹ tôi về. Bỏ dở bữa cơm, mẹ tôi vội vàng chạy về nhà. Thấy bố nằm bất tỉnh trên giường, mẹ tôi la thất thanh lên:

– Ới làng ơi, ông Hồng Lạc chết mất rồi, ôi làng nước ơi!

Dân làng đổ xô đến. Nếu có chuyện gì ở nhà ai, thì bà con đều đổ xô đến cứu chữa. Hôm bố tôi lâm bệnh cũng vậy. Người đốt lửa, người chạy đường, người xoa bóp, người chạy thuốc… cứ ồn ào cả ngôi nhà bé nhỏ. Mẹ tôi cũng cuống lên, chân tay cứ tíu ta, tíu tít. Ông Trúc chạy về nhà lấy cho mẹ tôi vay được hai lọ stép-tô-mi-xin. Người ta tiêm khẩn cấp cho bố tôi. Có hơi lửa ấm áp, có người xoa bóp, bố tôi dần hồi tỉnh lại.

– Nếu không kịp và không có làng xóm thì bố tôi không thể sống đến giờ này đâu con ạ. Mẹ tôi thở dài nói với tôi như vậy. Tôi biết thế. Bố tôi đã yếu lắm, không biết chết sống lúc nào. Và hiện tại bây giờ bố hầu như không còn sức lực nữa. Tôi ngồi im, ngẫm nghĩ, chưa biết tính ra sao. Ở ngoài đường, bà con đi làm chốc chốc lại rẽ vào nhà hỏi thăm sức khỏe của bố tôi. Thấy tôi có mặt ở nhà, nhiều người cứ ngỡ tôi từ trên trời rơi xuống. Bà Tam hỏi:

–         – Cháu biết bố cháu bị ôm hay sao mà về nhanh thế!

–         Vâng! Cháu biết bà ạ.

Tôi ngồi tiếp nước, tiếp chuyện bà con hàng xóm cảm ơn bà con nhiều lắm. Làng Tây Hồng ta đã có truyền thống từ xưa, nhà nào có chuyện gì, bà con đều xúm bào, mỗi người mỗi việc, cứu sống cho được một con người. Xưa nay trong xóm đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện, chuyện thằng Tân (Sơn), chuyện thằng Biên, chuyện cháu Tuấn… nếu không có tấm lòng, không có ngọn lửa của làng, không có những viên thuốc dành dụm, một thìa đường hiếm hoi thì biết bao nhiêu người xóm tôi đã qua đời. Tôi yêu làng, quý xóm chính vì tấm lòng ấy.

Nhưng việc bố tôi thì biết tính làm sao đây? Nhà không còn một cái gì đáng giá để có thể bán đi. Vườn thuốc lào bố tôi chăm sóc đẹp vô cùng, nhưng cái lá sắp đến ngày trẩy trông rất to và xanh. Nhưng cũng chưa đến ngày có thể bán đi được. Mấy trăm sò bố mẹ tôi dành dụm từ mươi năm nay, đó là mồ hôi nước mắt của bố mẹ để lại cho con cái, lẽ nào lại bán đi. Cần tiền đưa bố tôi đi viện, tiền mua thuốc thang nhưng bắt đầu từ cái gì. Trước mắt là điện cho anh tôi về.

Mấy ngày sau, tôi quyết định đưa bố tôi vào bệnh viện. Không thể cứ để chậm trễ được. Buổi sáng, tôi nhờ 2 cậu, cậu Ninh và cậu Thông, chú Mạnh, O Hòa cùng tôi chuyển bố vào viện. Một cái đòn tre dài, lồng vào cái võng, cột một đầu vào gác ba ga của chiếc xe đạp đi trước, cột 1 đầu vào ghi đông của chiếc xe đạp đi sau. Mẹ tôi chuẩn bị mấy cái xoong, nồi, mấy cái bát đĩa, đựng vào một cái rổ ngồi sau xe đạp. Trưa ngày hôm đó, nhờ sự nhanh nhẹn của O Hòa, các cậu, chú Mạnh… bố tôi đã nhập bệnh viện huyện Diễn Châu. Lại một khó khăn tiếp theo của thủ tục nhập viên. Bác sĩ Quyển đã đòi hỏi hơi nhiều về quà cáp, khiến tôi rất vất vả. Nhưng dù sao bố tôi cũng đã vào viện. Dù việc đó nó có thối nát đến mức nào, nhưng về mặt tâm lý cũng khiến cho mọi người yên tâm.

Ngay chiều hôm tôi vay tiên ra Hà Nội chạy thuốc thang cho bố. Lại những ngày đi tàu vất vả. Tôi lên Ga Sy, lại tiếp tục đi tàu. Sau một đêm, tàu ra đến Hà Nội. Tôi chạy vào Trường Đại học Dược khoa, tìm gặp Hải. Mãi một tiếng đồng hồ sau, tôi mới gặp Hải, rồi mượn xe đạp, đi về trường Đại học Y khoa gặp anh Thịnh, nhờ anh Thịnh chạy thuốc thang. Rất không may là không gặp anh Thịnh, tôi về nhà Trường – thằng bạn học cùng lớp rất thân. Gặp Trường, tôi ghi vội lá thư nhờ Trường đem vào cho Hà và Quế. Ngày trưa hôm sau, 2 thằng đã ra nhà Trường gặp tôi ở Khâm Thiên.

Như vậy, tôi ở Hà Nội đã đến ngày thứ 2 mà chưa về được. Tôi cần phải đến Bệnh viện Lao ở Cầu Giấy lấy thêm một ít thuốc nữa. Chiều hôm đó vào lúc 2 giờ chiều, có một chuyến tàu về quê. Tôi – Quế – Hà bàn với nhau và quyết định ngay chiều hôm đó, Hà sẽ mang số thuốc đã mua được về trước cho bố tôi. Còn tôi chiều nay lấy thuốc xong sẽ lên tàu tối về sau. Hà sẽ đón!

Thế là chúng tôi phân công theo 2 hướng. Trường đèo Hà lên ga tàu. Tôiv à Quế cùng lên Bệnh viện Lao Trung ương. Công việc xong xuôi, tôi lên tàu ngay vào tối hôm đó. Trường nắm cơm cho tôi ăn, sau đi đèo tôi ra ga tàu.

Con tàu lại nặng nề chạy xuôi về phíaNam. Chiều hôm sau, tàu lại đến ga Sy. Trời đã về tối, tôi đi gấp về nhà, chứ không phải vào bệnh viện. Dọc đường gặp Dương. Dương vào ga Sy đón tôi theo ý của Hà. Tôi hỏi Dương được Dương cho biết hiện nay Hà đang ở bệnh viện. Ngẫm nghĩ một lúc tôi bảo:

– Thôi, bây giờ cháu không phải đèo chú về nữa. Cháu vào bệnh viện báo với bố chú là chú đã về, chốc nữa cùng với Hà về nhà kẻo trời tối nhanh thì Hà nó sợ. Nó hay sợ lắm.

Tôi cuốc bộ về đến nhà thì vừa tối. Minh chạy ra đón tôi ngoài ngõ, mừng quýnh lên, chắc mày hôm nay một mình ở nhà, nó buồn lắm.

–         Em đã nấu cơm chiều chưa?

–  Em mới chỉ nấu cám cho lợn. Chờ anh Hà về thì em nấu cơm luôn. Nhà sắp hết gạo rồi. Ngày mai em phải đi vay anh ạ.

Tối được một lúc thì Dương và Hà về. Cả mấy anh em, chú cháu ngồi nhìn nhau, hút. Tiếng Hà ồ ồ:

– Tao về đến Yên Lý thì trời vừa sáng. Chiều nay mãi tao mới mượn được xe vào viện. Ông cụ có vẻ đỡ lo hơn. Bà cụ khỏe, lo nhiều cho tao và mày lắm.

Tôi bảo:

– Minh vào nấu cơm đi em. Có gì ăn không? Em nấu cả phần cơm của Dương nữa. Mấy anh em ăn cho vui.

Trời tối hẳn. Lại thêm rét ngọt nữa. Ngoài vườn thuốc lào như tối sầm hơn. Ngoài đường đã ít người đi lại. Bác Chí, vợ cả của bác ruột tôi chạy sang:

– Thôi, cả mấy đứa sang chỗ bác ăn cơm. Bác đã nấu xong rồi. Đừng có nấu ở nhà nữa.

Thằng Dương nói vội:

– Cháu phải về kẻo mẹ cháu đợi . Rồi hắn chạy tót ra ngoài ngõ, mặc cho chúng tôi ríu tay gọi lại.

**

Sáng hôm sau hình như đó là ngày 10 hay 15 tháng 2-1981, tôi lăn đùng ra ốm. Có lẽ đó là kết quả của gần 10 ngày trên đường xuôi ngượcNam- Bắc đi tàu, đi xe, lo lắng nhiều việc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Thế là ngay sáng ra, cơn sốt ập đến. Đối với tôi cái bệnh sốt lúc ấy cũng sốt dữ lắm, lại thấm mệt nữa, tôi nằm rên nhẹ và không sao ngóc đầu lên được. Trong đầu tôi cứ ong ong như sắp vỡ hết ngay bây giờ. Rồi nếp nghĩ cũng chập chờn, con người cũng nhòe đi. Tôi kéo chăn đắp kín đầu. Nhưng không được, phải dậy. Không được ốm! Hình như đó là  ý nghĩ cuối cùng của tôi chống lại sự mê man. Thằng Hà thì lúc đầu bình tĩnh sau hẳn lại lo, rồi cuống lên. Đã nhiều lần ở Vinh và nhiều lần ở Hà Nội, Hà thường đi kiếm lá sả cho tôi mỗi khi tôi bị sốt. Mà Hà cũng chỉ làm được việc đó để giúp bạn bè. Ngoài lòng nhiệt tình, thương bạn hết mình, hắn không có cái gì khác. Ở làng quê này, Hà cũng đi kiếm lá sả cho tôi. Hắn đi vòng quanh xóm, xông thẳng vào nhà không chút ngượng ngùng, hỏi mọi người bằng chất giọng Thanh Chương nghe thương thương tội tội:

– Bác ạ, nhà bác có lá sả không, cho cháu một ít về xông cho thằng Thái. Hoặc là:

– Thằng Thái nó bị sốt dữ lắm, nhà O cứ viên thuốc gì không cháu xin mấy viên.

Hà khiêm tốn, ăn nói dễ nghe nên làng tôi nhiều người biết Hà là bạn tôi và cũng tin Hà. Ít người biết tên Hà, chỉ biết đó là bạn thân của tôi, thế cũng đủ tin rồi. Hà cũng nắm được tâm lý của của bà con làng xóm của tôi là rất mến tôi, cũng có người kính nể tôi, nên Hà sử dụng tên tôi ngay đầu mỗi câu xin, câu chào. Quanh xóm được một lúc, Hà gặp bà Kim – bà mẹ của Loan (sau này 3 chúng tôi quen nhau; bấy giờ Loan đã đi học Cao đẳng Sư phạm của tỉnh). Bà Kim bảo:

– Chú sang nhà bà Tam ấy. Ngay đầu giếng có một bụi lá sả rất to. Mà chú Thái ốm thế nào? Chú nấu lên rồi xông ngay đi nhé.

– Vâng ạ – Hà nhanh nhẩu – Thái nó bị sốt cao bác ạ.

Thế rồi Hà cũng với em Minh ôm về một nắm lá sả to. Hai anh em kỳ cục nhóm lửa, lấy nồi đun to lên. Tôi hồi tỉnh và giục Minh đi học. Nó cứ ngần ngại, hết đi ra, đi vào, mãi sau Hà giục:

– Em cứ đi học đi. Ở nhà đã có anh rồi, em đừng lo.

Rồi im lặng. Tôi nằm trùm chăn, nghĩ thương Hà và Minh quá. Nước mắt cứ ứa ra, tôi nghĩ là mình phải tỉnh. Đang nghĩ như vậy, tôi nghe văng vẳng tiếng Hà:

–         Cháu chào bác ạ.

– Vâng! Chào chú. Chú Thái ốm như thế nào chú – Tôi nghe biết là tiếng của ông Miên, bố đẻ của chị dâu tôi. Hà nói câu gì đấy tôi nghe không rõ. Rồi ông Miên lại gần giường tôi. Tôi hơi mệt, nhưng cũng kéo chăn ngồi dậy, đáp lễ.

– Cháu bị mệt quá ông ạ. Ông ngồi xơi nước, Hà ơi, lấy ấm nước Hà nhé.

Hà lấy ấm rốt nước mời khách. Ông Miên từ giường tôi, đưa tay đón chén nước của Hà trao.

– Chú Thái nằm nghỉ đi. Nghe mẹ cháu bảo chú bị sốt cao. Có mấy viên thuốc đây mang xuống cho chú.

Đến lần Hà đưa hai tay đón mấy viên thuốc do ông Miên trao cho. Hà xem thuốc rồi bảo: Thuốc này uống tốt lắm ông ạ. Cháu cảm ơn ông.

– Chú Hà hôm qua vào viện, bệnh của ông nhà ta ra sao rồi?

– Cũng đỡ lo hơn ông ạ. Bác nhà đang sắp mổ, cháu chỉ lo sức khỏe của bác không đủ sức chịu đựng. Cháu định vào, nhưng Thái bị ốm, nên chưa đi được.

Ông Miên:

– Chú có vào thông cảm với ông nhà ta, tôi bận quá chưa vào viện thăm ông. Chú Thái ra Hà Nội có mua thuốc cho ông không chú?

Tôi nói nhỏ:

– Dạ, được ông ạ – Rồi tôi thấy trong người mệt nhoài, như muốn chao đảo. Vừa lúc đó, ông Lộc – người chú của bố tôi vào, tôi chào hai ông rồi xin phép nghỉ. Chưa kịp nằm, tôi đã ngã ra giường, nhưng không biểu hiện ra ngoài cho khách biết.

Khách ra về lúc nào tôi không biết. Hà lay mãi tôi mới dậy. Tôi ngồi dậy, người như khô đờ từ lúc nào! Hà bê nồi nước lá sả lên giường, rồi hé mở vung, tôi trùm chăn kín nồi và kín mình. Nóng, nóng quá. Tôi thấy ngột ngạt cựa quậy. Hà khuyên:

–         Cố chịu, cứ mở vung ra từ từ thôi. Thấy dễ chịu không!

–         Được! – Tôi gắng cho Hà yên tâm.

Đang xông và khó chịu trong chăn thì lại nghe tiếng của O Hòa (con ông Lộc) gọi ngay từ ngoài ngõ.

–         Thái thế nào rồi cháu?

Tiếng O Hòa gần dần bên tôi:

–         Nghe cháu ốm mà O lo quá. Đây thuốc đây Hà cầm lấy cháu!

Tôi không trả lời, thầm cảm ơn O. Rồi hinh như như O đi thì phải. Tôi thấy người khỏe hơn. Sau khi xông, tôi uống liền mấy liều thuốc, không ngờ thuốc nhanh đến vậy, dần dần mắt tôi nhìn rõ Hà hơn. Rồi hai đứa lại ngồi uống nước, bàn tính chuyện chiều nay vào viện ở lại chăm sóc bố tôi để mẹ về chăm sóc nhà cửa.

**

Một sức mạnh đến với chúng tôi: Anh tôi đã về. Người anh trai chậm chạp, nhưng những kinh nghiệm của cuộc sống người lính. Những suy nghĩ của 1 người cao tuổi đã đem đến cho tôi một sự yên tâm tin tưởng. Anh vừa về, hồng hộc chạy vào nhà thấy nhà cửa vắng tanh, anh đã hiểu ra tất cả.

–         Nấu cho anh bát cơm, đói quá rồi.

Hà vào đong gạo nấu cơm. Tiếng ống bơ cứ cạo vào đáy thùng, phát ra những âm thanh não ruột. Tôi kể cho anh tôi nghe diễn biến tình trạng bệnh tật mấy ngày qua của bố tôi. Anh tôi ngồi trầm ngâm, mệt mỏi, chốc chốc lại liếm môi như cố giấu đi một mối lo, một nỗi buồn sâu xa. Có lẽ tôi là người hiểu anh tôi hơn cả. Sau này xa anh khá lâu tôi vẫn giữ được tình cảm kinh nghiệm người anh trai gian khổ của mình. Nhất là sau ngày bố tôi mất đi, anh là trụ cột của gia đình. Điều đó là lẽ tất yếu của những người anh trai cả, nhưng anh tôi là một người chịu khá nhiều đau khổ. Năm tôi học ở đại học, buồn vì cảnh gia đình, buồn vì người cha không còn nữa, anh tôi ghi thư tâm sự với tôi rằng: “Sau này khi em đã có gia đình, mẹ đã có nhà thì có thể anh sẽ đi, đi đâu, các em đừng có tìm anh nữa”. Tôi biết anh muốn đưa gia đình anh vàoNamsống trên vùng đất cao nguyên nào đó cho gần em Liên. Tôi hình dung rằng, khi viết những dòng thư ấy cho tôi, anh đã viết trong nước mắt.

Cả tôi, anh Hồng và Hà đi vào bệnh viện. Sau những ngày rét, trời bắt đầu hoe hoe lên vai giọt nắng như những ánh sáng cuối cùng của buổi chiều hôm.

Bữa sáng, ở Ngã ba Diễn Châu, người đi lại đông nhộn nhịp. Ba anh em tôi hòa lẫn vào dòng người hối hả. Nhìn những gương mặt người, tôi đọc được bao ý nghĩ, lo âu của những con người đang đi kia. Họ nghĩ gì ngoài việc đón một tháng 3 đói nghèo như thế này? Họ nghĩ gì khi trước mắt, sau lưng họ chồng chất biết bao nỗi gian truân. Tôi nghĩ về nhà tôi, về hoàn cảnh hiện thời, lòng không khỏi nhói đau!

Hà ngồi sau xe tôi, chốc chốc lại ề à lên một vài câu hỏi. Hà hôm nay cũng ít nói trước sự im lặng của tôi. Vốn hay đùa tếu, thế mà nay tôi cứ im lặng, gò lưng đạp trên con đượng lặng gió, Hà biết tâm trạng tôi nên hắn cũng im lặng thôi! Thương nó phải gánh chịu với tôi những vất vả, lo toan, nhưng tôi không hề nói. Hà hiểu tôi, có khi nó hiểu tôi hơn cả tôi hiểu về mình nữa. Hà cũng biết tính tôi, khi chất chứa nhiều nguồn tình cảm thì tôi thường không nói.

Xuống xe vào bệnh viện, tôi đi đầu dẫn anh tôi đi ngoắt nghéo theo những lối mòn. Bệnh viện im lìm trong buổi sáng, nhưng ai có hiểu rằng, sau cái tĩnh mịch kia, lại còn im lìm hơn nữa. Bao nhiêu sự đau khổ đang chờ đón mỗi con người đang trú ngụ trong những căn nhà kia. Mẹ, con, anh em, vợ chồng… biết bao người đang dành giật lại quyền sống từ những hy vọng mỏng manh. Sau cái vẻ hào nhoáng kia của những tường vôi trắng xóa, sau một vài khóm hoa lặng lẽ khoe sức, là những con người đốn mạt. Những bác sĩ lương y, luôn bình tĩnh, đĩnh đạc, nhưng giấu đi biết bao nỗi khát thèm. Đâu phải họ thèm tình người, họ thèm những gói quà nho nhỏ của bệnh nhân trao tay, gọi là  cảm tạ tấm lòng của người thầy thuốc.

Vừa đi, vừa suy nghĩ, tôi đâm va phải một nữ y sĩ trẻ tuổi. Tôi nghiêng mình tỏ ý xin lỗi. Cô gái nhoẻn một nụ cười khó hiểu. Nhưng đây lại là một cô gái mà tôi kính trọng duy nhất ở cái bệnh viện này. Mấy lần cô ta đến khám bệnh, tiêm thuốc cho bố tôi, hai chúng tôi đã quen nhau tự lúc nào qua một vào câu chuyện không đâu vào đâu. Hình như tên cô gái ấy là Liên hay Lan gì đó.

Bố tôi mừng lắm khi ba anh em tôi vào. Dựng xe ngoài sân, anh Hồng bước vào nhà trước. Bố tôi đang nằm trên giường, ngồi dậy:

–         Hồng về bao giờ con?

T       rong khóe mắt của bố, ánh lên một chút vui mừng. Anh tôi lấy ra mấy cái bánh ngọt trao cho bố.

– Con vừa về tối qua. Nghe anh Luân đến đơn vị con bảo; con phải xin phép mãi, mấy anh mới giải quyết. Bệnh tình của bố có đỡ hơn chút nào không?

Bố ngồi dậy một chút rồi nằm xuống. Mẹ tôi bê nồi chào tự đun bếp của bệnh viện đi lên. Hà chạy ra đỡ nồi chào từ trên tay mẹ. Mẹ đon đả nói chuyện với anh em chúng tôi. Mẹ ngồi xuống, bên cạnh bố rồi bảo:

– Tối nay Thái con ở đây với bố. Mẹ phải về xem việc mạ và đồng ruộng thế nào? Không biết ở nhà cậu Ninh đã cày bừa xong hai sào ruộng cho mẹ chưa?

Mấy người bệnh cùng phòng với bố tôi bắt đầu lên tiếng nói chuyện. Mọi người nhìn tôi và anh Hồng đoán xem ai là anh, ai là em. Không khí trong phong vui lên một chút. Mẹ tôi lại cười vui vẻ hơn. Mẹ chỉ vào tôi:

– Thằng này là em đây các bác ạ. Nhưng nhiều người hay đoán nó là anh lắm đấy. Các bác nhìn xem có phải vậy không?

Tiếng một chị người Diễn Hạnh:

– Nói thế chứ, em nhìn chú ấy vẫn biết chú ấy là em đấy. Trông chú vẫn trẻ hơn anh nhiều – Rồi chị chỉ vào Hà nói tiếp – còn chú nào là thế nào?

Hà lễ phép nói tiếng Thanh Chương dễ thương:

–         Dạ cháu là bạn học của Thái đây ạ.

Mọi người cho chúng tôi nhiều lời khen, nhất là cô bác khen tình bạn của chúng tôi. Họ bảo bạn bè đánh đường từ Hà Nội vào tận đây là quý hóa lắm.

Bố tôi cũng vui lên một chút. Tôi ngồi gần bố, bố hỏi nhỏ:

–         Ở nhà em Minh thế nào con?

– Dạ nó cũng học đều bố ạ. Con phải rèn cho nó nhiều vấn đề lắm. Đối với Minh là con phải thật nghiêm mới được. Chỉ thương nó một mình côi cút.

Bố lặng đi một lúc:

– Hôm nào con cho em vào đây cho nó chơi. Ở nhà đừng có dọa nạt nó mà tội nghiệp… Rồi bố nghẹn lại không nói được. Tôi nhìn bố mà ái ngại vô cùng. Trên người bố khoác cái áo Tôn Trung Sơn của tôi đã bạc màu. Ngoài trời vẫn rét ngọt. Người bố vẫn gầy, da mặt hốc hác đi quá nhiều.

Ngoài cửa có tiếng hỏi của một cô y tá:

–         Phòng này có bệnh nhân nào tên là Nguyễn Hồng Lạc không?

Trong phòng im lặng hẳn. Tôi chạy ra đỡ lời:

–         Có đây cô ạ. Ông cụ tôi nằm giường này.

Tiếng cô y tá nói nhỏ:

– Anh chuẩn bị cho cụ lên nhà mổ nhé.

Rồi cô ấy đi ngay. Tôi quay vào trao đổi với cả nhà. Mẹ tôi hơi lo lắng. Riêng Hà thì mặt có biến sắc đi. Chỉ có tôi và bố, anh Hồng bình tĩnh hơn cả. Bố tôi nói với cả mấy mẹ con:

– Phải mổ thôi con ạ. để thế này khó chịu lắm. Chết sống gì cũng một lượt thôi.

Sau khi chúng tôi cho bố ăn cháo thì trời cũng đã về chiều. Mẹ tôi nấu cơm từ lúc nào, dọn ra cho mấy anh em cùng ăn. Bữa cơm tại bệnh viện ăn rất ngon miệng vì không khí vui vẻ của gia đình. Dù thế nào đi nữa, khi đủ mặt người thân, bao giờ người ta cũng thấy ấm áp hơn, như có thêm một sức mạnh mới, vừa ăn, mấy anh em chúng tôi vừa bàn kế hoạch ngày mai đưa bố tôi lên bàn mổ.

Tôi cùng anh Hồng lên phòng bác sĩ Quyển. Phòng riêng của bác sĩ ở ngay chính giữa bệnh viện. Một căn phòng nhỏ nằm giữa của dãy nhà một tầng. Trong phong bày biện đơn giản, chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà không phải là người chuộng hình thức. Bác sĩ Quyển chào hỏi chúng tôi rồi đi đun nước.

Tôi rút bao thuốc Sông Cầu mời bác sĩ. Hơi thuốc làm cả ba chúng tôi nói chuyện thoải mái hơn. Qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi, tôi biết bác sĩ Quyển là người Đô Lương. Anh tốt nghiệp Đại học Y khoa cách đây 10 năm và bây giờ là Trưởng khoa Mổ của bệnh viện này. Người anh to béo, da mặt căng trắng, mũm mĩm như trẻ con. Tôi nghe đồn rằng anh ta là người ăn của đút quá nhiều trong bệnh viện.

Theo như bác sĩ nói thì bệnh của bố tôi không nặng lắm. Muốn khỏi bây giờ chỉ cần giải phẫu, cắt phần cuối của hậu môn, sau đó khâu lại. Thế là khỏi. Nghe thì đơn giản thế đấy. Cũng không biết là anh ta có ý động viên chúng tôi hay thực tình bệnh bố tôi chỉ có thế. Tôi đang phân vân, thì bác sĩ bảo:

– Các anh cứ yên tâm. Ngày mai tôi sẽ giải phẫu cho ông cụ.

Rồi anh hỏi tiếp:

-Anh hiện đang học y khoa phải không? Tôi định gật đầu, nhưng lại thôi.

Trời tối hẳn. Phòng bác sĩ lại không thắp đèn. Tôi và anh Hồng biếu bác sĩ một nải chuối rồi cáo lui. Tôi đi ra có ý để bao thuốc lại thì anh Quyển cầm lấy bao thuốc đưa cho tôi, tỏ ý thông cảm:

          – Cầm lấy mà hút. Tôi biết cảnh sinh viên nghèo lắm mà.

Anh ta bắt tay chúng tôi rồi quay lại phòng, Trong bóng tối mà trông anh ta vẫn to béo. Sau này tôi vào Bộ Nội vụ, trong một dịp về quê, nghe dân làng tôi bảo rằng, mới đây bác sĩ Quyẻn bị một trận đòn đau lắm. Cũng do sự mâu thuẫn trong nội bộ bệnh viện. Một người lãnh đạo viện – tính liêm khiết đã dạy cho bác sĩ Quyển một bài học về nhân cách làm người. Dịp về Tết năm 1984, tôi nghe chú Long tường thuật lại mà trong bụng tức anh ách, giá như tôi mà làm đến một chức vụ nào đó, sẽ không ngần ngại mà ra lệnh bỏ tù ngay bác sĩ Quyển hoặc ít ra cũng cho anh ta về cày ruộng. Những mẩu chuyện tôi sắp kể ra đây sẽ chứng tỏ anh ta là một con người như thế nào? Phải chăng, những người nghèo họ nhìn sự việc cụ thể, chính xác hơn. Càng lên cao, con người ta hình như càng xa thực tế hơn. Hay có lẽ người ta lo nhiều việc lớn quá!

**

Sáng hôm sau, theo sự chỉ dẫn của y tá, tôi đưa bố tôi vào phòng mổ. Bố không đi nổi, tôi cõng bố đi qua mấy hành lang, sau đó đến một căn phòng nho nhhỏ. Bác sĩ Quyển đón hai bố con tôi rồi dẫn vào căn phòng, ánh sáng chỉ mờ mờ, ảo ảo. Một cuộc giải phẫu bắt đầu.

Tôi ra hành lang đứng đợi. Ruột cứ nóng cồn cào. Trong đời tôi, đã 2 lần tôi ở  một tâm trạng như vậy. Quãng năm 1982, khi bác Thường – bác ruột tôi – cũng phải phẫu thuật ở Bệnh viện 103 – Quân đội ở Hà Nội, tôi cùng một tâm trạng như thế. Chỉ khác là ở Bệnh viện Quân đội, phương tiện hiện đại hơn nên tâm trạng tôi bình tĩnh hơn. Nhưng ở Bệnh viện Diễn Châu này, tôi chẳng thấy có một phương tiện gì cả. Chỉ có 2 người giải phẫu là bác sĩ Quyển và một cô y sĩ. Thú thực là tôi rất lo, liệu sức khỏe của bố tôi như thế này, có đủ sức chịu đựng một cuộc giải phẫu đơn giản đến mức dễ sợ như thế này không?

Ghé mắt vào phòng mổ, tôi thấy im lặng quá. Hoàn toàn không nghe một tiếng động nào. Các bệnh nhân và người nhà đi qua, họ nhìn tôi thông cảm. Người thì hỏi thăm, người thì chỉ nhìn và im lặng.

Đợi được một lúc thì anh Hồng tôi vào. Anh còn tỏ ra lo lắng hơn tôi nhiều. Hai anh em cứ buồn chồn, chỉ im lặng mà không trao đổi gì cả. Cả hai anh em dán mắt vào cánh cửa của căn phòng.

Bỗng một tiếng kẹt cửa. Đầu bác sĩ Quyển ló ra đảo mắt:

–         Anh Thái vào đưa ông cụ về phòng nghỉ.

Tôi thở phào, cùng anh Hồng chạy vào phòng mổ. Bố tôi ngồi dậy từ lúc nào, tỉnh táo, giơ tay đón chúng tôi. Nhìn ông cụ chẳng thấy một biểu hiện gì của sự đau đớn cả. Té ra căn phòng sáng ánh điện, tôi nhìn bố vui sướng trong lòng. Bố tôi bình tĩnh bảo:

– Cũng không đau lắm con ạ. Đưa bố về phòng nghỉ một lúc. Giờ bố thấy hơi mệt.

Đến lượt anh Hồng cõng bố về phòng nghỉ. Về đến giường, bố tôi thở dài một tiếng rồi nằm xoài ra giường, các bệnh nhân cùng phòng đến hỏi thăm rối rít.

Mấy ngày sau, sức khỏe của bố tôi có tăng lên một ít. Tôi vẫn ở lại bệnh viện cùng với bố để mẹ tôi ở nhà có thời gian lo việc đồng áng. Anh Hồng chạy đi chạy lại lo việc cơm gạo, áo tiền. Bố tôi có khỏe hơn, nhưng cụ vẫn không ăn được nhiều. Sự tiêu hóa có khó khăn. Người ta giải phẫu cắt đứt phần cuối khúc ruột ở hậu môn, rồi thắt lại nên việc đi ngoài phải ngừng lại một thời gian.

Sau 3 ngày bố tôi mổ, Hà đèo mẹ tôi vào. Mấy ngày nữa rồi, Hà có tranh thủ về quê thăm nhà. Người hắn cũng gây rộc đi. Sau này Hà còn kể thêm là dịp vừa rồi có gặp Tuyết Mai ở Yên Thành. Tuyết Mai đi thực tập tại một trường cấp 3 của huyện Yên Thành. Hà tìm được địa chỉ của Mai nên y đã mò lên trên ấy. Hà còn bảo, cả hai đèo nhau xuống bệnh viện thăm bố tôi, nhưng dọc đường xe bị hỏng. Tôi nghĩ có lẽ hắn nói dối để biện hộ cho bạn bè. Mai và Hà theo tôi nghĩ là rất đẹp đôi, nhưng hoàn cảnh thì trái ngược nhau quá, không thể có một gia đình như thế được. Nhiều lần tôi khuyên Hà nhưng hắn chỉ cười trừ. Sau này sự việc xảy ra đúng như lời khuyên của tôi. Tuyết Mai sau khi tốt nghiệp đại học đã lấy một anh công tác ở nước ngoài. Chúng tôi có gặp nhau đôi ba lần, nhưng nói chuyện cũng chẳng được bao nhiêu. Càng ngày bạn bè lại càng xa nhau do nhiều điều kiện. Phải chăng đấy cũng là một quy luật của cuộc sống.

Mẹ tôi ở lại chăm sóc bố. Tôi về nhà chuẩn bị ngày đi. Bố lo nhiều cho việc học tập của tôi và Hà.

Chú Bảo xuống nhà tôi thu hoạch giúp vườn thuốc lào đã đến ngày chín lá. Thịnh và Vinh – con của chú – ra đồng làm cỏ lúa, bón phân mấy sào ruộng nhà tôi thay cho mẹ. Mấy đứa làm việc, nhưng tôi nấu cơm mời ăn mà chẳng có đứa nào ăn. Chúng thương cảnh nhà tôi lắm. Sau này em Thịnh lấy chồng, nhưng tôi ở xa, cũng chẳng giúp em được cái gì.

Làng xóm qua nhà tôi hỏi thăm luôn. Được chăm sóc trong tình thương, niềm thông cảm như vậy là quý giá lắm. Gia đình chú Doãn đã vay giúp gạo cho nhà tôi ăn suốt mấy tháng rồi. Bác Chí chạy đi chạy lại như con thoi. Bạn bè tôi đến nói chuyện, giúp tôi một vài việc lặt vặt. Tôi cảm thấy vui và cảm ơn làng xóm nghèo nàn của tôi.

Chiều hôm sau, tôi đưa em Minh vào bệnh viện thăm bố. Hai anh em đèo nhau đi giữa trời giá rét. Đến gần bệnh viện thì trời đổ mưa. Cũng may cả 2 anh em đều mang nilon nên không bị ướt.

Vào viện đã hơn 10 ngày, bây giờ mới gặp em Minh, bố tôi mừng lắm. Bố hỏi han nó đủ thứ chuyện. Riêng nó thì cứ chạy lung tung trong bệnh viện, ít khi ngồi một chỗ. Tôi ngồi nói chuyện với bố, bàn bạc với bố mẹ một số việc.

Cuối tháng 2-1981, tôi chuẩn bị lên đường ra trường. Bố tôi vẫn ở trong bệnh viện điều trị vết mổ. Bệnh tình của bố đỡ dần lên.

Vào một buổi chiều, tôi cùng với chị Tuất vào viện thăm bố để lên tàu. Trời vẫn rét, tôi cùng với chị nói chuyện, dặn dò bố mấy việc. Nào là chuyện vay nợ ai bao nhiêu, nên thuốc thang, điều trị như thế nào, bố cũng căn dặn tôi nhiều điều cụ thể.

Trời rét, tối dần, tôi cùng chị Tuất đèo nhau về. Trước khi ra về, bố tôi dặn:

– Con ra trường cứ yên tâm học tập. Chỉ mấy hôm nữa là bố sẽ về thôi. Bảo với Hà là anh em, cố gắng đùm bọc lấy nhau.

Hai chị em tôi về đến nhà thì trời đã tối. Chị Tuất bảo về nhà chị ăn cơm nhưng tôi nhất quyết về nhà. Anh Hồng và Minh đang đợi tôi về ăn cơm. Ăn vội mấy bát cơm, tôi vội chia tay anh Hồng để lên ga Sy, kịp đi chuyến tàu tối ra Hà Nội. Tôi nói với anh Hồng:

– Anh ở nhà, lúc nào bố khỏe rồi đưa bố về nhà. Em phải ra đi thực tập ngay; có lẽ thực tập ở Hòa Bình anh ạ. Xong thực tập sẽ về…

Con tàu kéo một hồi còi dài rồi tiếp tục lăn bánh. Tôi nhảy lên lan can. Trời tối như mực, con tàu lao trong đêm. Gió bắc thổi lạnh tê tái. Tôi cứ đứng ngoài lan can mặc cho gió lạnh thổi ào ào vào người. Lúc tàu đi qua xã nhà, tôi dán mắt vào đêm tối nhìn lại xóm làng lần nữa. Lòng ngổn ngang trăm thứ. Nỗi buồn cứ dâng lên khóe mắt. Không ai nhìn thấy tôi khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ chạy dài trên hai gò má. Bây giờ tôi cũng không nhớ là mình đứng trên tàu như vậy bao lâu…

**

Sau một tháng đi khảo sát ngôn ngữ dân tộc Mường ở Hòa Bình, tôi lại về thăm nhà. Ngỡ là bố tôi đã khỏe nhiều lắm rồi, nhưng cụ vẫn yêu như hồi nào. Bố tôi vẫn gầy, người xanh xao, tiếng nói nghe pha lẫn hơi thở khó nhọc. Nhưng tôi đã thấy cụ đi lại bình thường. Đó là một niềm vui lớn của tôi.

Bấy giờ vào đầu tháng tư. Làng xóm chưa có lúa gạo ăn vẫn cứ gầy guộc như những năm trước. Một không khí lằng lặng, buồn buồn như bao phủ làng xóm, như một làn sương mỏng bay là là quanh xóm thôn. Người ta nếu có dùng sức mạnh cũng không phá được làn sương ấy.

Được tin tôi về, bố mẹ tôi mừng lắm. Hai cụ trông tôi nhiều, tuy rằng biết con về cũng chỉ gây khó khăn nhiều cho gia đình. Nhà tôi lúc nào cũng đã hết gạo ăn, cũng may là đã có khoai lang sớm. Ăn khoa non cứ thấy nghẹn trong cổ trong họng vẫn có vị ngòn ngọt (tôi không nhớ là mình đã sống qua bao nhiêu vụ khoai non như vậy).

Ngày còn bé, tôi thường hay lam lũ ngoài đồng, mưa nắng dãi dầu với cái đó, cái nơm bắt cá. Dạo tháng tư, tháng năm như thế này, tôi dậy rất sớm. Lúc cả nhà đang ngủ say, tôi dậy từ lúc nào. Sợ mất giấc ngủ của cả nhà, tôi đi rón rén, mò mẫm vào trong buồng, tìm đến cái chum ở góc buồng; bê rổ khoai ra thềm nhà. Tôi nhặt vội mấy củ khoai non, chẳng nhìn thấy gì cả, cũng chẳng biết củ nào sùng, củ nào hà… Bỏ mấy củ khoai vào trong cái rá dùng để đựng cá, chạy lại góc hè nhà tay xách luôn chùm đó… rồi nhanh nhẹn ra ngõ. Con chó nhà tôi chạy theo ve vẩy cái đuôi. Tôi dừng lại đá nhẹ cho nó một cái, nó giả ứ… ứ…. lên mấy tiếng rồi chạy thẳng vào nhà. Làng xóm vẫn im lặng, thiu thiu ngủ.

Sau khi lùng tìm cái mương đó thả cá, tôi bê rá lên đường xe lửa ngồi. Gió hiu hiu thổi như hôn nhẹ đồng lúa đương thì con gái, trẻ trung. Phía đông, bầu trời rạng lên một chút, tiếng chim ăn đêm kêu chít chít… chít… Lúc ấy, tôi bắt đầu cầm củ khoai đầu tiên, bóc vỏ đưa lên miệng, vừa ăn, vừa tỉm tủm cười khoan khoái trước vị ngọt pha sương, mắt sáng lên nhìn bao quát cánh đồng. Phía xa, sau cánh đồng, ánh lửa mù mờ ở làng cũng bắt đầu le lói. Một vài gia đình đã đỏ lửa nấu cám lợn. Tôi cũng ăn hết củ khoai cuối cùng và chuẩn bị đổ vát cá rạng đông…).

Bây giờ lớn rồi, đi xa về, lại ăn củ khoai mầm giáp hạt. Trong làng xóm của tôi, không biết có đứa trẻ nào thả đó như ngày xưa anh Thái của chúng đã làm không?…

Cũng không giúp cha mẹ được gì, nên tôi nảy ý định ra trường sớm. Tôi xin bố mẹ cho Hà một ít thuốc lào, bỏ vào ba lô rồi chuẩn bị ra ga tàu. Những chuyến đi đối với tôi thật nhẹ nhàng, thanh thản lạ. Tuy vậy cũng thấy buồn, thương những nóc nhà, không đủ đỏ lửa ba lần, thương bao người mặt xanh xao vì đói, bao đứa trẻ trần truồng, vừa cười vừa mếu máo trông tội quá!

Tôi chào bố mẹ, đi bộ ra ga Yên Lý. Hôm ấy mới nửa buổi, nắng đã thấy chói chang gắt gỏng. Hình như lúc tôi đi ra ngõ, bố mẹ tôi có nặng lời với nhau. Tôi buồn quá.

Chuyến đi ngược ra Hà Nội lần ấy cứ nặng trĩu. Quả là không may chút nào, tôi bị kẻ cắp lấy mất cả ba lô, hành trang nhỏ.

Bước xuống ga Thường Tín, tôi xuống với hai bàn tay trắng. Cũng lần ấy, tôi cùng với anh Thịnh đưa anh Hòa câm vào bệnh viện Tâm thần Thường Tín. Hòa là anh trai của anh Thịnh, bị điên và câm từ bé. Năm ấy anh đã 33 tuổi, lần đầu tiên bước vào nhà thương điên. Nhập viện xong, tôi và anh Thịnh quay ra ga tàu. Đi một quãng, tôi ngoảnh lại, thấy Hòa đứng dựa vào tường, hai mắt đầy nước mắt. Chao ôi, nước mắt chia tay của người điện sao mà tội. Tôi cũng không ngờ, đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mặt người câm đã sống với tôi suốt một thời thơ dại ở quê hương.

**

Tôi học năm thứ ba với những ngày đầy sóng gió như thế đó. Cứ nghĩ là bố tôi sẽ khỏe nhanh hơn, rồi bố con sẽ gặp nhau, lại nói những chuyện và thế sự, cuộc đời. Lúc tôi đang miệt mài thi cử thì ở nhà, bố tôi ngày một yếu đo. Hơn một tháng tôi chúi mũi vào những công việc học hành, chẳng đi đâu cả. Mấy lần tôi có xuống chơi nhà anh Chế, gặp anh mới từ nhà ra, tôi thấy yên tâm. Thời kỳ này tôi sống trong tâm trạng: Một bên là bài thi, một bên là sức khỏe của người cha yếu ớt. Hiểu được tâm trạng ấy của tôi, trong những lần gặp anh Chu Quang Chế, anh chẳng trao đổi với tôi chuyện nhà tôi ra sao. Như một cậu bé sống chơi với trên đảo, nhìn biển cả mà ngộp không biết đâu là bờ, tôi chỉ thẫn thờ như một cái bóng.

Tháng 7-1981, trường chúng tôi đã đến kỳ nghỉ hè. Thế là còn một tháng nữa thôi ư, sẽ bước sang năm cuối cùng của cuộc đời sinh viên. Trước lúc lên tàu về hè, tôi qua anh Chế chào tạm biệt. hai anh em nói chuyện nhiều, hầu như anh Chế muốn nói với tôi một điều gì đó mà chưa nói. Tôi cứ chờ đợi giục anh, chỉ thỉnh thoảng nhìn trộm tôi một cái khi tôi đang mơ màng nghĩ về cái gì. Trời cũng đã khuya, tự nhiên cơ quan anh mất điện. Tôi cáo từ ra về. Tiễn tôi ra khỏi cổng, anh Chế nắm chặt tay tôi, rồi với giọng nói khang khác, anh thì thầm trong bóng tối:

–         Bây giờ em thi xong rồi anh mới nói. Lần này về hè em bận nhiều việc đấy. Bố em đang ốm nặng.

Tôi lặng im, từ từ rút bàn tay ra về. Đi một quãng tôi nhìn lại, không thấy anh Chế đâu, chỉ thấy bóng đêm. Chúng tôi vội chia tay nhau. Rồi bỗng có tiếng sấm dội. Cây lá bên đường ào đi một lượt. Trời động mưa. Tôi chạy bộ trên quãng đường vắng. Nghe trong gió có tiếng ai ới “Thái… a…. i…”.

Vừa chạy, vừa thở, cơn mưa đột ngột tràn từ Hà Nội về Hà Đông đón đầu tôi. Tôi cứ chạy về phía mưa. Mưa rào, nước như chảy dài trên núi chẳng xuống. Chiếc xe ôtô phóng vội ù một cái, té nước vào người tôi, không phân biệt được tiếng mưa và tiếng xe. Vẫn cứ mưa. Đường phố vắng. Bầu trời tối mờ mờ, ảo ảo. Lúc chạy về đến cổng trường thì trường cùng lúc mất điện, tôi đứng lại dưới gốc cây to một lúc. Chẳng biết sao tôi bật lên một tiếng khóc khô khốc.

**

Bố tôi hết sức vui vì biết tin tôi về hè cùng với Quế. Như vậy là bố cũng biết tôi đã học xong năm thứ ba của một trường đại học. Từ lâu cụ áo ước chờ mong cái ngày tôi ra trường, vì thế cụ luôn đặt niềm tin và tình thương vào đứa con thứ hiếu học này. Có phải bố nghĩ tôi là niềm tự hào của bố, là một con số chứng minh một cách suy nghĩ, chứng minh một hướng đi của bố. Có lần tôi nghe bố nói với mọi người, đời tôi kính trong nhất hai con người: Người thầy học và người thầy thuốc. Và sự thực, suốt cuộc đời cụ đã thực hiện đúng lời nói ấy. Nhưng bố có biết không? Câu nói ấy của bố nói lúc thuở con còn bé bỏng) lúc con còn là 1 cậu bé học lớp 4, lon ton cắp sách đi thi học sinh giỏi. Ngày ấy thầy giáo Nghiêm làng tôi đã dạy con, thầy đã hướng cho con đi theo một con đường mà bố rất ủng hộ. Con còn nhớ vào một sáng ngày nào của tháng 11 hay tháng 12 giờ đó, bố cùng với thầy giáo đèo con đi thi. Con ngồi sau xe của bố, quàng thêm một nilon xanh đã sách vì đúng ngày hôm ấy con bị sốt đột ngột. Con phải cố gắng đi thi và con biết thầy giáo Nghiêm rất hy vọng ở con. Thầy giáo, bố và mấy anh học trò nghèo trọ trong một căn nhà ở xã Diễn Yên. Bố luôn bên cạnh con, chăm sóc cơm cháo cho con chóng khỏe để thi. Thế rồi đến ngày thi, con vẫn còn ốm nặng. Đi thi mà cầm bút viết không được. Lần ấy con không được giải. Chỉ có các bạn con được giải. Sau này khi nói chuyện với mọi người cùng thôn, bố cứ nhắc đi nhắc lại: Đời bố chỉ tôn trọng người thầy giáo và thầy thuốc. Thế còn đến hôm nay, lúc đứa con của bố đã gần tốt nghiệp một trường đại học về nhà, gặp lại người cha ốm yếu, hai chân tay khẳng khiu, đi lại phải có người dìu đỡ… thì liệu bố có còn tôn trọng, còn kính trọng những người thầy thuốc đã đày đọa thân bố như thế này không?.

Mãi suy nghĩ, tôi không nghe hết câu chuyện giữa bố và Quế – bạn học của tôi. Lúc tôi quay lại, nghe bố tôi nói với Quế và cũng như nói với tôi:

– Tui thì chỉ mong sống đến ngày thằng Thái nó ra trường thôi. Giờ thì khi khó sống nổi – Rồi bố cười nhỏ, cái cười vui vui thật sự. Quế im lặng. Tôi cũng im lặng không biết trả lời bố thế nào.

Em gái  của tôi cũng từ Gia Lai, Kon Tum về phép. Chính em gái tôi đã gửi cho tôi 30 đồng bạc để tôi có tiền về hè. Ít tuổi hơn tôi nhưng em gái tôi đã đi làm trước tôi. Lúc tôi đang học lớp 10 ở Vinh thì cũng là lúc em gái tôi vào Vinh chia tay tôi để vào miềnNamăn học. Chưa lớn khôn, hai anh em tôi chia tay một cách nhẹ nhõm để rồi sau này khi vào theo người chị họ vào một cái tỉnh Tây Nguyên công tác, lá thư nào gửi về nhà em gái tôi cũng khóc vì nhớ nhà. Có lần chính bố tôi không chịu nổi với tấm lòng thương con, cụ định gửi thư cho người chị họ xin cho em tôi được trở lại nhà. Nhưng ngày qua, tháng lại, em tôi với cái tuổi mười bảy đã suy nghĩ rồi quyết định ở luôn trong đó công tác. Lúc này về phép em tôi gầy quá, em nhìn tôi như muốn khóc vì thương bố và thương tôi.

Bố tôi cố gắng làm vui lòng các con bằng cách gắng tập tễnh đi lại, nhưng được mấy ngày bố tôi không đi nổi nữa, tôi và em gái phải cõng bố mỗi khi bố cần đi đại tiện, tiểu tiện. Thế rồi, càng ngày bố tôi càng ít ăn, cứ liệt dần và nằm một chỗ không thể đi lại được. Cuối cùng bố tôi nói:

– Các con nên đưa bố vào trong buồng, ở ngoài này khách khứa đến thăm, chơi người ta khó chịu. Trời, đến lúc ấy bố tôi vẫn còn nghĩ ngợi về bạn bè của chúng tôi. Bố không muốn người làng khó chịu về căn bệnh hiểm nghèo của bố.

Nể lòng bố, tôi cùng em gái kê cho bố một cái giường con trong gian buồng hẹp. Bố nằm một chỗ, cơm cháo em gái tôi tiếp cả ngày. Lúc nào bố đi ngoài, đi tiểu tiện thì em tôi lấy một cái thúng đựng vào đấy một ít tro cho bố đi, sau đó mang đổ đi. Dù cố giữ sạch mấy đi nữa, trong căn buồng của bố nằm mùi hôi vẫn bay ra nhà ngoài. Nhiều khi khách đến chơi cũng ngại. Những lúc khách đến thăm bố tôi, tôi tiếp ở nhà ngoài, tinh tế theo dõi thái độ của mỗi người khách. Ai là người thông cảm, ai là bạn chân chính của tôi, ai là người ghét bỏ… tôi đều lưu giữ trong đầu. Hồi đó, tôi cũng đã thanh lọc được khối bạn bè.

Có một lần anh Năm đến thăm nhà tôi. Trước hét anh chạy vào trong buồng, hỏi thăm sức khỏe bố tôi, anh nói chuyện nhiều với bố. Tôi không dám lại gần mà cứ để anh và bố nói chuyện. Tôi nghe bố tôi nói ngắt quãng:

-Anh lớn khôn hơn em, gắng bày nhủ, giúp đỡ cho em nó lớn khôn hơn anh ạ. Dù tôi có khuất núi, tôi cũng yê lòng về các con và các anh.

-Ông đừng lo ông ạ, cháu với Thái đây vừa là chỗ anh em, vừa chỗ bạn bè, anh em cháu sẽ giúp nhau học hành, công tác. Ông cứ nằm nghỉ cho khỏe, đừng lo nghĩ nhiều.

Lúc anh Năm ra về, bố tôi gọi tôi vào, bố bảo: “Nếu tất cả bạn bè của con đều được như anh Năm thì bố vui sướng biết mấy”. Ngừng một lát bố nói tiếp.

– Bố thấy bạn bè của con cũng có những đứa không tốt đâu. Ví như chúng cứ đến chơi với con, lẽ ra phải vào thăm bố trước đã, sau đó mới nói chuyện với con, thế mới là người phải đạo. Đằng này, chúng nó đến đứng ở ngoài, vọng vào hỏi bố mấy câu, rồi đi thẳng. Những đứa như thế, còn phải cảnh giác về sau này. Đấy như con thấy đấy, người có học như anh Năm chẳng hạn thật hiếm người.

Có tôi và em gái ở nhà, mẹ tôi tranh thủ chạy gạo. Có những lần mẹ đi 3 – 4 ngày mới về, hôm nào được gánh nặng, dù vất vả nhưng mẹ rất vui. Có mẹ, nhà tôi thêm đồng ra, đồng vào, bố tôi thêm được đồng quà, tấm bánh. Bố tôi rất thương cảnh đời vất vả của mẹ, nhưng cũng không thể làm khác được.

Tôi và em gái thay nhau chăm sóc bố tôi. Những đêm khuya, nghe bố gọi là em gái hoặc tôi dậy ngay. Mỗi ngày bố chỉ húp được một vài thừa cháo; nhưng cứ 1 – 2 tiếng đồng hồ là đi đại tiểu tiện và tiểu tiện. Tôi và em gái cứ phải ngủ trong trạng thái chập chờn. Có một lần, giữa đêm khuya, tôi dậy nghe tiếng bố ứ ớ trong buồng…

– Bố định tự ngồi dậy đi đại tiện, để cho tôi và em gái được ngủ ngon giấc, nhưng ngã một cái đau quá. Thương con quá… nhưng – Rồi bố nghẹn lại nói không thành lời. Tôi đỡ bố từ từ nằm xuống, duỗi hai chân cho bố thẳng ra; bố bất ngờ kêu đau. Đợi cho bố nhè nhè rên, thiêm thiếp ngủ, tôi mới rón rén vào giường mình, nằm như vậy cho tới sáng. Giường bên, em gái tôi thở dài lên một hơi.

Em Liên tôi dã quá phép mấy ngày. Cũng đã đến lúc em gái tôi quay vào Gia Lai. Hình như em tôi cứ ngần ngừ;

-Anh ạ, giữa lúc bố ốm đau thế này, em đi không nổi. Làng xóm có nghĩ gì không anh?

– Phận bố là như vậy em ạ, anh em ta không thể cứu sống được bố. Thôi thì em cứ đi, ở nhà đã có các anh lo liệu. Việc của em còn lâu dài lắm.

Nghe tôi nói, em tôi bưng mặt khóc:

– Không… không… em …. Em không thể đi được anh ơi. Thế là em không được gặp bố lần thứ 2 nữa hả anh.

Tôi …… em gái. Hình như trong nhà, bố tôi có nghe được câu chuyện giữa 2 anh em tôi.

Mấy ngày sau, bố tôi gọi tôi vào:

-Nhiệm vụ của cô bây giờ là phải đông viên cho em nó trả phép. Biết bố sống chết bao giờ mà đợi. Con cố gắng nói lời phải với em gái, con ạ.

Bố gọi em Liên tôi:

– Con cứ đi đi. Đừng vì thương bố mà hỏng cả sự nghiệp con ạ… Phận bố…

Bố nghẹn không nói tiếp được, xoay mặt vào tường. Em gái tôi đứng khóc, nước mắt chảy ròng.

Thế rồi, cái buổi sáng ảm đạm ấy đã đến, ngày em gái tôi vàoNam. Cả nhà tôi có mặt đông đủ, mâm cơm được dọn ra, không ai buồn cầm bát đũa. Em gái tôi bưng 1 bát cháo lỏng vào buồng:

–         Bố gắng… ăn… ăn bát này.

Bố tôi xoay người ngồi dậy, mồ hôi vã ra. Bố nén đau không rên lên một tiếng nào, nét mặt bố đanh lại; nhấm nháp từng ngụm cháo một. Tôi biết lòng bố tôi nóng như lửa đốt.

Tôi nói mãi, em gái tôi mới ăn được một bát cơm. Tôi cùng chú Xuân cột Vali vào sau xe, chuẩn bị đưa em tôi lên ga. Làng xóm đến khá đông, chứng giám cảnh bố con tôi chia tay nhau. Bố vẫn nằm im lặng trong buồng. Chao ôi, phút im lặng đến sâu lắng làm sao.

Bóng nắng sớm mai chói chang, dọi vào nhà, vào sân. Hai cái xe đạp đã dừng bên thềm. Mẹ tôi không dám nói lời nào với em gái, cứ rửa mãi một cái bát ngoài giếng. Em tôi hết đứng lại ngồi, lấy khăn lau mặt, vắt lên giây phơi rồi lại cầm lấy. Nó đứng lau mặt mãi. Bà con, hàng xóm ái ngại. Mấy người giục tôi:

–         Thôi, chú Xuân với Thái chuẩn bị đi đi con. Tàu nó cũng sắp vào rồi đấy.

Em gái tôi không nói được. Tôi đi vào buồng bố nói thay em:

– Thôi thế là con đưa em đi đây bố ạ. Em nó đã hết lòng, tận tâm chăm sóc bố rồi, giờ con cho em nó vào cơ quan. Bố ở nhà đã có chúng con. Xin phép bố cho em nó đi ạ.

Không ngờ tôi nói rõ ràng lưu loát đến vậy. Bố tôi nằm yên, nói nhỏ:

–         Ừ, con đi đi…

Liên từ từ đi vào buồng. Em nhìn bố lần cuối cùng, nước mắt chảy dài:

–         Bố ơi, con đi… đi đây…

Vẫn câu nói ngắn của bố:

–         Ừ, con đi đi.

Bà con theo chúng tôi ra ngõ. Chú Xuân đi xe trước, đèo vali hành lý của em Liên. Tôi đi xe sau đèo em. Xe đi ra khỏi ngõ, mẹ tôi, bác Chí, bác Vạn, mấy người nữa, nhìn theo chúng tôi. Ánh mắt của dân làng như cầu mong cho em gái tôi lên đường gặp nhiều may mắn.

Lên ga Sy, tàu Hà Nội chưa vào. Để em gái ngồi lại, tôi và chú Xuân đạp xe xuống cửa hàng vật liệu cầu Bùng tìm mua một cái quan tài gỗ. Lúc em gái tôi ngồi khóc hết nước mắt ở trên ga thì cũng là lúc chú Xuân và tôi bấm vào cá quan tài thử xem độ bền của từng loại gỗ. Gỗ xấu quá, không thể mua được. Tôi bàn với chú Xuân:

– Hay ta về liên hệ mua gỗ loại khác đóng hơn chú ạ. Cháu thấy loại gỗ này xấu quá.

–         Ừ thế thì tốt, nhưng cháu định tìm mua ở đâu?

-Nghe như bà Tân có mấy tấm ván đẹp lắm, ta cứ hỏi mua chịu. Sau tính dần trả nợ.

Tôi và chú đẹp xe về làng. Bao dự định kế hoạch cứ xoay trong đầu tôi… Trời nắng quá, nắng như dốc lửa xuống mặt đường. Đạp về đến nhà, bố tôi hỏi vọng ra:

–         Tàu đã vào chưa con.

–         Chưa bố ạ. Chốc nữa con lại lên xem sao.

Nghỉ được một lúc, tôi đạp xe lên ga Sy. Cứ sự tàu vào trước, tôi đạp hết tốc lực. Lên đến ga, nghe tiếng em gái tôi gọi. Tôi quay lại, thấy em đang ngồi với anh bạn người Diễn Bích. Anh cùng vào trả phép đợt này cùng với em gái tôi. Lúc này trông Liên mà thương quá. Đôi mắt cứ đỏ hoe suốt, cái khăn cứ cầm nơi tay luôn lau mặt. Tôi đưa thêm cho em một ít tiền. Liên ngần ngại. Tôi nói mãi em mới cầm. Quay sang anh bạn người Diễn Bích, tôi nói:

-Tình cảnh nhà em, không nói anh cũng biết. Đợt này đi vào, nhờ anh động viên, giúp đỡ em gái tôi tý anh ạ. Một mình nó tội lắm:

-Anh Thái và gia đình cứ yên tâm. Chỗ đồng hương quen biết lâu rồi, nề hà gì anh.

Tàu đến. Tôi xách vali cho em lên tàu. Tôi căn dặn em mấy điều, Liên cứ khóc mắt sưng húp lên.

Con tàu kéo một hồi còi dài, chuyển bánh. Tôi kịp nói: Thôi em đi nhá. Liên chỉ gật đầu không nói được. Tôi nhảy xuống đất, nhìn theo con tàu nhả khói đục, mang theo đứa em gái tội nghiệp của tôi, đứa em bé bỏng của tôi thuở nào. “Liên ơi, em đừng khóc nhiều, hãy can đảm lên em, dù không được gặp lại bố, nhưng em hãy mang theo hình ảnh và những suy nghĩ của bố. Ở nhà đã có các anh. Cầu mong cho em, cho con tàu của em đi đến ga cuối cùng. Đừng khóc Liên em”.

Tôi bảo em đừng khóc… nhưng nước mắt tôi lại rơi

**

Tôi quay về, lòng thương em gái vô cùng. Đó cũng là lần cuối cùng em tôi nhìn thấy bố. Sau này khi bố tôi mất được mấy ngày, từ Hà Nội về, tôi đã trực tiếp điện cho em gái tôi biết ngày mất của bố. Sau đó một năm, em tôi về phép, em đã kể lại rằng, lúc em nhận được điện của tôi, em như ngất đi trong căn phòng nho nhỏ ở thị xã Plâycu xa tít tắp ở Tây Nguyên…

Những ngày sau đó, bệnh tình của bố nặng hơn. Anh tôi lúc ở nhà, lúc ra đơn vị bộ đội ở Quỳnh Lưu, mẹ tôi hầu như chạy gạo suốt ở ngoài đường. Chiều chiều, khi đã xẩm tối mẹ tôi tất tả quàng trên vai hai cái bì xác rắn về nhà. Đặt cạch một cái ngoài thềm, việc đầu tiên là mẹ tôi chạy vào buồng xem bố thế nào. Chưa bao giờ bố mẹ nói với những lời nhẹ nhàng như lúc ấy. Có lẽ đến lúc này, khi đã cuối đời rồi bố tôi mới tập trung độ minh mẫn và sức lực còn lại để ngẫm nghĩ về những ngày bố mẹ sống với nhau. Có lẽ bố hiểu hơn ai hết cuộc đời cơ cực, lam lũ đầy hy sinh của mẹ. Mấy chục năm sống với nhau, bố tôi hầu như chỉ có …….. Gánh nặng gia đình dồn xuống đôi vai với chiếc áo nâu sờn của mẹ.

          Một buổi tối, tôi và mẹ dẫn nhau đến nhà bà Tân. Ngày xưa nhà bà Tân là nơi vui nhất của lớp trẻ con chúng tôi ở cái xóm Tây Hồng bên con sông…… nho nhỏ. Nhà bà cạnh bên sông, nơi chúng tôi thường tập trung tắm đuổi nhau ở đấy. Tắm rửa nhiều, nên lòng sống cứ bị xói lở nhiều, bờ cũng bị lở nhiều. Khúc sông ấy cứ rộng hơn, cứ sâu hơn và đáy sông cứ ngày một dẹ hơn. Bụi tre của nhà bà bên mép vườn như những cô gái luống tuổi thi nhau nhau xỏa tóc xuống lòng sông. Bụi tre ấy nhiều người ngồi, nhiều trẻ con leo trèo… nên cứ cằn cỗi không thể lớn thêm được. Hầu như bốn mùa, bụi trẻ cứ ngả một màu vàng từ gốc tới lá. Bây giờ nhà bà chuyển xuống, cùng cạnh nhà tôi không xa lắm.

Con chó nhà bà sủa lên mấy tiếng. Chị Hà con dâu bà ra đuổi chó. Chị mời hai mẹ con tôi vào.

Tuy đã thống nhất từ nhà rằng, lên nhà bà Tân, mẹ tôi sẽ nói chuyện mua mấy tấm ván của bà để đóng quan tài cho bố, nhưng trong câu chuyện ấy, mẹ tôi cứ vòng quanh mãi mà không dám nói ra. Bà Tân và chị Hà cũng ái ngại, cứ chờ xem mẹ tôi hở câu chuyện gì ra, nhưng cũng không thấy. Cuối cùng bà Tân nói trước vậy:

– Mẹ con bay lên đây có việc chi thì cứ nói đi. Hoàn cảnh nhà bay thì tao chẳng lạ gì. Có vay tiền, vay gạo thì cứ nói, đừng có ngại…

Cả bốn người cùng im lặng. Bà Tân nói xong, tay với cơi trầu lấy một miếng bỏ vào miệng, nhai chậm rãi. Tôi có cảm giác bà không dám nhai mạnh hay sao ấy. Tôi nhìn sang mẹ tôi, qua ánh đèn dầu, mẹ tôi hình như có ánh lên một tý vui rồi khuôn mặt như tối lại lồi lõm ánh đèn cứ qua lại. Hai khoảng sáng tối cứ ẩn hiện trên nét mặt khắc khổ của mẹ. Được một lúc mẹ nói:

– Thưa bà! Cũng chẳng nói giấu gì bà, tôi và cháu lên đây để thưa với bà một chuyện. Nghe bà có mấy tấm gỗ của chú Hậu đưa ở Nghĩa Đàn về chưa làm, tui muốn lên xin bà cho trả lại mấy tấm đó để làm hậu sự cho bố cháu. Bà thương thì giúp……., tiền nong, bao nhiêu tôi xin hoàn bà sớm nhất ạ.

Mẹ tôi nói nhanh như sợ dừng lại thì không nói được tiếp nữa. Mẹ thở mạnh, tôi nín thở nghe chị Hà đỡ lời:

– Hoàn cảnh nhà chị thì em biết, nhà chả còn gì hơn. Thôi thì chị và cháu cứ lấy về mà làm, tui chỉ xin chị 220 đồng thôi, đắt rẻ gì thì ả em mình cũng bỏ quá cho nhau, cũng đừng tính toán gì.

– Bà Tân gật đầu, nhai mạnh miếng trầu rồi bỏm bẻm như gỡ bí cho cuộc nói chuyện khó khăn.

Hai mẹ con tôi im lặng ra về. Tôi hiểu cái im lặng của mẹ. Bởi lúc này cả hai mẹ con cùng đang tính là sẽ vay tiền ở đâu đây?

 

Mấy ngày sau, anh Hồng tôi về. Hai anh em lên nhà bà Tân một lần nữa, bê mấy tấm ván về. Đây là loại gỗ khá tốt tương đối dày thớ, có thế đóng làm quan tài khá lâu dài. Chúng tôi đem tạm cho gia đình bà Tâm 120 đồng trước, số tiền còn lại anh em sẽ tính trả sau. Bà Tâm và chị Hà cũng vui lòng đồng ý.

Việc tiếp sau là những người cưa xẻ, đóng quan tài luôn. May mắn là dượng Lạc đã tình nguyện giúp đỡ việc này. …… tôi gọi là dượng Lạc vì vợ của dượng và mẹ tôi là chị em con dì. Hai nhà cùng xóm với nhau từ hồi ở xóm Cung, rồi lên Tây Hồng, bây giờ lại xuống Vách Bắc này. Được cái là dượng cũng hiểu tính của tôi. Hơn nữa lại có tình cảm bà con gần gũi. Dương bảo: “Tao chỉ làm giúp các cháu thôi, không cơm nước công làm gì cả, các cháu và bố mẹ đừng có bày vẽ gì”.

 

Nói là làm, ngày hôm sau, dượng Lạc bê hòm xiểng, cưa đục xuống nhà tôi. Ban đầu dượng làm ngay trong nhà ngoài vào các buổi sáng nắng, sau đó vào các buổi chiều khi mặt trời tắt nắng, dượng lại chuyển ra ngoài sân.

Nhà tôi nằm sát bên đường, vách sau nhà kế ngay con đường đất to chạy dài từ đường quốc lộ 1 xuống các xã vùng biển như Diễn Phong, Diễn Mỹ, Diễn Hải, Diễn Kim. Trên con đường này, hầu như suốt ngày đêm người đi lại nườm nượp; người ta chuyên chở cá – muối từ vùng biển lên và lúa gạo từ trên này về. Năm 1977, nhà tôi chuyển từ trên Tây Hồng xuống, lúc làm nhà bố tôi định bịt kín bức vách ngay sát đường đi. Nhưng may mà tôi về kịp, tôi đề nghị trỏ ra hai cửa sổ trên vách. Vì thế bây giờ tôi có thể ngồi trong nhà mà vẫn quan sát đầy đủ mọi biến động ngoài đường… Bạn bè tôi đôi lúc cũng ghé qua cửa sổ để quán sát xem tôi có về nhà không.

Trước nhà tôi là một vùng đất khác, cao hơn hẳn vuông đất nhà tôi. Vuông đất ấy kéo dài vào phíaNamlàm thành một xóm khác, gọi là xóm Đạo. Dân xóm này theo đạo Thiên Chúa giáo, nhà cửa đàng hoàng, cảnh sống khá phong lưu. Nghe bảo vuông đất ấy xưa là một bức tường thành cao đến 10m, được xây bằng đất đá khá vững chãi của thời nhà Lê thế kỷ XV. Lịch sử cũng chép không rõ ràng, nhưng tôi cũng mang máng nhớ ra rằng, ngày Lê Lợi và Nguyễn Trãi rời đất Lam Sơn – Thanh Hóa kéo binh sĩ vào Nghệ An chiêu tập mộ thêm quân ở đất Châu Hoan quật khởi, chuẩn bị một cuộc tổng phản công ra Thăng Long tiêu diệt quân xâm lược nhà Minh, giải phóng Tổ quốc. Đi đến đâu, Lê Lợi cho xây thành đắp lũy. Thành Trài cạnh nhà tôi là dấu vết còn lại của ngày ấy. Thành vòng cung, chạy ôm lấy một con sông tự nhiên. Bây giờ sông bị đắp lại làm ao nuôi cá, thành cũng bị thời gian gột rửa nhiều, dần thấp xuống. Về mùa hè, gióNamthổi không tới nhà tôi được. Trước mặt là một bức thành cao như thế, gió thổi chỉ lượt qua mái tranh. Từ mép sân trước nhà ra đến chân thành chỉ độ 5 – 6m. Nhà tôi bị kẹp giữa một bên là con đường đất và trước mắt là bức tường thành chạy dài cao gần sát mái nhà. Nhiều người chê bố mẹ tôi chọn vuông đất ấy với cách làm nhà ấy là… không khoa học.

Nhà đầu đường, lại đầu xóm nên người hay qua lại chơi. Những ngày dượng Lạc kỳ cạch đóng quan tài, nhiều ông cụ thường cũng đến góp chuyện. Họ thăm bố tôi, rồi họ cùng ngồi ăn trầu, uống nước xem dượng Lạc làm.

Sáng sáng dượng Lạc dắt một cái bút chì trên vành tai đi bộ xuống nhà tôi. Tôi đã pha sẵn một ấm nước chè xanh, om trong một cái ấm tích, hai dượng cháu vừa uống nước, vừa trò chuyện một lúc rồi bắt tay vào việc. Tôi giúp dượng cưa xẻ hoặc ngồi đỡ lấy ván để lấy tựa cho dượng đục, đẽo. Bố tôi vẫn nằm trong nhà, thỉnh thoảng cũng góp chuyện với hai dượng cháu tôi ở nhà ngoài. Đến trưa, dượng nghỉ rửa tay rồi về nhà ăn cơm. Bảo mấy dượng cũng không chịu ăn cơm. Chiều, dượng lại xuống.

Dượng Lạc cũng có hoa tay. Sau một tuần, cái quan tài gỗ đã làm xong, Dượng còn vẽ vời trên hai tấm ván sau. Ý dượng Lạc muốn sơn đỏ cái hòm luôn. Tôi hỏi ý kiến bố; từ trong buồng bố tôi nói vọng ra:

– Thôi dượng ạ, nhà mình đã như thế cũng chẳng nên bày vẽ làm gì. Cũng gọi là có quan tài là được, tốt xấu gì chắc chẳng ai người ta chê đâu.

Tôi lấy giẻ lau khô quan tài một nữa. Sau đó tôi và dượng Lạc nhờ mấy người khác bê quan tài đặt trên bục đựng lúa một cách ngay ngắn.

Một việc lớn đã ổn. Bố tôi có thể yên tâm.

Đã qua ba ngày nghỉ hè. Tôi xin phép bố mẹ cho tôi được tiếp tục ra trường học tập.

**

Mồng 1-9-1981, sau khi ra trường được mấy ngày, lợi dụng thời gian chuẩn bị vào năm học mới, tôi lại lên Khoa Ngữ văn, xin gặp thầy trợ lý giáo vụ Lê Quốc Lập xin phép về nhà. Những ngày rỗi rãi ở trường, lòng tôi vẫn nóng như lửa đốt. Thầy Lập hỏi:

–         Sau mới nghỉ hè ra, bây giờ cậu lại xin về?

– Dạ, báo cáo thầy là bố em ở nhà bị ốm nặng lắm ạ. Chưa biết là cụ có thể mất vào lúc nào, em thấy lo quá.

Anh Chu Thái Thành, người cùng huyện với tôi nói xen vào:

–         Bố nó ốm sắp chết đấy thầy ạ, hôm nọ em cũng có qua đấy mà.

 

Thầy Lập đồng ý tuy vẫn còn chút băn khăn. Vì khoa tôi học dạo đó tình trạng nghỉ học của sinh viên nhiều quá, có thể gọi là bừa bãi nữa.

Ngay chiều 1-9 đó tôi lại ra ga đi tàu. Lần này tôi mạnh dạn hơn, đi hẳn chuyến tàu Thống Nhất chạy vào lúc 13h ở ga Hàng Cỏ. Tôi “búa” mấy tay kiểm soát vé Nam Bộ rằng: Tôi là tài xế ở Nha Trang, xin quá giang chút xíu về Vinh. Vốn ngôn ngữ của tôi cũng mang rõ tính chất đường sắt, nên mấy tay ấy thấy chối từ cũng khó. Họ cũng chẳng ra đồng ý mà cũng chẳng ra chối từ; biết vậy tôi cũng cứ nhảy bừa lên, đến hẳn toa cung ứng ngồi yên ổn như một nhân viên đường sắt thực thụ. Chuyến tàu Thống Nhất chạy nhanh một cách kỳ lạ. Gần 12h đêm hôm ấy, tàu đã về đến ga nhà. Lẽ ra, tàu Thống Nhất sẽ không dừng ở ga Sy, nhưng cũng may hôm ấy chẳng hiểu có một lý do nào đấy, thật may mắn cho tôi là tàu lại dừng. Nếu không, tôi lại phải mua thêm một quãng đường gần 50km nữa vào Vinh thì khổ quá. Lúc tiếng rin rít của bánh tàu vừa tắt, tôi vẫn còn ngồi mơ mơ ngủ. Có tiêng nói ồn ào, tôi giật mình thò đầu ra khỏi cửa sổ. Trời vẫn tối như mực. Nhà ga vắng lặng hẳn. Ngỡ hãy còn ga Giát, tôi vẫn yên dạ. Nhưng nghe có tiếng nói dưới đất cứ loáng thoáng là ga Sy đấy. Tôi liền bươn ngay ra khỏi cửa sổ xuống đất.

Trời hãy còn đêm, tôi không dám đi bộ về nhà mà vào hẳn trong ga ngồi đợi đến sáng. Trong ga khách hàng còn người đợi tàu Vinh. Mấy chị cùng xóm đi buôn gạo gặp tôi họ cứ ngờ ngợ. Chị Thọ – con bác ruột  tôi có kể chuyện về bố cho tôi nghe. Chị bảo tuy cụ nằm ốm liệt giường liệt chiếu nhưng được cái nói còn to. Những lúc em Minh đi chơi lâu, bố hét to lên gọi nó về, sai nó đưa cho bố miếng trầu, hớp nước. Minh hãy còn ít tuổi, nó mới chỉ học lớp 6. Nhiều đêm mẹ tôi đi kiếm gạo xa, ở nhà còn Minh nó trông bố. Nó nấu cơm, nấo cháo, trông bố và đi học. Suốt đêm nó nằm ở nhà ngoài canh chừng, còn bố nằm ở nhà trong. Tôi nghe bố nói lại rằng: Những đêm khuya khoắt trời tối mịt mù, để cho Minh đỡ hãi ma, thỉnh thoảng bố tôi phải lên tiếng cho nó yên tâm ngủ. Dù sao có tiếng của người lớn, trẻ con cũng thấy yên tâm hơn.

Đợt về lần này tôi có mua được mấy túp thuốc lá Đồ Sơn. Tết Độc lập năm ấy trẻ con vẫn vui chơi, người lớn vẫn dành dụm, lo lắng cho bọn trẻ. Tiếng trống vang lên khắp thôn, xóm, thiếu nhi quàng khăn đi đi lại lại tíu tít, xã vẫn kê lễ đài mít tinh như những năm trước. Tôi thì chẳng hơi đâu mà vui vẻ nữa.

Thấy tôi về, bố cũng mừng hơn. Tuy trời chưa sáng bố tôi vẫn gọi Minh dậy nấu cơm cho anh trai ăn. Bố hỏi:

–         Chưa học hay sao mà con về?

–         Đang chuẩn bị bố ạ, con mang về cho bố mấy cân đường.

– Đấy là số đường tôi xin góp của bạn bè. Cánh sinh viên chúng tôi hồi ấy được nhận phiếu thực phẩm loạiE. Mỗitháng như thế, mỗi đưa chúng tôi được 0,35kg đường. Hai thằng Quế và Hà cùng góp lại cho tôi đi mua. Ba phiếu cũng được hơn 1kg, tôi dành dụm mang về cho bố. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn bồi hồi xúc động về những suy nghĩ và tình thương mà bè bạn đã dành cho tôi. Ba chúng tôi vẫn thân nhau đến bây giờ, tuy số phận xô đẩy mỗi đứa chúng tôi có những  lúc đến cùng đường.

Tôi chạy đi bán mấy tút thuốc Đồ Sơn. Giá mua 20 đồng một tút, tôi sai em Minh ra chợ bán được 37 đồng. Như vậy 5 tút thuốc cũng lời được gần 200 đồng. Số tiền ấy với tôi quả là lớn rồi.

 

Theo gợi ý của bố, tôi đem số tiền trên trả tiền gỗ còn thiếu của nhà bà Tân. Mấy bố con được gần hai trăm bạc cứ mừng mừng tủi tủi.

Mẹ tôi ở xa về, người mỏi miệt lắm rồi, nhưng khi nghe tin tôi đã trả được tiến nợ cho nhà bà Tâm, mẹ vui lắm. Mẹ tôi nói với tôi mà như nói với chính mình:

– Lẽ ra cái tuổi của con, chưa đến mức phải lo như vậy, nhưng đời bố mẹ nghèo quá, làm các con cũng phải khổ.

– Vâng, con biết vậy nên con cũng phải cố gắng. Con muốn trước khi bố mất, bố phải biết được rằng, số tiền nhà ta nợ bà Tân đã được trả xong. Mẹ ạ, lúc bố nằm xuống mà chưa trả xong tiền nợ, liệu rồi bố có yên tâm mà nằm trong cái quan tài ấy hay không? Con thì con rất hiểu bố.

Từ trong buồng, bố tôi nói vọng ra:

– Con nó nói thế phải lắm đấy bà ạ. Bây giờ thì tôi đây yên tâm lắm rồi. Thôi Thái con quay ra trường đi, bố chết cũng không phải lo gì nữa đâu.

Hai ngày sau, ngày 4-9-1981, tôi lại qua ra Hà Nội.

**

Lại đến một tháng 10 dương lịch. Tôi lại xin phiếu đường của bạn bè mau thêm được 1kg đường. Tôi bọc vào một túi nilon gói rất kỹ càng, đợi lúc có ai về thì gửi cho bố…

Trưa 31-10-1981, tôi đang ngủ thì có tiếng gõ cửa.Taymở cửa ra thì…. trời ơi anh Năm. Anh vừa về nhà ra. Tôi bật dậy nhảy xuống giường kéo ghế mời anh Năm ngồi:

–         Thế nào, bố em ra sao anh?

Không trả lời tôi, anh Năm hỏi lại:

–         Phòng tổ chức khoa giờ này có làm việc không?

Linh tính báo cho tôi biết có điều chẳng lành, mặt tôi tái đi, có cái gì cứ nghèn nghẹn ở cổ:

–         Ông cụ mất rồi Thái ạ.

Tôi lặng người. Nước mắt chảy tràn từ lúc nào, tôi nấc lên, anh Năm ngồi im lặng. Vẫn tiếng anh Năm:

–         Ông cụ mất một tuần rồi, Thái xin phép về ngay đi.

Lau vội nước mắt, tôi đưa anh Năm lên Phòng Giáo vụ gặp thầy Lê Quốc Lập. Thầy bảo viết đơn xin nghỉ phép. Tôi không nói được điều gì, anh Năm phải thay mặt người nhà xin phép cho tôi.

Tôi và anh Năm lại về phòng. Tôi bình tĩnh viết đơn xin nghỉ học. Hồi ấy tôi ở riêng một phòng cùng với ba người khác, cánh con trai còn lại của lớp thì ở một phòng khác. Tôi đến phòng nam kéo anh Nguyễn Hồng Lạc  – lớp trưởng ra hành lang nói khẽ:

– Bố em mất rồi anh ạ.

Anh Lạc nghe lặng người nhìn tôi bối rối. Tôi lại khóc. Anh Lạc cầm cái đơn rồi nhắc tôi:

–         Bình tĩnh Thái ạ, dù sao cụ cũng đã mất rồi.

Ngay tối hôm ấy tôi chuẩn bị ra ga đi về. Các bạn cùng lớp đến phòng tôi lặng lẽ chia buồn. Các bạn gái, chị Lai, Phong, Quyết, Hòa, Sinh và tất cả các bạn trai đưa tiễn tôi về. Chị Lai hỏi riêng:- Thái có cần tiền nữa không? Tôi lắc đầu.

Thay mặt lớp, anh Lạc và Hà sẽ về nhà tôi cùng chia buồn với gia đình. Tôi đi chuyến tàu từ 31-10. Còn hai người sẽ đi chuyến tàu sau. Trong lúc bối rối nhất tôi vẫn còn tỉnh táo nói tình thân với anh Lạc:

– Anh và Hà có thương em thì về với gia đình em. Em mong anh đừng quyên góp tiền của lớp, anh vay tạm tiền ở đâu đấy cũng được. Quyên góp của các bạn tội lắm anh ạ.

Nghe xong, anh Lạc hiệu ý gật đầu.

Vẫn hai thằng Quế và Hà đưa tôi ra ga tàu. Tàu chưa đến giờ chạy, Quế đạp xe đến trường Dược khoa báo cho Hải biết. Một lúc sau Hải đạp xe ra gặp tôi. Hải mua một thẻ hương gửi qua tôi về chia buồn với gia đình.

Các bạn tôi ra về. Tôi vào tàu đi một mình.

5 giờ chiều hôm sau, tàu về đến ga Sy. Tôi lại đi bộ về xã nhà. Rạng tối, trời sấm giật chớp nhì nhằng chuẩn bị đổ mưa. Tôi cúi đầu lầm lũi bước thật nhanh.

Gần đến nhà, trời tối hẳn. Mưa bắt đầu rơi và mưa càng nặng hạt. Như một cơn lốc tôi lao vào nhà. Và trời ơi, tôi đứng sững lại nơi ngạch cửa không bước nổi vào nhà nữa. Trước mặt tôi là một bàn thờ hương khói nghi nút, bàn thờ bày sơ sài. Trên đó treo 2 vành rơm, không có ảnh của bố tôi. Nơi bàn, mẹ tôi vẫn ngồi im phăng phắc. Dăm ba chỗ trong nhà nước mưa giột vương vãi. Nhà cứ như vắng tanh không có chủ.

Lúc tôi bật khóc thành tiếng, mẹ tôi mới giật mình và sửng sốt nhìn ra.

–         Sao mẹ không điện cho con về?

Tôi khóc to hơn và đi lại bàn thờ. Tôi cúi mình trước vong linh của người bố quá cố. Thắp một nén hương cắm lên bàn thờ, nén hương cháy lên nham nhở, tôi không lau nước mắt cầm đèn đi vào buồng nhìn lại chỗ bố vẫn nằm suốt hai tháng trời như cố tìm lại hình bóng cuối cùng của người. Một khoanh đất lạnh tanh, vắng ngắt. Tôi lại đi ra nhà ngoài, lục túi kéo ra 1 cân đường đặt lên bàn thờ. Bấy giờ mẹ tôi mới thẫn thờ đi lại cầm lấy cân đường và kêu to:

–         Ông ơi, ông không còn sống, con nó vẫn dành quà cho ông đây.

Rồi mẹ khóc. Nhà bên, bác tôi lục tục chạy sang. Lúc này bác ruột tôi mới biết mấy mẹ con tôi vẫn chưa ăn cơm, nhà giột, nước thấm vào, khắp chỗ không còn chỗ nào khô để nấu ăn.

Đêm hôm đó, tôi ngồi bình tĩnh nghe mẹ kể về những ngày cuối cùng của bố…

Ngày 26-8 âm lịch, Bố tôi gọi mẹ vào buồng nói nhỏ:

– Bà ạ, có lẽ tôi sẽ không còn sống lâu hơn được nữa đâu. Hôm nay bà đi kiếm đâu đó một ít tiền để chuẩn bị ma chay cho tôi. Khoảng độ mồng 2-9 gì đó tôi sẽ chết. Bà đi độ 2 ngày về là vừa. Nhà chắc cũng chẳng còn nhiều tiền phải không?

Mẹ nói tiếp:

– Con ạ, mẹ lại đành cất gánh ra đi. Mẹ tin lời bố con nói. Khi ra chợ Dàn mua mấy thứ để đi xa, như có linh tính báo, mẹ cứ nghĩ đi  nghĩ lại thế nào. Nhưng rồi buộc mẹ phải đi, nhà cũng chẳng trông cậy vào đâu được nữa. Sáng hôm mẹ đi thì chiều hôm đó, anh Hồng từ Thanh Hóa về. Anh đi học một lớp sĩ quan ở Thanh Hóa, chưa đến ngày học, nóng ruột về sức khỏe của bố, anh lại xin phép về nhà mấy ngày. Như vậy ngoài em Minh ra thì còn anh Hồng và chị dâu tôi.

Sáng 28-8 âm lịch, anh Hồng tôi bé cháu Thanh con trai mới một tuổi vào nhà. Anh bảo:

–         Minh em đi học đi cho kịp, ở nhà đã có anh rồi.

–         Em không đi đâu, hôm nay em thấy bố yếu thế nào đấy anh ạ.

Bố tôi không nói gì, cụ vẫn nằm im lặng trong buồng. Anh Hồng để cháu Thanh ở gường để rảnh tay quét dọn nhà cửa. Độ 9h, tự nhiên anh thấy cháu Thanh cứ nhìn vào buồng mà khóc, dỗ mấy cháu cũng không nín. Anh Hồng bế cháu đi vào buồng thì bắt đầu luống cuống. Bố giơ hai tay lên huơ huơ vào không khí như tìm kiếm điều gì. Anh Hồng gọi:

–         Minh ơi, trông cháu cho anh một tý.

Minh chạy vào bế cháu Thanh. Anh Hồng chạy lại ôm lấy bố:

–         Bố ơi, bố thấy trong người thế nào?

Bố thều thào:

–         Con… con đưa bố ra nhà ngoài, t…. ắm rửa cho bố, ,có lẽ bố sẽ không qua khỏi.

–         Minh ơi, anh Hồng gọi  – em chạy sang gọi cậu Minh cho anh, nhanh lên.

Minh vừa bế cháu Thanh vừa chạy sang nhà cậu Ninh. Một lúc sau cậu Ninh đã chạy đến. Hai cậu cháu dưa bố ra nhà ngoài, nằm trên một cái giường cũ. Anh Hồng đem vội nước nóng tắm qua cho bố và mặc quần áo vào. Ngực bố chỉ còn thoi thóp thở. Lúc này bố không còn nói được nữa.

Lúc này anh Hồng mới nghĩ đến chuyện cần phải gọi bác Thường sang. Ông bà nội tôi chỉ còn hai anh em trai là bác và bố tôi. Suốt 4 tháng trời bố tôi nằm liệt giường liệt chiếu, bác tôi không hề bước chân sang nhà chỉ vì trước đó hai anh em có xích mích nhau. Người già, hay cố chấp, hai anh em trai tuyên bố cạch nhau không qua lại từ đó. Nhưng bây giờ, phút cuối cùng của bố tôi, phút cuối cùng của người em trai của bác, anh Hồng nghĩ là cần phải có bác bên cạnh. Nghĩa cùng là nghĩa tận.

Bác tôi sang im lặng đến bên người bố. Bác nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:

– Chú ạ, ông bà nội chỉ còn tôi và chú, thôi bây giờ chú đi trước, rồi cũng đến lần tôi sau.

Hai giọt nước mắt cuối cùng rỉ ra trên hai khóe mắt của bố. Hình như bố tôi chờ lời nói ấy đã lâu… Bố trút hơi thở cuối cùng và nhắm mắt không nói thêm lời nào. Lần cuối cùng bố lấy hết sức lực còn lại dùng tay gạt nhẹ cái vỏ chăn đang đắp trên người.

Người ra đi một cách lặng lẽ trong sự vắng lặng. Em trai tôi khóc to lên.

**

Lễ chôn chất cha tôi được tổ chức vào 2h chiều ngày 28-8. Người ta thấy đi trước quan tài cúi mình xuống là anh cả, sau đó là em trai út của tôi. Hai vòng rơm đội trên đầu nối với một dải khăn trắng buông xuống lưng. Hai anh em chống hai cái gậy đi thụt lùi trước quan tài. Tiếng khóc của đứa em trai bé bỏng khản đặc đi.

Sau phía quan tài là tiếng khóc thảm thiết của chị Chắt – chị con bác ruột tôi – người phụ nữ bất hạnh mà lúc nào cha tôi cũng dành cho tình thương cao cả. Rồi chị dâu tôi – chị Liên – người đã có một thời lỗi lầm với cha mẹ chồng và tiếng khóc của O Kim, người em họ nghèo xác xơ của bố.

Người ta thấy vắng tiếng khóc của mẹ tôi. Vì lúc ấy mẹ tôi còn đi kiếm gạo, kiếm tiền xa. Tối hôm chôn cất cha tôi, mẹ tôi mới chạy về đến nửa quãng đường. Em gái tôi ở Gia Lai – Kon Tun, còn tôi thì ở Hà Nội.

Huyệt cha tôi đào do bác Bì và anh Liễu – con trai bác lấy hướng. Huyệt đào nằm theo hướng Đông Bắc – TâyNam. Đầu cha tôi nằm gối về Lèn Hai Vai xã Diễn Minh, chân duỗi về hướng Đông Bắc của biển. Bác Bì còn vùi gần phía đầu một cái chai thủy tinh để sau này khi sang tiểu cho cha tôi thì không nhầm lẫn.

Đưa quan tài xuống huyệt, mọi người cúi mình. Những lát đất nặng nề ném xuống. Như có một ma lực, em Minh vùng dậy, xô mọi người, hét to lên, nước mắt giàn giụa, cố hết sức bới đất để mong nhìn thấy cha tôi một lần nữa. Nhìn cảnh ấy, mọi người đều rơi nước mắt. Nhưng Minh ơi, em không thể tìm thấy bố chúng ta nữa đâu. Người đã vĩnh biệt chúng ta mãi mãi.

Bố cũng không nhắn lại tôi điều gì. Vì người đã kiệt sức và đột ngột ra đi, sai lợi hẹn với mẹ. Sáng ngày 29-8, mẹ tôi về đến nhà, mẹ ngất ngay nơi thềm nhà. Hơn ba chục năm sống với nhau, vất vả, đau khổ, cuộc sống khó khăn kéo cho mẹ tôi xuống sát đất… nhưng phút ra đi cha mẹ lại không gặp được nhau…

**

Khi tôi viết xong những dòng này thì chuyện đã xảy ra đến 5 năm. Bây giờ tôi đã là một cán bộ. Nhà tôi đã sửa sang lại. Và một tin đặc biệt đau đớn là người bác ruột của tôi vừa qua đời cách đây 1 tháng. Căn bệnh cũng đày đọa bác tôi đến lúc chết. Tôi đưa bác ra Hà Nội, chữa bệnh không khỏi, lại đưa về. Anh trai tôi lại là người đứng ra lo lắng cho đám tang của bác – người Trưởng tộc của dòng họ , người con cuối cùng của ông bà nội đã qua đời…

Tôi viết những dòng cuối cùng này tại Bệnh viện 19-8, Bộ Nội vụ – nơi tôi đang nằm viện. Cuộc sống đầy chông gai đang phía trước, chờ đón tôi…

Nghệ Tĩnh – Hà Nội 1981 – 1985.

Nguyễn Hồng Thái

 

 

Bài viết

2 comments